Vì sao ta cứ bám riết lấy nỗi buồn
Người ta thích nỗi buồn, vì nỗi buồn khiến họ cảm thấy mình quan trọng.
Người ta thích nỗi buồn, vì nỗi buồn khiến họ cảm thấy mình quan trọng.
Gia đình tôi có một group chat trên zalo, trong một câu chuyện phiếm mà mọi người tám với nhau, bác tôi kể về việc mình vất vả với cuộc sống thể nào, và theo một phản xạ hết sức tự nhiên, cậu tôi, mợ tôi, dì tôi… lần lượt than thở rằng thật ra mình còn khổ hơn rất nhiều. Ai nấy đều rất hồ hởi trong việc kể rằng mình khổ thế nào, rằng mọi nỗi khổ của người khác chẳng ăn nhằm gì so với bản thân họ.
Thật kỳ lạ, chúng ta vẫn thường kể với người khác về những khó khăn, khổ sở, nỗi buồn của mình, mà đôi khi không hề nhận ra, mình đang kể một cách rất hồ hởi, ánh mắt như thể rất phấn khích tự hào về những việc ấy. Chúng ta kể như bản thân thực sự muốn tìm ra giải pháp, đã tìm mọi cách nhưng không thể nào thoát ra, nhưng thực ra có vẻ như chúng ta không muốn thoát ra khỏi những vấn đề này cho lắm, rồi lại tiếp tục hào hứng kể về việc không thể tìm được giải pháp của mình.
Đôi khi tôi còn cảm tưởng nỗi khổ dường như là một chiến tích, là mục đích sống của mọi người, và nếu như cuộc sống toàn niềm vui thì sẽ chẳng còn gì để hướng tới. Thật nực cười nhưng tôi và bạn có vẻ như từ trước đến nay vẫn đều sống như vậy - coi sự vất vả như là mục đích sống, một minh chứng cho những đóng góp và cống hiến cho đời, một trang điểm thể hiện giá trị của bản thân.
Giống như đi một chiếc giày chật, nó cho bạn cảm nhận về sự tồn tại của đôi chân, nếu như đi đôi giày thoải mái, bạn hoàn toàn thư giãn, vậy thì chẳng để ý gì đến đôi chân của mình nữa. Nỗi buồn cũng vậy, nó cho ta cảm nhận sâu sắc về cái tôi đang tồn tại, nó bồi đắp cho cái tôi ngày một mạnh mẽ, bản thể hiện lên thực sự rõ ràng thông qua nỗi khổ. Đó là lý do tôi nói rằng người ta thích nỗi buồn, vì nỗi buồn khiến họ cảm thấy mình quan trọng (câu này tôi nghe của Lê Cát Trọng Lý trong một tập của series Have a sip). Cái tôi không là gì khác ngoài tập hợp của những nỗi buồn, nếu không còn nỗi buồn thì sẽ không còn cái tôi, hay nói một cách khác khi bạn từ bỏ cái tôi thì bạn sẽ hạnh phúc, nghe hơi to tát, nhưng mà tôi thấy nó đúng.
Vậy nên lần tới, khi thấy bản thân đang than thở với ai đó về nỗi buồn, hãy để ý xem mình có thật sự muốn thoát khỏi không hay thực ra chỉ đang muốn kể về nó. Nỗi buồn chỉ tồn tại khi ta ủng hộ chúng, cho phép và trao năng lượng cho chúng, ngược lại nó sẽ không thể tồn tại.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất