Bài này viết theo yêu cầu của Thủy (Yo Le) với gợi ý là “không cảm xúc”.
Nếu chỉ nói riêng về hiện tượng “không cảm xúc” hay cụ thể là một người không có phản ứng về tình cảm trước sự vật, hiện tượng thì đó có thể nói chỉ là một loại bệnh về tâm lý, và chắc chỉ có người nghiên cứu chuyên môn mới có thêm điều để nói về hiện tượng này. Tuy nhiên xét theo biểu hiện và nguyên nhân, kết quả kèm theo thì có thể bàn về “không cảm xúc” này theo ba trạng thái tinh thần: vô tâm, vô cảm và bình thản.

Vô tâm và quan tâm:

Ở một góc độ về sự quan tâm, chú ý của một người đối với người khác, với các hiện tượng xung quanh hoặc với bản thân người đó, thì vô tâm trái với tinh tế, quan tâm, ân cần… Khi một người cảm thấy cô đơn trong tình yêu của họ, thấy “có chồng hờ hững cũng như không”, thì rất có thể là họ đang yêu một người vô tâm.
Cũng có câu nói rằng chẳng có ai thật sự là vô tâm cả, chỉ là tâm của họ có hướng về bạn hay không mà thôi. Điều này cũng đúng, cũng như những người vô cùng tinh tế và tận tình quan tâm rất ít, người vô tâm thật sự cũng ít như vậy, đa số là những người không chủ động quan tâm, hoặc họ đang bận quan tâm đến người khác, chuyện khác.
Dù là thế nào đi nữa thì một người được gọi là vô tâm với một việc hay một người nào khác là khi họ không đặt tâm trí, không chú ý đến những biểu hiện hay tình cảm, cảm xúc của đối tượng cần được quan tâm. Muốn thay đổi trạng thái này của người đó, nếu không phải là quá “nặng”, thì cần làm một điều gì đó để thu hút sự chú ý của họ trở lại. Nếu là người yêu hay vợ, chồng thì có thể thay đổi cách ăn mặc, làm những hành động mới lạ hơn, và tốt nhất là chủ động quan tâm đến họ.
Quan tâm đến nhau chưa bao giờ là một nghĩa vụ như nhiều người lầm tưởng. Người ta có thể thực hiện nghĩa vụ theo những danh sách yêu cầu nào đó mà không có sự quan tâm trong đó. Muốn thu hút sự quan tâm của người khác, chỉ có thể bằng cách quan tâm đến họ, và quan tâm đến chính mình, xem mình làm như vậy có hợp lí không, mình cảm thấy thế nào nếu được đối xử như vậy.
Mà quan trọng là đừng quan tâm chỉ để được quan tâm, vì nếu mình làm vậy thì sự quan tâm của mình không khiến người khác thoải mái mà nó lại trở thành gánh nặng, thành một loại nợ cần phải trả, rất không hay.
Nếu cảm thấy mình là người vô tâm, thì đừng chỉ cảm thấy có lỗi, đừng mặc định đó là con người thật của mình, cho rằng mình đang sống thật rồi tiếp tục vô tâm, mà hãy học cách quan tâm người khác.

Vô cảm:

Như đã nói trên, vô cảm, ngoài việc là một loại bệnh tâm lý, thì còn lại thường là sự nhầm lẫn hoặc cố tình hiểu sai cảm xúc của chính bản thân mình. Một người nghĩ rằng mình vô cảm với sự việc, hiện tượng nào đó mà người khác có nhiều cảm xúc, hoặc chính mình đã từng có cảm xúc, thật ra là họ vẫn có cảm xúc đó, chỉ là cảm xúc đã bị vùi sâu dưới nhiều lớp khổ đau, tự ti mặc cảm, hoặc những thất bại trong quá khứ mà thôi. Cho rằng bản thân mình vô cảm, thật ra là một loại trốn tránh thực tại, trốn tránh cảm xúc.
Nếu em nhận ra hoặc nghĩ mình vô cảm với một hay nhiều điều gì đó, có thể là tình cảm, tiền bạc, địa vị… thì hãy bình tâm mà xét lại, từ tận sâu trong lòng mình, bỏ qua hết những lí do đến từ thực tại hay kinh nghiệm trong quá khứ mà chỉ tìm tòi cảm xúc của mình thôi, xem thật ra mình có vô cảm không. Nhiều khi bên ngoài mình không có phản ứng gì, bên trong cũng vậy, nhưng ở sâu hơn một chút, cảm xúc vẫn tồn tại y nguyên. Việc ngộ nhận rằng mình vô cảm ngoài khiến mình hiểu sai chính mình còn có thể dẫn đến nhiều sai lầm khác.

Bình thản:

Một vị thầy từng nói với anh rằng: con hãy bình thản, vô tâm với những khổ đau của chính mình, chứ đừng bình thản trước nỗi đau của người khác.
Bình thản là một loại trạng thái cũng giống như vô cảm hay vô tâm ở chỗ không dao động trước sự việc, hiện tượng có thể gây ra xáo trộn về cảm xúc. Tuy nhiên khác với vô cảm ở chỗ là cảm xúc vẫn tồn tại, vẫn hiển hiện ra ở trong tâm đó, chỉ là nó không thể tác động đến chủ thể bình thản kia. Khác với vô tâm ở chỗ người ta sẽ xem xét và quyết định phản ứng sao cho hợp lí nhất với tình huống gây ra cảm xúc kia mà không bị cảm xúc chi phối.
Muốn trở nên bình thản, trước hết cần phải nhìn rõ cảm xúc của mình, đừng cho rằng mình vô cảm. Hãy tìm tòi và đối diện với những yêu, ghét, giận, hờn, ganh tỵ, đố kỵ, ác độc… của bản thân. Đừng sợ hãi hay chối bỏ những thứ đó, vì chúng chỉ là cảm xúc hiện ra trong tâm mình thôi, chưa phải là chính mình nếu mình không để nó “nhập” vào mình. Sau khi nhận diện, thì hãy hiểu như anh vừa nói: những cảm xúc đó không phải là mình, để mình mới có thể quyết định ứng xử như thế nào với nó. “Mình có một cơn giận, phải làm sao đây” khác với “mình giận quá, làm gì cho hả giận đây”. Mấy bước này không dễ, nhưng đó là con đường có thể đi để đạt đến bình thản.
Đừng bao giờ cho rằng bình thản là trạng thái vĩnh cửu, nghĩa là luôn phải tự nhắc mình, thực hiện lại tất cả các bước trên một lần mỗi khi có cảm xúc mới xuất hiện, nếu không mình sẽ bị cảm xúc điều khiển mà không hay, hoặc rơi vào trạng thái vô cảm thật sự.
Muốn bình thản với đau khổ của bản thân, tốt nhất là quan tâm đến những nỗi đau của người khác. Thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ người khác là cách để giảm nhẹ đau khổ trong chính mình tốt nhất.
Đừng hoang mang nếu mình chưa đạt được sự bình thản, chưa thể thật sự quan tâm hay chưa hiểu được cảm xúc của chính mình. Con đường đã có, từ từ mà đi. Hãy bình thản với việc mình chưa thật sự bình thản.
04.01.2020