Hồi đó mỗi ngày mình đều đăng 2-3 cái status, màu hoặc chữ, hoặc hình vân vân. Từ ngày “Viết cho em” quay đi quay lại hết ngày, nhìn lại bài mới nhất đăng hôm qua cũng là viết cho em. Hình như viết một bài một ngày như vậy là đủ với mình rồi, chẳng có gì muốn nói thêm nữa. Viết bài dài thì chẳng có mấy like mà đếm, mình cũng ít vào facebook hơn trước.
Hôm nay còn sớm, cũng còn nhiều thời gian để nghĩ chủ đề mà viết, nhưng mình lại muốn viết một chút tự sự, lan man như đôi lúc mình vẫn viết. Khi mình nói về bản thân, có vẻ nhiều like hơn là suy nghĩ về cuộc đời, xã hội… có lẽ do mấy cái này “có vẻ” thật nhất, hoặc cũng có thể do mấy cái kia mình nói không hay.
Cái “Viết cho em” này thì vui rồi, cũng không có gì mới để cập nhật. Lúc đầu có nhiều người viết cùng mình, giờ đều bỏ gần hết. Một vài người vẫn đang viết nhưng không liên tục. Một số người thì cũng viết nhưng tùy chỉnh lại theo một cách riêng. Có một người viết được đến 5x bài, một người 7x bài liên tục rồi nhé. Một vài người cũng mới bắt đầu được 5-10 bài nữa. Về ý nghĩa hay nguyên nhân thì mình đã nói ở các bài đầu tiên rồi. Còn ý nghĩa thật sự với các bạn như thế nào thì chỉ có bạn tự làm và cảm nhận thôi.
Vài năm trở lại đây, trong phần lớn thời gian sống, mình không còn suy nghĩ và cảm nhận như những người bình thường khác nữa. Mình vẫn hiểu người ta chứ không chê trách hay phủ định gì. Và đôi lúc mình vẫn tự hỏi là mình thay đổi như vậy có sai hay xấu, hay có thật hay chỉ là tưởng tượng của mình thôi. Đáp án là mình thấy ổn. 
Mình vẫn hay nói là mỗi khi mình sắp lên đến một tầng thứ cao hơn thì luôn gặp phải trở ngại, đó là những bậc thang, những bài kiểm tra mà mình phải vượt qua. Nếu không may trượt chân tại đó thì sẽ té ngược về vị trí cũ. Hoặc đó cũng có thể là lời nhắc nhở từ các bậc thượng thiên khi họ thấy mình vô tình trở nên kiêu ngạo, lạc đường.
Cụ thể là mấy lúc mình cảm thấy xuất trần thoát tục, lại có việc, có người khiến mình nhận ra mình vẫn còn rất “người”. Chẳng có gì khác biệt. Mình lại thấy vui vì điều đó. Mình vẫn có thể cảm động, có thể khóc vì những rung động của trái tim. Chỉ khi tiếp xúc với những người thật sự đặc biệt mình mới như vậy, và người như vậy càng lúc càng ít đi. Điều đó thật quý. Dù là cảm giác khổ đau hay vui sướng mình cũng đều trân trọng.
Hôm nay có người bạn, lâu ngày mới nhắn tin. Trước đây bạn có mấy lần gửi cho mình những thông tin học bổng, khuyến khích mình đi du học, mà mình lười quá. Lần này bạn hỏi cụ thể nghề nghiệp, công việc, kinh nghiệm làm việc của mình, mình trả lời xong hỏi ủa hỏi mấy cái đó làm gì, bộ mở công ty mới định thuê tui à? Bạn nói với hồ sơ và kinh nghiệm 10 năm của mình, đặc biệt là tiếng Anh với độc thân thì rất dễ xin định cư ở Úc. Nhưng đến khoảng nghề nghiệp thì lại tịt hoàn toàn, vì chuyên môn của mình là ngôn ngữ Anh, cái đó ở Việt Nam xài được chứ qua Úc thì phải có nghề khác cơ. Thế là lại dẹp qua chuyện đi định cư.
Có lần mình cũng nói qua về chủ đề nơi sống. Đối với mình thì sống ở đâu cũng như nhau cả, khả năng thích ứng của mình có thể sẽ khác nhau nhưng mình tự tin với khả năng học ngôn ngữ và cái “như nhau” ở đây là nội tâm của mình. Đứa em mình từng nói rằng đó là vì trong nội tâm của mình là một thế giới độc lập, mình chỉ sống trong đó, nên bên ngoài thế nào cũng không ảnh hưởng gì.

Bạn mình lại nói về chủ đề tiền. Bạn nói hay mình đi thi IELTS lấy điểm cao cao rồi về mở trung tâm luyện thi đi, chả mấy mà giàu. Mình nói tôi có ham giàu đâu, muốn giàu thì tôi giàu từ lâu rồi. Bạn nói thiệt hả, có người không ham giàu thiệt sao?
Mình không ghét giàu, chỉ là không phải người có thể làm tất cả để đổi ra tiền. Mình chưa bao giờ thiếu tiền hay phải khổ vì tiền, thậm chí còn có dư. Bạn lại nói có thể là do nhu cầu của ông ít quá. Cái này thì đúng, nhu cầu của mình rất ít, hầu như ngoài ăn uống ra thì không có ham muốn gì khác ở vật chất hết. Nếu mà không ăn vẫn sống được thì mình cũng chả cần ăn luôn.
Bạn nói bạn cũng không thích tiền hay làm giàu, mà vì những thứ bạn muốn đôi khi phải cần tiền hoặc nhiều tiền, nên phải đi vào cái vòng lẩn quẩn của đồng tiền. Mình nói cũng đúng thôi. Vì chúng ta không thể tự mình tạo ra mọi thứ mình cần, mình muốn, nên cần phải tham gia vào xã hội. Xã hội là một nơi để người ta trao đổi những giá trị cho nhau. Mỗi người làm tốt một việc cụ thể nào đó là có thể hưởng thụ tất cả thành quả của người khác mà họ muốn thông qua hình thức trao đổi của vật trung gian là tiền. 
Ví dụ như những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, cát xê vô cùng cao là vì giá trị mà người khác đồng ý quy đổi cho họ cao. Những nhà sư không cần làm gì khác ngoài tu hành vì thế gian công nhận giá trị của họ. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều người phải làm “nghề tay trái” để kiếm tiền vì giá trị họ tạo ra từ “tay phải” không đủ trang trải nhu cầu của cuộc sống. Hoặc ví như việc mình viết bài lên mạng mỗi ngày thế này thì giá trị của nó chẳng đủ để một người chuyển khoản cho 50.000 đồng nữa. Việc mình thích làm không mang lại thu nhập thì mình phải kiếm tiền ở nơi khác thôi. Điều đó là bình thường, là quy luật của xã hội mà thôi.
Vậy nên dù muốn dù không thì mình vẫn phải kiếm tiền bằng cách tạo ra những giá trị để trao đổi. Đó có thể là thời gian 8 tiếng ở văn phòng, có thể là những tô hủ tiếu, những giờ dạy học, những món đồ người khác cần… những vật phẩm và dịch vụ khác nhau có giá trị khác nhau sẽ mang đến thu nhập khác nhau.
Kiếm tiền để làm gì? Là để tiêu xài. Nếu không biết tiêu tiền thì kiếm nhiều tiền hơn mức cơ bản chỉ là phung phí. Lại nói rằng nếu bạn không thích tiền nhưng vẫn phải kiếm tiền là vì giá trị mà bạn có hoặc tạo ra cho người khác chưa đủ lớn để họ có thể trao đổi một giá trị tương đương, để bạn có thể không cần kiếm tiền. Và bao nhiêu là đủ thì chỉ có chính bạn mới biết và quyết định được thôi. Chỉ có điều là nếu căn theo những chuẩn mực của xã hội mà nói thì chẳng bao giờ đủ hết.
Bạn mình lại hỏi: như vậy ông có thật sự thấy đủ, thấy hạnh phúc với điều đó chưa? Mình nói tôi thì đủ rồi, có điều những người thân, những người tôi quan tâm lại không đủ. Mâu thuẫn của tôi là phải vì họ mà lao trở lại vòng quay của xã hội, bậc thang của đồng tiền hay là cố chấp, bỏ đi. Mà nhiều lần khi tôi còn đang đấu tranh, tự hỏi, người ta bỏ đi trước rồi.
Bạn nói ông sống như vậy đi tu hợp đó. Mình bảo nhiều người cũng nói vậy, mà tôi chưa thấy thích đi tu. Bạn lại hỏi thế có lấy người nào chưa? Mình nói tôi như vậy ai chịu mà lấy. Bạn nói ừ cũng đúng. 
Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện này.
12.01.2020