[Review|20.7.17] NGƯỜI ĐÀN ÔNG MỸ CUỐI CÙNG | ELIZABETH GILBERT
Nếu được gặp Eustace Conway ngoài đời thực, mình cũng muốn đến thăm Đảo Rùa của anh ta và trở thành người học việc ở đó. Mình muốn thử cảm giác làm người thứ n cuốn gói ra khỏi ‘thiên đường’ ấy là như thế nào. Bởi gần chín-mươi-phần-trăm những người đến đây đều không chịu nổi cách làm việc của sơn nhân ấy. Eustace quá cầu toàn, anh vượt trội hơn mọi người về nhiều mặt, vì thế mà anh không bao giờ cảm thấy họ “đủ”. Phương châm của anh là: không một phút giây nào được lãng phí. Anh hoạt động tay chân liên tục, làm việc cật lật hàng giờ liền và không cho phép bản thân mình trong tư thế an nhàn hưởng lạc. Đối với anh, cuộc sống này là vận động, theo phương thức giao hòa với thiên nhiên, tin tưởng tự nhiên tuyệt đối. Mọi của cải vật chất ở thế giới hiện đại có chăng chỉ là sản phẩm của con người đã quên mất nguồn gốc của mình. Anh chỉ sử dụng chúng khi thật sự cần, như điện thoại di động, để phục vụ công việc giảng dạy tại trường học, khu giao lưu, nơi người ta trả tiền cho anh để được nghe về cuộc sống của người nguyên thủy: săn bắn, hái lượm, khâu vá, may đồ, đan giỏ, xâu hạt cườm, xây nhà, dựng hàng rào kẽm gai, đào mương, trồng cỏ, nuôi gia súc,… Dĩ nhiên, Eustace Conway làm được tất. Anh chuyển ra sống tách biệt với gia đình khi vừa bước sang tuổi thành niên vì muốn tự lập và học nghề của thổ dân da đỏ. Anh sống theo lối tự cấp tự túc. Nhà của anh là lều vải trong rừng, nước uống là sông suối, thức ăn là thịt nai săn bắn hay củ quả hái được. Đặc biệt anh thường mặc độc một chiếc khố da hoẵng và cứ thế xuống đường. Có lần một số người buộc tội anh là dã man, săn bắn trái phép khi dùng da thú để làm quần áo và lương thực dự trữ. Nhưng bạn đọc rồi sẽ biết anh đã suy nghĩ gì và trả lời họ thế nào.  
"Chẳng có gì là ngày 'tồi tệ' trong tự nhiên. Ta không thể chỉ trích tự nhiên như thế vì tự nhiên luôn làm điều nó cần làm."
Trở lại với những người học việc, sở dĩ họ phải ra đi sớm (luôn là trước thời hạn giao ước hai năm) là do bị vỡ mộng. Họ nghĩ Eustace sẽ dạy họ cách sống giống người nguyên thủy, như những gì anh đã làm. Họ nghĩ mình sẽ trở thành người tài năng với những kĩ thuật điêu luyện như thế. Và họ đã bỏ cuộc. Vì họ không có được thứ mình muốn. Eustace không dạy họ bất cứ cái gì liên quan đến kĩ năng săn bắn hay cách thức bắt mồi cả, anh cho họ làm việc vặt nhưng hết sức nặng nhọc, không cho ngơi nghỉ nhiều và trách mắng liền tù tì mỗi khi họ làm sai một chi tiết rất nhỏ. Với họ, anh đã xúc phạm đến danh dự, quyền con người và không đáp ứng đúng nguyện vọng của họ khi đến đây. Mình nghĩ chắc anh muốn để những người này học việc nhỏ mà nặng nhọc với lòng kiên trì rồi sau hẵng tính đến chuyện làm được như anh. Tuy nhiên anh cũng chỉ ra lí do con người ngày nay thiếu kiên nhẫn và quá coi trọng mình đến mức nào. Là bởi họ sinh ra đã luôn được quyền lựa chọn. Trong xã hội Mỹ hiện đại, từ khi mới sinh ra, người lớn đã luôn lo sợ con cái mình thiệt thòi, họ làm hài lòng hết những ước muốn của con trẻ, đến lúc con người trưởng thành thì đã quen với suy nghĩ mình quan trọng và cần được quan tâm. Ngặt nỗi, Eustace Conway không quan tâm đến điều đó. Anh chỉ chú trọng làm sao để dạy nghề và thuyết giảng cho mọi người hiểu cuộc sống như anh mới thực sự là hoan hỉ thuần khiết, không hề vấy bẩn bụi bặm của đời sống hiện đại. Tư tưởng như anh nhiều người khác cũng có, nhưng mấy ai nói được làm được như vậy đâu. Số ít người còn trụ được với cá tính cũng như kỉ luật thép của Eustace là những cá nhân nhận thức rõ mục đích của mình lúc đến Đảo Rùa này. Họ cần học hỏi. Chỉ cần để tâm đến công việc và nhiệm vụ được giao thôi chứ đừng bận tâm gì đến con người Eustace cả. Họ biết khi đã đặt chân đến nơi này, phải bằng lòng gói ghém “cái tôi” của mình lại, cất vào một chỗ nào đó thật xa, chừng nào học xong ra khỏi đây thì có thể đưa nó trở về con người mình.
Eustace Conway có những cách thức sống rất lạ lùng thú vị, một trong số ấy (mỗi khi nghĩ lại mình đều thấy mắc cười) là nghệ thuật Bới Thùng Rác. Phải. Bới-Thùng-Rác. Để làm gì à? Để tìm đồ ăn. Không phải anh ta ở dơ hay điên khùng đâu, mà vì anh nhận thấy con người ngày nay lãng phí quá nhiều thức ăn. Có nhiều thực phẩm còn tươi tốt bị quẳng không thương tiếc vào các thùng rác trước siêu thị. Một cái pizza thơm ngon. Rau cải xanh mơn mởn. Nếu biết tận dụng, anh sẽ có một bữa thịnh soạn ngày hôm đó hoặc để dành vào ngày sau. Công việc này cũng đòi hỏi hiểu biết, chứ không phải cứ vơ đại món nào đó bị ôi thiu rồi đem về ăn. Anh biết cách chọn thực phẩm sạch, không dính bẩn, nhất là canh thời gian ngay khi người ta vừa đổ đống rác ăn đó đi, lúc ấy thức ăn vẫn còn mới. Vào những tháng mùa đông, việc bới thùng rác sẽ phần nào bổ sung thêm lương thực ở Đảo Rùa, khi điều kiện thời tiết không thích hợp cho việc săn bắt hái lượm. Có lẽ với anh, cuộc sống hoang dã đã là hưởng thụ.
Cuộc đời chàng sơn nhân luôn đạt những thành tựu nhất định. Việc anh đã quyết, ắt làm được. Thế nhưng “nhân vô thập toàn”, rắc rối lớn nhất đời anh là không thể hòa hợp với các mối quan hệ, dù là gia đình hay tình yêu. Anh khắc cốt ghi tâm tư tưởng lớn lao của ông ngoại, trở thành “Người Mang Sứ Mệnh” nhưng cũng chính điều đó mà anh luôn gặp trở ngại trong việc khiến người khác hiểu bản chất con người anh, khát vọng và cảm xúc của anh. Họ không thể hiểu. Anh quá phi thường. Lúc đầu mình nghĩ Eustace giống kiểu Robinson Cruisoe, nhưng Robinson là bất đắc dĩ trở thành sơn nhân, còn Eustace sinh ra là để làm một sơn nhân. Dù nỗ lực để cứu người Mỹ thoát khỏi lối sống giả tạo, dù suy nghĩ chỉ cần tác động lên một cuộc đời là có thể thay đổi cả thế giới, thì đến tuổi xế chiều, cái sứ mệnh ấy đã lung lạc phần nào, anh biết mình không thể làm được điều đó… mặc dù anh đã làm thay đổi cuộc đời một số người, nhưng như thế không đủ. Anh cũng chỉ là hạt cát trong mảnh kiến tạo địa tầng mà thôi. Eustace Conway xứng đáng nhận danh hiệu cuối đời: Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng.

Ảnh: mình tự chụp ạ ^^