1. Mở đầu

Có một dạo, Hoa bảo mình:
- Dạo này làm gì t cũng không cảm thấy vui. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra với t luôn ấy.
- M nên đi Đà Lạt hay đâu đó cho khuây khoả.
- Ừ t cũng nghĩ tới ý, nhưng mà...
- Nhưng mà sao?
- Có người bảo là đi như thế không được ích gì, kiểu đi xong rồi thì vấn đề nó vẫn ở đấy chứ không đi đâu cả ý. 
Cuộc nói chuyện nghe có vẻ tầm phào và nhạt nhẽo, nhưng nó lại gợi trong mình nhiều suy nghĩ và tự hỏi, rằng: "Liệu mỗi hành động của chúng ta có nhất thiết phục vụ cho một mục đích thực dụng nào đó không?"
(Chú thích: Mục đích thực dụng là khi ta làm điều gì đó chỉ để đạt được kết quả cụ thể, thay vì tận hưởng giá trị tự thân của hành động đó.)

2. Tại sao chúng ta thường cần "mục đích" cho hành động của mình?

Từ nhỏ tới lớn, chúng ta đã quen thuộc với lối suy nghĩ và lối tư duy mỗi việc ta làm nên hướng tới một giá trị hay mang lại lợi ích nhất định nào đó. Nếu ta nghe lời người lớn, đó là vì ta biết mình sẽ được khen ngợi (hoặc ít ra không bị ăn mắng), ta nỗ lực học tập để kiếm một công việc tốt, ta làm việc chăm chỉ để thoả mãn nhu cầu vui vật chất và tinh thần hay để được người khác tôn trọng. Và trong trường hợp của bạn mình phía trên, thì vì nhỏ nghĩ rằng chuyến đi Đà Lạt ấy nhằm mục đích giúp nhỏ "chữa lành" và cảm thấy tốt hơn.
Thế nhưng, liệu ta có thể làm những việc ta làm chẳng vì một mục đích nào cả không? Nếu ta học chỉ vì thích học, làm chỉ vì thích làm, và đi Đà Lạt đơn giản chỉ vì ta thực sự thích đi, chứ không vì bất kì lý do nào khác, có thể như thế không? Giả sử bạn là một "cú đêm" ngày chơi đêm cày, và có một hôm vì lý do trời ơi đất hỡi nào đó bỗng nhiên thức dậy vào lúc 7h sáng. Thế là bạn quyết định sẽ xỏ giày và đi dạo loanh quanh khu phố trong tiết thu Hà Nội đẹp như mơ như này. Nếu lúc đó ba mẹ thấy bạn và mắt tròn mắt dẹt hỏi: "Sáng nay đi dạo cơ đấy?" thì bạn sẽ trả lời thế nào? Mình cá chắc lý do không phải là "đi dạo buổi sáng cho khoẻ" đâu, cảm xúc luôn tới trước suy nghĩ mà. Bạn đi vì bạn thích đi, vì thời tiết quá đẹp, và vì bạn đang hứng, thế thôi! 
Ảnh bởi
Jamie Street
trên
Unsplash
Như vậy, có phải khi bạn không đủ tình yêu hay động lực để làm điều gì đó, thì bạn mới cần tới một mục đích thực dụng hơn để đốc thúc bản thân mình không? Vì bạn không thích đi dạo buổi sáng, nên bạn mới viện tới lý do nó tốt cho sức khoẻ. Vì bạn không tìm thấy ý nghĩa trong việc học, nên bạn mới cần mục đích để cố gắng. Vì bạn không yêu thích công việc, nên bạn mới cần mục đích để đấu tranh. Và bạn cần một mục đích vì không thể nhìn ra tự thân chuyến đi đã mang vẻ đẹp và ý nghĩa của riêng nó. Nói cách khác, mục đích xuất hiện như một sự cứu cánh khi ta cảm thấy bản thân hành động là trống rỗng và vô nghĩa. Và phải chăng, bạn chỉ đang chạy trốn khỏi việc tận hưởng quá trình hành động như chính-nó-là mà thôi.

3. Tận hưởng hành động như chính-nó-là

Tận hưởng hành động không-mục-đích nghĩa là ta không truy cầu một mục đích cụ thể để gán cho hành động, mà tận hưởng hành động đó như chính-nó-là. Điều này có nghĩa là nếu bạn mình muốn đi Đà Lạt, thứ bạn nên quan tâm không nên là người khác nói gì hay chuyến đi có giúp gì cho bạn không, mà là tự vấn xem "trái tim mình xem mình có thực sự muốn làm điều đó không". Vì mình cho rằng, khi bạn tiếp cận chuyến đi dưới góc độ ý thức của tình yêu, bạn sẽ tự biết cách tận hưởng từng khoảnh khắc của chuyến đi, và chính sự tận hưởng đó tự thân đã mang lại ý nghĩa cho chuyến đi đó. Ừ, nó giống như kiểu mấy cặp đôi hay hỏi đối phương yêu mình vì điều gì, thì câu trả lời nhận được sẽ thường là "chẳng vì lý do gì cả, chỉ vì em là em thôi" ấy. Nghe sến, nhưng thực sự là như vậy.
Hành động không-mục-đích còn là cách tiếp cận hành động với tâm thế không nỗ lực kiểm soát quá trình hay kết quả. Nếu bạn có tìm hiểu về phương pháp Thực dưỡng Ohsawa, bạn có thể tìm thấy đâu đó bóng dáng của triết lý này: "Nếu bạn áp dụng thực dưỡng chỉ để chữa bệnh, bạn sẽ không khỏi bệnh. Nhưng nếu bạn áp dụng thực dưỡng để thay đổi cuộc đời, thì bệnh tật sẽ tự khỏi." Đôi khi, càng mong muốn kiểm soát kết quả thì kết quả càng không tới, và càng kì vọng thì chúng ta càng dễ thất vọng. 

4. Kết

Không phải hành động nào cũng cần một mục đích cụ thể, và đôi khi, chính việc ta dừng lại để cảm nhận và sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc lại là ý nghĩa lớn nhất. Thay vì tìm cách thuyết phục bản thân bằng những lý do, hãy lắng nghe trái tim mình, để hành động như một sự thể hiện tự nhiên của niềm yêu thích, sự tò mò hoặc mong muốn kết nối với cuộc sống. Bởi lẽ, không phải mọi điều đẹp đẽ trên đời đều cần được giải thích, và không phải mọi hạnh phúc đều phải đến từ những gì được lên kế hoạch. Có lẽ, chỉ cần "đi vì muốn đi," "làm vì muốn làm," đã là đủ. Đủ để trái tim nhẹ nhõm, và đủ để cuộc sống trở nên tròn đầy hơn.