Đã vài tháng kể từ lần cuối mình đăng bài trên Spiderum. Lý do là bởi, trước tết mình mới tốt nghiệp, về nước cái xong đi làm luôn, bận túi bụi, thành ra không còn thảnh thơi như hồi đi học, từ đó quên luôn cả việc viết lách.
Nhân đợt này Giỗ Tổ được nghỉ 3 ngày, mới có thời gian thong thả ngồi cà phê sáng, truy cập spiderum cập nhật tình hình bài viết mới như thói quen ngày trước, tình cờ mình phát hiện một số bài viết cũ của mình gần đây vẫn có bạn tương tác và phản hồi.
Cụ thể, bạn AKA1122 vào ngày 5 tháng 4 đã lên một bài phản biện liên quan tới một trong những bài viết của mình về vấn đề nữ quyền:
Mặc dù đã viết cách đây nửa năm, nhưng khi đọc bài phản biện của bạn, một lần nữa khơi gợi lại cho mình cảm xúc để viết tiếp về chủ đề này.
Đầu tiên, với tư cách tác giả, mình xin cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của mình, thậm chí còn viết hẳn một bài phản biện để chỉ ra những luận điểm mà bạn cảm thấy chưa thỏa đáng. Mình rất vui và hoan nghênh, bởi nó thể hiện đúng với tinh thần của spiderum, cũng như box "Quan Điểm - Tranh Luận" này.
Đầu tiên, cần nhấn mạnh: Tất cả nội dung mình viết trong bài viết gốc, không có bất kỳ chi tiết nào thể hiện sự sự kỳ thị phụ nữ, phong trào nữ quyền nói chung, hay những người ủng hộ nữ quyền chân chính. Ngay phần tiêu đề "Sự Đê Tiện Của Những Kẻ Nhân Danh Phái Yếu", đã thể hiện rất rõ đối tượng mình nhắm đến trong bài là một nhóm Rất-Cụ-Thể, chứ không có ý gom toàn bộ phụ nữ để quy kết.
Cụ thể, nhóm đối tượng chính mình đề cập trong bài - "Những Kẻ Nhân Danh Phái Yếu", có thể nói là tập con của tập con của phụ nữ, là một nhánh tiêu cực tập con của cộng đồng feminism - bao gồm feminazis, và những kẻ lợi dụng núp bóng cộng đồng này để thực hiện những hành vi đen tối. Tất cả ví dụ dẫn chứng trong bài, cũng là những ví dụ điển hình về tính cách cũng như hình tượng đặc trưng ngoài đời của những kẻ mà đối với cá nhân mình, họ không xứng đáng được tôn trọng. Đó là lý do mình gán cho họ những danh xưng không mấy đẹp đẽ. Đây là hành động thể hiện quan điểm cá nhân của mình, và mình cũng đã nói rõ ngay trước phần mở bài.
Mục Đích Của Phong Trào Feminism Làn Sóng Thứ Ba

Đi vào nội dung chi tiết, về luận điểm đầu tiên bạn phủ nhận: "Làn sóng nữ quyền thứ ba không tập trung vào việc gia tăng sức mạnh cho nữ giới trong hệ thống quyền lực”. Ở phần này, bạn đã quote thiếu ý trong bài của mình. Thực chất, agenda chính của làn sóng nữ quyền thứ ba mình đề cập trong bài viết gốc, chính là "Gender Correctness", hay nói cách khác: "XÓA BỎ NHẬN THỨC GIỚI TÍNH, để từ đó mới tìm cách gia tăng sức mạnh cho nữ giới trong hệ thống quyền lực. Và đối tượng họ nhắm tới chính là những người (mà họ cho là) đang được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi so với họ trong hệ thống xã hội - Những Người Đàn Ông.
Trên cơ sở đó, một trong những cách họ đã chọn để hiện thực hóa điều này, chính là việc cố gắng xóa bỏ mọi quan niệm truyền thống trước giờ về Tính Nữ (Womanhood), điển hình bao gồm việc phụ nữ ở nhà nội trợ, hay ăn mặc điệu đàng/khiêu gợi theo phong cách mà đối với các feminist 3rd wave, chỉ nhằm phục vụ cho những người đàn ông (Về mặt sexual). Thậm chí họ còn tin rằng quy chuẩn về nét đẹp hình thể/số đo ba vòng của người phụ nữ trước giờ cũng do những người đàn ông đặt ra để thỏa mãn tính dục của họ. Chính vì vậy, feminism 3.0 đã phát động những phong trào kêu gọi phụ nữ để ria mép và lông nách, xăm mình, để ngực trần, hay khiến bản thân overweight như một cách thể hiện sự tự do về hình thể, giải thoát khỏi "Những gông cùm vô hình do đàn ông đặt ra". Đồng thời, họ cũng yêu cầu những người đàn ông không được có hành vi body-shaming khi họ thực hiện những điều đó.


Sự thay đổi của một số bạn nữ trước - sau khi tham gia Feminism 3rd wave
Tiếp theo, mình cần đính chính rằng, phong trào #SlutWalk là một phong trào gây tranh cãi ngay trong nội bộ Feminism. Thậm chí nhiều feminist chính là những người chống lại quan điểm ăn mặc phô bày tính nữ cực đoan, cũng đồng nghĩa với việc họ không ủng hộ tư tưởng tự do trong ăn mặc.
Trong bài viết: “Amber Rose's Slutwalk: Is The Controversial Feminist Movement Still Relevant?" về sự kiện này, có đoạn: 
“Mặc dù mục đích của việc (Định nghĩa lại từ “Slut” - “Con Đĩ”) là vô hiệu hóa ý nghĩa của nó như một từ mang tính xúc phạm, nhiều nhà nữ quyền tin rằng chìa khóa mở ra cánh cửa giải phóng về mặt giới tính cho nữ giới, chính là việc tìm ra những cách thức mới và chính thức để nhận diện tính nữ, để từ đó đóng mọi cánh cửa cho các thuật ngữ tương tự được xác định bởi nam giới ( như Slut, Bitch, Whore…)
Mặc dù Amber Rose khuyến khích mọi người tham gia phong trào mặc bất cứ thứ gì họ muốn, nhưng nhiều người đặt vấn đề với ranh giới của "Tính Đĩ Thõa" – “Sluttness”, một từ mang ý nghĩa hình tượng dùng để diễn tả một ai đó ăn mặc khiêu khích và gợi dục. Đây cũng là một hình ảnh mà Amber Rose tự thể hiện - một hình ảnh phù hợp với tiêu chuẩn khiêu dâm.”
Trong một diễn biến khác, một số chuyên gia và cũng là nhà nữ quyền uy tín đã công kích Ivanka, con gái Tổng thống Donald Trump, cho rằng cô không xứng đáng đứng trong hàng ngũ feminism chỉ vì đã “mặc chiếc áo hồng quá nữ tính (Girlie)” khi phát biểu tại một sự kiện công chúng. Những người này cho rằng, trang phục của cô “thể hiện sự gia trưởng và truyền đi thông điệp phụ nữ là tài sản (Của đàn ông)”.
Và đây là cách họ lập luận bảo vệ cho quan điểm của mình, mình xin trích nguyên văn:
That’s not a dress that’s made for work. That’s not a dress that’s made to go out in the world and make a difference. That is a dress that is designed to show off your girlieness, and, you know, God bless her, show it off, but don’t then tell us that you’re crusading for an equal place for women at the table because you’re not.”
Điều này cho thấy, phong trào Feminism dường như đã áp dụng tiêu chuẩn kép khi lấy danh nghiã "Giải Phóng Nữ Giới", nhưng lại Clothing Shaming một số người khác chỉ vì Dress Code của họ không phù hợp với ý chí của một số người? Tất cả chỉ nhằm che đậy xu hướng anti-male đang phát triển mạnh mẽ trong phong trào này.
Bạn có thể tham khảo thêm về vấn đề này ở một số link dưới đây: 
Chủ Nghĩa Nữ Quyền Và Li Dị

Trong bài phản biện, bạn AK1122 đã phủ nhận quan điểm: "Feminism là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trang ly hôn tại Mỹ chiếm tỷ lệ hơn 50%, và khiến đàn ông Mỹ ngày càng sợ lấy vợ" của mình. Tuy vậy những dẫn chứng bạn đưa ra có vẻ ko liên quan hay đóng góp gì nhiều trong việc củng cố sự phủ nhận đó. Do vậy, mình sẽ cung cấp thêm cho bạn một số tư liệu để bạn hiểu rõ hơn vì sao mình lại đưa ra nhận định này. 
Đầu tiên, đó là việc xác thực con số 50%: 
Thứ hai, về ảnh hưởng của chủ nghĩa Nữ Quyền tác động tới tỷ lệ ly dị tại Mỹ và xã hội phương tây, đã được phân tích khá rõ trong một bài phỏng vấn có tựa đề "Feminist Love Divorce" do hai nữ tác giả và cũng là nhà nữ quyền có tiếng tăm tại Mỹ tổ chức. Ở đó, họ đã phân tích khá chi tiết về mối liên quan giữa sự gia tăng tỷ lệ ly dị và tư tưởng nữ quyền:
"Sự tự do mà nhiều fiminists thời đại này hướng tới, về bản chất, chính là việc được giải thoát khỏi trách nhiệm gia đình, bao gồm chồng, con cái, cũng như công việc bếp núc nhà cửa. Họ muốn sống một cuộc đời độc lập với đàn ông, được giải phóng khỏi những nghĩa vụ làm vợ và làm mẹ. Điều này, vô hình chung đã hình thành ý tưởng "Ly dị dễ dàng" trong đầu họ, điều mà sau này đã trở thành xu hướng lan rộng khắp cả nước". Chỉ cần cảm thấy hôn nhân là gánh nặng hoặc không mang lại sự thoải mái như trước, những người vợ này đều sẵn sàng từ bỏ rất dễ dàng và dứt khoát khỏi cuộc hôn nhân của họ."
Tuy trong số này, có những người phụ nữ thực sự bị tư tưởng Nữ Quyền ảnh hưởng, bên cạnh đó cũng có những kẻ nhân danh nữ quyền để lấp liếm và bào chữa cho sự vô đạo đức đến tận cùng có thể của một người đàn bà, bằng việc phản bội, hãm hại những người đàn ông, bất kể họ là bạn trai, là chồng, hay là cha của chính con cái họ.
Trong bài viết "Có phải chủ nghĩa nữ quyền đang hủy hoại nền tảng hôn nhân?" , Vanessa Lloyd-Platt - Một luật sư ly hôn hàng đầu tại Anh đã tiết lộ một sự thật khá đau đớn:
"Trong làn sóng ly dị lớn thứ hai xảy ra ở nước Anh (Mà phần lớn nguyên đơn là phụ nữ), có tới 20-30% vụ ly dị xuất phát trong hoàn cảnh người chồng là Stay-at-home-Dad, còn vợ là trụ cột tài chính trong nhà. Trong mắt những người vợ này, những anh chồng của họ là hiện thân của sự yếu đuối kém cỏi, và quyết định chia tay thường được đưa ra khi các bà vợ bị thu hút bởi những gã đàn ông anpha nam tính quyến rũ hơn ở chỗ làm".
Điều này cho thấy một điều, đã có không ít đàn ông phương Tây đặt niềm tin sai lầm vào mục đích cao thượng của làn sóng nữ quyền lần thứ ba, thể hiện sự tiến bộ trong việc đối mới tư duy nhưng hóa ra đâm đầu vào ngõ cụt của họ khi chấp nhận trao đổi vai trò truyền thống với vợ mình trong gia đình, để rồi cuối cùng nhận về kết cục cay đắng. Về bản chất, phụ nữ vẫn luôn bị quyến rũ bởi những gã trai bảo tồn được nét nam tính trong người – Thứ mà theo truyền thông phương Tây ngày nay, đã và đang gieo rắc vào đầu họ là thứ văn hóa độc hại, cần phải từ bỏ, phải trở nên nhạy cảm, thấu hiểu, phải nữ tính hơn để người phụ nữ và những đứa con bên cạnh họ cảm thấy an toàn.
(Bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề Nữ Quyền (Feminism), đều sẽ thấy phong trào này luôn song hành với hai agenda khác được khởi xướng bởi truyền thông phương tây. Đó chính là (1) Toxic Masculine – Nam Tính Độc Hại và (2) Ferminize Men – Nữ hóa đàn ông. Cả hai phong trào này cùng với Feminism đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc xã hội phương Tây chỉ trong vài ba thập kỷ).

Bên cạnh đó, còn một lý do khác giải thích vì sao nhiều phụ nữ Mỹ và phương Tây thậm chí có vẻ "thích thú" với việc ly dị, đó là bởi luật ly dị ở những quốc gia này luôn cho phép người vợ là bên hưởng mọi đặc quyền đặc lợi (về người và tài sản) trong trường hợp hai vợ chồng quyết định ly hôn.
Tại Mỹ, thông thường khi li dị, 90% phụ nữ khi ra tòa sẽ là bên được trao quyền nuôi con, cùng với đó là một nửa tài sản của chồng, ngôi nhà hai vợ chồng đang sống, và nhận tiền cấp dưỡng hàng tháng đều đặn từ người này cho đến khi con hai người đủ 18 tuổi. Người chồng tội nghiệp, bất kể vì lý do gì (Thậm chí ngay cả khi vợ mình ngoại tình), thường cuối cùng sẽ là bên mất tất cả trong một vụ ly dị. Trong đó, đau đớn nhất phải kể đến thời gian gặp con sau này sẽ được tính theo giờ và chịu sự kiểm soát rất nghiêm ngặt bởi tòa án, cũng như phụ thuộc rất lớn vào thái độ và sự hợp tác của người vợ (cũ). Đã có rất nhiều người cha không bao giờ có thể xây dựng lại mối quan hệ với con mình như trước, vì thời gian dành cho nhau quá ngắn ngủi. Về tài chính, anh ta cũng không thể thoái thác nếu không muốn bị tống vào tù theo luật liên bang. Phần lớn thu nhập của người này, kể từ đó, sẽ được trích đều đặn vào tài khoản người kia nhiều năm trời để làm tròn nghĩa vụ hậu li hôn của mình.
Các nhà lập pháp Mỹ, khi diễn giải vấn đề này, đã cho thấy sự "nhân văn đáng kinh ngạc" của họ khi nói rằng, con cái xứng đáng là đối tượng cần được ưu tiên nhất trong một vụ li dị. Họ tin rằng, tình thương của người mẹ dành cho con cái có giá trị lớn hơn người cha. Những đứa trẻ, do đó cần được chăm sóc bởi bàn tay người mẹ để có thể phát triển tốt nhất. Sự nhân văn này là một sự thừa nhận ngầm khiến người ta không khỏi kinh ngạc, đặc biệt khi nó diễn ra tại một xã hội bấy lâu vẫn được biết tới như một vùng đất đề cao Dân Chủ và Pháp Quyền như Hoa Kỳ. Ở một nơi mà mọi người dân đều có quyền được nói và bảo vệ bởi pháp luật, nhưng trong trường hợp này, tất cả những quyền đó đều đã bị tước đoạt trong một sự thiên vị lập pháp trắng trợn, mà nạn nhân không ai khác chính là những người đàn ông.
Điều này không chỉ tạo ra sự bất công về mặt pháp lý, mà còn tạo điều kiện cho sự mất nhân tính và độc ác của một số kẻ nhân danh phái yếu, đã lợi dụng sự bảo vệ của pháp luật để thỏa sức gieo rắc đau khổ cho những người đàn ông xung quanh họ. Cụ thể, về vấn đề li dị như tôi đã đề cập, kể cả trong trường hợp người vợ có ngoại tình, người chồng vẫn phải tạo mọi điều kiện trong khả năng của mình để phụng sự cho sự phát triển lâu dài của con cái. "Điều kiện" ở đây, không gì khác ngoài tài chính, thời gian, tiền bạc, và nhà cửa. Cay đắng nhất, cá biệt có trường hợp người chồng không chỉ bị phản bội mà khi li dị còn phát hiện đứa con thậm chí còn không phải của mình, nhưng vẫn phải cấp dưỡng cho cả hai mẹ con trong trường hợp không tìm ra được bố đẻ của chúng. Lý do rất đơn giản: "Trẻ Con Không Có Tội".
"Ly dị" ở Mỹ nhanh chóng trở thành một trong những ngành công nghiệp có giá trị lên tới 50 tỷ dollar, mang về khoản lợi tức hàng triệu đô la cho đám luật sư và những bà vợ vô đạo đức – Một ngành công nghiệp được xây bằng mồ hôi, danh dự, và cả nước mắt của những người đàn ông chân chính. Điều này đã giải thích vì sao chúng ta thường thấy đàn ông phương Tây rất sợ ly dị, bởi nhiều người trong số họ đã không bao giờ có thể phục hồi chỉ sau một cú shock đổ vỡ. Đây chính nghịch lý, khi đa số đàn ông phương Tây, như chúng ta thấy, thường ga-lang và coi trọng phụ nữ hơn nhiều nếu so với đàn ông châu Á nói chung.
Và hệ quả là, những người trẻ thế hệ sau ngày càng trở nên xa lánh hôn nhân. Trong một thống kê năm ngoái của Business Insider, tỷ lệ kết hôn ở Mỹ đã giảm tới 72% so với những năm 1940 (Baer 2018). Đây rõ ràng là một tỷ lệ khủng khiếp. Lý do là bởi, bên cạnh những vấn đề kinh tế, giáo dục, xã hội, hầu hết những người trẻ ngày càng nhận ra mức độ rủi ro và cái giá họ phải trả cho một cuộc hôn nhân (Trong trường hợp đổ vỡ) là quá lớn. Như trong bài “Why Young Men Fear Marriage”, Daryl – một blogger trẻ tuổi, đã chia sẻ thẳng thắn:

Tôi không coi hôn nhân là một lựa chọn, ít nhất cho đến khi  nào bộ luật (ly dị) trở nên công bằng hơn. Còn hiện tại, nó quá chống lại chúng tôi.

Không dừng lại ở đó, thái độ dè chừng này còn biến thành tâm lý sợ hãi và xa lánh phái nữ của một bộ phận những người đàn ông làm việc trong ngành giải trí, chính trị, tài chính, và nhanh chóng bao trùm toàn bộ tầng lớp công sở Mỹ nói chung, sau thời điểm phong trào #Metoo nổ ra.
Trong một bài xã luận với tiêu đề: “Luật Mới Ở Phố Wall”, có nói về một bộ luật ngầm mà giới mày râu làm việc trong ngành tài chính phố Wall vẫn thường rỉ tai với nhau, trong đó bao gồm:
1) Không đi ăn tối cùng đồng nghiệp nữ;
2) Không ngồi cạnh họ trên máy bay;
3) Đặt phòng khách sạn ở những tầng khác nhau;
4) Không đi chung thang máy khi chỉ có hai người;
Về phong trào này, phó tổng thống Mỹ Mike Pence là người đầu tiên kích hoạt “Hiệu Ứng Pence”, khi tuyên bố sẽ tránh mọi cuộc ăn tối chỉ có một mình với một người phụ nữ khác không phải vợ ông. Một nhà quản lý trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng thì cho biết ông “sẽ không gặp các đồng nghiệp nữ trong những căn phòng không có cửa sổ nữa”; ông cũng “giữ khoảng cách xa với họ trong thang máy”. Trong khi đó, một người khác nói ông có một nguyên tắc mới, được thiết lập trên cơ sở lời khuyên của vợ ông vốn là một luật sư: không ăn tối bàn công việc với một phụ nữ từ 35 tuổi trở xuống. 
Đây không gì hơn, chính là một sự sỉ nhục to lớn nhất dành cho những kẻ - Mà tôi phải dùng hai từ QUÁI VẬT, để phân loại chúng với phần còn lại của phụ nữ, những kẻ đã khiến đàn ông từ e dè, đề phòng chuyển sang kinh tởm, xa lánh. Ngay cả việc những kẻ này phản ứng giận dữ với thông tin trên, chúng đe dọa kiện người nào dám áp dụng bộ luật mà chúng cho là “phân biệt giới tính” như một cách ngụy biện thô thiển vẫn thường được chúng sử dụng, cũng chỉ làm người ta nhận ra rõ ràng hơn bộ mặt thật của chúng. 
Hai Vụ Li Dị

Trong phần tiếp theo của bài, tôi muốn nhắc lại hai câu chuyện ly dị tốn khá nhiều giấy mực của báo chí thời gian vừa qua. Một vụ ở Ta, một ở Tây, mà tôi cho rằng chúng khá phù hợp để mình có thể truyền tải quan điểm như một lời dự đoán sau cùng cho tương lai của phong trào nữ quyền. 
Đó chính là câu chuyện ly dị của vợ chồng nhà Trung Nguyên và vợ chồng tỷ phú Amazon.
Như chúng ta đã biết, việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Nhà sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên, và vợ mình là bà Hoàng Lê Diệp Thảo, quyết định ra tòa li dị sau 21 năm chung sống đã trở thành headline truyền thông trong suốt nhiều tháng liền. Mức độ kịch tính của vụ án, hay giá trị tài sản khổng lồ được phân chia là một trong những nhân tố khiến công chúng hồi hộp dõi theo vụ án này giống như đang theo dõi một bộ drama dài tập. Và ở đó, từ những diễn biến khôn lường của vụ án, một cách vô tình hoặc cố ý, đã làm bùng phát một cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội xoay quanh vấn đề nữ quyền. Hai người trong cuộc, sau một đêm, bỗng trở thành hai người đại diện cho hai giới ở hai bên bờ chiến tuyến, đấu tranh cho một cuộc chiến không chỉ về pháp lý mà còn cả về ý thức hệ.
Những người ủng hộ bà Thảo, cũng như team truyền thông của bà, đã sử dụng đúng chiêu bài mà những kẻ núp bóng nữ quyền thường sử dụng, đó là “Tư Tưởng Tự Nạn Nhân Hóa” – Một cụm từ tôi cảm thấy rất tâm đắc sau khi đọc một bài viết trên diễn đàn viết về đề tài phân biệt chủng tộc, bởi nó hình tượng hóa một cách đầy đủ những gì tôi muốn miêu tả về những kẻ tôi đang chuẩn bị đề cập. 
Một chiến dịch bài bản, bắt đầu bằng bài phỏng vấn “5 năm trên núi đã cướp mất Đặng Lê Nguyên Vũ Của Đời Tôi, nhằm mục đích khơi gợi sự đồng cảm của dư luận, tạo tiền đề phục vụ cho những mục tiêu kế tiếp. Tiếp theo, người ta thấy hình ảnh ông Vũ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông giống như một “Người Đời”, xưng là “Qua”, là tiên đắc đạo, xuất phàm nhập thế…v.v… Cùng lúc trên các kênh mạng xã hội, liên tiếp xuất hiện thông tin ông Vũ bị Trung Quốc đầu độc, và Trung Nguyên sắp về tay một cán bộ nhà nước, trong ngành Công An – Cũng là tay sai Trung Quốc…v.v…
Trước tình thế đó, việc bà Thảo tìm cách nắm quyền điều hành Trung Nguyên ban đầu được dư luận ủng hộ nhiệt liệt. Hình ảnh bà xuất hiện trên khắp các mặt báo như một nữ anh hùng, một người mẹ, người vợ đã dũng cảm xông pha đấu tranh với một thế lực tà ác trong bóng tối đã và đang hãm hại chồng bà, bảo vệ cơ ngơi mà chồng bà gầy dựng.
Bẵng đi một thời gian, người ta nghe tin bà bị truất quyền điều hành Trung Nguyên. Và người làm việc đó không phải ai xa lạ mà chính là chồng bà – Nhà sáng lập Đặng Lê Nguyên Vũ. Lúc này nhiều người vẫn tin ông bị kẻ gian xúi giục, cộng thêm tinh thần không minh mẫn nên đã ra quyết định hồ đồ như vậy. Họ chưa kịp trách ông, thì đã nghe tin bà Thảo đột ngột đệ đơn xin ly hôn chồng. Dư luận bắt đầu choáng váng, diễn biến câu chuyện thay đổi một cách quá nhanh và đa chiều khiến nhiều người thậm chí không hiểu chuyện gì đang xảy ra với vợ chồng họ, quay đi quay lại đã thấy họ xuất hiện trước tòa. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn dành sự tin tưởng cho bà Thảo.
...Cho đến ngày hai vợ chồng kéo nhau ra toà, mọi chuyện bắt đầu được sáng tỏ.
Ban đầu, từ hình ảnh người vợ, người mẹ chiến đấu bảo vệ cơ nghiệp tài sản cho chồng, bà Thảo đứng trước tòa giờ đây lại đang đấu tranh với chính chồng mình trong việc chia tài sản, lần này là nhân danh bốn người con. Một điều trùng hợp ở cả hai lần, bà Thảo luôn tìm một lý do chính đáng để bào chữa cho hành vi của mình. Nhưng lần này, mọi ý đồ đã trở nên khiên cưỡng. Chứng kiến màn đối đáp của bà với chồng bà trước tòa, người ta mới bắt đầu mơ hồ nhận ra mục đích thực sự của con người này. Từ việc bà bốn lần bắt chồng bà đi khám nghiệm tâm thần, cho đến việc bà giả chữ ký bán công ty với giá một đồng bên Singapore, rồi việc bà mở thương hiệu cà phê King cạnh tranh với chính chồng bà, thậm chí còn sử dụng hai cơ sở của chính Trung Nguyên ở Quảng Ninh để phục vụ cho việc sản xuất. Cuối cùng, khi người ta chứng kiến bà ăn thua từng đồng với chồng bà trước tòa, bắt chia đôi tất cả tài sản cộng thêm cổ phần cho con để bà có thể nắm quyền kiểm soát Trung Nguyên, nhưng khi nhắc đến khoản tiền 1700 tỷ tài sản chung của hai vợ chồng do bà quản lý, bà lại lờ đi như không biết chuyện gì với số tiền đó. Đến lúc đó, người ta mới vỡ ra: “À, thì ra là như vậy.”
Là một người làm việc trong ngành truyền thông – marketing, điều làm tôi cảm thấy đáng tiếc nhất cho bà, đó là chỉ vì tranh đoạt tài sản, bà đã biến người chồng chung sống với bà hơn hai thập kỷ từ một kẻ điên khùng cho đến một gã gia trưởng độc đoán, bằng việc sử dụng công cụ truyền thông theo một cách mà những người làm nghề như chúng tôi nhận định, là rất lưu manh. Bà cho người cắt gọt từng lời của chồng bà rồi biến tấu nó thành những câu từ mang tính “phản nữ quyền” nhằm tranh thủ cảm tình của dư luận. Tất cả cũng chỉ để bà có thể tiếp tục diễn vai người bị hại. Nhưng xui cho bà, những gì bà làm nó quá trơ tráo để cho một agency – dù được xem là giỏi nhất, có thể ngụy biện một cách thuyết phục cho bà. Trong cuộc chiến này, mặc dù tôi tin chồng bà cũng sử dụng truyền thông, nhưng tôi đảm bảo ông chắc chắn sẽ thua nếu công lý không đứng về phía mình. Bởi vì bà rất giỏi, kế hoạch của bà quá bài bản, cái duy nhất bà thiếu, có lẽ chỉ có lẽ phải.
Trái ngược với câu chuyện gia đình Trung Nguyên, vụ ly hôn của vợ chồng Amazon, được dự đoán kéo dài và phức tạp hơn nhiều lần, lại kết thúc một cách chóng vánh trong êm đẹp. Mr. Bezos, tỷ phú giàu nhất thế giới được dự đoán sẽ đội nón ra đi nửa số tài sản cho vụ li dị này, cuối cùng chỉ mất có 25% và vẫn giữ ngôi vị số một. Mặc dù vậy, 25% cũng là quá đủ để biến bà MacKenzie – Vợ cũ Bezos trở thành nữ tỷ phú giàu thứ 3 thế giới, nhưng cái người ta nhìn ở đây chính là tỷ lệ, cái thước dùng để đo sự tử tế của một người đàn bà khi phân chia tài sản với chồng. Bởi bà hoàn toàn có thể đòi một con số lớn hơn rất nhiều, đặc biệt đối với môi trường luật pháp Mỹ, đó là điều chắc chắn.
Nhưng thay vì làm vậy, bà đã chủ động đề nghị một con số mà bả cảm thấy phản ánh đúng với công sức của bà tại Amazon, một hành động mà chồng cũ bà phải thốt ra lời cám ơn một cách công khai vì sự tử tế của này. Mặc dù không phải một nhà nữ quyền, nhưng chắc chắn từ giờ cho đến rất lâu sau này, bà sẽ được chồng cũ cũng như những người đàn ông khác nhắc đến với sự tôn trọng sâu sắc.
Cuối cùng, tất cả những điều tôi đã nói trong bài này không nhằm mục đích chối bỏ những thành tựu của phong trào nữ quyền. Cái tôi muốn nhấn mạnh, đó là chúng ta cần chấm dứt việc khoét sâu vào mâu thuẫn bất bình đẳng giới, thứ đang kéo đàn ông và đàn bà ngày càng xa nhau. Đàn ông hay Đàn bà, trong bất kỳ giai đoạn nào, cũng là hai chủ thể không thể tách rời trong việc cấu thành nền văn minh nhân loại.