Mấy hôm nay xung quanh mình xuất hiện nhiều thông tin về phụ nữ, trẻ em và chuyện sinh con đẻ cái, cũng không có gì mới nhưng đều có vẻ không vui.
Chuyện đầu tiên là một số người bàn về việc sinh con là vô minh hay không vô minh. Có một phụ nữ nổi tiếng tranh luận trên báo với nhà sư về chuyện đó. Người ta bảo rằng con người sinh con là vì ích kỷ và vô minh. Lại nói người nào còn sinh con là vì còn vướng vào nhân quả, còn nghiệp phải trả nên mới sinh ra những người khác như vậy. Có thể suy ngược ra rằng những người quyết định không sinh con, hoặc vì nhân duyên nào đó mà không sinh con thì là đã thoát ra được một phần nhân quả đó, hay nói xa hơn một chút là “có phước” hơn người có nhiều con. Người ta cũng lập luận rằng đa phần mọi người thích sinh con, sinh nhiều con là do “vô minh” tức là họ không biết rằng việc sinh con là vướng vào nhân quả phức tạp, hoặc cũng có thể nói là không biết cách phòng tránh thai chẳng hạn. Rồi ích kỷ là vì người ta nghĩ con là một thứ tài sản của họ, là một sự đảm bảo về già, là một thế hệ tiếp nối những gì họ đang làm dang dở… Đấy là một số góc nhìn “mới lạ” về chuyện sinh con.
Với những nhận định này, mình chỉ có thể nói điều họ nhìn thấy cũng có phần đúng, và góc nhìn của họ khác với những lối mòn quen thuộc của những lớp người “phổ thông”, còn vô minh hay ích kỷ, hay sinh con và không sinh con bên nào là “cao cấp” hơn, thì khó nói.
Đạo là gì? Theo Lão Tử thì nó là những quy luật thường hằng tồn tại trong trời đất, là quy tắc vận hành của vũ trụ. Hiểu đạo và hành đạo là nhìn ra và hành động thuận theo các quy luật đó.
Thường thì người ta sống mà không quan sát, không tìm hiểu và suy nghiệm một cách nghiêm túc và chuyên chú, nên không hiểu đạo. Lúc bấy giờ có thể hình dung những người này như người mù chữ, có thể nhìn thấy chữ viết mà không thể đọc, không thể hiểu. Rồi có người bắt đầu đi học. Người học tiểu học, người học trung học, người làm tiến sĩ. Người có thể đọc và hiểu chữ viết sẽ có cái nhìn khác với người mù chữ. Đó là cái nhìn và cái hiểu đối với chữ viết. Những người học cao hơn sẽ dựa vào chữ viết đó để thu thập kiến thức, lý luận, rồi từ đó vận dụng để thay đổi cuộc sống của bản thân và người khác. 
Khi học lớp 1, người ta được dạy đếm số từ 1 đến 10, người nào giỏi thì học đến 100. Người học lớp 1 sẽ không biết ngoài 100 còn vô hạn số. Học đến tiểu học thì người ta biết làm toán cộng, trừ, họ không biết còn có nhân, chia, lũy thừa, căn, logarit, hoặc là không biết sự tồn tại của số âm. Với người học tiểu học, thì số nhỏ không thể trừ cho số lớn.
Tương tự như vậy, với những mức độ hiểu biết khác nhau, nhận thức về sự vật, hiện tượng sẽ khác nhau. Ví như cấp 1, thấy điều A là đúng, cấp 2 là thấy điều A là sai, và cấp 3 lại thấy A là đúng, cấp 4 thì vừa đúng vừa sai, cấp 5 lại không đúng không sai.

Những gì một người thấy chỉ thể hiện khả năng nhận thức của họ, không phải bản chất của sự vật, hiện tượng, hay cao hơn là đạo.

Vậy nên người cấp 1 đừng tranh luận đúng sai với người cấp 0, và cũng đừng cho rằng cái thấy của mình là đúng nhất, vì biết đâu lên cấp 2 bạn sẽ thấy khác. Chỉ cần biết là mình đang nhận thức ở mức độ như vậy là đủ rồi, nếu chấp nhất vào cái thấy của mình bạn sẽ không thể lên cấp được. Hãy nhìn người cấp 0 đang nghĩ họ đúng ra sao và tự xét lại chính mình.

Chuyện thứ hai. Có một bạn vì quá chán ghét hoặc thấy đàn ông có nhiều thứ phiền phức, nên từ lâu vẫn nuôi ý định làm một người mẹ đơn thân. Bạn ấy muốn có con mà không cần chồng. Ngày nay càng nhiều phụ nữ không muốn có con vì tự thấy không đủ khả năng nuôi dạy, hoặc thấy ảnh hưởng đến sự hưởng thụ cuộc sống của bản thân… Những nhận định thay đổi rất nhiều so với thời gian trước, và ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Điều này cho thấy người ta càng ngày càng có nhiều tự do để lựa chọn. Điều này không hẳn là xấu hay tốt. Có thể do thế hệ này chưa đủ điều kiện tốt nhất để thoải mái với chuyện sinh con, hoặc do họ nhận thức về chuyện sinh con giống như câu chuyện thứ nhất, hoặc do họ phải chịu ảnh hưởng xấu từ các mặt tiêu cực của chuyện sinh con nên hình thành nên những quan điểm đó. Mỗi người chỉ cần nhận thức rõ sự lựa chọn của mình là được.
Chuyện thứ ba. Cách đây ít lâu có người bạn kể rằng bạn ấy nghe được một cuộc trò chuyện gây sốc trong bệnh viện sản nhi. Hai mẹ con của một sản phụ bàn với nhau về giá cả của việc bán con vừa thực hiện. Người mẹ cho rằng con mình bán cháu ngoại với giá 20 triệu là quá rẻ. Trong khi có người không thích sinh con, sợ sinh con, có người thích nhận con nuôi thì người ta còn có cả nghề sinh con rồi đem bán.
Chuyện thứ tư là không liên quan đến sinh nở mà là về bảo vệ quyền trẻ em. Hôm nay có mấy người bạn share một câu chuyện do Huy Le viết, có thể là chuyện thật hoặc bạn ấy biên ra. Nội dung câu chuyện kể về một cậu thanh niên gia cảnh khó khăn đột nhiên bị tù 4 năm do quan hệ tình dục với bé gái 13 tuổi. Cậu này “tìm người yêu” qua mạng, gặp nhau, quan hệ xong thì gia đình bé gái kia báo công an. Trước khi vào tù thì cậu trai kia biết rằng bé gái đã dùng cách đó để tống tiền 4 người trước đó rồi. Chỉ cần gia đình cậu đưa 100 triệu thì nhà cô gái rút đơn. Nhưng cậu không có tiền, thế là đi tù. Từ lúc biết về luật mang tính bảo vệ trẻ em này, mình đã tự hỏi nếu trường hợp người ta cố tình gài bẫy hại người thì xử thế nào… Trẻ em chắc chắn là cần phải được bảo vệ, nhưng nếu cứng nhắc xử lý như vậy thì cũng quá buồn rồi.
Nhân quả trong đời sống này quả thật là huyền diệu. Nếu chỉ cắt ra một đoạn mà nói, thì cũng chẳng để làm chi. Thôi thì đừng hơn thua, đừng phân sai đúng. Cứ thận trọng trong việc gieo nhân và bình tĩnh đón nhận mọi quả đắng, quả ngọt đến với mình.
Đừng hại người, cũng đừng để người hại mình, vì đó là đang giúp họ tránh nghiệp báo về sau, cũng là một nhân lành đối với bản thân mình vậy.
Chuyện gì bỏ qua được thì bỏ qua. Chuyện gì chưa bỏ được thì bình tâm mà ngẫm, đừng vội làm gì để tránh chuyện không hay.
15.01.2020