1-2-1-2-1-2 bước đều bước. Mỗi ngày một bài, hôm nay ngày thứ 121 rồi haha. Riết thấy số nào cũng là số đẹp luôn. Hôm nay mình nói về những lí do khiến một người không thể thức tỉnh (hay đạt được trạng thái tỉnh thức thường hằng).
1. Lý do đầu tiên cũng chính là phản ứng của mình khi nghe đến từ tỉnh thức, giác ngộ, hạnh phúc hay những câu hỏi “ta là ai?” “ta đến cuộc đời này làm gì?”. Phản ứng đó chính là xa cách. Mình thấy tỉnh thức là một thứ gì đó cao xa, không liên quan gì đến mình. Chính phản ứng này là lý do khiến mình không thể tỉnh thức được. Tất nhiên cũng có ngoại lệ, có những người chưa bao giờ nghĩ về tỉnh thức nhưng lại đạt được nó, điều này cần nhiều cơ duyên khác, nhưng cơ bản là người đó không nghĩ về tỉnh thức chứ không phải là nghĩ về tỉnh thức một cách xa cách, khó chịu…
2. Anh nói về sự tỉnh thức, vậy anh đã tỉnh thức chưa? Tỉnh thức rồi thì chứng minh cho tôi thấy đi tôi mới tin. Đây chính là nguyên nhân thứ hai khiến mình không thể thức tỉnh. Khi mình bắt đầu quan tâm và muốn tìm hiểu, trải nghiệm trạng thái tỉnh thức, mình sẽ vướng phải những câu hỏi u mê đó. Đây không phải là một chương trình dạy làm giàu hay một buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tiềm năng gì đó mà người ta phải xác nhận, thuyết phục mình bằng các bằng chứng này kia. Người ta chia sẻ trải nghiệm cá nhân của họ để giúp mình hình dung và tìm thấy con đường riêng của mình. Mình không nghe thì thôi, ai rảnh đâu mà chứng minh. Người nào mà đi chứng minh cho mình rằng họ thật sự tỉnh thức, có quyền năng này nọ, thường thì họ sẽ có mục đích đằng sau, và điều đó sẽ rẽ sang con đường mê tín. Những gì người khác có thể chia sẻ chỉ là những miêu tả để “dẫn đạo” cho mình, không phải là “đạo” chân chính mà họ trải qua, vì điều đó không thể nào miêu tả bằng lời được.
3. Lúc này mình đã vượt qua được 2 bước đầu tiên. Mình muốn tìm hiểu về sự tỉnh thức và không đòi hỏi ai phải chứng minh chân lý với mình nữa. Trở ngại thứ ba chính là quá nhiều thông tin, thượng vàng hạ cám. Không tìm hiểu thì không biết, vừa tìm hiểu là thấy người ta nói về tỉnh thức theo rất nhiều cách khác nhau, không biết đâu là thật, đâu là giả. Lúc này điều mình cần làm là bình tĩnh lại, rồi tìm hiểu kỹ càng từng nơi mà mình thấy hứng thú, thấy thích hợp với mình. Tất cả những thông tin thuận hay nghịch mình đều đón nhận như một góc nhìn tham khảo mà thôi, không nên phản cảm hay thấy hào hứng quá nhiều. Tất cả những vị từng thức tỉnh trong quá khứ đều phải trải qua thật nhiều giáo lý, phương pháp thực hành tâm linh… trước khi tỉnh thức, tìm ra con đường của riêng họ. Mình sao có thể khác đi. Mình cũng cứ bình tĩnh tiếp cận và cảm nhận mọi thứ, quán chiếu với bản thân mình, gột rửa tâm hồn mình từng chút một. Thứ nào hợp thì tiếp nhận, đi theo, thứ nào không hợp thì bỏ ra. Lựa chọn pháp môn phù hợp là một bước vô cùng quan trọng. Qua được bước này xem như nhập môn rồi.

4.  Nguyên nhân thứ tư này có thể đến trước hoặc sau ba nguyên nhân trên, hoặc xen lẫn, hoặc kéo dài trong suốt cả quá trình thức tỉnh. Nó là một trở ngại vô cùng nặng nề và dai dẳng: chính là phản ứng của những người xung quanh và quan niệm cố hữu của những người “bình thường”. Xã hội vốn được hình thành để tập hợp những nhóm có điểm chung lại với nhau, cũng có nghĩa là nó từ chối những sự bất thường, khác thường. Khi mình muốn tỉnh thức, là mình muốn tìm về con người duy nhất của mình, muốn nhìn thế giới này theo đúng như ý nghĩa chân thật của nó chứ không phải ý nghĩa chung mà xã hội công nhận và quy định. Đó là một điều khác thường mà xã hội này không chấp nhận. Xã hội không trực tiếp phủ nhận hoặc cấm cản mình, mà nó tác động qua những người thân, người xung quanh có quan hệ với mình. Họ sẽ nói móc, mỉa mai, hỏi han ân cần, khuyên nhủ, răn dạy.. tìm mọi cách để mình không trở thành một người khác biệt. Với người thương mình thì họ cho rằng khác biệt là một điều đáng sợ, mình sẽ thật cô đơn, hoặc bị điên gì đó. Còn với người ghét mình thì đơn giản là mình làm gì họ cũng ghét thôi. Trở ngại từ những người xung quanh này khiến nhiều người nản lòng và quay trở về cõi mê “cho lành”. Khi mình đang tìm kiếm những điều mình chưa thật sự biết là điều gì, đang gặp phải vô số khó khăn của riêng mình mà còn phải đối mặt với trở lực như vậy hằng ngày, thì càng khó bao nhiêu. Nhưng cũng cứ bình tĩnh mà lướt qua từng chút một, rồi cũng qua thôi.
5. Khi mình đã có quyết tâm, có thầy hay bạn tốt, pháp môn tuyệt vời, không còn bị xã hội cản trở nhiều nữa, thì trở ngại tiếp theo chính là “nghiệp lực” của bản thân mình. Lúc này mình đã có thể trải nghiệm những khoảnh khắc thanh thản, bình yên, những lúc nhìn đời thật là mầu nhiệm, nhưng chỉ trong chốc lát, rồi mọi thứ lại trở về như cũ. Có nhiều khi mình vừa mới thấy thật yêu cuộc sống, yêu thương mọi người, tự nhiên lại gặp phải người gây chuyện, hãm hại, người khiến mình buồn đau. Và mình lại quay về như xưa. Cũng có khi mình nghĩ ra được cái gì đó hay ho, khai đạo cho một hoặc vài người nào đó, giúp họ vượt qua điều gì đó.. thì mình lại vướng vào kiêu mạn, nghĩ rằng bản thân đắc đạo rồi, ngon lành rồi.. lại rớt trở về. Ở bước này trở ngại là thiên biến vạn hóa, nguyên nhân cơ bản cũng chính là vì những nhân quả mình gây ra trước đây vẫn còn đang quay về để cản trở mình, hay nói cách khác là nghiệp lực, năng lượng xấu mà mình tích trữ vẫn chưa tiêu trừ hết. Để vượt qua bước này cần kiên trì, rớt xuống thì lại bước lên, và nếu được thì tạo phước, giúp đỡ người khác, gieo những nhân duyên lành để trợ lực cho mình vượt qua thử thách của nghiệp lực. Đến đây thì mọi thứ là do mình rồi. Nhưng mấy bước kia thì rơi rụng ít, đến bước này lại rất khó vượt qua.
6. Một nguyên nhân nằm ngoài bản thân, có thể tác động đến mình hoặc không, là ngoài những người chia sẻ “chánh pháp” thì “tà pháp” cũng rất nhiều. Có những người vì ích lợi của bản thân hoặc mục đích nào đó mà nói ra những lời đả kích, phủ nhận, công kích đầy thù hận khiến cho mình dễ dàng lạc lối, tích tụ năng lượng xấu nếu để họ ảnh hưởng. Đây không phải là việc gì lớn nếu mình đủ bình tĩnh, nhưng đám tà pháp này cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những người xung quanh, khiến họ tác động trở lại với mình. Sở dĩ đề cập đến tà pháp này là vì những người thật sự tỉnh thức thì thường không quá mặn mà với việc truyền pháp, chỉ nói với người hữu duyên, nói một cách vui vẻ bình thường nên người ta không xem trọng. Còn tà pháp thì thể hiện hoành tráng, công kích chánh pháp và tất cả những người, vật, hiện tượng không thuận theo nó bằng những lý lẽ và dẫn chứng mà người thường dễ bị thuyết phục, từ đó khiến cho người thường nghe theo nó hoặc mất phương hướng không còn muốn truy cầu tỉnh thức nữa. Điều này cũng rất đáng buồn. Đừng đấu đá, công kích, phủ định. Cứ bình tĩnh, vui vẻ, an nhiên.
Rồi, đó là mấy trở ngại chính khiến cho một người không thể tỉnh thức. Còn tỉnh thức như thế nào, lúc nào, thì vẫn là tùy duyên.
20.01.2020