Vậy là đã sắp hết năm 2024. Đối với mình đây là một năm có nhiều sự biến động, thay đổi. Mình thường có suy nghĩ thế này: khi cuộc đời đột nhiên "chuyển hướng", đó chính là một lời cảnh báo của tương lai. Việc của mình không phải là phàn nàn với sự thay đổi này, mà phải nhanh chóng thích nghi với nó. Khi tĩnh tâm lại và quan sát những dịch chuyển của xã hội trong những ngày cuối năm này, mình nhận thấy vài điều khá thú vị khiến mình muốn viết lại vài dòng.
tác giả: Copilot -  AI Microsoft Edge
tác giả: Copilot - AI Microsoft Edge
Thứ 1 là việc chính phủ đẩy mạnh việc tinh giản biên chế. Các thông điệp được Tổng bí thư đưa ra rất rõ ràng và thái độ cứng rắn, làm từ trên xuống dưới nên ai cũng phải theo. Nó sẽ không giống như những lần tinh giản hay sát nhập trước đây, mà sẽ quyết liệt hơn nhiều. Khi nhìn vào điều này, mình nhận thấy có 2 vấn đề:
1. Năng lực của những người ở lại phải tăng lên nhiều lần. Bởi khối lượng công việc nhiều hơn, tính chất cũng phức tạp hơn, và quan trọng là cũng không có nhiều người trong bộ máy để mà đùn đẩy, dựa dẫm.
2. Một lượng lớn cán bộ, công nhân viên chức rời khỏi bộ máy, phải cạnh tranh trực tiếp trên thị trường lao động tự do. Đây là một áp lực rất lớn tới thị trường lao động trong năm 2025.
Thêm vào đó, ngày càng nhiều công ty, tập đoàn ứng dụng AI và họ đang giảm dần nhu cầu tuyển dụng do AI thay thế được nhiều vị trí. Họ có thể không cắt giảm nhân sự đang có, nhưng họ sẽ giảm dần việc tuyển dụng mới. Chi phí tuyển dụng, trả lương nhân sự mới sẽ được dùng để trả chi phí sử dụng AI. Điều này được nói trực tiếp bởi anh Đinh Trần Tuấn Linh tại đây (nên xem):
Như vậy, chúng ta đang gặp phải một thách thức rất lớn trong năm tới, và có thể mất vài năm mới hết nóng, đó là tình trạng thất nghiệp, dư thừa lao động. Áp lực cạnh tranh sẽ trở nên rất gay gắt. Hãy nhìn cụ thể hơn vào các đối tượng sẽ tham gia vào cuộc cạnh tranh này:
Những người từ biên chế nhà nước ra ngoài tư nhân họ có lợi thế gì? Mình có thể nghĩ đến là:
- Họ có mối quan hệ. Mối quan hệ là cầu nối để có được các hợp đồng làm ăn, do đó các công ty tư nhân sẽ muốn tận dụng điểm này để mở rộng thị trường, kiếm thêm doanh thu.
- Họ có kinh nghiệm và cũng có năng lực. Không thể phủ nhận những người có năng lực từ cơ quan nhà nước mà ra ngoài làm sẽ được săn đón như thế nào. Đó là những thứ rất quý giá mà nhân sự bên ngoài khối nhà nước rất khó có được. Lý do vì sao họ có năng lực mà lại bị "out" ư? Họ chủ động tìm kiếm cơ hội hoặc "hết chỉ tiêu". Điều này cũng gần giống như 27 điểm vẫn trượt đại học thôi. Hết sức bình thường.
Một thách thức nữa là sự "khát năng lực" trong khối cơ quan nhà nước. Vì tinh giản biên chế nên họ sẽ rất cần người có năng lực, trình độ thực sự để giải quyết được khối lượng công việc lớn, phức tạp, lại có thể còn đang trì trệ để giải quyết nó một cách nhanh chóng, quyết liệt. Đó sẽ là một cái hố đen hút hết người có năng lực, để làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp thì mình nghĩ sẽ không nhiều, mà chủ yếu là gián tiếp, tức là những người có năng lực bên ngoài nhà nước sẽ chuyển sang hỗ trợ, "làm thay" cho người có vị trí trong cơ quan nhà nước. Những người trong cơ quan nhà nước sẽ là người chịu trách nhiệm chính, còn họ khó có thể tự mình giải quyết được hết công việc mới được giao. Lý do mình nghĩ đến điều này là bởi nếu họ có khả năng thì họ đã làm rồi, không phải đợi đến bây giờ mới làm. Do phương pháp làm việc cũ đã ăn sâu, tạo thành thói quen nên rất khó để thay đổi hay vá lỗ hổng ngay lập tức được. Họ sẽ có thể tìm đến sự trợ giúp bên ngoài. Sự trợ giúp này có thể bao gồm:
- Dịch vụ tư vấn (ý tưởng, kế hoạch)
- Dịch vụ hỗ trợ (làm thuê)
- Dịch vụ đào tạo (dạy để có thêm kiến thức rồi họ sẽ tự làm)
Đi kèm với các dịch vụ này là nhân lực, là thiết bị, công nghệ... được dồn vào để phục vụ thị trường này. Điều đó sẽ tạo ra thách thức gì?
Thứ 1: Dễ thấy là các doanh nghiệp nhỏ, yếu đã khát nhân sự lại càng khát. Việc tìm nhân sự có năng lực càng khó bởi số lượng người tìm việc thì đông hơn nhưng chất lượng lại có phần giảm đi. Chi phí tuyển dụng sẽ tăng hoặc chất lượng tuyển được sẽ giảm.
Thứ 2: Tiếp đến là sinh viên mới ra trường khó tìm việc hơn. Đây chính là nhóm thứ 2 tham gia thị trường lao động. Họ là đối tượng chưa có (nhiều) kinh nghiệm, lại chưa có mối quan hệ và tâm lý chưa gắn bó với công việc nên khó để cạnh tranh với những người đã có kinh nghiệm. Nhóm này thường cho rằng cơ hội còn nhiều, dễ chấp nhận làm các công việc không đúng năng lực (làm trái ngành), thu nhập thấp (bởi họ cũng chưa định vị đúng được mức thu nhập của bản thân). Họ chưa quen áp lực công việc, chưa quen với phương pháp làm việc nên thời gian đầu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Một thứ vô hình nữa có tác động gián tiếp mà mình nhận thấy là dòng tiền trong kinh doanh đang rất yếu. Nó thể hiện ở:
(1) - Lượng tiền trong lưu thông đang đọng ở vàng, ở bất động sản chứ không phục vụ sản xuất kinh doanh. Vàng và BĐS tăng giá khủng khiếp khiến người dân lao vào vòng xoáy mua tích trữ, đầu cơ. Còn thêm cả các tài sản ảo như bitcoin nữa, cũng rất dễ bị "kéo lưới" để hút tiền ra khỏi một quốc gia.
(2) - Thêm vào đó việc lừa đảo tràn lan cũng hút một lượng tiền lớn ra khỏi đất nước. Việc ngăn chặn lừa đảo đang được thực hiện rất mạnh tay, và khiến chúng ta nhận ra những vụ lừa đảo hàng nghìn tỷ xuất hiện ngày càng nhiều.
(3) - Cộng thêm việc hàng hóa TQ xâm chiếm thị trường cũng kéo dòng tiền chảy ra ngoài. Chính phủ đang phải mạnh tay với các sàn như Temu, đánh thuế hàng nhập khẩu có giá trị thấp, đánh thuế lên các sàn TMĐT... đây là những động thái nhằm giảm bớt tình trạng chảy máu tiền tệ trước các hành động "xâm lược" của láng giềng.
Túm lại, nếu mình hình dung nền kinh tế trong năm 2025 thì nó giống như một người ốm:
- Mạch yếu, máu lưu thông kém, bị tắc nghẽn và đang thiếu máu.
- Tắc khí. Nhân tài là nguyên khí thì nó đang bị dồn tắc và phân phối lại khiến nhiều chỗ không ổn định.

Vậy thì năm tới mình sẽ làm gì?

Tất nhiên chuyện chính trị, kinh tế quốc gia thì dân thường như mình chỉ dám "nhìn gì nói đấy", còn chưa đủ khả năng hiến kế hay lạm bàn. Vấn đề ở đây chỉ là bản thân mình đang thấy gì, mình sẽ có hành động gì mà thôi.
Đầu tiên là "siết chặt túi tiền và thói quen của bản thân". Chính vì nhận thấy dòng tiền trong kinh doanh yếu nên đồng tiền sẽ càng có giá trị, càng dễ bị lừa lọc, kích thích tiêu dùng nhằm rút ra khỏi túi của mình. Vậy nên muốn giữ tiền thì phải siết chặt lại thói quen để kỷ luật hơn trong tiêu dùng, cảnh giác hơn với những lời mời gọi. Vẫn châm ngôn an toàn: Tiền trong túi mình là tiền của mình, tiền ra khỏi túi thì không còn là của mình nữa, bất kể cho mượn hay cho vay, đầu tư. Mình vẫn sẽ đầu tư vào những thứ mà mình tin tưởng, những thứ mà mình đánh giá được rủi ro và tiềm năng của nó. Nhưng xác định đầu tư sẽ rủi ro cao hơn trước đây.
Tiếp theo là tăng cường đầu tư vào bản thân hơn nữa. Bởi mình cũng nằm trong thị trường cạnh tranh này, vẫn có thể bị đào thải bất cứ lúc nào. Không ngừng đầu tư vào bản thân vẫn là chiến lược mình áp dụng suốt 10 năm nay và mình thấy đó là thứ hiệu quả nhất. Đầu tư vào bản thân thì làm những gì?
+ Sức khỏe là ưu tiên hàng đầu. Nhưng không phải kiểu bỏ tiền đến phòng tập, mà mình sẽ chủ động hơn trong việc tự luyện tập thể dục thể thao. Sinh hoạt cũng điều độ hơn.
+ Củng cố và tăng cường các mối quan hệ - networking. Với người đã đi làm thì ai cũng hiểu vai trò của networking trong việc tạo ra "cơ hội".
+ Học hỏi, nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm cũ và mới. Có rất nhiều thứ mình đã muốn làm nhưng chưa làm được. Năm tới sẽ cần tập trung hơn vào những thứ này, bởi điều này sẽ giúp mình "nắm được cơ hội khi nó tới". Chuẩn bị hàng tháng, hàng năm trời chỉ để cho 1 ngày, 1 giờ thể hiện trước ai đó. Khi mình hiểu cảm giác này, nắm được khoảnh khắc này thì mình đã thay đổi tư duy, góc nhìn với rất nhiều điều trong cuộc sống.
Cuối cùng là mình hướng tới "trở thành 1 mentor, 1 partner". Sẽ rất nhiều người cần được hỗ trợ để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Chẳng ai muốn đơn độc trong cuộc chiến ấy, càng có nhiều người giúp thì càng tốt. Vậy nên mình tin là sẽ nhiều người cần được giúp đỡ, cần 1 mentor chỉ đường, chia sẻ kinh nghiệm, cần 1 partner cùng đồng hành giải quyết khó khăn - cần người nói được làm được. Well, tất nhiên điều này không dễ, nhưng không nghĩ đến nó, không muốn làm nó thì nó sẽ không bao giờ tồn tại.
Những điều này không phải chỉ làm trong 1 năm, mà mình nghĩ rằng nó sẽ phải thực hiện trong một thời gian dài mới đạt được sự khác biệt. Đối với mình, đây là một bước chuyển hướng và xác định lại mục tiêu của bản thân mà thôi. Kết luận vẫn là: Dù trong thời đại nào thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Con người muốn được kết nối với con người, không phải máy móc hay AI.
29/12/2024
duongAQ