Viết cho đứa trẻ bên trong mình.
Hôm nay mình nghe một chiếc podcast. Khách mời là một tác giả sách khá có tiếng trong lĩnh vực Parenting. Chị chia sẻ "Chị ghét phải...
Hôm nay mình nghe một chiếc podcast. Khách mời là một tác giả sách khá có tiếng trong lĩnh vực Parenting. Chị chia sẻ "Chị ghét phải lựa chọn. Khi đi vào quán nước, chị luôn gọi theo người phía trước mình". Gần 1 tiếng trò chuyện cùng host là gần một tiếng chị "bóc tách" con người của mình, để rồi ồ à "Thì ra mình nên yêu thương bản thân hơn thế, thì ra mình nên tự tin với những quyết định của mình hơn".
Mình cũng thế. Mỗi lần menu đưa tới là một lần lặp lại điệp khúc xưa như Diễm "Tao gọi giống mày". Rồi đến một lúc bạn mình la lên "Tự chọn đồ uống đi chứ!".
Mình biện hộ đây là một sự dễ dãi có ích. Mình không muốn tốn quá nhiều thời gian cho việc không quá quan trọng. Nhưng sâu thẳm bên trong, mình hiểu: mình sợ. Mình sợ lựa chọn của mình không đúng, mình sợ mất tiền oan vào một ly nước dở cùng cực. Mình không muốn đối diện với nỗi sợ ấy nên mình chọn cách trốn vào niềm tin đặt lên người khác. Nếu ly nước có dở thì đó là bạn chọn, không phải mình.
Ủa, chọn nước thôi mà cũng phải làm quá lên vậy hả? Dở quá thì biết đường lần sau chọn loại khác là được mà? Mình tự nhủ với bản thân, nhưng đứa trẻ trong mình không nghe.
Mình từng là một đứa trẻ ngoan và mình nghĩ "đứa con ngoan, trò giỏi" trong mình vẫn tồn tại. Ngoan đồng nghĩa với nghe lời, với sợ sai, đồng nghĩa với việc bị trói buộc bởi 1001 quy tắc. Ngoan nghĩa là mình quen với việc bao dung với người khác và khắt khe với chính bản thân mình. Và càng khắt khe, mình càng thiếu tự tin, đôi khi đến mức tự ti.
Mình hay nói mình không bị peer pressure, nhưng có lẽ vì mình đã gặm nhấm nó hàng ngày, từ rất rất lâu, nên mình không cảm thấy nó một cách quá rõ ràng nữa. Có những lúc mình tự hỏi: mình có điểm nào hay ho không nhỉ? Mình không tự trả lời được những câu hỏi đó, nên mình phải vin vào bảng điểm, vào giải thưởng này, giải thưởng kia để biết được rằng "À mình cũng không đến nỗi". Nhưng nghịch lý là càng được nhiều thứ, mình càng cảm thấy mình không có gì. Sự tự tin được đắp bề ngoài lòe loẹt là thứ tự tin "pha ke", mình tự tin khi chính bản thân mình cảm thấy thế. Đây là bài học mình vỡ ra khi nằm nghe podcast trưa nay. Chị khách mời nói với host "Những điều em nói là điều chị đang học để dần hiểu được". Có những điều là hiển nhiên với người này, nhưng lại là thứ phải mưa dầm thấm lâu với người khác. Dù đã "vỡ" được phần nào, nhưng mình nghĩ phải một thời gian khá lâu nữa, mình mới thực sự tự tin và yêu thương những gì mình đang có.
Đứa trẻ bên trong mình là một đứa trẻ ngoan "lì lợm". Nó sợ mất nhiều thứ nên cố gắng chịu đựng nhiều thứ. Nhưng nó cần học cách hiểu rằng "Sự chịu đựng luôn có giới hạn và chỉ dành cho những điều xứng đáng". Mình tin sẽ có ngày nó hiểu được: nỗi sợ giữ chúng ta trong vòng an toàn, nhưng sự liều lĩnh sẽ đưa chúng ta đi xa hơn. Nó phải mất vài thứ để có được vài thứ khác. Rồi một ngày, nó sẽ tự tin đối diện với nỗi sợ và biết khi cầm menu lên, nó thực sự muốn gọi món gì.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất