Hôm nay, có một bạn post lên facebook câu hỏi: “Nên làm gì để lấy lại trạng thái cân bằng trong cuộc sống?” Bạn ấy là một người bản lĩnh, đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, anh cũng không rõ điều gì khiến bạn ấy cảm thấy mất cân bằng. Bài viết này sẽ bàn một chút về trạng thái cân bằng.
Khi bạn hỏi rằng “Nên làm gì để lấy lại trạng thái cân bằng?” thì rõ là bạn đang cảm thấy mất cân bằng. Anh nói rằng bạn đang cảm thấy, không phải bạn đang mất cân bằng. Cảm thấy mất cân bằng, cũng có thể bạn đang mất cân bằng, hoặc bạn chỉ cảm thấy như vậy mà thôi. Có rất nhiều thứ cảm giác đã và đang đánh lừa ta, có thứ ta cần thì nó lại bảo rằng không, có khi không cần nó lại khiến ta thấy mình rất muốn có được.
Thế nên việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh lại, để cho mọi cảm giác dần lắng xuống, để mình có thể bình tĩnh mà nghe, mà nhìn rõ chính mình, nhìn đúng thực tại xem mình có phải đang thật sự mất cân bằng hay không, và nếu thật vậy thì nguyên nhân là gì, từ đó mới có thể tìm ra giải pháp thật sự.
Điều thứ hai cần xét đến là “trạng thái cân bằng” ở đây là gì? Đó là trạng thái giống như một trạng thái nào đó từng tồn tại trong quá khứ - thời điểm mà bạn cho rằng lúc đó cuộc sống của bạn đạt được cân bằng? Hay là một loại trạng thái mà bạn cho rằng hiện tại của bạn nên như vậy, thì mới là cân bằng?
Thường thì nhiều người sẽ vướng vào loại ảo giác này: người ta cho rằng một trạng thái tốt đẹp nào đó trong quá khứ mới là cân bằng, tạm gọi đó là điểm A. Họ đã từ điểm A đi tới, hoặc rơi xuống, điểm B là hiện tại. Họ không chấp nhận hiện tại và nghĩ rằng cân bằng chỉ có ở điểm A, từ đó tạo nên cảm giác khó chịu, tiếc nuối và muốn biến điểm B trở nên giống như điểm A, điều mà họ không thể nào làm được. Quan trọng hơn nữa, dù cho có cố gắng cải tạo cho B y hệt như A, người đó cũng không thể nào có được cảm giác họ mong chờ, vì B giống A thì vẫn là B, không phải A, và A cũng không phải là sự cân bằng mà họ đang tìm kiếm, chỉ là ảo ảnh của sự cân bằng mà thôi.
Ví dụ như khi một người bị tai nạn, gãy chân, phải bó bột vài tháng. Người này vốn là người hoạt bát, hoặc là một vận động viên sắp phải tham gia một giải thi đấu nào đó quan trọng với họ. Trạng thái hiện tại khiến người đó rơi vào trong hoảng loạn. Tất cả những gì người đó nghĩ, và mong muốn là làm sao để cái chân gãy có thể trở về vẹn nguyên như lúc ban đầu. Điều đó có thể sao? Tất cả những trạng thái tinh thần tệ hại chỉ làm cho mọi thứ rối loạn hơn. Họ đã đi đến điểm B rồi, không trở về A được nữa. Điều cần làm là chấp nhận rằng mình đã đến B, rồi xem mình sẽ đi tiếp đến C như thế nào, chứ không phải là muốn quay lại A thì mới là “cân bằng”.

Cân bằng trong cuộc sống này không phải là cân bằng quanh một điểm cố định nào mà mỗi điểm đều có một trạng thái cân bằng riêng của nó.

Dù cho điểm B của ta cao hơn hay thấp hơn điểm A, thì đó cũng không hẳn là mất cân bằng, vì khi ở B ta có trạng thái cân bằng khác. Để tìm được trạng thái cân bằng, thì cần phải chấp nhận mình đang ở B, rồi tìm xem điểm cân bằng của B là gì, từ đó đạt được trạng thái cân bằng. Trạng thái cân bằng của một người bị gãy chân và một người chưa bị gãy chân đều là cân bằng, nhưng ở những dạng khác nhau.
Nói một ví dụ khác cho rõ hơn: để đạt loại giỏi, một học sinh tiểu học chỉ cần học tốt 2 môn chính và 3-4 môn phụ. Nhưng khi lên cấp 3, người đó cần phải giỏi tất cả các môn, không có môn nào dưới 6.5 thì mới là loại giỏi. Khi ra đi làm thì một nhân viên giỏi có những chỉ tiêu khác, quản lý giỏi có chỉ tiêu khác… tất cả đều là trạng thái “giỏi”, nhưng các nhân tố cần thiết là khác nhau.

Sự cân bằng cũng như vậy. Ta cần biết mình đang ở đâu, chấp nhận chuyện đó, rồi mới có thể cân bằng. Trạng thái cân bằng ở hiện tại có thể cần nhiều điều kiện hơn so với quá khứ, nhưng nguyên nhân thật sự khiến người ta không thể cân bằng là sự mong muốn cân bằng như quá khứ. Điều đó vô lí cũng như muốn người khác công nhận bạn là học sinh giỏi ở cấp ba khi chỉ biết làm toán cộng, toán trừ vậy.
Một người bị gãy chân muốn mình phải có thể chạy nhảy như chưa từng gãy chân thì mới thấy cân bằng, điều đó khiến cho họ không thể nào cân bằng. Người gãy chân và không gãy chân có những điều kiện cân bằng khác nhau. Người gãy chân cần phải tính cả cái chân gãy của mình vào phương trình cân bằng đó.
Hiểu rõ và chấp nhận thực tế chính là sự khác biệt. Đó là lý do tại sao một số người bị khuyết tật, gặp những chuyện không may nhưng lại có thể thanh thản, an nhiên và hạnh phúc, trong khi những người có rất nhiều điều kiện tốt thì lại không thấy hạnh phúc.
Đừng so sánh hiện tại với quá khứ hay tương lai. Dù hiện tại có xấu hơn quá khứ hay chưa bằng được tương lai thì nó cũng cần được chấp nhận. Nếu em muốn thấy sự cân bằng, hay là hạnh phúc, thì đừng níu giữ quá khứ hay muốn tương lai phải hiện ra ở đây ngay, hãy chấp nhận hiện tại, điểm cân bằng đang ở ngay dưới chân em.
16.01.2020