Mấy tuần trở lại đây dân mạng lại share một cái ảnh chế, họ gọi là ảnh vui mà anh thấy hông có gì vui. Nội dung ảnh là “Sao tết đến nơi mà em không thấy nôn gì hết. Tại em nghèo”. Mấy chỗ khác còn mang đi xào lại với câu trả lời kiểu “hết tiền nói đại đi”, vân vân.
Những người share cái đó thấy vui thật sao? Hay là mắc cười? Hay là một hình thức chống chế kiểu “ai cũng túng tiền chứ đâu phải mình tui”... Anh không hiểu lắm, trước mắt là anh hông thấy có gì vui hết.
Nụ cười của con người thật ra ẩn chứa rất nhiều tác hại, hoặc xuất phát từ những thứ tai hại. Ngoài nụ cười nở lúc nào không hay vì hạnh phúc, vì sự ngọt ngào nào đó trong cuộc sống, người ta cười ha hả, hô hố trước nỗi đau của người khác được biên soạn lại cho có vẻ hoa mỹ hay nhẹ nhàng, người ta cười khiếm khuyết của chính mình như một sự thừa nhận “tao vậy đó rồi sao”... 
Những cái cười khiến cho các vấn đề nghiêm trọng trở nên nhảm nhí, làm người ta không còn chú ý để mà sửa đổi, làm người ta an tâm trầm luân trong khổ đau.
Ảnh vui trên chỉ có hai câu, và người ta cười xong có thể bị tác động theo nhiều hướng khác. À, vậy là tết đến thì phải có nhiều tiền mới có ý nghĩa. Vậy là khi có tiền thì mình sẽ vui hơn, nôn tết hơn? Vậy là những người có tiền nhiều hơn mình đều thật vui khi tết đến? Mình không có tiền nhiều, nên mình phải thấy khổ mới đúng…
Người ta có thể cười “cho vui” như bao nhiêu lần khác rồi thôi, nhưng những suy nghĩ nói trên đã xuất hiện ngầm trong đầu họ cùng với hai câu “đùa” kia, nó sẽ khắc sâu và thao túng người ta, khiến họ phải buồn khi thiếu tiền, phải luôn kiếm nhiều tiền hơn để được vui.
Mấy năm rồi, cứ đến tết thì lại có những chương trình phỏng vấn những người kể khổ: nào là lấy chồng rồi không lo được cho gia đình nhà mẹ đẻ, bao lâu không được về quê, tết đến thấy áp lực vì không có tiền sắm tết… dường như người ta cho rằng ngoài sự hào hứng và rộn ràng thì nên đưa lên một thứ gọi là mặt trái để cân bằng mới đúng.
Anh thì cho rằng nếu cứ vô tâm mà để cho những thứ tiêu cực khoát vỏ ngoài nhẹ nhàng dí dỏm hay nhân văn sâu sắc tác động đến mình thì bản thân không thể nào vui vẻ, thoải mái được.
Tết không phải ăn lớn bao nhiêu, đồ ăn ngon và nhiều thế nào, quần áo nhà cửa đẹp đẽ mới mẻ ra sao, mà là một thời điểm trong năm, tết là sự giao mùa, là sự thay đổi của thiên nhiên, trời đất. Ăn tết trước hết là cảm nhận sự thay đổi đó. Sau đó thì thư giãn, thoải mái một chút, nhìn lại một năm đã qua, mong ước cho năm sắp đến. Ăn uống ngon hơn một chút, làm vài món cổ truyền, thờ cúng hay đi chùa… cho có không khí. Những thứ này ở mức tối thiểu đâu cần nhiều tiền lắm đâu. Có nhiều thì dùng nhiều, ít thì dùng ít. 
Làm gì có giới hạn nào, chỉ vì người ta cứ muốn dùng nhiều hơn mức mà mình có mới cảm thấy áp lực, thấy không đủ, thấy khổ thôi. Mà ai dạy cho họ rằng họ phải thấy khổ? Chính là gia đình, làng xóm, nay thì có cả internet và mấy cái ảnh chế nhảm kia.
Nghèo hay giàu, tiền ít hay nhiều có thể khác nhau ở sự tiện nghi, nhiều tiền rõ là sẽ có nhiều tiện nghi hơn, chứ độ thoải mái, an nhiên hay hạnh phúc thì người nào chấp nhận nhiều hơn thực tế mà họ có sẽ thoải mái hơn. 
Người giàu nếu cũng đang nhìn những người giàu hơn mà khổ đau thì đó cũng là khổ đau vậy.
Bao nhiêu là đủ? Nếu em đang cảm thấy thiếu thốn, và nghĩ rằng đến mức nào đó mình sẽ cảm thấy đủ, thì hãy thử ghi con số hoặc những điều kiện cụ thể ra: có nhà, có xe hơi, có đất đai, vàng, kim cương, tiền trong tài khoản bao nhiêu… ghi lại và nhớ đó đi, rồi hãy cố làm lụng, quản lý tiền, đầu tư… và đến một ngày em đạt được tất cả những thứ đó, nhìn lại xem em có thấy đủ hay không.
Biết đủ thì đủ. Điều này làm một sự thật. Nhưng không cách nào giảng giải hay ví dụ mà người chưa hiểu có thể hiểu được, chỉ có thể tự bản thân mỗi người quan sát, suy nghiệm và nhận ra nó mà thôi.
Nhà cũng chỉ là một nơi để trú thân, xe cộ là phương tiện giao thông, trang sức hoàn toàn là đồ trang trí. Vì sao người ta phải có được càng nhiều thứ, càng đắt tiền thì mới vui? Đó là vì khi có những thứ đó người khác sẽ đánh giá họ cao hơn. Nhưng có thật vậy không hay chỉ là cảm nhận của họ như vậy? Rồi lúc nào sống cũng phải cần người khác đến khen ngợi, trầm trồ thì mới cảm thấy có ý nghĩa hay sao? Rồi đến lúc tất cả mọi người đều đạt đến gần như tương đương về vật chất thì thế nào? Lúc đó ý nghĩa cuộc sống là gì nữa đây?
Muốn nhận thức những chân lý thì tùy duyên, nhưng trước mắt dễ nhận biết hơn là tránh xa những thứ tào lao kia. Đáng buồn không phải “Tại em nghèo” hay “Tại em ngu” mà “Tại em không quan tâm”.
11.01.2020