Việt Nam-Hàn Quốc và mối lương duyên mang tên dòng họ nhà Lý (Phần 1)
Ngày 6/11/1958, trong chuyến viếng thăm chính thức nước VNCH, tổng thống Đại Hàn Lý Thừa Vãn đã tuyên bố với tổng thống Ngô Đình Diệm...
Ngày 6/11/1958, trong chuyến viếng thăm chính thức nước VNCH, tổng thống Đại Hàn Lý Thừa Vãn đã tuyên bố với tổng thống Ngô Đình Diệm rằng tổ tiên ông là người Việt Nam. Những nghiên cứu và tìm hiểu sau này đã cho biết Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Kiến Bình Vương Lý Long Tường, con thứ 7 của vua Lý Anh Tông.
Từ cuộc vượt biên của hoàng tộc nhà Lý...
Năm 1226, dưới sự dàn xếp của Trần Thủ Độ, nhà Trần chính thức được thành lập sau khi Trần Cảnh được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi. Sau đó, cũng chính Thái sư Trần Thủ Độ đã thực hiện việc "tận diệt" tôn thất nhà Lý. Về điều này, Đại Việt Sử Kí Toàn Thư có đoạn chép:
"Nhâm Thìn năm thứ 8 (1232)… Tháng 8, gió to, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết. Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Khi ấy Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tôn, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ cúng các vua Lý đời trước ở Thái Đường xã Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu làm nhà lên trên, đợi khi người ta uống rượu say, giật máy chôn sống hết. (Xét thời Trần Anh Tôn còn có người họ Lý làm tướng; vả lại sử của Phan Phu Tiên không thấy chép, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm ghi lại."
Đứng trước nguy cơ bị "nhổ cỏ tận gốc", tôn thất nhà Lý còn sống sót đều cố gắng cao chạy xa bay để thoát khỏi nanh vuốt của nhà Trần. Một số lượng lớn họ chọn biện pháp di cư đến các quốc gia láng giềng. Trong đó có cuộc vượt biển đến Cao Ly của hoàng tử Lý Long Tường, con thứ 7 của vua Lý Anh Tông và là ông chú của Lý Chiêu Hoàng.
Sau khi làm lễ vái lạy từ biệt tổ tiên và mang theo những ấn vật truyền quốc từ đời Lý Thái Tổ, Lý Long Tường cùng gia thuộc hơn 6000 người(?) qua cửa Thần Phù (Thanh Hóa) để vượt biển Đông. Sau gần một tháng hải trình, đoàn buộc phải ghé lại đảo Đài Loan để tránh bão. Một con trai của hoàng tử là Lí Đăng Hiền do mang bệnh nên cùng với vợ con ở lại đảo này. Những người còn lại sau đó đổ bộ lên cửa Phú Lương Giang, quận Khang Linh (Ong Jin-Gun), tỉnh Hoàng Hải (Hwang hac), thuộc Bắc Cao Ly. Tương truyền rằng trước đó vua Cao Tông ( Kojong) của Cao Ly nằm mơ thấy có một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy vua đã ban đồ tiếp tế cũng như cho phép đoàn định cư tại Ung Tân, phủ Nam Trấn Sơn (Chin Sang). Tại đây, Lý Long Tường cùng gia nô ra sức khai khẩn, làm mọi nghề để sinh sống. Ngoài ra ông còn cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật).
...đến hai lần góp sức đánh bại quân Nguyên Mông.
Năm 1232, sau những lần dụ hàng bất thành, vua Mông Cổ là Ögedei (Oa Khoát Đài) xuất quân chinh phạt Cao Ly bằng hai đường thủy-bộ. Riêng cánh quân thủy của Mông Cổ bị chặn đánh dữ dội tại khu vực biển Hoàng Hải và bị đẩy lui. Lý Long Tường chính là một trong số các tướng lĩnh đã tiên phong ra trận và góp phần vào chiến thắng này.
Năm 1253, Mông Kha lại xua quân xâm lược Cao Ly. Quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải cả đường thủy lẫn đường bộ. Lúc này nhiều tướng tài của Cao Ly đã tử trận, quân Mông Cổ hoàn toàn làm chủ chiến trường. Thế nhưng Lý Long Tường (lúc này tuổi đã ngoài thất thập) vẫn ngày ngày cưỡi ngựa trắng kiên cường chỉ huy binh sĩ chiến đấu. Ông cũng vận dụng binh pháp của Đại Việt huấn luyện cho dân làng và binh sĩ người Cao Ly để chống lại quân địch. Sau 5 tháng chiến đấu ròng rã, quân Nguyên Mông rút lui.
Sau này, vua Cao Ly khen thưởng, cấp cho Lý Long Tường 30 dặm vuông đất làm thái ấp để phụng thờ tổ tiên, cho lập bia ghi ơn công trạng Lý Long Tường tại nơi quân Mông Cổ đầu hàng (gọi là “Thụ hàng môn”), di tích này hiện nay vẫn còn. Ngoài ra mộ phần của ông cùng với con cháu 3 đời vẫn còn trên đồi Julbang, cách núi Hoa Sơn 10 km về phía Tây. Nhân dân Cao Ly suy tôn ông là “Hoa Sơn Tướng Quân” hay là “ Bạch Mã Tướng Quân”. Dù lập được công lớn nơi xứ người nhưng hoàng tử vẫn chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ về cố quốc. Những năm cuối đời, ông hay đứng trên đỉnh núi Quang Đại mà khóc nhìn về phương Nam. Chỗ ấy hiện nay được gọi là “Vọng Quốc Đàn”.
Lý Long Tường sinh được hai người con trai đều làm quan. Ở Hàn Quốc, dòng họ Lý gốc Việt này được gọi là "Lý Hoa Sơn" vì Hoa Sơn là quê hương đầu tiên khi Lý Long Tường nhập cư Cao Ly, và cũng gắn liền với tước hiệu "Hoa Sơn Tướng Quân" của Lý Long Tường.
PS: Ngoài Lý Long Tường là ông tổ họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc và Triều Tiên, tại đây còn có một họ Lý gốc Việt khác mà ông tổ là Lý Dương Côn con nuôi của Vua Lý Nhân Tông cũng từng di cư sang Cao Ly tị nạn chính trị vào năm 1174. Vì thông tin trên còn nhiều nghi vấn cũng như tộc phả dòng họ này nửa chừng không được ghi chép nên việc nghiên cứu bị gián đoạn và ít người biết đến. Theo GS. Phan Huy Lê, "nhiều hậu duệ của Hoàng tử Lý Dương Côn làm quan trong vương triều Cao Ly. Đời thứ hai là Lý Lan làm đến chức Kim tử Quang lộc đại phu Lễ nghi phán thư. Đời thứ ba là Lý Mậu Trinh làm đến chức Khuông Tĩnh đại phu Chính đường văn học. Đặc biệt là hậu duệ đời thứ 6 Lý Nghĩa Mẫn được phong Đại tướng quân, Tây Bắc bộ binh mã sứ…"
Nguồn bài viết và ảnh:
Còn tiếp...
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất