Hôm nay thức dậy, thể dục xong chuẩn bị đi làm, tôi có lướt phây 1 tí xem có gì hay, đập ngay vào mắt là bài của anh Đỗ Cao Bảo, TGĐ FPT, về chuyện “Việt Nam không thể hoá rồng” do người lao động không chịu làm việc nhiều. Bài viết ngay sau đó được page Vietnam Project Construction sốt sắng bê lên trang chính, thể hiện rằng là các anh tâm tư về tương lai đất nước rất là nhiều quá lắm… Lúc đó tôi đã muốn viết mấy nhời tham luận với các anh cho nó vui. Nhưng ngặt nỗi tôi lại sợ muộn giờ làm, sợ bị đuổi việc sẽ lỡ mất cơ hội đóng góp cho Việt Nam hoá rồng. Thế nên là phải đợi đến tối làm về, ăn bữa cơm quây quần bên gia đình, rồi rảnh rang bê cốc trà lên mà múa phím.
Thôi không dông dài nữa, anh Bảo lên bài lúc khoảng hơn 8h sáng, chắc hẳn là bên ly café ấm trong một buổi sáng đầu đông lành lạnh. Chắc anh không lo phải đi làm muộn nên mới có thời gian biên 600 chữ vàng ngọc, sau lại trả lời comment của độc giả bốn phương. Cũng đúng thôi, anh giờ đã là sếp lớn, anh là chủ, lo gì mấy thứ vớ vẩn, giờ ở tầm anh là phải lo những cái lớn cho đất nước. Anh tâm tư khi lên mạng đọc thấy nhiều người có vẻ không thích khi Quốc hội thảo luận chuyện nâng trần số giờ làm thêm từ 300 lên 400 giờ 1 năm. Và, như bao doanh nhân có tâm, có tầm, anh nhìn về những con rồng châu Á đi trước: “Hãy xem người Nhật Bản, người Singapore, người Hàn Quốc, người Đài Loan, những quốc gia châu Á giàu có nhất, những quốc gia châu Á đi từ đói nghèo lên giàu có và văn minh, những con rồng châu Á họ đang lao động và làm việc thế nào?”. Như thường lệ anh bắt đầu đưa số liệu:
- Nhật Bản, làm thêm 45h/tháng, 360h/năm
- Đài Loan, 54h/tháng, 648h/năm
- Hàn Quốc, mới giảm từ 1200h xuống 550h/năm
- Singapore, làm thêm tối đa 72h/tháng, hơn 800h/năm
Trời ơi họ làm ghê quá, khiếp quá, rồng bay phượng múa quá!
Qua số liệu trên anh tâm tư rằng Việt Nam ta nghèo lắm, dốt lắm, đi sau nhiều lắm, thế mà làm thêm ít lắm, làm sao mà tiến lên nổi cao xanh hỡi…
Quả là tâm tư của kẻ vì dân vì nước, thán phục thán phục.
Nhưng không cần anh phải nhắc, người lao động chúng tôi xa lạ quái gì với OT, vào đợt cao điểm của các dự án, dịp cuối năm chạy chỉ tiêu hay khi có đơn hàng lớn, việc làm từ sáng tới tối, 12-14h ở công ty là chuyện bình thường. Xa xa khỏi thành phố, các công nhân vẫn ngày đêm tăng ca hòng mong kiếm thêm chút đỉnh về lo cho gia đình. Người lao động chúng tôi nếu làm không đạt KPI, bị đánh giá xếp loại kém thì sẽ bị đuổi việc, đói nhăn răng ra ý chứ. Chúng tôi sẵn sàng làm thêm, đơn giản chỉ vì muốn kiếm thêm tiền, muốn đảm bảo chất lượng của dự án, muốn hoàn thành tốt công việc của mình. Không ít người trong số chúng tôi đã có số giờ làm thêm vượt mức 300 thậm chí 400h/năm.
Nhưng anh lại tâm tư tiếp:
Người Việt Nam “mới chỉ làm bằng 1/4, 1/2 họ đã kêu mệt, kêu cần nghỉ ngơi, cần tái tạo sức lao động. Đấy chưa kể là trong giờ làm việc chính còn ngồi tán gẫu, đọc báo, đi uống cafe.”…
Tôi giật mình nghĩ đến nửa cốc café nguội ngắt cố uống nốt sau khi họp sáng nay ở văn phòng… Anh Bảo có thể cung cấp số liệu xem bao nhiêu % người lao động ở Việt Nam có biểu hiện như trên được không ạ? Và số thời gian bị phí phạm khi người lao động bỏ việc đi làm việc riêng là bao nhiêu? Sao ở trên, chỗ anh ủng hộ thì số liệu rất cụ thể, giờ đến chỗ anh phản đối thì lại… bâng quơ như vậy?
Tôi nghĩ chắc anh đang ám chỉ một bộ phận dân công chức, văn phòng nhàn nhã, ít việc. Nhưng họ chiếm bao nhiêu % trong tổng số lao động? Hay thôi tính trong tổng số dân làm “văn phòng” thôi cũng được, mong anh sớm có lời giải đáp…
Còn nếu anh chỉ lấy đó là bức tranh chung vì xung quanh anh nó thế, thì bức tranh phía tôi nó khác nhiều lắm. Chúng tôi làm thời gian nhiều như “người Hàn, người Nhật”, mài đít ở văn phòng từ sáng đến tối, ấy thế mà KPI ép xuống vẫn tăng, vẫn có áp lực “cắt giảm” biên chế hàng năm nếu không hoàn thành… Quả là chăm chỉ thôi cũng chưa đủ anh Bảo ạ.
Anh lại triết lý:
“Thực tế cuộc sống đã chỉ ra rằng hầu hết những người thành đạt, giàu có đều là những người làm việc chăm chỉ nhất, cường độ cao nhất. Rất nhiều người trong số đó, làm việc 12h, thậm chí 14h một ngày, 7 ngày trong tuần, hoàn toàn tự nguyện, trong suốt nhiều năm liền, không cần trả công.
Tôi không biết anh đang nói đến “thực tế cuộc sống” nào. Nhưng thực tế cuộc sống đối với tôi là nếu đi làm như anh nói thì chẳng bao giờ thành đạt và giàu có được. Từ những người lao động bình thường, số bứt lên được thành lãnh đạo, quản lý không nhiều, số người tích luỹ được vốn, kinh nghiệm rồi tách ra trở thành tầng lớp ông chủ lại càng ít. Hoạ chăng đổi nghề, chuyển qua buôn bán, ai gặp thời gặp vận, ai khôn ngoan giỏi giang thì mới giàu. Chứ còn đi làm công hưởng lương, có cày thêm giờ được trả thêm tiền, đã là một sự đánh đổi cho những hậu quả về sức khoẻ sau này rồi. Tôi không hiểu làm hăng say “làm việc 12h, thậm chí 14h một ngày, 7 ngày trong tuần, hoàn toàn tự nguyện, trong suốt nhiều năm liền, không cần trả công.” như anh nói thì có còn sống được để hưởng cái “thành đạt, giàu có” ấy không nữa… Lời lẽ anh thốt ra sao lắm điêu ngoa… Nó sặc mùi tư sản, tư sản các anh cần chúng tôi hi sinh sức khoẻ, tuổi trẻ, “cống hiến” đến tận xương tuỷ, đến mức bán mạng cho các anh để các anh thêm giàu có đúng không?
Anh đem Nhật, Hàn, Đài, Sing ra khè chúng tôi, anh kể về việc họ chăm chỉ như thế nào, giàu có như thế nào, hoá rồng hoá hổ như thế nào..
Nhưng anh không kể cho chúng tôi nghe về những dòng người đi làm ở Tokyo, mệt mỏi lờ đờ vì thiếu ngủ mỗi sáng sớm, rồi dặt dẹo kiệt sức vì làm việc khi trở về mỗi đêm. Anh không kể cho chúng tôi nghe về những người lao động chết vì đột quỵ trong khi làm việc ở Hàn Quốc hay Nhật, về những cụ già hơn 70 tuổi vẫn phải làm việc quét dọn ở sân bay Singapore…
Anh không kể cho chúng tôi về tỉ lệ sinh ngày càng thấp, về dân số già hoá ở những “con rồng châu Á” kia, về một thế hệ người lao động mà sau khi họ bị vắt kiệt sức ở công sở, nhà máy, họ chẳng còn thời gian đâu để nghĩ đến yêu đương, làm tình, sinh con đẻ cái, chăm lo cho thế hệ tương lai… Người trẻ thì bỏ người già tìm đến thành phố để kiếm việc. Xã hội cứ thế vỡ vụn ra từng mảnh, trôi theo những dòng tiền vẫn chảy đều vào túi giai cấp tư sản các anh…
Việt Nam còn nghèo, người Việt Nam đứng dậy từ một dân tộc nô lệ, với nền tảng kinh tế tiểu nông, họ chưa hoàn toàn học được tác phong công nghiệp, họ vẫn bộc lộ những nhược điểm của nền sản xuất nhỏ…
Nhưng Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường, đang hội nhập rất nhanh, và cũng rất nhanh đang hình thành một tầng lớp công nhân công nghiệp phục vụ cho giai cấp tư sản như anh Bảo (và cả đám bạn tư sản nước ngoài của anh nữa). Chúng tôi chấp nhận được trả công rẻ mạt, để đổi lấy cuộc sống và sự phát triển cho những thế hệ sau.
Thế nhưng người lao động Việt Nam chúng tôi hoàn toàn có thể tránh đi vào những vết xe đổ từ kinh nghiệm của những nước phát triển đi trước. Chúng tôi biết mình phải cân bằng giữa lao động và cuộc sống. Chúng tôi biết phải dành thời gian chăm sóc và phát triển bản thân, bên cạnh thời gian bán sức lao động và tạo ra giá trị thặng dư cho các anh. Chúng tôi có thể làm việc hiệu quả mà không cần phải ngồi ở công ty 12-14h một ngày. Chúng tôi có quyền tự do quyết định mình có cần làm thêm hay không và làm thêm bao nhiêu. Chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi, tiêu những đồng tiền kiếm được, thì các ngành sản xuất, tiêu dùng khác cũng được kích thích phát triển. Đã qua rồi cái thời mà người lao động chúng tôi chỉ là những chi tiết bằng thịt gắn vào máy móc cho các anh. Nếu các anh thuê chúng tôi làm giàu cho các anh, thì hãy đối xử với chúng tôi tử tế và nhân văn, thay vì cứ thỉnh thoảng lại ném vào mặt chúng tôi những bài viết theo kiểu “Người Việt lười biếng”, “Người Việt nghỉ nhiều”, “Bỏ ăn Tết âm để phát triển kinh tế”, “Năng suất lao động của người Việt thấp nhất Đông Nam Á”, (à đấy, các anh khen chúng tôi là lực lượng lao động giá rẻ, nhưng lúc tính năng suất các anh lại quy ra tiền, thế là năng suất chúng tôi thấp gấp vài chục lần người ta, cao xanh ơi sao mà bất công quá xá!!!)
Việt Nam sẽ phát triển, sẽ hoá rồng được hay không là do đường lối, khả năng chèo lái, tính toán cân bằng của hàng ngũ lãnh đạo, chứ không phải dựa vào việc tăng cường bóp nặn thêm số giờ lao động của người đi làm. Giá như anh Bảo giải thích việc dự luật Lao động mới muốn nâng trần số giờ làm thêm lên nhằm mục đích dễ dàng hơn cho người lao động cũng như doanh nghiệp trong việc đăng ký, kê khai để còn tính lương, tính công thì đã đi một nhẽ. Đằng này anh lại đem những thứ đao to búa lớn, rồng phượng kỳ lân,… ra khè chúng tôi thì xem chừng anh đánh giá thấp đồng bào của anh quá!
Vài lời dông dài với anh Bảo và mọi người như vậy… Thôi giờ tôi xin phép ôm vợ đi ngủ… để còn tái tạo sức lao động cho ngày mai đi làm, đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho đất nước hoá rồng!!!