Hôm nay ba mươi tháng Chạp năm Tân Hợi, mình lại livestream trong lúc viết bài với mong muốn có ai người ra câu hỏi hay chủ đề nào để viết cho hôm nay. Kết quả có vài người comment nhưng chỉ xoay quanh việc sao mình chưa cạo râu là chính. Công ty cấp nước làm ăn chán quá, ngày tết mà cúp nửa ngày chảy nhỏ nhỏ nửa ngày. Lúc chiều về định cạo râu mà không có nước, nên để luôn. Live một lúc thì nghe tiếng nước chảy, thế là lại đi cạo râu. Quay lại vẫn chưa biết sẽ viết gì, bèn vào “On this day” của FB xem có gợi ý nào hứng thú hơn không, thấy mấy câu chuyện hồi trước mình đăng trên page “Vui một tí” nói về buông bỏ. Nghĩ lại thì cuối năm như lúc này, buông bỏ cũng là một chủ đề hợp lí để bàn.
Có một nghịch lý là khi người ta muốn buông bỏ thứ gì đó, thì thứ đó chắc chắn còn đang ở trong tâm trí họ. Vậy nghĩ đến việc buông bỏ thứ đó là đang nhắc lại, đang khắc sâu thêm hay có thể dần khiến nó phôi phai, hay khiến bản thân mình thấu hiểu và buông?
Thường thì điều gì khổ đau, tiêu cực người ta mới mong muốn buông bỏ, quên đi, hay nói cách khác là có đau thì sẽ buông. Về đau và buông, có hai câu chuyện như sau:

Câu chuyện 1: Một cô gái đến tìm một nhà sư, cô hỏi: Thưa thầy, con muốn buông một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.

Nhà sư đưa cho cô gái 1 cốc nước và bảo cô cầm, đoạn ông liên tục rót nước sôi nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay, làm cô bị phỏng, cô buông tay làm vỡ cốc.

Lúc này nhà sư từ tốn nói: Đau rồi tự khắc sẽ buông.

Đúng là có những chuyện mình biết là sẽ tổn thương, đau khổ, nhưng vẫn cố chịu đau, chỉ khi nào đau đến một mức độ không thể chịu được thì mới buông. Đứng ở góc độ người ngoài, mình không thể hiểu thấu như nhà sư trong câu chuyện, nên thật không dám rót nước nóng vào cái cốc mà cô đang cầm, sợ làm tổn thương cô, và chẳng có cách nào giúp cô buông bỏ được. Những chuyện mà cô đang níu giữ khiến cô thấy nặng nề, khó chịu, nhưng chưa hẳn được nóng như nước sôi có thể khiến cô đau đớn và bất ngờ để buông tay lập tức, thứ mà cô đang giữ cũng quý giá hơn nhiều so với cái cốc kia, nên chuyện đợi đau mới buông là điều rất khó. Tất nhiên chiều ngược lại “Đau rồi khắc sẽ buông” cũng có đạo lý. Chỉ là mình có thể khiến một người đau đớn để cho họ buông sao? Hay là lại nói ngược lại: sở dĩ bạn đang níu kéo một niềm đau chính là vì bạn chưa đủ đau?

Câu chuyện 2: Một chàng trai đến tìm nhà sư, anh hỏi: Thưa thầy con muốn buông xuôi vài thứ nhưng con do dự quá, con mệt mỏi vô cùng.

Nhà sư đưa anh ta 1 cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong.

Chàng trai nóng quá nhưng anh vẫn không buông tay mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nguội đi rồi uống và cảm nhận thấy rất ngon. Lúc này nhà sư từ tốn nói: Cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó rồi.

Cuộc đời này cũng vậy, ngược lại với những người ở câu chuyện thứ nhất, có những chuyện vốn nên buông bỏ nhưng không cách nào buông, cũng có những chuyện khiến người ta đau đớn, nhưng vẫn đáng níu giữ.
Nhiều người có trong tay những thứ đáng quý trọng, như là tình thân, tình bạn, tình yêu, sự tin tưởng… nhưng chỉ vì một vài sự khó chịu nho nhỏ nào đó mà đã vội buông tay, hoặc đánh đổi những thứ phù phiếm khác. Trong khi nếu như họ nhận ra giá trị của những thứ đang khiến họ phiền lòng kia như chàng trai quý trọng nước trà trong tách, tìm cách xoay sở một chút, chịu đựng một chút thì có thể đã không buông nhầm những điều khiến họ phải hối tiếc về sau.
Người ta thường chỉ buông bỏ như một cách tạm lãng quên, có những chuyện “buông bỏ” năm nay rồi nhưng năm sau gặp điều tương tự hoặc là nhớ lại thì vẫn mới nguyên, thậm chí còn sâu đậm, khổ đau hơn trước.
Đa phần những nỗi khổ hay niềm vui trong đời, nếu đã từng xảy ra thì đều là chuyện đã qua, tốt nhất là nên buông bỏ. Nhưng những món nợ ân tình, tình nghĩa và tình cảm thì không giống vậy, nếu buông bỏ nhầm một thứ có giá trị thật sự cũng chính là đang giữ lại niềm hối tiếc thật lâu.

Đừng buông bỏ như cách tạm lãng quên hay như là chạy trốn.

Buông bỏ chỉ có thể thật sự xảy ra khi người ta tiếp xúc, đối diện và hiểu thấu đến tận cùng, như là nước sôi rót vào tay, thì mới có thể chọn cách ứng xử thích hợp nhất là buông tay hoặc đổi tay chờ nước nguội.
Nhìn lại những gì đã qua, hãy thật tâm tha thứ cho những lỗi lầm của chính mình, nhưng phải nhớ những tổn thương mà lỗi lầm đó gây ra cho bản thân hay cho người khác, để không tái phạm nữa.
Những gì người khác gây ra cho mình, hãy nhìn lại thật kỹ, rồi bỏ qua. Đó là những cốc nước sôi, chỉ có nóng bỏng mà không hề giá trị, không cần phải cầm trong tay để tổn thương chính mình và còn làm vỡ cái cốc nữa. Không muốn buông thì tốt nhất là đừng cầm nó lên.
Những gì người khác làm cho mình thì giống như nước trà ngon trong ly vậy, dù có chút nóng thì cũng đừng vội buông, hãy tìm cách ứng xử cho tốt sẽ có vị thơm ngọt về sau.
Một năm đã qua đi, những gì đã xảy ra cũng không thể thay đổi được, chỉ có thể nhìn lại và hiểu cho đúng, rồi tạm biệt thôi.
Mong chúng ta có thể hiểu và buông, để nhẹ nhàng bước qua năm mới, ứng xử với những điều mới tới một cách hợp lí hơn, mạnh mẽ và minh triết hơn.
Chúc mừng năm mới.
24.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo