Khi xin học bổng đại học hồi cấp 3, mình đã chật vật nhiều tháng trời để viết bài luận cho ra hồn. Lúc đó mình không biết bắt đầu thế nào, và đã cần sự trợ giúp của nhiều người.
Một vài năm sau, khi vào trường đại học phải viết nhiều hơn, mình nhận ra việc viết có vài nguyên tắc. Nhờ đó mình không còn thấy viết luận quá khó nếu như vận dụng đúng nguyên tắc và nhờ mọi người góp ý.
Sau đây mình ví dụ một bài luận mình dùng để xin học bổng cho trường mình. Mình viết xong và nhờ một người bạn Mỹ cùng trường đọc qua và góp ý. Bài kể trải nghiệm về việc mình muốn ăn chay khi đang học đại học tại Mỹ.

Khi viết bài luận này, mình đang học lớp Creative Writing và dùng bài tập về nhà của môn này để xin học bổng cho trường mà mình định chuyển đến học. Mình tập trung vào sử dụng các hành động, suy nghĩ của mình để tạo ra hình ảnh đáng nhớ.
Bài viết bắt đầu bằng cách kể chuyện về quá khứ của mình, rồi đến những trải nghiệm đến lúc mình thay đổi nhận thức của mình về việc ăn hàng ngày, miêu tả những suy nghĩ mình có trong quá khứ và điều gì xảy ra khiến mình thay đổi. Counselor trường mình vẫn nhắc đến nó mỗi khi gặp mình, và một phần mình được nhiều học bổng là nhờ bài viết này.
Bài học:
  • Dù đề bài có thể yêu cầu viết một bài luận trình bày quan điểm, bạn có thể dùng một câu chuyện để thuyết phục mọi người. Ai cũng thích đọc câu chuyện hơn là một bài luận dài nhiều lí lẽ.
  • Những ví dụ hay câu chuyện bạn viết cần chứa thông điệp chứng minh một năng lực nào đó của bạn. Thông thường bạn muốn chứng minh bạn có khả năng khác biệt và nhận thức, hoặc bạn thông minh và có tiềm năng trưởng thành. Bạn nên viết sao để không bị coi là khoe trương, mà những ví dụ bạn viết sẽ nói ngầm lên năng lực của bạn.
  • Vì là một câu chuyện, bạn không cần phải miêu tả đủ chi tiết y hệt là thật. Bạn có thể tạo ra ngữ cảnh thú vị từ những kí ức bạn có trong đầu. Như mình khi viết bài luận đã trộn lẫn những cảnh mình nghĩ trong đầu và những sự kiện có thật. Mình không biết có được coi là đạo đức khi làm điều này không, nhưng nó giúp cho câu chuyện của mình hấp dẫn và dễ đọc hơn.
  • Cho bản nháp đầu tiên, bạn không nên quá cẩn thận mà nên tuôn ra tất cả những gì mình có trong đầu. Bạn cũng không nên đánh giá chất lượng của bài luận lúc này. Những bài nháp sau thì bạn chăm chút cho việc sửa. Việc tách quá trình viết và sửa thành hai giai đoạn riêng biệt sẽ giúp bạn cầm bút viết dễ dàng hơn và không bị chần chừ khi có ý nghĩ phải viết hay ngay trong lần đầu tiên. Một người bạn ở trường đại học ví von là khi bắt đầu viết thì đừng ngại mà "nôn ra" tất cả những gì mình nghĩ trong đầu. Nôn ra hết đã rồi tính sau.
Mình đã dùng công thức kể chuyện này khá nhiều trong các lần xin học bổng khác nhau và tỉ lệ khá thành công. Mình biết có nhiều cách để xin học bổng khác nhau. Như mình từng tin rằng một bài luận ngắn (như mình viết 1 trang) thì sẽ dễ đọc và thu hút hơn một bài xin học bổng dài nhiều trang. Nhưng không phải thế. Một người chị mình biết xin học bổng toàn phần thạc sĩ ở Đài Loan kể rằng chị đã viết 11 trang, đề cập lịch sử cuộc đời của chị và học tập của chị. Thế nên mình tin rằng mỗi người sẽ có phong cách viết luận riêng của mình. Ở đây mình chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.
Nếu các bạn đang xin học bổng và gặp khó khăn trong việc viết luận, đừng ngại email hỏi mình hoặc liên hê với mình qua Facebook.
Bài viết được đăng lần đầu trên blog của mình.
Đọc thêm: