Đây là bài viết mình copy lại từ note của mình trên Facebook.
Note này được viết với 1 phần mục đích dành cho 10 năm sau, tác giả bài viết quay trở lại đọc những dòng của chính mình, nếu vòng quay 1 thập kỷ cho thành công của nền bóng đá Việt Nam vẫn được duy trì. Mà tôi thấy, tốt nhất các ông VFF nên làm nó ngắn lại. (Bài viết này khá dài và loằng ngoằng vì sau một đêm đi bão).
Ở khu Bách Khoa tôi sống, gần như không thể tìm được một chỗ trống trong một quán cà phê có màn chiếu nếu như bạn chỉ tới trước 1 tiếng đồng hồ. Tôi và những người bạn khác tạm hài lòng với một quán nước trà đá dùng ké màn hình quảng cáo của một cửa hàng máy tính, và bất cứ tình huống nào diễn ra trên sân, cái đám lố nhố hầu hết là sinh viên (và thật đáng thú vị khi hơn một phần ba là nữ) này sẽ chỉ được biết sau đó gần 20s đồng hồ.
Tối nay tôi ngồi im thin thít xem trận chung kết lượt về. Tôi không mua băng đeo, tôi không cầm cờ, tôi cũng không mang kèn hay áo đỏ. Tôi gần như ngồi im trên cái ghế nhựa và theo dõi trận đấu và chỉ đứng lên trong khoảng 7 phút cuối trận vì không thể chịu nổi cái bồn chồn đang dâng lên. Bản thân tôi hiểu rằng thực tế toàn bộ giải đấu đã cho thấy, Việt Nam là đội tuyển mạnh nhất giải. Nhưng tôi vẫn run.
Rất đơn giản, tôi sợ những cái gì tôi chém gió về “chân mệnh thiên tử”, rồi thì thiên thời địa lợi nhân hòa, rồi cái chu kỳ 10 năm mà dư luận giờ đây ai cũng thuộc nằm lòng, cái mớ đấy sẽ sai. Ôi, nó mà sai thì người xem bóng đá Việt Nam khổ lắm LMAO. Tôi sợ vì Mỹ Đình không phải lúc nào là đất lành của chúng ta. Tôi cũng sợ cái bệnh tâm lí dai dẳng qua bao thế hệ cầu thủ, sau gần 1 năm trời im ắng, sẽ lại hại chúng ta ở những giây phút quyết định nhất.
Ở một cái note trước, khi Quang Hải trả lời phỏng vấn sau khi thua trận chung kết ở Thường Châu rằng, Hải cùng cả đội cần phải nỗ lực hơn cho các giải đấu tiếp theo, tôi có nói rằng nếu Hải thực sự mong như vậy, thì chẳng có gì phải buồn. Và thực tế hơn một năm qua đã cho thấy, Hải đã nói thay cho tinh thần của toàn đội.
Sau một Thường Châu nơi chúng ta là hiện tượng, môn bóng đá nam tại Asiad 2018 cho thấy U23 Việt Nam, sau này là nóng cốt cho đội tuyển quốc gia, đã tiếp tục tiến bộ để không chỉ là một ngôi sao lóe sáng. Giành vị trí thứ 4 là một kết quả gọi là kỷ lục nếu xét theo khía cạnh lịch sử, tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng mục tiêu lớn nhất của toàn đội, chính là AFF Cup.
Van Duuk - Nguồn: thethao247.vn
Mở màn giải đấu, ta giành chiến thắng 3-0 trước Lào. Một đối thủ không mạnh, và ta cần thắng để đảm bảo kế hoạch. Chiến thắng 2-0 trước Malaysia là trận đấu mà tôi cho rằng Việt Nam đá như cách tuyển Pháp đá để lên ngôi vô địch World Cup. Chúng ta phòng thủ chặt chẽ, lên bóng một vài tình huống, và quan trọng nhất, có bàn thắng khi cần thiết. Đây chính là trận đấu mà tôi bắt đầu cảm nhận được cái “chân mệnh thiên tử” mà Việt Nam có thể đang nắm giữ (xin lỗi bà con vì hay dùng cái từ này, vì nó diễn tả đúng nghĩa nhất nên khó mà tìm từ khác được :D). Trận bán kết với Philippines bắt đầu cho tôi những ấn tượng mới. Tôi cứ mong về một trận chung kết “kinh điển” theo ý tôi giữa Việt Nam và Thái Lan, vì Thái Lan là đội bóng luôn khiến ta tự thua khi không thể vượt qua nổi cái “nỗi sợ người Thái”, lại cái bệnh tâm lí đấy các bạn ạ. Tuy nhiên Thái Lan đã tự cho thấy họ đã tụt dốc so với chúng ta khi chịu thua Malaysia, một đội bóng cũng rất xứng đáng vào chơi trận chung kết với lối bóng đá khá lì lợm. Trận đấu lượt đi với Philippines cũng là trận đấu tôi bắt đầu để ý nhiều hơn tới Văn Đức, cầu thủ theo kiểu “không lằng nhằng, cứ thế mà đá”, và Đức càng đá càng hay; và đương nhiên là Anh Đức, một “bô lão” đích thực, ấy thế mà vẫn sát thủ, lại tự vượt qua giới hạn của bản thân. Chúng ta nhiều người biết Anh Đức không thiên về khéo léo, nhưng càng vào sâu Anh Đức lại càng cho thấy anh có thể đá khéo, và quan trọng nhất, là anh biết cách cho bóng vào lưới. Là một tiền đạo vòng cấm, cái duy nhất để bạn so sánh chính là số bàn thắng, một ví dụ về việc con số khô khan đôi khi vẫn phải lấn át những thứ khác như tinh thần hay thái độ thi đấu.
"Ông già gân" Anh Đức - Nguồn: zing.vn
Một cầu thủ khác có sự tiến bộ vượt bật chính là Công Phượng. Chính những rắc rối có từ khá sớm về cuộc sống bên ngoài sân cỏ đã tạo nhiều sức ép lên cầu thủ gốc Nghệ này. Phượng bị soi mói, bị chú ý và cuối cùng là bị chỉ trích khi giới truyền thông săm soi từ quá sớm. Và đương nhiên cầu thủ trẻ thường khó duy trì phong độ ổn định. Các bạn hãy thử để ý, hồi AFF Cup 2016, Phượng rê bóng dài chân, sút dài chân, nôm na là dễ bị cắt mất bóng. Đến AFF Cup năm nay, Phượng khác biệt hoàn toàn. Rê bóng ít hơn, hiệu quả hơn, và đặc biệt, là kỹ năng dứt điểm tăng tiến vượt trội. Cú ra chân mở tỉ số ở trận gặp Lào là một ví dụ. Cú sút cận chân như thế đòi hỏi cầu thủ có tính quyết đoán đồng thời kỹ năng dứt điểm cao. Sút nhanh quá thì mạnh và lên trời, sút nhẹ thì chậm và mất bóng. Kết quả là Phượng đã sút hoàn hảo. Tình huống thứ 2 khiến tôi thực sự mê Công Phượng là cú ra chân kết liễu Philippines ở bán kết lượt về. Đó là một cú sút chân trái quyết đoán, nhanh, gọn, cực kì chuẩn xác. Có thể kết luận rằng Phượng đã tự đưa mình lên một cấp độ chơi bóng cao hơn.
Đang có một Công Phượng rất "khác bọt"
Tôi nhắc tới những cầu thủ này vì họ sẽ để lại nhiều ấn tượng nhất cho người hâm mộ. Tuy nhiên, theo tôi toàn bộ đội tuyển VN tham dự AFF Cup năm nay đều đã tự vượt qua giới hạn của chính mình.
Tôi thấy một Trọng Hoàng chìm nghỉm và kém hiệu quả những năm gần đây, ở giải này được huấn luyện thành hậu vệ biên, khi mà vị trí sở trường là tiền vệ trụ. Trọng Hoàng không đột biến như các đàn em ở hành lang trái, nhưng càng đá anh càng ổn định và chắc chắn, chắc chắn tới mới tôi cảm giác hình như tôi đã xem anh đá hậu vệ biên ở AFF Cup 2016 thì phải.
Tôi thấy một hàng thủ 3 người chống bóng bổng xuất sắc như một đội bóng ngoại hạng Anh. Hãy nhớ lại cả một thập kỷ sau thời của cặp trung vệ Như Thành-Phước Tứ - cặp trung vệ 1 thòng 1 dập cực kỳ điển hình, Việt Nam chúng ta khổ sở thế nào khi chống bóng bổng. Và ở giải đấu duyên nợ nhất này, bộ 3 trung vệ của chúng ta đã chơi một thứ bóng đá phòng ngự tuyệt hảo, kết hợp với 2 hậu vê biên xuất sắc và hàng tiền vệ đánh chặn hết sức đúng lúc.
Tôi thấy một Văn Lâm bay người với tất cả nỗ lực. Thú thật tôi không còn để ý nhiều tới Lâm nữa khi anh bắt xong trận bán kết. Tôi biết, hơn 10 năm trời lăn lội chỉ để được bắt cho một đội tuyển quốc gia xếp hạng 100 thế giới, Đặng Văn Lâm sẽ không bao giờ tự đánh mất mình. Có những cầu thủ làm cho ban huấn luyện chẳng phải nghĩ ngợi nhiều khi điền tên vào đội hình xuất phát, vì họ đã quá hiểu lòng quyết tâm của cầu thủ đó khi nhìn vào.
Hãy quay trở lại với trận chung kết. Với người hâm hộ, trận chung kết của đội tuyển Việt Nam bắt đầu từ khoảng đầu giờ chiều. Những chiếc xe tải, bán tải hay không thể tải thêm được nữa, kéo từng đoàn người đỏ tiến về sân Mỹ Đình. Tôi dám chắc khu vực quanh sân Mỹ Đình sẽ là một không khí lễ hội đúng nghĩa, khi mà chúng ta không có nhiều những sự kiện chung của cả dân tộc thế này. Khu vực Phạm Hùng, Trần Duy Hưng đã tắc. Không khí đã cực kỳ chộn rộn. Buổi chiều hôm đó có thể là chiều 30 Tết, nhưng không, lát nữa chúng ta sẽ đi xem đá bóng.
Mọi sự chờ đợi đến khá khổ sở của chúng tôi tạm lắng xuống khi 2 đội tiến vào sân vận động, thay vào đó là sự bồn chồn, tự hào và háo hức. Tất cả cảm xúc đã biến thành sự xúc động khi giây phút quốc ca Việt Nam được cử hành. Khán giả ở quán trà đá đứng dậy, khán giả ở những quán cà phê xung quanh đứng dậy, và 40 ngàn cổ động viên ở Mỹ Đình đứng dậy. Đó có thể là ba mươi giây hát quốc gia kém đồng đều nhất, sai nhịp nhất bạn có thể nghe, nhưng đó có thể sẽ là lần hát quốc ca đáng nhớ nhất của bạn. Và trước khi bạn kịp xua tan sự xúc động, chúng ta chuẩn bị có một trận chung kết lịch sử để tận hưởng.
Bức ảnh này đặt ở đây hoàn toàn chỉ nhằm giải trí mắt cho bạn đọc. Mình xin lỗi vì bài viết dài quá đáng này.
Chúng ta có lợi thế rất lớn với bàn thắng sớm của Anh Đức vào phút thứ 7. Vẫn là một tình huống xuất phát từ hàng lang trái, nơi chúng ta có nhân sự trội hơn về khả năng tấn công. Một cú bấm bóng cao trong tư thế quay lưng về phía gôn của Quang Hải, và lão tướng Anh Đức đã có một cú ra chân quyết đoán. Có đủ thời gian căn chỉnh nên cú vô lê chân trái của anh tạo ra lực bóng quá mạnh và nhanh. Thủ môn Malaysia có thể giang tay ra cản phá theo bản năng, nhưng như thế là không đủ. Tổng tỉ số là 3-2, và chúng ta có lợi thế với 2 bàn đã ghi trên sân khách. Sự cuồng nhiệt đã là quá lớn.
Hơn 80 phút tiếp theo đánh dấu sự thô bạo đáng kể của Malaysia. Cổ động viên của đội bạn đã chứng tỏ một sự chu đáo và đoàn kết khá tốt bằng một màn diễu hành tự tin và gây chú ý ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên ở trên sân, các cầu thủ áo vàng đen đã chứng tỏ rằng đây là một trận đấu xấu xí của họ từ đầu giải. Các tình huống phạm lỗi diễn ra liên tục, rõ ràng mục tiêu của họ là làm chúng ta bầm dập, từ đó đánh mất tinh thần và sự chính xác. Tôi sẽ không bay bướm về tinh thần chiến đấu bất diệt, hay về sự lăn xả quên mình, hay lối đá bóng kiểu “dũng sĩ” của các cầu thủ Việt Nam. Ở những cầu thủ trẻ, họ có thừa quyết tâm với từng trận bóng. Còn khi toàn đội đá với sự trông chờ của toàn thể quốc gia, chắc chắn những pha va chạm sẽ khó mà cản chân được họ. Vì tôi biết rằng, và các cầu thủ biết rằng, khi đội bạn phải phạm lỗi để mong thắng chúng ta, họ đã thừa nhận chúng ta đá hay hơn họ. Và sự thật, chúng ta đá hay hơn họ.
Trọng tài chính của trận đấu này đã tự biến mình thành nguồn cơn cho một sự tức giận khi liên tục rút ra thẻ vàng cho các cầu thủ Việt Nam trong hiệp 1, và bỏ qua các tình huống phạm lỗi thô bạo của Malaysia. 7 thẻ vàng, trong đó có 6 thẻ vàng cho chúng ta chỉ trong hiệp 1 là bằng chứng. Trước trận đấu tôi có tìm hiểu thông tin về ông trọng tài Alireza Faghani này. Ông nổi tiếng là người hay rút thẻ vàng. Vì thế, ở những tình huống phạt thẻ vàng ban đầu, tôi có trấn an chị bạn ngồi cạnh rằng đây là điều bình thường ở một trọng tài nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi sự thiên vị càng ngày càng lộ liễu, đã có lúc tôi phải văng tục về sự bất công này. Phía ngoài sân, HLV Park Hang Seo tựa vào cabin với vẻ mặt không tin nổi.  Rất hiếm khi chúng ta có được một tổ trọng tài công tâm, và gần như chưa bao giờ chúng ta được ưu ái bởi những người cầm còi.
Đây là đoạn video mà đạo diễn hình rất hay khi chiếu tới thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chắc chắn chúng ta vẫn chưa quên được giây phút này, khi khẩu hình miệng của ông đã diễn tả hộ chúng ta. “Đá bố láo”, đó là cách nguyên thủ của một nước bày tỏ trước một trận đấu bất công. Có thể thủ tướng Phúc đi xem bóng đá như một cách đắc nhân tâm, cũng có thể ông thực sự thích bóng đá. Nhưng đây là giây phút tôi tin ông thực sự quan tâm đến thắng thua của đội tuyển.
Khó khăn là vậy, nhưng Việt Nam thực sự càng đá càng hay. Đến giữa hiệp 2, cả đội gần như đạt được một kỹ năng chơi bóng mới. Hôm nay Huy Hùng và Hùng Dũng đá một trận đấu phòng ngự từ xa tuyệt vời. Rất nhiều tình huống tấn công của đội bạn bị ngăn chặn từ trong trứng nước vì 2 tiền vệ trụ của chúng ta. Ở dưới, Hải Quế, Duy Mạnh và đặc biệt là Đình Trọng vẫn phá bóng cực kì chính xác và quyết liệt. Khi cầu thủ chơi bóng với nhau, thời điểm tốt nhất là lúc bạn “át vía” được đối phương, đó là thế thượng phong cao nhất khi đối thủ không đá cũng tự thua. Và đó là sự át vía rõ ràng ở 20 phút cuối trận đến từ bộ 3 trung vệ của chúng ta. Đình Trọng, với kỹ năng chơi bóng có thể coi là đã hoàn thiện dù mới chỉ 21 tuổi, đã thể hiện cái tổ chất thủ lĩnh với óc phán đoán tình huống chính xác và kịp thời. Kết hợp với Hải và Mạnh là mẫu trung vệ “đánh đấm” là Trọng “sơ vin”, anh sơ vin và chơi một giải đấu tuyệt hảo, một trận chung kết tuyệt hảo. Các đợt tấn công của Malaysia vẫn đều đặn với một vài tình huống mà Văn Lâm phải trổ tài, và trận đấu kéo dần về những phút bù giờ.
Khoảng 5 phút cuối cùng tôi không thể ngồi nổi nữa. Tôi đứng dậy, khoanh tay và đợi. Đội bóng chơi hay hơn phải giành chiến thắng. Và cuối cùng đội bóng chơi hay hơn đã giảnh chiến thắng. Và cuối cùng Việt Nam vô địch, để câu cổ vũ cửa miệng đôi khi buồn cười rằng “Việt Nam vô địch” đã thành sự thật. Tôi sẽ không bảo rằng đây là một trận đấu kịch tính. Nó chỉ kịch tính với những người xem như chúng ta. Việt Nam đã chiến thắng thuyết phục và rõ ràng, kể cả khi những người cầm cân nảy mực đứng về phía Malaysia.
"Chảo lửa Mỹ Đình vẫn cứ là chảo lửa Mỹ Đình. Pháo sáng Việt Nam vẫn cứ là màu đỏ."
Một chiếc cúp ở một giải đấu “ao làng” sao mà lại đáng nhớ đến thế.
Một chiếc cúp sao lại khiến 90 triệu con người bỏ qua công việc để cùng nhìn về một khoảng cỏ xanh chỉ vài trăm mét vuông.
Có những điều khiến bạn phấn khích, có những điều khiến bạn xúc động, có những điều khiến bạn phát điên. Đó là tác dụng phụ của thể thao. Ở Việt Nam, đó là bóng đá.
Đêm qua tôi đi bão bằng hai cẳng. Theo tôi đó là cách tốt nhất để len lỏi vào được những điểm nóng nhất và sôi động nhất. Nhóm chúng tôi đi bộ từ phố Huế tới bờ Hồ. Pháo sáng đốt khắp mọi nơi, những dáng người vẫy cờ biến mọi nẻo đường như trở thành giờ cao điểm của Hà Nội lúc 5h30 mỗi chiều thứ Hai. Đôi khi chúng tôi đi men theo vỉa hè, có khi len lỏi ra giữa đường để hòa vào những khoảng khắc hào hứng nhất, chân thành nhất. Tôi thấy những người già đánh trống, những bạn trẻ thổi cái thứ kèn nhựa 30k một cái. Rồi quốc ca, rồi “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, rồi khi mệt quá rồi thì chỉ là “Việt Nam vô địch…” các bạn có thể nghe thấy ở bất cứ nơi nào. Tất cả tạo thành một cơn lốc màu đỏ, gần giống như một giấc mơ, bạn dám chắc bạn đã trải qua nó, nhưng bạn không thể miêu tả lại chi tiết.

Một sự kết hợp rất hay của 2 yếu tố văn hóa đại chúng những ngày gần đây.
Một năm 2018 đáng nhớ của bóng đá Việt Nam khép lại không thể mỹ mãn hơn. Có rất nhiều con người cần phải nhắc đến, nhưng tôi sẽ dành phần cuối của bài sớ này để cảm ơn những người có thể hiện tại chẳng có liên quan gì đến đội tuyển Việt Nam, nhưng không có họ chúng ta không thể có được ngày hôm nay.
Xin cảm ơn HLV Mai Đức Chung, bác đã đúng khi bỏ qua sự ghét bỏ lạnh nhạt của dư luận hay của chính những đồng đội, để gọi lại Anh Đức. Và Anh Đức đã có một trận đấu chia tay đội tuyển không thể đẹp hơn. Khi hát quốc ca tối qua, mắt Anh Đức đã long lanh. Ở AFF Cup năm nay, không ai gọi anh là kẻ phản bội đội tuyển nữa.
Xin cảm ơn những ông bầu của nền bóng đá Việt Nam. Họ thực sự muốn làm bóng đá, và họ đang dần chứng tỏ một nền bóng đá đến tự sự chuẩn bị, đầu tư đầy đủ cho thế hệ trẻ, chứ không phải làm bóng đá như cách lấy liềm gặt quả và kệ xác cái cây nó tự lớn lại, như cách mà ban lãnh đạo một tòa nhà trên đường Lê Quang Đạo đang làm. Có những ông bầu này chúng ta mới có HAGL JMG, có HLV Park Hang Seo và có học viện bóng đá Juventus Việt Nam. Có các ông bầu mà chúng ta mới có một lứa cầu thủ “giỏi và ngoan”, biết đá bóng và biết cách cư xử. Hãy nhớ cách Công Phượng cúi đầu trả lời phỏng vấn mới mái tóc bù xù không thèm chỉnh sửa, cũng như cách Xuân Trường cúi gằm mặt sau đó mới nói lời xin lỗi người hâm hộ, như cách một đứa trẻ ngoan biết xấu hổ khi nhận khuyết điểm. Đó chính là kết quả của một nền đào tạo trẻ chỉn chu và có tâm. Có đào tạo trẻ thì mới có thành công, đó là nguyên lý khó có thể thay đổi của bóng đá.
Xin cảm ơn những cầu thủ đang nỗ lực để quay trở lại bóng đá, những cầu thủ không thể tham gia giải đấu này vì chấn thương. Cảm ơn các bạn đã chiến đấu với bản thân để đóng góp cho bóng đá nước nhà. Và như rất nhiều hình ảnh trên mạng xã hội ngày hôm qua khi các đồng đội khi ăn mừng chức vô địch, đã không quên các bạn. Đoàn kết là một điều kiện không bao giờ vắng mặt của những đội bóng vô địch, như cách tuyển Ý, sau khi mỗi bữa tối cùng nhau suốt kỳ World Cup 2002, đều tụ tập lại và nói chuyện với nhau như một gia đình. Đoàn kết và quan tâm đến nhau là một cách Việt Nam giành được chức vô địch.
Và, xin cảm ơn chính chúng ta, những người hâm mộ bóng đá đơn giản nhất nhưng cũng nhiệt thành nhất. Có các bạn theo dõi, ủng hộ cả đội chúng ta mới có một năm bóng đá tuyệt vời thế này. Có các bạn, các cầu thủ mới cố gắng ở từng trận đấu, từng giải đấu, và cuối cùng lên đỉnh ở giải đấu chúng ta cần họ lên đỉnh nhất. Hãy tự thưởng cho các bạn những giây phút cuối năm đẹp nhất này, vì đó là thành quả từ chính các bạn. Hãy biến những cơn “bão” thành một bản sắc rất riêng, một phần của văn hóa đại chúng Việt Nam, để các nước bạn phải thèm thuồng một sự cuồng nhiệt đến vượt quá giới hạn như thế này.

Cái tầm này rồi thì chỉ ngăn không cho đua xe thôi các anh nhỉ :D
20 năm trước khi Hồng Sơn, Công Minh, Huỳnh Đức… cho Thái Lan 3 roi không gỡ, tôi mới chỉ 5 tuổi. 10 năm trước khi Công Vinh đánh đầu ghi bàn ấn định chức vô địch, tôi đã không nhớ mình đã ăn mừng như thế nào. Nhưng chắc chắn năm nay, tôi đã làm mọi cách để nhớ về chức vô địch này. 
17/12/2018