*Mình dịch từ bài "Why Generation Y Yuppies Are Unhappy" của Tim Urban trên Wait But Why. Dù bài viết đã khá lâu rồi nhưng mình thấy những nội dung bàn tới vẫn đúng với bây giờ và cả một phần của Gen Z.
*Chú thích: Yuppie là một thuật ngữ được sử dụng vào đầu những năm 1980 cho những người trẻ có công việc chuyên môn và phong cách sống thời thượng ở thành thị.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hãy làm quen với Lucy.
Lucy là một phần của Gen Y, thế hệ sinh từ cuối thập niên 70 đến khoảng giữa thập niên 90. Cổ cũng là một phần của văn hóa "yuppie", chiếm đa số những người thuộc Gen Y.

Tôi gọi những thanh niên yuppie này là GYPSYs - Gen Y Protagonist & Special Yuppies, những người tự cho mình là nhân vật chính đặc biệt trong một câu chuyện cũng đặc biệt không kém. Một khái niệm độc đáo chứ hả? Lucy rất tận hưởng đời sống GYPSY của cổ và cũng rất hài lòng khi được là chính mình. Lucy chỉ lấn cấn có một điều: 

Lucy cảm thấy không hạnh phúc lắm.

Để đi đến tận cùng vấn đề, trước hết chúng ta cần xác định điều gì khiến người ta hạnh phúc hay không hạnh phúc. Thực ra nó là một công thức đơn giản:  
Công thức này khá thẳng thắn - khi thực tế cuộc sống của ai đó tốt hơn kỳ vọng thì họ sẽ hạnh phúc. Khi thực tế hóa ra tệ hơn kỳ vọng, họ sẽ không hạnh phúc. 

Để hiểu rõ hơn về bối cảnh, chúng ta sẽ mang cả bố mẹ Lucy vào thảo luận này.
Bố mẹ Lucy sinh vào thập niên 50, thuộc thế hệ Baby Boomers (thế hệ bùng nổ dân số). Họ được nuôi lớn bởi ông bà Lucy, thành viên của thế hệ G.I, hay còn gọi là "Thế hệ Toẹt zời Nhất", lớn lên trong cuộc Đại Khủng hoảng, tham gia Thế chiến Thứ II và chắc chắn không có ai là GYPSY.

Ông bà của Lucy, trải qua thời kỳ Đại Khủng hoảng, bị ám ảnh với an ninh tài chính nên họ định hướng cho con xây dựng một sự nghiệp thực dụng, an toàn. Họ muốn sự nghiệp của bố mẹ Lucy phải là một bãi cỏ xanh hơn của mình, và bố mẹ Lucy tưởng tượng khi lớn lên sẽ có một sự nghiệp thịnh vượng, ổn định cho bản thân. Kiểu như này này:

Họ được dạy rằng không gì có thể ngăn họ có được một sự nghiệp như thảm cỏ xanh tươi tốt kia, nhưng họ sẽ phải làm việc chăm chỉ nhiều năm liền để đạt được nó.
Con đường sự nghiệp theo mong đợi của Baby Boomer

Để lại sau lưng tuổi trẻ hippie chọc-phá-thiên-hạ-gần-xa, bố mẹ Lucy tốt nghiệp và lên đường xây dựng sự nghiệp. Thập niên 70, 80 rồi 90 trôi qua, thế giới bước vào một giai đoạn thịnh vượng chưa từng có tiền lệ. Bố mẹ Lucy làm tốt hơn cả họ kỳ vọng. Điều này khiến họ cảm thấy biết ơn và lạc quan.
Con đường sự nghiệp thực tế của Baby Boomer
Có được một cuộc sống êm ả, tích cực hơn bố mẹ mình, họ cũng muốn Lucy thừa hưởng tinh thần lạc quan và tiềm năng vô hạn. Và không chỉ có họ. Baby Boomer khắp mọi nơi đều nói với những đứa con Gen Y của mình rằng chúng có thể trở thành bất cứ gì chúng muốn, gieo vào đầu chúng khái niệm "nhân vật chính đặc biệt" ở sâu trong tiềm thức. Điều này khiến mấy đứa GYPSY cảm thấy tràn trề hi vọng về sự nghiệp của mình, đến nỗi mục tiêu "thảm cỏ xanh của sự thịnh vượng bền vững" cũng không đủ với tụi nó. Thảm cỏ của mấy đứa GYPSY còn phải có nhiều hoa.


Điều này dẫn đến sự thật đầu tiên về mấy đứa GYPSY:

Mấy đứa GYPSY tham vọng dữ dội



Mấy đứa GYPSY cần từ sự nghiệp nhiều hơn là một thảm cỏ đẹp thịnh vượng và vững chắc. Sự thật là thảm cỏ xanh không hẳn nổi bật hay đủ độc đáo với GYPSY.  Baby Boomer muốn thực hiện Giấc Mơ Mỹ, còn GYPSY lại muốn thực hiện Giấc Mơ Của Riêng Mình. 

Cal Newport chỉ ra rằng "theo đuổi đam mê của bạn" là câu khẩu hiệu chỉ vừa mới xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây, dựa trên báo cáo từ công cụ Ngram của Google, một công cụ có thể tính được một cụm từ xuất hiện bao nhiêu lần trên báo trong một khoảng thời gian nhất định. Công cụ này cũng cho thấy cụm từ "sự nghiệp ổn định" đã trở nên lỗi thời, trong khi cụm từ "sự nghiệp thỏa nguyện" đang hot hơn rất nhiều.

Thật ra, GYPSY cũng muốn sống trong một nền kinh tế thịnh vượng như thời cha mẹ họ - chỉ là họ còn muốn tận hưởng sự mãn nguyện từ sự nghiệp của mình, điều mà cha mẹ họ không nghĩ đến nhiều.

Bên cạnh đó, còn một thứ khác cũng đang xảy ra. Trong khi mục tiêu sự nghiệp nói chung của Gen Y đang trở nên cụ thể và tham vọng hơn hẳn, Lucy còn nhận được một thông điệp thứ hai suốt thời thơ ấu nữa cơ:

Rồi, chắc là đã đến lúc nói về sự thật thứ hai của GYPSY:

Mấy đứa GYPSY đều bị ảo tưởng

Lucy được dạy rằng: "Ừa, chắc chắn là ai rồi cũng sẽ có một sự nghiệp thỏa nguyện, nhưng mình thì đặc biệt tuyệt vời kiểu thế, nên sự nghiệp và đường đời của mình sẽ nổi bật hơn đám đông." Thế là dù cả một thế hệ đã có những mục tiêu bạo dạn như một thảm cỏ đầy hoa, mỗi cá nhân GYPSY còn nghĩ tụi nó sinh ra vì những mục tiêu còn xịn hơn - Một con kỳ lân ngay trên thảm cỏ đầy hoa.

Vì sao suy nghĩ như này là ảo tưởng? Bởi vì đây là cách mà mọi GYPSY đều nghĩ và điều đó đi ngược lại định nghĩa về đặc biệt.

Đặc biệt (tính từ)
Khác hẳn những trường hợp thông thường về tính chất, chức năng hoặc mức độ (theo Từ điển Tiếng Việt)

Chiếu theo định nghĩa này thì hầu hết chả ai đặc biệt cả, nếu không thì "đặc biệt" còn có nghĩa lí gì.

Ngay lúc này nè, mấy đứa GYPSY đang đọc cái này sẽ nghĩ, "Ờ nói hay đấy...nhưng tao đích thực là thiểu số đặc biệt nè" - đây mới là vấn đề. Một ảo tưởng thứ hai của GYPSY sẽ xuất hiện khi GYPSY bước vào thị trường tuyển dụng. Nếu kỳ vọng của bố mẹ Lucy là sau nhiều năm làm việc chăm chỉ họ sẽ có một sự nghiệp tuyệt vời, thì Lucy lại cho rằng một sự nghiệp tuyệt vời là điều hiển nhiên dành cho một cá nhân xuất sắc như cổ. Với Lucy thì đây chỉ là vấn đề thời gian và lựa chọn con đường cần đi. Kỳ vọng của Lucy trước khi đi làm sẽ kiểu như này:

Điều không may là thế giới hóa ra chẳng phải nơi dễ dàng gì, và lạ ghê, con đường sự nghiệp hóa ra cũng khó nhằn lắm. Một sự nghiệp tuyệt vời sẽ mất nhiều năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt và đổ cả máu, dù chúng có hoa hay kỳ lân trên đó hay không. Những người thành công nhất cũng hiếm khi làm được gì tuyệt vời khi mới đôi mươi.

Nhưng mấy đứa GYPSY thì chẳng định chấp nhận chuyện đó đâu.

Paul Harvey, một giáo sư Đại học New Hampshire và đồng thời chuyên gia về GYPSY, đã nghiên cứu về chủ đề này. Ông tìm ra rằng Gen Y có "những mong đợi không thực tế và phản kháng mạnh mẽ đối với phản hồi tiêu cực, " rồi còn "có cái nhìn thổi phồng về bản thân." Ông nói rằng "nguồn cơn ức chế lớn nhất của những người ý thức mạnh về quyền lợi là mong đợi của họ không được đáp ứng. Ho thường xuyên cảm thấy mình xứng đáng có được mức độ tôn trọng nhất định và những phần thưởng không phù hợp với khả năng cũng như nỗ lực thực tế, thế nên họ có thể sẽ không nhận được sự tôn trọng và phần thưởng mà mình mong đợi."

Với những ai đang tuyển dụng Gen Y, Harvey gợi ý câu hỏi phỏng vấn, "Bạn có cảm thấy mình vượt trội hơn đồng nghiệp/bạn cùng lớp,... không? Nếu có thì vì sao?" Ông cho rằng "nếu ứng viên trả lời có ở câu đầu nhưng ngắc ngứ không nói được vì sao, có thể là có vấn đề nhận thức về quyền lợi đấy. Đó là bởi vì những nhận thức về quyền lợi thường dựa trên nhận định vô căn cứ về sự vượt trội và sự xứng đáng. Họ ngộ nhận rằng bản thân mình, bằng cách nào đó, đặc biệt hơn và cái thiếu ở đây là sự công nhận thực tế với niềm tin này, có lẽ là vì lòng tự trọng của họ đã được xây dựng một cách thái quá khi còn trẻ." Và bởi vì thế giới coi tài trí là một yếu tố không thể thiếu, vài năm sau khi ra trường Lucy thấy mình đang ở đây:


Tham vọng cực đoan của Lucy, cộng với sự kiêu ngạo đi cùng ảo tưởng về giá trị bản thân, đã khiến cho cổ kỳ vọng quá lớn dù mới ra trường vài năm. Và thực tế thì kém hơn hẳn so với những kỳ vọng đó, khiến cho điểm số hạnh phúc "thực tế - kỳ vọng" ra dấu âm.

Tệ hơn nữa, bên cạnh tất cả những điều này, mấy đứa GYPSY còn có một vấn đề nữa bị chung cả thế hệ: 

GYPSY hay bị "khích tướng"

Hẳn là không ít người từ trường cấp 3 hay cao đẳng của bố mẹ Lucy đã có một sự nghiệp thành công hơn cả bố mẹ cổ. Và theo thời gian, dù có thể họ đã nghe tin này nọ kia về chuyện đó thì hầu hết họ cũng chẳng thực sự rõ chuyện gì đang xảy ra với sự nghiệp của người khác.

Trong khi đó, Lucy lại thấy mình liên tục bị chế nhạo bởi một hiện tượng thời hiện tại: Tạo Dựng Hình Ảnh Trên Facebook.

Mạng xã hội tạo cho Lucy một thế giới nơi mà A) ai làm gì cũng rõ mồn một, B) hầu hết mọi người đều tạo ra một phiên bản thổi phồng của chính họ, và C) những người rộn ràng nhất về sự nghiệp của mình thường là những người có sự nghiệp (hay mối quan hệ) đang tiến triển tốt nhất, trong khi những người phải chật vật thì có xu hướng không đưa tin gì về tình hình của họ. Điều này khiến Lucy cảm thấy, một cách sai lầm, rằng mọi người đang làm rất tốt, càng tăng thêm sự khổ sở của cổ:

Vậy nên đó là lí do Lucy không hạnh phúc, hoặc ít nhất là cảm thấy ức chế và không thỏa đáng trong lòng. Thực ra, có lẽ Lucy đã bắt đầu sự nghiệp hoàn toàn tốt đẹp, chỉ là đối với cổ thì nó đáng thất vọng mà thôi.

Đây là lời khuyên của tôi dành cho Lucy:
1) Hãy cứ tham vọng dữ dội. Thế giới hiện tại vẫn có rất nhiều cơ hội cho những người tham vọng tìm kiếm thành công đầy hoa và thỏa nguyện. Con đường cụ thể có thể không rõ ràng nhưng đi rồi sẽ đến - hãy cứ bắt đầu bước đi từ đâu đó.

2) Hãy thôi suy nghĩ mình đặc biệt. Sự thật là hiện giờ bạn không có gì đặc biệt cả. Bạn chỉ là một người trẻ thiếu kinh nghiệm không có gì nhiều để dâng hiến. Bạn có thể trở nên đặc biệt nếu làm việc thật chăm chỉ trong thời gian dài.

3) Hãy mặc kệ người khác. Thảm cỏ của người khác trông xanh hơn là chuyện bình thường, nhưng trong thế giới tạo dựng hình ảnh hiện tại, thảm cỏ của người khác cứ như là một đồng cỏ đầy vẻ vang. Sự thật là tất cả mọi người đều do dự như nhau, cũng tự vấn bản thân và ức chế như bạn, và nếu bạn cứ tập trung làm việc của mình thì bạn sẽ chẳng bao giờ có lí do gì để đố kỵ người khác cả.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
-Note của người dịch-
Trong thế giới không ngừng thao thao về những người trẻ can đảm bạo dạn, chăm chỉ tận hiến, thành công rực rỡ, cuộc đời đầy hoa, thật dễ để chúng ta nghĩ rằng bản thân mình yếu kém, hoặc chỉ cần theo đuổi đam mê là chúng ta sẽ sớm được như họ. Thế giới toàn cầu hóa ngày nay dù mở ra nhiều cơ hội thì con đường thành công vẫn đầy mơ hồ giống như thế hệ cha mẹ, ông bà chúng ta. Chẳng ai thực sự biết bí mật thành công trong cuộc sống cả. 

Dẫu vậy, chắc chắn sự nỗ lực nâng cao khả năng bản thân sẽ luôn có lợi cho chúng ta trên con đường sự nghiệp. Con đường sự nghiệp của mình khởi đầu rất chông gai do lựa chọn làm trái ngành học (lại vì đam mê). Mình xuất phát sau những bạn đồng trang lứa, không ít người bây giờ đã lên quản lí, lên sếp. Sau một thời gian dài tự vấn bản thân, mình nhận ra ngành mình đang làm có những đặc thù riêng và bản thân mình cũng có những đặc thù riêng không thể làm được như các bạn mình. Nhưng mình tin rằng, bây giờ rất có thể mình đang ở phía sau các bạn, chỉ cần mình không ngừng tiến bộ thì mình sẽ sẵn sàng nắm lấy cơ hội khi nó đến. 

Mình cũng từng tin rằng bản thân mình đặc biệt, là nổi bật, là tài năng khác thường. Cho đến khi một người đàn anh nói với mình: 

"Em không phải là người đặc biệt cho đến khi em làm điều gì đó đặc biệt!" 

Mình nghĩ điều này đúng với tất cả chúng ta.