Vẫn là một câu hỏi cũ: “Đã bao giờ em ra khỏi nhà mà không biết mình muốn đi đâu chưa?”. Và tương tự, hãy nhớ lại xem có bao nhiêu việc em đã làm mà không biết để làm gì, hoặc không để làm gì?
Hôm nay có một người bạn đăng một bài nói về “đích”. Bạn bảo rằng đích đến là quan trọng nhất, làm gì cũng phải xác định đích đến thì mới thật sự có ý nghĩa. Anh lại đăng lên hỏi các bạn bên facebook của anh rằng: Theo các bạn thì giữa lí do để bắt đầu và đích đến thì cái nào quan trọng hơn? Nhiều bạn cho rằng đích đến chính là lí do để bắt đầu. Một số khác thì cho rằng cả hai cái đều không quan trọng bằng quá trình ở giữa (trong khi anh hỏi trong 2 cái đó thì cái nào quan trọng hơn, hehe).
Nếu nói điều gì là quan trọng, thì cả lí do bắt đầu, quá trình và đích đến đều quan trọng hết. Ít nhất là quan trọng với chính mình, vì mình đều tham dự vào trong đó, bỏ thời gian, công sức, tâm trí vào đó.
Đích đến rất quan trọng, nó giúp ta định hướng đường đi, lên kế hoạch và dự đoán được quá trình. Quan trọng nhất là biết được đích đến sẽ giúp ta hình dung xem mình có thật sự muốn đi qua một quá trình này để đạt đến được nơi đó hay không, và đến đó rồi mình sẽ thấy vui vẻ, tự hào, hạnh phúc… hay thế nào? Cũng như phải biết mình muốn đi đâu thì người ta mới bắt đầu ra khỏi nhà vậy. Đích đến còn là nguồn động lực để ta phấn đấu, giống như việc đặt mục tiêu là điểm mười thì ta sẽ có khả năng cao đạt điểm 7-8 hơn, nếu đặt mục tiêu là điểm 7 thì ta sẽ giới hạn bản thân ở đó, nên chỉ có thể đạt đến điểm 4-5 mà thôi vậy.
Tuy nhiên nếu quá tập trung vào đích đến, xem nó như là lí do để bắt đầu và lúc nào cũng chỉ muốn tìm mọi cách để đạt được nó, thì ta cũng có thể hạnh phúc, nhưng chỉ là hạnh phúc ngắn ngủi ở khoảnh khắc chạm đến đích mà thôi. Ta không có lí do để bắt đầu, không động lực từ phía sau mà chỉ có lực kéo từ phía trước, cả quá trình đi đến đích là một sự nỗ lực, cố gắng, cực khổ… trong quá trình đó nhiều lúc ta chẳng biết mình đang phải chịu đựng những thứ này để làm gì. Nếu đích đến được đúng như kỳ vọng thì còn đỡ, nếu không sẽ còn tệ hơn nữa.
Quá trình cũng quan trọng. Nhiều người vẫn nói câu “Hạnh phúc không phải điểm đến mà là con đường”, nhưng có bao nhiêu người thật sự đồng cảm với câu nói đó, bao nhiêu người tận hưởng hạnh phúc trên con đường họ đang đi? Có khi người ta dùng các biện pháp tự an ủi, thôi miên rằng mình đang hạnh phúc. Cũng có khi người ta hạnh phúc thật sự, và con đường hạnh phúc đó làm cho họ lạc lối, không biết là mình đang đi về đâu. Người ta cứ trôi bồng bềnh trong thứ hạnh phúc mờ ảo đó, ngày nào cũng hạnh phúc, ngày nào cũng hoang mang: Mình sẽ phải đến đâu đó chứ, cứ trôi dạt trong vô định như vầy, thì dù có hạnh phúc đó, nhưng điểm đến sẽ như thế nào? Hay là mình sẽ hạnh phúc cho tới chết?
Đúng ra người ta đã hạnh phúc, nhưng họ hoang mang. Đó là vì hạnh phúc đó không thật, nó không đến từ bên trong, đó chỉ là sự hưởng thụ tiện nghi nhất thời ở hiện tại. Dù sự hưởng thụ có kéo dài bao lâu đi nữa, thì nó cũng không phải là hạnh phúc.

Còn lí do để bắt đầu, tất nhiên cũng rất quan trọng. Nếu như lấy đích đến làm lí do để bắt đầu, thì hành trình sẽ đi theo một lực kéo về phía trước, như đã nói ở trên. Còn nếu lí do là một sự ngẫu hứng nào đó, thì điều khiến cho người ta không thể đi đến đích chính là động lực (hay hứng thú) của họ sẽ hao hết chỉ trong vài tuần, vài ngày, thậm chí là vài giờ. Người ta có câu nói rằng “Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhớ lại lí do vì sao bạn bắt đầu”. Câu này có ý tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực, đó là khi lí do bắt đầu trở thành gánh nặng buộc người ta phải tiếp tục bước đi khi cảm thấy nó không còn ý nghĩa gì nữa cả.
Trong ba yếu tố: lí do, quá trình và đích đến. Nếu lí do là quan trọng, thì người đó sẽ cần có kế hoạch cụ thể, có sự kiên trì và kỷ luật để đi hết con đường. Đây là nhân tố có tính ngẫu hứng và dễ “gãy” nhất. Thường gặp nhất chính là các trường hợp chú trọng đích đến. Những trường hợp này hay bị vỡ mộng khi đến đích mà không vui thích như mình nghĩ, hoặc là không đáng so với những gì mình đã đi qua. Đôi khi đặt đích đến quá cao cũng sẽ chán nản và bỏ cuộc. Với trường hợp này cần thêm một chút động lực từ phía sau, cần thêm những lí do để tiến tới, cần cả kỷ luật và quan sát, điều chỉnh kế hoạch để con đường đi trở nên phù hợp hơn, đỡ vất vả và nhàm chán hơn. Còn về “quá trình” hay con đường đi, cũng giống như hạnh phúc, nhiều người không quan tâm hoặc không biết làm thế nào để tận hưởng nó, không mấy ai xem trọng con đường như người ta vẫn nghe, vẫn nói cả.
Trong đời sống bình thường, chỉ ba thứ đó thôi đã khiến người ta thấy phức tạp. nếu một hôm bước ra khỏi nhà, không biết mình muốn đi đâu, nhưng vẫn muốn đi thì sao? Cũng được thôi, lâu lâu một hôm thì không sao, cứ đi như vậy xem cuộc đời đem đến điều gì cho mình. Nhưng ngày nào cũng đi ra ngoài mà không có điểm đến, không có mục tiêu cụ thể nào, thì sẽ bị gọi là dân lông bông, lêu lổng.
Sống mà không biết mình muốn gì khác với sống mà không muốn gì, càng khác với sống mà không cách nào đạt được điều mình muốn.
Và cái muốn cũng không nhất định phải là một mục tiêu cụ thể, một thành quả nào đó hay một cống hiến cho xã hội, lợi ích cho một ai đó, kể cả chính mình. Đó cũng có thể chỉ là muốn đi ra ngoài, ngày nào cũng đi như vậy cũng không sao, chỉ cần đó thật sự là mong muốn của mình.
Có những họa sĩ vẽ không phải vì một bức tranh nào cụ thể, họ vẽ vì muốn vẽ. Có những người viết văn không phải để lại tác phẩm bất hủ gì cho đời, những ý nghĩa sâu xa trong tác phẩm có thể chỉ là trí tượng tưởng của các nhà phân tích. Có người bắt đầu làm một điều gì đó mà không cần lí do, không cần đích đến, không quan trọng cả quá trình. Đó là một loại trạng thái có tồn tại, và không hề tào lao.
Lí do, quá trình và mục tiêu của cuộc sống của em là gì? Có gì khác biệt với những người khác không? Nếu phải nói ra những điều đó, chẳng phải nghe quá khuôn sáo hay sao?
06.01.2020