Nói về vấn đề thói quen của người thành công, trước kia mình đã từng dịch:
Vì đây là chủ đề mình cũng có ít nhiều hứng thú nên hôm nay sẽ dịch thêm một bài nữa. Bản gốc bài viết này là trả lời của tác giả Nicolas Cole cho câu hỏi "What are the habits of highly successful people?" trên Quora.
Bản gốc có thể được tìm thấy ở đây.


Tôi là một kẻ ám ảnh.
Mỗi khi thức dậy:
Tôi thường vùng dậy theo cùng một cách, và bằng cùng một động tác kéo tấm chăn đang giữ ấm cho đôi chân trần. Đứng dậy, bước chân phải trước rồi tới chân trái - không bao giờ ngược lại - hướng về phía nhà tắm. Khi đánh răng, tôi bắt đầu từ hàm trên bên phải, sau đó di chuyển lên xuống từng chiếc trước khi kết thúc ở hàm trên bên trái. Quá trình này được lặp lại với hàm dưới, nhưng lần này là từ trái sang. Tắm cũng vậy, tôi luôn sử dụng bánh xà phòng theo một quy trình nhất đinh: 3 lần chà lên chà xuống tay trái, 3 lần tương tự với tay phải, 3 vòng tròn trước ngực, 3 vòng phía dưới, cứ thế. Sau vòi tắm luôn luôn là một chiếc khăn khô, lần lượt được sử dụng cho đầu, tai phải, tai trái, nách trái, nách phải; trước khi được tôi nắm hai góc, vòng ra phía sau để lau khô vùng lưng bằng những động tác gần như tạo đủ ma sát tới bốc cháy; và cuối cùng thì kết thúc ở hai chân. Xong xuôi tất cả, "nghi thức" ăn mặc của tôi mới chính thức bắt đầu.
Từ khi còn trẻ, tôi đã từng có thói quen chạm khớp ngón tay mình vào tất cả các góc cạnh của mọi quầy hàng, mọi bức tường, mọi chiếc bàn, chiếc ghế hay bất cứ bề mặt phẳng nào.
Cảm giác từ những hành động đó khiến tôi thấy yên tâm và được đảm bảo.
"Tôi e rằng con trai bà mắc chứng ADD (rối loạn thiếu khả năng chú ý), đi kèm với một vài biểu hiện của OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế)" - hàng loạt bác sĩ lo lắng thông báo với mẹ khi tôi mới chỉ là một thiếu niên.
Đó là quan điểm của các bác sĩ. Còn tôi đơn giản chỉ cảm thấy khó có thể hòa nhập, vì . . .
Thế giới này không hề có tổ chức như chúng ta thường nghĩ.
Chúng ta đặt ra mục tiêu trước khi hiểu rõ cam kết của bản thân cho mục tiêu đó. Chúng ta hình dung bản thân làm một công việc mới mà không hề tìm hiểu con đường dẫn tới nó. Chúng ta nói về những thay đổi để cải thiện bản thân trong khi chẳng mảy may cân nhắc những trở ngại có thể sẽ ngăn cản những thay đổi này thành sự thật. Chúng ta hứa trước khi hiểu rõ bản thân có thể cam kết những gì. Chúng ta coi "lưới rổ là lẽ sống" trong tương lai, nhưng lại chẳng buồn tự hỏi: "Liệu mình có thực sự biết ném một quả bóng cho đúng cách?"
Thế giới này vốn đầy rẫy những hỗn loạn "có tổ chức" như thế. 


Chúng ta thường ghét nói về những thói quen của chính mình vì . . . quá khó.
Khó kinh khủng. Người khác sẽ biết rõ rằng bạn chẳng hề bận rộn như bạn nói. Cũng chẳng có kỷ luật như bạn lầm tưởng. Họ cũng sẽ biết bạn lãng phí thời gian - rất nhiều thời gian. Còn bạn thì nhận ra bản thân chẳng biết mình muốn điều gì. Bạn phải vật lộn để thực hiện được những cam kết của bản thân. Bạn thiếu kiên trì, cũng chẳng có động lực, để rồi tự khiến bản thân xao nhãng vì lo sợ thất bại. Tóm lại, bạn thực chất không hề muốn những gì bản thân tự tuyên bố hết sức khát khao.
Bạn sống. Và tự lừa dối chính mình.
Trớ trêu là, khi nhắc tới những thành tựu hay dự định, bạn cũng vẫn say mê giống như bất kỳ ai:
"Ông biết tôi muốn làm gì không? À biết tôi sẽ làm gì không chứ? Tôi sẽ thành lập một công ty ông ạ. Một công ty thành công - có lẽ cũng không cần phải lớn lắm vì ai mà biết được chuyện gì có thể xảy ra. Biết đâu tôi lại muốn sống quãng đời còn lại ở một vùng biển nào đó, kiếm đủ tiền để tự lo cho bản thân thôi thì sao? Tôi cũng chưa nghĩ kỹ lắm nhưng đó cũng là một lựa chọn thú vị. Uh tôi sẽ thành lập công ty đấy - nhưng có lẽ phải đợi thêm vì giờ đang có nhiều thứ phải lo quá, chưa kể lỡ mà công ty của tôi phát triển nhanh quá? Tôi không muốn phải đối mặt với nhiều áp lực sớm quá ông ạ. Thành công kiểu đó thay đổi con người như chơi ấy, tôi biết lắm. Thế nên tôi chưa muốn đầu tư quá sâu vào đó đâu. Quá nhiều thứ phải giải quyết, quá nhiều trách nhiệm đi cùng với thành công. Có lẽ hiện tại thì cứ đặt một mục tiêu nhỏ hơn trước đã ông ạ. Có khi tôi sẽ viết một cuốn sách."
Lũ thộn.


Tôi không nghĩ "Mình có thể đạt được điều gì?". Thay vào đó, câu hỏi của tôi là: "Thói quen nào bản thân có thể lặp đi lặp lại?" 
Mọi mục tiêu, thành tựu, phần thưởng, mọi lời ca ngợi hay mọi sản phẩm, dự án hoàn thành đều cần 1 yếu tố:
Thời gian.
Vậy nên trước khi đặt ra một mục tiêu bất kỳ, tôi luôn tự hỏi bản thân 3 điều:
1. Tôi cần bao nhiêu thời gian mỗi ngày để có thể hoàn thiện tốt nhất (trong khả năng của bản thân) mục tiêu này?
2. Tôi còn bao nhiêu thời gian trống có thể dành cho mục tiêu đó? Lượng thời gian này liệu có bằng lượng thời gian cần thiết để hoàn thành tốt nhất trong khả năng hay không? 
3. Nếu không có đủ thời gian cần thiết, liệu tôi có sẵn sàng thay đổi kế hoạch bản thân để có thể đầu tư được thêm thời gian cho mục tiêu muốn theo đuổi?
Khi còn là một thiếu niên, tôi đã từng mong muốn sẽ trở thành một game thủ World of Warcraft chuyên nghiệp.
1. Mục tiêu này cần ít nhất 3 tiếng luyện tập World of Warcraft ở mức độ cạnh tranh mỗi ngày (4+ tiếng/ngày sẽ tốt hơn).
2. Là một học sinh cấp 3, tôi phải đi học từ 8h sáng tới 3h chiều. Từ 3h30 tới 4h30 là thời gian học đàn. 5h tới 6h30 dành cho bữa tối cùng gia đình. 7h tới 9h là lúc quây quần tất cả anh em trong nhà cùng làm bài tập. 10h là lúc đi ngủ.
3. Vì không sắp xếp đủ thời gian cần thiết từ thời gian biểu hàng ngày của bản thân, tôi phải tự hỏi: "Mình có sẵn sàng điều chỉnh cách đầu tư thời gian hiện tại để theo đuổi mục tiêu này?"
Câu trả lời là "Có".
Và tôi lựa chọn cắt bỏ giấc ngủ. Mọi đêm tôi đều giả vờ đi ngủ lúc 10h, chỉ để lén lút quay lại chơi World of Warcraft trên máy tính từ 10h30 tới 3h sáng hôm sau.
Vậy là ở tuổi 17, tôi đã trở thành một trong những game thủ World of Warcraft có thứ hạng cao nhất khu vực Bắc Mỹ.
Với tối, đó chính là công thức bí mật để đạt được thành công.
Áp dụng công thức này, tôi đã:
1. Trở thành một trong những game thủ World of Warcraft có thứ hạng cao nhất vào năm 2007, đồng thời sở hữu một trong những blog game nổi tiếng đầu tiên trên Internet.
2. Từ một thiếu niên gầy gò ốm yếu trở thành một vận động viên và người mẫu thể hình.
3. Nằm trong Top 3x các tác giả trên Quora với trên 20 triệu views, đồng thời có nhiều câu trả lời được đăng lại trên TIME, Forbes, Fortune, Huffington Post, Business Insider, Apple News, The Chicago Tribune, Slate Magazine, Observer v.v.
4. Trở thành một tác giả và "cây viết dạo" có mức thu nhập 6 chữ số, thành lập công ty Digital Press chuyên cung cấp dịch vụ viết cho các CEO, doanh nhân và giám đốc cấp cao.


Vậy nên:
Tất cả những gì bạn cần phải hỏi bản thân là . . . 
Đâu là thói quen tôi có thể lặp lại ngày này qua ngày khác?
Nếu muốn trở thành một nhà văn, bạn sẽ phải làm gì để có thể viết 2 tiếng mỗi ngày?
Nếu không thể trả lời câu hỏi đó, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được kỳ vọng của mình.
Nếu muốn xây dựng một doanh nghiệp thành công, điều gì sẽ khiến bạn bỏ thời gian nghiền ngẫm và làm việc cho ý tưởng startup của mình 3 tiếng mỗi ngày?
Không trả lời được câu hỏi trên? Đừng mơ trở thành một nhà sáng lập.
Nếu muốn trở thành một vận động viên thể hình, bạn có thể dành ra 2 tiếng mỗi ngày đi gym, và cứ mỗi 2.5 tiếng lại ăn một bữa để cung cấp đủ dưỡng chất không?
Một lần nữa, nếu không trả lời được câu hỏi này, bạn không bao giờ có cửa trở thành một "bodybuilder" đâu.
Chúng ta đều rất thích nói. Nhưng hãy dừng nói về những thứ bạn sẽ đạt được.
Điều tôi muốn biết là bạn sẽ dành thời gian cho mục tiêu của mình như thế nào.
Không chỉ hôm nay.
Bạn sẽ tập luyện hàng ngày như thế nào?
Mọi người đều sẽ trả lời: "Tôi sẽ tập, ok?"
Không đâu. Họ sẽ không làm thế.
Nói cho tôi biết lúc nào và bao lâu. Chính xác thì khi nào bạn sẽ ngồi xuống tập luyện và khi nào sẽ lại đứng lên?
Bạn sẽ đảm bảo lịch trình đó mỗi ngày thế nào?
Như đã giới thiệu, tôi là một kẻ ám ảnh.


Bonus 3 phút: 
Tại sao chúng ta nên nói về dự định của bản thân càng ít càng tốt?