Để giữ sự thống nhất cho toàn bài viết em/cháu xin được gọi bản thân là "mình" vì đây cũng là lần đầu em/cháu viết một bài nên em/cháu rất ngượng và gọi là "em" cảm giác ngôn từ cũng trở nên yếu hơn.
________________________________________________________________________________
    Vừa bước ra khỏi cuộc thi mà nhiều người cho rằng còn khó hơn thi đại học, mình thấy đây là thời điểm không thể nào thích hợp hơn để nói về vấn đề muôn thửa: "Thi vào trường chuyên".

Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam

    

Phần 1: Trường chuyên là gì ?

    Là người theo chủ nghĩa: "Thừa còn hơn thiếu thiếu", xin được trích dẫn nguyên văn từ Wikiprdia: 

"Trường chuyên là trường trung học, trong đó đào tạo toàn diện và nâng cao một số môn học gọi là môn chuyên."
    
    Trường chuyên ở Việt Nam được phân ra làm 2 khối chính: khối trực thuộc đại học và khối trực thuộc tỉnh/thành phố. Về cơ bản, hai khối cũng không có nhiều sự khác biệt ngoài một vài quyền lợi đặc biệtĐiểm chung quan trọng nhất của cả hai khối là sự đào tạo sâu sắc về môn chuyên  kinh phí khổng lồ lên tới trăm tỷHọc sinh trường chuyên được tiếp xúc với môi trường và những quyền lợi tuyệt vời, đồng thời là những cơ hội đi du học các trường cao quý ở nước ngoài. Điều này biến trường chuyên trở thành "tầm ngắm" của các bậc phụ huynh và cái danh "học sinh trường chuyên" là một thứ luôn được săn đón.

Phần 2: Những vấn đề không lời giải của việc thi vào trường chuyên

    Bắt đầu từ phần này các vấn đề được nói đến sẽ mang nặng tính chủ quan của mình

Vấn đề 1: Cuộc chạy đua về kinh tế trá hình

    Ở đây, mình sẽ không nói đến vấn đề như tham nhũng, đút lót để vào trường vì dù là có thật mình tin cũng chỉ là số ít.    

    Trường THPT chuyên khi dịch sang tiếng Anh là "High School for Gifted Students" điều này khiến nhiều người lầm tưởng về cách thực sự và dễ dàng nhất để vào một trường chuyên. Không phủ nhận nhiều con người vào trường chuyên bằng cách tự mày mò, học hỏi vào trường chuyên bằng chính năng lực của mình và mình biết rất nhiều, đồng thời, ngưỡng mộ những con người như thế. Nhiều bạn còn khác xa hình tượng "đầu to mắt cận" mà vô cùng năng động, hoạt bát tham gia nhiều hoạt động và có kinh nghiệm sống đặc biệt là khả năng tư duy, nhận thức về bản thân đáng nể. 

    Trên thực tế, phần lớn những bạn học chuyên đều đã và đang trải qua những lớp học ngoài giờ căng thẳng với học phí có thể lên tới vài triệu thậm chí lên tới vài chục, hơn cả học phí bình thường, bao gồm cả mình dù bản thân cũng thuộc loại tự tin vào khả năng tự học. Điều này làm lộ rõ bản chất thật của việc vào trường chuyên, một cuộc chạy đua về tiền bạc không hồi kết của cha mẹ trong đó, phụ huynh nào có con sáng dạ sẽ trả ít hơn, phụ huynh nào có con chỉ thuộc dạng bình thường sẽ phải trả nhiều hơn (xin phép không nói đến những bạn có khuyết tật về trí tuệ bẩm sinh). Đối với những gia đình từ trung bình khá đến khá giả, việc chạy đua là một sự đầu tư hợp lí cho giáo dục sau này của con cái. Mặt khác đối với những gia đình trung bình trở xuống, cuộc chạy đua này chẳng khác gì một canh bạc vào một tương lai mù mịt cả. Do đó trường chuyên chẳng phải là trường của toàn nhân tài và những nhân tài thực sự chưa chắc đã vào được trường chuyên.

    Dù vậy bản thân mình nghĩ trường chuyên không hề xấu, chỉ là nếu đặt trong một xã hội giàu nghèo phân hóa rõ ràng thì sẽ lộ ra những khuyết điểm như trên.

Vấn đề 2: Áp lực lên học sinh thi chuyên

    Bản thân là một học sinh đã trải qua nhiều ngày tháng ôn luyện, thậm chí nhiều lúc 11h00 mới được về nhà, mình tự tin hiểu rõ về những áp lực của học sinh chuyên.

   Nếu phương Tây đề cao việc học trong niềm vui, tự tìm tòi, sáng tạo thì việc học chuyên giống hệt như vứt cái lý tưởng trên vào sọt rác. Học chuyên sẽ học theo chuyên đề lớp dạy thêm, học lại những đề năm trước, những loại sách được vạch sẵn, như mình chuyên Anh thì là Destination C1/C2, Tài liệu ôn thi của Vĩnh Bá, 30/4,...Những cách học sáng tạo cũng có nhưng không cần thiết, mình học chỉ học nặng hơn bình thường, làm đi làm lại các đề cũng đỗ 3 trường là THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Chuyên Ngoại Ngữ và Chuyên Sư Phạm, bản thân trượt THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng không phải do yếu môn chuyên mà là do điểm điều kiện không đáp ứng. Áp lực tạo ra bởi việc học chuyên không phải như bị xe đâm mà như cắt cổ tay để máu ứa từ từ ra ngoài, nhàm chán đến kiệt quệ. Niềm vui của việc học môn chuyên dần dần từ bỏ mình, may mà môn mình yêu thích nhất không phải là tiếng Anh mà là môn Toán chỉ là mình giỏi môn Anh hơn nên mới học chuyên Anh. Một người bạn của mình đã thủ thỉ với mình rằng nó còn không muốn học Anh nữa. Mình chắc chắn không chỉ riêng mình mà nhiều bạn học sinh khác cũng như thế.

    Tuy vậy có lẽ nếu so sánh với những áp lực sau này, việc học chuyên chắc cũng chỉ nhỏ bé. Bản thân mình cũng quen rồi nên không còn vấn đề với cách học này nữa. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là cách học như trên nên được tiếp diễn. 

Phần 3: Kết


      Trên là góc nhìn của mình về việc thi vào trường chuyên. Vì thời gian có hạn do là một học sinh nên mình đã góp nhặt 2 vấn đề mình tự nhận thấy là nổi bật nhất để thể hiện quan điểm. Tất nhiên, mình hiểu rằng những ý kiến trên đến từ một thằng ranh con chưa hiểu chuyện nên mình rất đón chào những quan điểm khác về việc này.

Xin chào thân ái và hẹn gặp lại!