"Nốt chương truyện này thôi."
"Nốt ván game này thôi."
"Nằm thêm một lúc nữa thôi."
...
Nếu những câu nói trên thường xuyên xuất hiện trong cuốn từ điển cuộc đời của bạn thì xin chia buồn bởi khả năng cao là bạn đã nằm trong nhóm "những kẻ trì hoãn chuyên nghiệp" rồi.
Trì hoãn (a.k.a "lầy lội" theo cách nói phổ biến hơn của giới trẻ) là việc lảng tránh không cần thiết một công việc nào đó cần làm, thường để đến một thời gian sau mới thực hiện. 
Procrastination is the act of needlessly delaying tasks to the point of experiencing subjective discomfort.'' - Solomon and Rothblum (1984)
Trong thực tế, hiếm có ai chưa bao giờ trì hoãn bất cứ việc gì; hầu hết chúng ta đều đã từng, ít nhất vài lần, tạm gác lại việc cần làm để nghỉ ngơi hoặc để làm một việc khác. Nhưng để đạt được danh hiệu "chuyên nghiệp" thì không phải ai cũng ''làm được''. "Những kẻ trì hoãn chuyên nghiệp" là những người lặp lại hành động tạm gác đó thường xuyên đến mức họ đã thuần thục việc này; nó đã trở thành thói quen mặc định mỗi khi họ có công việc gì đó cần làm. 
Một sự thật đáng lưu ý là: phần lớn những người hay trì hoãn là đối tượng học sinh, sinh viên. Nghiên cứu của Goode ̣(2008) chỉ ra rằng: có khoảng 70% số sinh viên có thói quen trì hoãn, nhiều hơn hẳn con số được ghi nhận ở toàn dân (20%).
Do đâu mà tỉ lệ sinh viên có thói quen trì hoãn lại lớn như vậy? Câu trả lời này có lẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên, tựu chung lại, có ba lí do chính gây ra hiện tượng này. Nguyên nhân thứ nhất là kết quả học tập. Nhiều người nghĩ rằng việc trì hoãn là tác nhân ảnh hưởng tới kết quả học tập chứ không phải ngược lại, nhưng một vài nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả hai đối tượng trên đều có ảnh hưởng đến nhau (Knaus, 1998; Owens and Newbegin 1997). Những sinh viên có kết quả trên lớp không tốt có thể sẽ sinh ra tâm lí chán nản, mất động lực học tập, từ đó hình thành thói quen trì hoãn việc làm bài tập bởi công việc này không đem lại hứng thú cho họ. 
Một nguyên nhân khác dẫn đến thói quen xấu này là do sinh viên thiếu tính kỉ luật cá nhân. Biểu hiện thuờng thấy của điều này là sự tự thỏa hiệp với bản thân, điển hình là những câu nói được nêu ở đầu bài viết, hoặc là cách đặt báo thức như hình minh họa bên phải dưới đây:

Ở Việt Nam, ta đã quen với cảnh bố mẹ thúc giục con cái ngồi vào bàn học, thậm chí có nơi còn dùng cả loa phường để thông báo: " Bây giờ đã là 7h, mời phụ huynh vặn nhỏ tivi, tạo điều kiện cho các cháu học tập."  Với tính "tự giác miễn cưỡng" như thế, chẳng lạ gì khi những đứa con kia, lúc này đây đã trở thành sinh viên, lần đầu xa rời vòng tay của bố mẹ, xa rời cả lời nhắc nhở học bài mỗi tối, bản thân lại không có tính kỉ luật nên bắt đầu hình thành thói quen trì hoãn. Tính kỉ luật còn được thể hiện ở khả năng kiểm soát và sắp xếp các công việc. Sinh viên thường có xu hướng bắt tay vào làm việc ngay nếu như họ có thể tổ chức những việc cần làm theo thứ tự hợp lí (Aydoğan and Özbay, 2011).
"Góp sức" không nhỏ vào việc hình thành thói quen trì hoãn ở sinh viên phải kể đến việc sử dụng Internet. Sự ra đời của mạng kết nối toàn cầu này khiến người dùng quen với sự thỏa mãn tức thời, nghĩa là mọi thứ ta muốn đều có thể dễ dàng đạt được một cách nhanh chóng qua mạng Internet. Ví dụ như để mua một món hàng, ta có thể dễ dàng đặt mua qua một website và chờ người vận chuyển đến tận nhà,... Sự phát triển của mạng xã hội cũng cung cấp những nguồn tin tức, giải trí,... nhanh và thuận tiện, khiến cho người dùng luôn muốn dành thời gian trên mạng và dần đánh mất kiểm soát (Young, 2004). Quen với sự thỏa mãn tức thời này, sinh viên dễ rơi vào xu hướng lảng tránh những công việc đòi hỏi sự kiên trì, tính bền bỉ, trách nhiệm và kỉ luật, thay vào đó là tìm kiếm những thú vui trên mạng và cố trì hoãn những công việc trên.
Tóm lại, thói quen trì hoãn ở sinh viên được hình thành bởi rất nhiều yếu tố. Tuy trì hoãn là việc khó tránh khỏi trong nhiều trường hợp, mong rằng với việc xác định được lí do tạo nên thói quen này, sinh viên có thể tự tìm ra cách để loại bỏ nó, hoặc ít nhất là, trở thành những kẻ trì hoãn bớt "chuyên nghiệp" hơn.
Tham khảo:
Aydoğan, D., & Özbay, Y. (2011). Examination of the ability of academic procrastination behavior to be explained in terms of self-esteem, state anxiety, self-efficacy. Pegem Education and Training. Volume 2, Issue 3.
Goode, C. (2008). Effects Of Academic Procrastination: Students Procrastination Affects More Than Grades. Hhttp://homeworktree.com/media/news-releases/academic-procrastination  accessed on October 13, 2008
Knaus, W.J. (1998). Do it now! Break the procrastination habit. New York: John WileyveSons, Inc
Owens, A., & Newbegin, I. (1997). Procrastination in high school achievement: A causal structural model. Journal of Social Behavior and Personality, 12, 869–887. 
Young, K.S. (2004). Internet addiction. American Behavioral Scientist, 48: 402-441