Diễu hành Cầu vồng - Vietpride 2018 (Ảnh: Vietnammoi)
Trước VietPride 2018, lại có một tranh luận cũ được khơi ra. Đâu đó người ta nói thế này:
Tại sao đòi coi LGBT là “bình thường” mà lại vẫn cứ tổ chức này kia rùm beng hết lên vậy? Cứ sống im lặng đâu có ai kì thị đâu.
Muốn xóa đi sự kỳ thị của xã hội thì trước tiên cộng đồng LGBT hãy là những người bình thường như mọi người, đừng tự biến mình thành những kẻ khác người, kệch cỡm, dị hợm, rồi hô vang rằng tôi tự hào vì mình riêng biệt và đòi hỏi sự bình đẳng.
Chẳng có ai nói rằng tôi tự hào là đàn ông, là đàn bà, vậy nên đừng cố hét lên rằng tôi tự hào vì là người đồng tính. Cuộc sống có nhiều thứ đáng tự hào hơn là điều hiển nhiên đó.
Tôi nghĩ đối tượng chính xác nhất mà những câu trên muốn ám chỉ là người chuyển giới, các nghệ sĩ drag queen và những người có thể hiện queer đã xuất hiện trong buổi diễu hành của VietPride 2017
Với tôi, chính những phát biểu trên tự thân nó đã đủ lý giải tại sao chúng ta - dù là LGBT hay không - vẫn cần Pride rồi.

Pride được các nước khác nhìn nhận thế nào?

Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta không chỉ xem Pride như hoạt động tự phát của một nhóm nhỏ. Họ tiếp nhận nó như một di sản mà cộng đồng LGBT đóng góp cho nền văn minh. Pride vì thế được tổ chức như một chuỗi sự kiện văn hóa của cả thành phố, có sự tham gia của cả chính quyền và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy du lịch, văn hóa, kinh tế. Cao điểm của Pride là diễu hành. 
Ở châu Á, Philippines, Ấn Độ, Israel, Nhật Bản, Đài Loan, Campuchia, Lào, Nepal, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Myanmar, Thái Lan... đều đã tổ chức sự kiện theo mô hình Pride, lớn nhỏ khác nhau. 
Tuy vậy, môi trường pháp luật, chính trị và văn hóa đặc thù đòi hỏi một số nước phải tiếp thu và chỉnh sửa Pride lại cho phù hợp. Singapore chẳng hạn, không làm Pride mà thay bằng sự kiện Pink Dot. Ở Sing, quan hệ tình dục đồng giới vẫn còn bị hình sự hóa, phạt tù đến 2 năm. Dẫu vậy, cái tinh thần chung của Pride vẫn hiện diện: đông người, vui vẻ, nói về tình yêu, tự do, tự hào, thu hút du lịch, vận động cho việc thay đổi chính sách.
Diễu hành Cầu vồng - Vietpride 2018 (Ảnh: Thanh Niên)

Với những người ủng hộ Pride trên thế giới, sự kiện này có 3 giá trị lớn:
Một là để biểu dương lực lượng đấu tranh cho quyền LGBT, thúc đẩy đối thoại ở không gian công để thấu hiểu nhau và vận động chính sách.
Hai là để tưởng niệm Sự kiện Stonewall (1969) và vinh danh những đấu tranh của cộng đồng LGBT cho sự đa dạng và bình đẳng của con người.
Ba là để lan tỏa thông điệp rằng mỗi người nên tự tin là chính mình, mạnh mẽ hơn, yêu bản thân hơn và sống tốt hơn từng ngày.
Với các nhà hoạt động phương Tây, sự xuất hiện Pride ở một quốc gia là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành trong phong trào quyền LGBT của nước đó.

Pride ở Việt Nam

Nếu tháng tự hào ở thế giới là tháng 6, thì ở Việt Nam là tháng 8. Pride ở Việt Nam là VietPride, tổ chức lần đầu vào tháng 8/2012, với nhiều sự kiện liên tiếp mà đỉnh cao là tuần hành xe đạp ở Hà Nội và flashmob ở TP HCM. 
Kể từ đó, mỗi năm VietPride có một chủ đề khác nhau:
VietPride 2013: Bước ra ánh sáng
Thông điệp chương trình là "hãy bước ra khỏi bóng tối và sống thật với chính mình". Sự kiện chỉ diễn ra ở TP HCM với cao điểm là buổi diễu hành trên đường phố với sự tham gia của hàng trăm người.
VietPride 2014: Hãy cứ sống, hãy cứ yêu
Tổ chức tại 14 tỉnh thành. Nội dung chính vẫn là các gian hàng, talkshow của PFLAG (hội người thân của người LGBT), sân khấu ca nhạc… và diễu hành.
VietPride 2015: Tung cánh
Điểm sáng của VietPride 2015 ở TP HCM là dự án Work With Pride, kêu gọi chống kỳ thị tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, năm nay còn có tin mừng là Quốc hội chính thức thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. 
VietPride 2016: Là chính mình, yêu người mình yêu
Số tỉnh thành tổ chức Vietpide đã lên đến con số 34. Viet Pride dần bước ra khỏi khuôn khổ một sự kiện dành riêng cho cộng đồng LGBT. 
VietPride 2017: Gieo mùa yêu thương – Ươm mầm bình đẳng

Có gian hàng trưng bày, chiếu phim, party, hội thảo, diễu hành. Lá cờ cầu vồng dài 20 mét được căng ra trên phố đi bộ với sự trợ giúp từ hàng trăm người mà đi đầu là cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius. Các nghệ sĩ drag queen trong trang phục đầu màu sắc cũng thu hút nhiều sự chú ý.

Sức lan tỏa của năm nay đến mức gây ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Người ta cho rằng cộng đồng LGBT nên “cư xử bình thường” thay vì hô hào khắp nơi và “chẳng có gì đáng để tự hào cả”.

Vậy thì có gì đáng để tự hào?

Pride tự thân nó đã là một sự kiện mang tính U.S.-centric rồi. Mỹ khác với Việt Nam hay nhiều nước khác ở chỗ các phong trào về bình đẳng và đa dạng giới phát triển rất sớm và có một bề dày lịch sử đấu tranh. Từ chỗ không bị đặt vào khuôn khổ pháp luật hay luân lý, LGBT bị tư tưởng tôn giáo khép thành tội lỗi. Để rồi sau đó người ta lại phải giải phóng nó.
Chính cái hành trình cởi trói cho LGBT, manh nha từ sexual revolution trước đó, được khơi dậy nhờ vụ bạo loạn Stonewall năm 1969, trải qua những tranh đấu vất vả để được xã hội ghi nhận, cho đến tận 3 năm trước, khi hôn nhân đồng giới được pháp luật công nhận - cái hành trình ấy tự thân nó đã là một thứ đáng để tự hào. 
Tự hào vì những giọt mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống cho tự do, bình đẳng. Tự hào vì lòng can đảm và sự kiên trì của một cộng đồng nhỏ dám đối đầu lại cái diễn ngôn "bình thường" về giới. 
Diễu hành Cầu vồng - VietPride 2018 (Ảnh: Thanh Niên)
Ở Việt Nam, một số cứ liệu lịch sử đã hé mở về những thể hiện giới khác biệt của thời đại phong kiến. Tuy nhiên, ghi chép cụ thể về đời sống của người LGBT xưa và thái độ xã hội như thế nào thì không có.
Nhưng có quan điểm cho rằng tư tưởng trói buộc LGBT vào vòng luân lý cũng được du nhập thông qua con đường truyền giáo từ thời Pháp thuộc. Nói cách khác, những nhận thức ban đầu về LGBT lẫn homophobia của người Việt đều là adopted từ người Pháp ("bê đê" có từ nguyên là từ tiếng Pháp "pédérastie").
Và từ đó đến nay, LGBT trở thành một bóng ma. Người ta xem nó là taboo. Người ta đánh đồng LGBT với sự sa đọa, bệnh tật, tệ nạn xấu xa. Khiến cho người đồng tính trở nên mặc cảm, sống co cụm. Nhiều người phải sống trong cô độc và không thể sẻ chia suốt cả cuộc đời.
Ảnh: VietPride
Đến khoảng những năm 90, khi cơn ác mộng HIV-AIDS kéo đến Việt Nam, cộng đồng LGBT mới bước đầu tìm được đến nhau nhưng chỉ là để chia sẻ kiến thức về tình dục an toàn.
Dẫu vậy, lúc này truyền thông nước nhà chỉ chú tâm đến khía cạnh sức khỏe tình dục. Còn thái độ của phần đông vẫn mang nặng thành kiến. Trong số hơn 500 bài báo từ năm 2004 đến 2009 được thống kê bởi iSEE và Học viện báo chí tuyên truyền, có đến 41% số bài báo mang thái độ kỳ thị và lan tỏa kiến thức sai lệch về LGBT.
Ảnh: VietPride
Chặng đường từ năm 2009 đến nay là chặng đường tranh đấu vất vả của những nhà hoạt động xã hội quyền LGBT trên mọi mặt trận, từ học thuật, pháp lý, truyền thông, nhận thức, thái độ, hành vi cộng đồng cho đến văn hóa, nghệ thuật. Những người này đã tạo ra một diễn ngôn mới về giới cho xã hội Việt Nam.
Để đến ngày hôm nay, khi tôi có nói với bạn bè mình là "tao đồng tính" thì bọn họ đáp lại bằng câu "bình thường mà" (dù câu này tôi nghe chẳng bình thường chút nào) và vẫn vui vẻ chấp nhận con người của tôi. Hay việc kết hôn đồng giới, làm đám cưới không còn bị bà con xóm giềng biểu tình phản đối như ngày trước. Hay là người chuyển giới đã được phép thay đổi lý lịch cá nhân của mình...
Tất cả những thứ đấy... họ, dù là LGBT hay chỉ là ally, đều đã làm được trong 10 năm, trong khi ở Mỹ phải mất cả 100 năm để tạo ra thay đổi. 
Dẫu suy cho cùng, từ những concept về LGBT, homophobia cho đến các lý thuyết liberation đều là adopt từ nước ngoài, nhưng những tổn thương mà nó gây ra cho con người là có thật và những đấu tranh, giải phóng là vô cùng đáng giá.
Như vậy, chẳng phải đáng để tự hào sao?
Diễu hành Cầu vồng - VietPride 2018 (Ảnh: Thanh Niên)
Vả lại, sau cả thế kỷ sống trong tăm tối, người LGBT muốn bước ra ánh sáng buộc phải tin vào những thứ thông điệp đủ sức nặng để làm đối trọng với sự thinh lặng đáng buồn trăm năm qua. Và còn gì đủ sức làm việc đó hơn thông điệp tự hào và những thể hiện giới được đẩy đến cùng cực?
Vì sao phải làm lố, phải ăn mặc dị hợm, phải hô hào ư? Vì chỉ như vậy các câu hỏi đó mới được đặt ra, chỉ như vậy người ta mới chỉ trỏ vào cái bọn xanh-đỏ-tím-vàng ấy mà bàn tán, chỉ như vậy người ta mới chịu ngồi vào bàn đối thoại để nói về bản chất của tính dục và giới.
Còn không thì, không có một thứ hạnh phúc nào đạt được cả, nhất là nhờ sự bưng bít hay câm lặng.

Vì sao vẫn cần Pride ư?

Vì ngày nay người đồng tính vẫn phải chịu những luật lệ hay luân lý khác với người dị tính (về chuyện kết hôn, chung sống hay có con nuôi chẳng hạn...). Và ở Việt Nam muốn biến "non issue" thành "issue" thì dễ, chứ từ "issue" thành "real issue" hay "major issue" thì khó vô cùng.
Vì lần gần nhất khi come out bị động với Má, Má còn hỏi tôi "cái đó người ta gọi là gì hả con?"
Vì có những người như tôi, đã trải qua tuổi thơ với những ẩn ức của riêng mình không biết tỏ cùng ai. Và ngày nay, tuy họ đã công khai, nhưng trong lòng họ có những vết thương không thể nào hàn gắn được. Họ có thể không còn biết thế nào gọi là sống cho mình, mà cả cuộc đời chỉ sống theo cách người khác muốn mình sống. 
Vì hết vấn đề này thì sẽ còn có những vấn đề khác cần bàn: Gender DysphoriaBody Dysmorphia khác nhau thế nào? Body shaming trong cộng đồng LGBT ra sao? Labeling có còn cần thiết hay không? Phẫu thuật chuyển giới có phải là một hành vi chịu sự ảnh hưởng của heteronormativity? LGBT trong quân đội? LGBT trong pháp lý? v.v..
Vì đâu đó vẫn còn những người LGBT sống trong cô độc và trầm uất. Và chặng đường giải phóng họ vẫn còn dài.

Nhật Tuân | 26/08/2018