Ngày 3 tháng 7 vừa qua, Cục Điện ảnh Việt Nam ra thông báo cho cho biết cơ quan chức năng quyết định cấm chiếu phim Barbie trên lãnh thổ Việt Nam vì tác phẩm có cảnh "đường lưỡi bò" - tức đường chín đoạn - do Trung Quốc vạch ra nhằm đòi chủ quyền tại Biển Đông. Cụ thể hơn, ông Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim Quốc gia đã nói trên báo điện tử Việt Nam plus như sau : (i) Hình ảnh bản đồ này xuất hiện nhiều lần trong phim; (ii) bản đồ không rõ ràng, khi soi ra dễ gây suy diễn; (iii) vi phạm trong phim Barbie cũng rõ ràng nhưng là kiểu vi phạm tinh vi hơn.
Phản ứng trước quyết định này, hãng phim Warner Bros đã đưa ra thông báo: “Những nét vẽ nguệch ngoạc mô tả hành trình giả tưởng của Barbie từ Barbie Land đến thế giới thực. Nó không nhằm mục đích đưa ra bất kỳ loại tuyên bố nào".
Lệnh cấm này đã gây ra sự chú ý cũng như chia rẽ trong khán giả về việc liệu có thực sự xuất hiện “đường lưỡi bò” trong phim hay không, hay do Việt Nam thực sự đã nhạy cảm với tất cả các hình ảnh “bản đồ có nét đứt đoạn” dẫn đến cấm chiếu một bộ phim hay. Bởi vì thông qua trailer quảng bá phim, khán giả đã thấy hình ảnh một tấm bản đồ thế giới được vẽ bằng phấn có xuất hiện một khu vực được gọi là châu Á và bên dưới có đường nét đứt vươn ra đại dương. Sau đó bộ phim bị cấm chiếu tại Việt Nam nên câu trả lời thực sự cho những vi phạm của phim vẫn còn là ẩn số.
Sau khi có dịp xem bản đầy đủ của phim Barbie trình chiếu tại nước ngoài, tôi đồng tình với quyết định của Cục Điện ảnh về việc “đường lưỡi bò” đã thực sự đã xuất hiện trong phim Barbie bởi sự cài cắm “tinh vi” của nhà sản xuất. Thể hiện qua 4 yếu tố sau:
Cố ý cắt cụm từ “bản đồ thế giới thực” trong trailer phim
Trong trailer với 74 triệu lượt người xem tại kênh Youtube chính thức của hãng Warner Bros, hãng này đã chọn khung hình chỉ xuất hiện chữ “world map”, nhưng trong bản công chiếu của phim tại rạp có đầy đủ cụm từ “real world map” (bản đồ thế giới thực). Sự khác biệt này là một hành động nhằm lách khỏi sự chú ý, để đến khi ra rạp xem khung hình đầy đủ thì khán giả đã bị đặt vào tình thế chuyện đã rồi.
<i>Cảnh trong phim</i>
Cảnh trong phim

<i>Cảnh trong trailer</i>
Cảnh trong trailer

Vị trí chính xác của “đường lưỡi bò”
Với khung hình rộng lớn tại rạp chiếu, khán giả có thể nhận ra rõ ràng hình vẽ của Vạn lý trường thành trên vùng đất được đánh dấu là châu Á. Phải khẳng định rõ là không phải đường đứt đoạn nào cũng là “đường lưỡi bò”, tuy nhiên đường đứt đoạn của phim lại “tình cờ” hội tụ các yếu tố sau: Nằm tại châu Á, vươn ra biển, nằm ở phía nam, vị trí bên trên nó là lãnh thổ “của một đất nước có Vạn lý trường thành”. Với từng đó dẫn chứng thì đây là miêu tả hình ảnh của “đường lưỡi bò”, các ý kiến giải thích khác đi đều là sự bao biện.
Xuất hiện dày đặc
Từ phút 21 đến phút 23 của phim, mô tả việc Barbie đến gặp nhân vật Weird Barbie để xin lời khuyên và từ đó tấm bản đồ xuất hiện. Tổng cộng trong 3 phút phim ngắn ngủi, tôi đếm thấy tấm bản đồ đã xuất hiện tổng cộng trong 29 cảnh phim, hiện diện rất nổi bật sau lưng nhân vật chính, trong đó phần lớn cảnh phim room đặc tả vào khu vực châu á với hình ảnh đường đứt đoạn như đã nói.
“Thế giới thực” trong phim chính là mô tả thế giới thực hiện tại
Những người bênh vực hãng Warner Bros cho rằng “thế giới thực” trong phim Barbie chỉ là tưởng tượng của trẻ con và không đồng nhất với thế giới mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên khi xem toàn bộ phim Barbie ta có thể thấy lập luận này không đúng. Ngược lại “thế giới thực” trong phim Barbie tương đồng với thế giới thật của chúng ta hiện nay, bằng chứng thể hiện qua những chi tiết xuất hiện trong phim đều có thật như: Địa danh (Los Angeles, Califorlia, Thụy Điển); con người (tổng thống Mỹ R. Regan và Bill Clinton); tổ chức (Cục điều tra liên bang Mỹ FBI).
<i>Hình ảnh trong thế giới thực của phim</i>
Hình ảnh trong thế giới thực của phim
Với những chứng cứ đã nêu, sau khi xem bản đầy đủ của phim Barbie tại nước ngoài, tôi đồng tình với việc Cục điện ảnh Việt Nam đã tinh tường khi phát hiện ra hình ảnh “đường lưỡi bò” được cài cắm tinh vi trong phim Barbie. Việc cấm chiếu bộ phim đã góp phần ngặn chặng ý đồ “xâm lăng văn hóa” để tuyên truyền cho yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Hùng Nguyễn, người nghiên cứu tự do đang sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức