Mình bắt đầu ghi chép nhiều từ năm lớp 8, theo trí nhớ của mình thì là vậy. Không rõ suy nghĩ thích viết bắt đầu từ đâu, nhưng lý do mình bắt đầu đặt bút viết và hầu hết các bài mình viết vào năm cấp 2 đều là truyện ngắn gửi Hoa học trò. Cộng với việc đọc Ngôn tình và đu thần tượng KPop, mình đã có những năm tháng ngập trong mộng mơ về một mối tình tuổi học trò, thanh xuân lãng mạn. Tất nhiên tình chỉ đẹp khi còn dang dở, mộng chỉ đẹp khi bạn chưa…lên cấp 3 và thấy đời thật không như phim :)) 
Nhưng tất nhiên khi đặt bút viết, không phải lúc nào idea cũng trào ra và mình thì thiếu trải nghiệm để viết truyện ngắn. Vậy là mình bắt đầu tâm sự những nỗi niềm của bản thân, chuyện nhỏ chuyện to (thật ra toàn là chuyện nhỏ), chuyện làm mình buồn, làm mình suy nghĩ. Mình viết ra vì không biết phải nói với ai và nói thế nào. Dần dần, khi nhìn lại, mình thấy việc ghi chú đã giúp mình nhận ra: 

Nếu có ý nghĩ gì đấy liên tục lặp đi lặp lại, có nghĩa nó đúng với “mình”

Khi nhìn lại những trang viết từ năm cấp 2, mình nhận ra những biến số chung của cuộc đời mình cứ lặp đi lặp lại, và theo cách nào đó những sự kiện, suy nghĩ giống nhau đã hình thành nên con người mình. 
Như khi miêu tả người khác, mình có thể sử dụng các tính từ như hiền lành, thông minh, chăm chỉ,... thì khi lựa chọn từ ngữ để nói về bản thân, mình lại thấy thật ngập ngừng: Ừ thì mình cũng cố gắng, nhưng thiếu gì đứa cố gắng hơn mình, ừ thì mình cũng hay viết, nhưng để gọi là thích thì nghe to tát quá, và còn rất nhiều ừ thì khác… 
Nhưng có thể không cần đến tính từ, mà còn nhiều hơn thế, để hiểu được một con người (dù con người đó có thể là chính bản thân bạn), chẳng hạn như:
1. Mình lúc nào cũng hoang mang 
Dưới đây là trích đoạn ghi chú của mình vào năm 16 tuổi:
“Có lẽ mình đã cô đơn từ lâu lắm rồi, những hứng thú cũng dần biến mất, mình còn không biết mình muốn làm gì. Mình không có ai để kể, không phải là không có, chỉ là những chuyện của mình trẻ con quá, kể ra đến chính mình cũng thấy ngại. Nhưng lại chính những chuyện đó khiến mình buồn, khiến mình khó chịu.” 
Khi mình 18: 
“Mình chẳng ổn chút nào cả. Mình hay lo lắng và sợ hãi. Nhưng mình cố gắng tỏ ra là mình ổn. Vì thật không hay khi than phiền và lặp đi lặp lại 1 vấn đề của mình. Không ổn chút nào khi mình cứ mệt mỏi và buồn bã. Và mình cứ nghĩ là nếu mình làm nhiều, tham gia nhiều, có mục tiêu thì mình sẽ không lo nghĩ nữa, rằng mình đang đi đúng hướng, mình đang ổn dần.”
Và khi mình 20: 
“Những ngày vui thường chóng tàn, còn nỗi buồn thì cứ dai dẳng. Chẳng biết phải làm sao. Đôi khi có cảm giác như mình sắp ngạt thở, chìm sâu vào sự vô nghĩa và mù mờ.”
Mình không rõ sự hoang mang này bắt nguồn từ việc mình hầu như chỉ viết lúc buồn hay đó còn là cả một nhu cầu được công nhận và thấu hiểu cho những sự bất lực của bản thân. Có lẽ đó là lý do cho sự ra đời của những ngẫm nghĩ số 2. 
2. Mình khá giỏi trong việc chấp nhận bản thân như nó-vốn-là: 
Nghĩa là dù thi thoảng vẫn hay FOMO và so bì với người khác, đến cuối ngày mình thường chỉ nghe theo “tiếng gọi con tim”, như khi mình 16 tuổi và thấy bất an khi không thật sự hòa nhập được với tập thể: 
“Chị đã khuyên mình hãy tìm thấy điều hạnh phúc trong những điều không hạnh phúc. Nhưng mình nghĩ bản thân mình không cần phải cố gắng cho những điều mà mình không giỏi, và không muốn.” 
Đến giờ mình vẫn tin như vậy. Mặc cho những khoảnh khắc lo lắng và sợ hãi rằng mình đang làm sai hay mình đang đưa ra lựa chọn không phù hợp, đến cuối ngày, điều mình luôn viết vào sổ là “dù sao chỉ cần học cách thành thật với chính mình, học cách mở lòng, can đảm với chính mình thì mày sẽ làm được thôi.” 
Hơn cả niềm tin, mình hy vọng suy nghĩ này có thể trở thành một phần cách sống của bản thân. 
3. Mình luôn mong muốn được học hỏi
“Thứ nào cũng mới mẻ, cùng kỳ lạ, cũng đầy hấp dẫn nên mình càng muốn tìm hiểu, muốn biết thêm nữa, mình muốn mở rộng cái tâm hồn nghèo nàn và khô cằn của mình, muốn mở rộng tâm trí. Mình yêu cảm giác đó, nhiều hơn mình có thể hình dung.” 
Bạn biết mình viết những dòng này vào khi nào không? Sự thật thì mình cũng không rõ, có lẽ tầm 17 tuổi. Lúc này có nhiều sự kiện xảy ra làm thay đổi cách mình nhìn nhận về sự học. Đến năm 2021, khi nhìn lại một năm với rất nhiều sự lỡ dở, mình vẫn ghi lại một trong những kỷ niệm khiến mình cảm giác đến gần với định nghĩa hạnh phúc nhất là khi tham gia khóa học về giới. 
“Chị biết không, khi nghĩ về hạnh phúc, em nghĩ đến hai khoảnh khắc trong năm 2020. Một lần là khi em đi trên con đường Hai Bà Trưng sau mỗi buổi học về. Lúc đấy là vào mùa thu, đó là con đường gần hồ, cũng là lần đầu em nhìn thấy thu Hà Nội. Mỗi cuối tuần đó trở thành niềm hạnh phúc bé nhỏ cho em. Em thấy mình rộng lớn hơn, khao khát học hỏi hơn và đồng thời thấy mình thật bình an.” 
Mình cũng nhận thấy rằng cuộc đời thì ngắn ngủi nên nếu biết mình thích gì và cảm thấy vui vẻ khi làm điều gì, hãy dành thời gian cho điều ấy. Dù bận rộn đến đâu, mong rằng đến cuối ngày, chúng mình đều được chọn để làm điều mình yêu.
4. Mình muốn viết 
Có một câu mình thường hay lặp lại trong những bài viết, kể cả lúc trước và bây giờ, đó là “lâu lắm rồi mới ngồi xuống viết”. Nghe thì khá buồn cười nhưng ngẫm lại thì khá buồn lòng. 
Nếu có thời gian hơn, mình sẽ viết. 
Nếu có nhiều trải nghiệm hơn, mình sẽ viết được nhiều thứ hay ho hơn. 
Nếu kiếm ra tiền rồi hẵng viết.
Đây thường là ba điều ngăn mình ngồi xuống và dành thời gian cho việc viết. Thật ra luôn có rất nhiều lý do để mình không làm điều gì đấy, nhưng chỉ cần một lý do để mình bắt đầu làm: đó là mình thích làm việc này. 
Dù rằng viết một bài dài chẳng dễ dàng gì, viết lách cũng là công việc đòi hỏi sự cam kết và tính kỷ luật. Nhưng như lời bài hát của Lady Gaga: 
“I've got a hundred million reasons to walk away But, baby, I just need one good one to stay.”
“Tôi có hàng triệu lý do để rời đi Nhưng, em à, tôi chỉ cần một lý do để ở lại”

Thứ duy nhất mình cần là thời gian (và cả hành động) 

Không thể không nói rằng việc mình thường có những suy nghĩ tiêu cực và bi quan một phần là vì mình rất hay suy nghĩ và tự đổ lỗi cho chính mình. Nhưng việc ghi chú lại giúp mình hiểu được xu hướng ấy một cách rõ ràng hơn. Mình cũng hiểu được rằng tất cả những sự lo lắng, hoang mang hay sợ hãi ấy không nói lên toàn bộ về con người mình. 
Có một điều bạn mình từng bảo rằng khi bạn ấy buồn, bạn hiểu bạn đang thấy buồn những nỗi buồn ấy không định nghĩa con người bạn. Mà bạn to lớn hơn thế, với nhiều xúc cảm hơn thế. Mình thấy cách nghĩ ấy rất tuyệt. 
Lại nói, chuyện này cũng liên quan đến cách mình nhìn nhận những sự kiện đi qua đời mình. Đó là dù vào thời khắc khi viết xuống mình thấy thật thảm hại, thấy như đang chạy trên một vòng tròn không có hồi kết thì giờ đây khi đọc lại những dòng chữ ngày xưa, mình thở phào nhẹ nhõm rằng đến rồi, thời khắc mọi thứ đã kết thúc, chuyện đã ổn hơn và mình đã sẵn sàng cho những vấn đề mới xuất hiện (đùa đấy, làm ơn). 
Quan trọng hơn, mình nhận ra những nỗi buồn đấy chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời mình, thời gian gần như có thể xóa đi rất nhiều thứ. Và tất nhiên, lựa chọn hành động kể cả khi thấy sợ hãi cũng sẽ là một cách để đối trả với cuộc đời. 
Vì thật sự, đến cuối ngày, mình tin bản thân vẫn có quyền lựa chọn để dù chỉ một chút thôi, sống cuộc đời như mình mong muốn. 

Hãy sống nghiêm túc  

Khi đọc lại những dòng chữ hồi nhỏ, mình nhận ra sự khoan dung cho những bối rối của chính mình là điều rất đỗi bình thường, nhưng nếu để cảm xúc dẫn lối đến mức lạc lối thì chẳng hay chút nào. Mình từng lãng phí thời gian ngồi tự trách bản thân, để chìm sâu vào nỗi buồn và bỏ qua những niềm vui xung quanh. 
Vậy nên, mình nghĩ đầu tiên cứ phải nghiêm túc đã. Nghiêm túc với bản thân, nghiêm túc với con đường mình muốn đi, rồi cứ thử, không được thì thử lại. Tự nhủ còn trẻ rồi để mai tính, thật sự không nên. 
Bạn bè mình gặp nhau thường bảo nhau rằng chớp mắt một cái đã năm cuối, mới ngày nào còn học cấp 3 đấy, rồi nhanh lắm mấy năm nữa chắc lại bắt đầu đi đám cưới của nhau :)) Thời gian trôi nhanh như vậy đấy. 
Nên mình nghĩ, suy cho cùng thời gian là thứ duy nhất mà chúng mình có. Vậy thì sao không cố nghiêm túc nhất có thể với cuộc đời, để dù thất bại hay thành công, mình vẫn tự hào về con đường mình đã đi qua. 
Nói đến đây, thay cho lời kết, thật muốn cảm ơn con nhỏ cấp 2 mình hồi đấy đã quyết định cầm bút viết, để giờ đây khi nhìn lại hóa ra mình đã đi một chặng đường tương đối dài. Vớ vẩn có, mệt mỏi có, ngốc nghếch có cả, nhưng mong là dù ở đâu, mình vẫn có thể làm bạn với đời, một cách thật-nghiêm-túc.