Hôm nay chưa biết viết gì, dạo facebook loanh quanh thì thấy bạn Hương Xuân Milo share thông tin về Pedro Rodrigues Filho – tên sát nhân chuyên giết những tên sát nhân. Điều này làm mình nhớ lại một bộ phim giết người hàng loạt khá ấn tượng – Dexter, nên mình quyết định viết về Dexter, mà có vẻ không đủ 1000 chữ, nên sẽ nói chung về một số phim mà mình thích, sẵn tiện để bạn nào chưa xem có thể xem trong tết này.
Lần đầu tiên mình xem Dexter là năm 2015, khi đó mình đang khá hoang mang và có nhiều ý tưởng bạo lực trong đầu, không hiểu sao xem một bộ phim giết người lại làm mình bình tĩnh trở lại. Cảm giác mà mình nhận được lúc đó là sự đau đớn hay cái chết của người khác có thể thỏa mãn cảm xúc bạo lực đang hiện hữu trong lòng mình, nhưng buông bỏ được cả hai thứ đó mới thật sự là giải thoát cho tất cả.
Có một câu nói trong Dexter mà mình vẫn còn nhớ là: “Bạn có thể dẫn con ngựa đến máng nước chứ không thể nào bắt nó uống nước được”.
Bây giờ ngồi nhìn lại mới thấy thì ra Dexter có tận 8 phần (seasons), mỗi phần 12 tập. Bộ phim kể về Dexter – một người làm nhân viên pháp ý ở sở cảnh sát, đồng thời cũng là một kẻ giết người hàng loạt. Vì làm pháp y nên hắn có điều kiện nghiên cứu hiện trường và đôi khi xóa đi những dấu vết của chính mình còn để lại.
Đối tượng mà Dexter giết là những kẻ tội phạm nhưng lại không bị pháp luật trừng trị vì thiếu chứng cứ hay các lỗ hổng khác. Dexter điều tra rõ về những kẻ đó và lên kế hoạch bắt cóc, giết, chặt xác nạn nhân ra từng mảnh, chia thành các bọc nhỏ và quăng xuống biển. Hắn làm việc này vô cùng thành thạo, qua mặt cả nạn nhân và cảnh sát. Có một phần nào đó khi cảnh sát tìm được “bãi tha ma” của Dexter dưới biển, thấy hàng trăm túi đựng thi thể bị cột vào vật nặng dưới đáy biển.
Sở dĩ Dexter giết những tội phạm lọt lưới không phải vì thích hành hiệp trượng nghĩa, thế thiên hành đạo gì, mà là do bị bệnh. Từ nhỏ hắn là người sống sót trong một cuộc thảm sát, xung quanh toàn là máu. Sau đó được một sĩ quan cảnh sát nhận về nuôi. Lúc 6-7 tuổi gì đó Dexter bắt đầu thể hiện ra ham muốn giết chóc và khuynh hướng bạo lực bằng các giết các động vật như chó mèo.. Ông cha nuôi phát hiện ra điều đó và thử tìm cách chữa trị nhưng không thành, nên ông bắt đầu dạy chọ Dexter những cách thức giết người và che giấu hành vi của mình. Ông đặt ra những quy tắc bắt buộc Dexter chỉ được giết người xấu và tìm cách xóa dấu vết.
Một lẽ tất nhiên là: điều gì không muốn người ta biết, trừ khi mình không làm. Dexter dù có thành thạo trong việc che giấu manh mối bao nhiêu cũng sẽ vô tình dẫn đến những nghi ngờ, nhất là từ những người thân thuộc xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp hay cô em gái, và cả những bằng chứng vô tình để lại. Sau đó ngoài việc vừa giết người mới, vừa phải đối phó với sự điều tra các vụ án cũ, rồi các mối quan hệ tình cảm, cả những lần suýt bị lộ, những lần buộc phải giết người, rồi những sự mất mát.. Lâu quá rồi, mình cũng không nhớ được các chi tiết khác. Nhìn chung đây là một bộ phim khá thú vị về tâm lý của một kẻ giết người, về sự giết chóc, về cái chết qua góc nhìn của những người khác nhau, hoặc góc nhìn khác nhau của cùng một con người.

Một bộ phim khác cũng rất hay và có nội dung tương đồng với Dexter ở chỗ một nhân vật có một vỏ bọc “tốt” nhưng lại chuyên làm chuyện “xấu” là Breaking Bad. Phim này khác với Dexter ở chỗ nó là một siêu kinh điển, nhiều fan hâm mộ hơn. Phim kể về hành trình một thầy giáo dạy hóa trở thành trùm buôn ma túy đá như thế nào. Phim không có nhiều cảnh hành động máu me nhưng cũng không kém phần hồi hộp và gay cấn, nhiều đoạn xúc động và đáng suy ngẫm, rất nhiều bất ngờ và những khoảng lặng buồn thật buồn.

Đọc thêm:

Có nhiều lúc rõ ràng biết chuyện đó là không nên, nhưng người ta vẫn làm vì họ nghĩ rằng mình không có lựa chọn nào khác, lại quên rằng mình luôn có thể dừng lại, không làm ra lựa chọn nào cũng là một loại lựa chọn. Người ta cứ phải tiến tới, lao về phía trước để rồi hối hận ngay lúc vừa xuống tay. Có thể tết này mình sẽ xem lại Breaking Bad.
Mặt xấu của một ông thầy giáo dạy hóa hiền lành và nghèo túng, bị chẩn đoán là mắc ung thư là gì? Mặt tốt của một thằng nhóc lưu manh buôn ma túy, liệu có hay không? Và khi cả hai người đó có thật nhiều tiền từ các phi vụ, họ thay đổi như thế nào. Đồng tiền có ý nghĩa như họ tưởng tượng trước đó, nó có giải quyết các vấn đề hay tạo thêm nhiều vấn đề, hay hoàn toàn vô nghĩa?
Khi bước đi quá xa khỏi xuất phát điểm ban đầu, vượt qua nhiều tình huống gay go nhờ tài trí và vận mệnh, có bao giờ họ muốn quay trở lại từ đầu để chấp nhận số phận hơn là thay đổi đến như hiện tại? Có nhiều sự dằn vặt, hối tiếc khi đối mặt với kết quả từ những lựa chọn của mình, nhưng người ta vẫn phải bước tới, phải sống tiếp, và không ai biết ngã rẽ tiếp theo sẽ là gì. Cuộc sống làm cho họ biến chất (breaking bad) hay chính là những lựa chọn của họ?
Hôm nay nói một chút 2 phim đã xem thế thôi. Những ai quen với mình chắc nghe nhiều về mấy bộ phim như: Forrest Gump, The pursuit of happiness, Three Idiots rồi, ai chưa nghe thì thử search xem nhé. Ngoài ra còn mấy series như Prison Break, The walking dead, Final destination, Wrong turn, Lost, The purge… Hai năm rồi không xem phim nên không còn nhớ nhiều nữa.
13.01.2020