Vì sao không công nhận Nam Việt là nhà nước chính thống của Việt Nam (bài 3)
Ở bài trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về nguyên nhân khiến nhà nước Nam Việt bị đẩy ra khỏi dòng chảy chính thống của nước ta. Ở...
Ở bài trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về nguyên nhân khiến nhà nước Nam Việt bị đẩy ra khỏi dòng chảy chính thống của nước ta. Ở bài này, người viết sẽ giải đáp một vài câu hỏi và phản biện một vài quan điểm về chủ đề này. Nào, chúng ta cùng bắt đầu.
Hỏi:
Nếu không công nhận Nam Việt chỉ vì lý do ngoại lai thì có bất công với triều đại này không? Trung Quốc hiện nay cũng công nhận những triều đại như nhà Nguyên hay Mãn Thanh làm triều đại chính thống của họ. Dù người Thát và người Mãn vốn cũng chỉ là những kẻ ngoại lai xâm lược vùng đất của người Hán. Hay như người Hy Lạp công nhận nhà nước Macedonia vốn do một nhóm người phương bắc tới xâm chiếm nước này.
Trả lời:
Quan điểm này sai ở hai điểm cơ bản.
Thứ nhất, mỗi nước có một hệ thống phân loại của riêng mình. Nước ta khác, nước Tây khác, nước Tàu khác. Cái thời nước ta phải phụ thuộc vào hệ tư tưởng của người Trung Hoa đã qua rồi. Cha ông ta dưới thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại đã phải đánh đổi biết bao nhiêu xương máu, chả nhẽ không thể đổi được một sự tự chủ trong tư tưởng hay sao, mà giờ đây lại nghĩ: nhất nhất gì cũng nghe theo người Trung Quốc, học theo họ cả ở nếp nghĩ.
Thứ hai, sai ở cách hiểu. Hệ thống phân loại của Trung Quốc khác nước ta. Tuy nhiên, nếu cố tình bê vào để áp dụng ở nước ta thì nhà nước Nam Việt vẫn không thể trụ lại trong dòng chảy chính thống. Nguyên do là bởi:
Thứ nhất, trong cộng đồng nhân dân Trung Quốc hiện nay
vẫn còn con cháu trực hệ của hai triều đại Nguyên, Thanh.
Thứ hai, Người Mãn và người Thát vốn cũng đã góp mặt trong tiến trình lịch sử Trung Hoa từ trước khi hai triều đại Nguyên, Thanh thành lập.
Thứ ba, trong suốt quá trình phát triển của hai triều đại này, họ cũng luôn khẳng định họ kế thừa hai triều đại trước đó, là nhà Tống và nhà Minh trong việc nắm giữ vai trò thiên triều.
Ngược lại, nhà nước Nam Việt không có được điều đó.
Thứ nhất, trước khi Triệu Đà cất quân đến Âu Lạc, người Hoa Hạ chưa từng ở đây.
Thứ hai, ngày nay, tại đất Việt Nam này, không hề tồn tại con cháu trực hệ của triều đại này. Những người gốc Trung Hoa ở nước ta, phần lớn đến từ triều đại nhà Minh, xưa gọi là người Minh Hương. Họ không hề nhận là con dân dưới sự cai trị của nhà nước Nam Việt.
Thứ ba, trong quá trình tồn tại của Nam Việt, triều đại này chưa hề khẳng định sự kế thừa đối với nhà nước Âu Lạc. Coi Âu Lạc là chính thống.Từ đó mà mất đi sự tiếp nối tính chính thống.
Tất nhiên đây chỉ là luận giải theo học thuyết của Trung Quốc hiện đại nếu như nước ta áp dụng. Trên thực tế, nước ta có hệ thống tư tưởng của riêng mình. Không phải vay mượn. Chúng ta chỉ giống họ ở điểm, dần dần loại bỏ yếu tố nguồn gốc dân tộc về di truyền trong hệ thống phân loại. Bởi ngày nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài và phức tạp, nhà nước hiện đại nào cũng từng có dấu vết của ngoại tộc. Làm lu mờ và dần thay thế nó bằng yếu tố văn hoá là một xu thế tất yếu.
Hỏi:
Nên công nhận nhà nước Nam Việt vì cuộc chiến Âu Lạc - Nam Việt nên coi là cuộc nội chiến của các dân tộc Bách Việt. Nếu coi Nam Việt xâm lược Âu Lạc thì cuộc chiến Âu Việt - Lạc Việt phải hiểu thế nào?
Trả lời:
Đúng như câu hỏi, một cuộc chiến tranh muốn được công nhận là nội
chiến phải được diễn ra trên nền tảng một nhà nước thống nhất từ trước. Điều này dẫn tới hai vấn đề.
Thứ nhất, cái nhà nước thống nhất được lấy làm nền tảng để tính ở đây là nhà nước nào? Cộng đồng Bách Việt chưa từng có một nhà nước thống nhất. Nhà nước Xích Quỷ trong huyền sử đến nay vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định sự tồn tại của nó. Chủ yếu là do thiếu các thông tin cơ bản như: tổ chức bộ máy nhà nước, các hoạt động thể hiện quyền lực nhà nước và đặc tính văn hoá đặc trưng. Thậm chí, khoa học hiện đại còn bác bỏ sự tồn tại của nó, xếp nó vào huyền sử. Bởi theo ngành khoa học chuyên nghiên cứu về các mô hình tổ chức nhà nước, ở thời kỳ đó, với mật độ dân số thấp và cách tổ chức cộng đồng còn ban sơ, không thể tồn tại được một nhà nước có đất đai rộng lớn như thế. Phía bắc thì tới Động Đình hồ, phía nam giáp với nước Hồ Tôn, phía tây giáp với Ba Thục, đông giáp biển Nam Hải. Các địa danh được nhắc đến vốn chỉ là ước lệ với nhiều giả thuyết xung quanh. Minh chứng rõ nét nhất cho luận điểm này là các nhà nước hình thành sau này trên lãnh thổ Trung Quốc. Các nhà Hạ, Thương, Chu ban đầu đều sở hữu đất đai nhỏ hơn rất nhiều lần so với diện tích Xích Quỷ theo huyền sử. Nhà Chu sau này mở rộng đất đai đến cực đại tuy nhiên kéo theo đó là sự suy yếu quyền lực của chính nhà Chu. Họ dần dần phải san sẻ quyền lực và cuối cùng chỉ còn quyền lực trên danh nghĩa. Thường xuyên phải thực hiện cắt đất phong Vương, chia sẻ quyền lực mới mong giữ được. Đến thời Tần, dù đã thống nhất được nhưng không thể cai quản được, dẫn tới biến loạn và sụp đổ. Phải đến nhà Hán, với sự cải cách mô hình nhà nước, mới có thể dần dần làm chủ được một vùng diện tích rộng lớn tương đương như vậy.
Vấn đề thứ hai là về niên đại và tính chính danh. Đặt giả sử sau này nhà nước Xích Quỷ được công nhận là có thật, không còn là huyền sử tưởng tượng thì cũng không thể dùng nhà nước này làm nền tảng để biến cuộc chiến Âu Lạc - Nam thành một cuộc nội chiến, bởi:
Thứ nhất, nhà nước Xích Quỷ tồn tại trong giai đoạn từ năm 2879 đến năm 2524 trước Công Nguyên. Xét theo niên biểu, cuộc chiến Âu Lạc - Nam Việt diễn ra khoảng năm 208 trước Công nguyên hoặc năm 179 trước Công nguyên tùy tài liệu. Các mốc thời gian của cuộc chiến này cách rất xa thời điểm tồn tại của nhà nước Xích Quỷ. Nói cho dễ hình dung thì cuộc chiến tranh Âu Lạc - Nam Việt còn gần chúng ta ngày nay hơn thời kỳ Xích Quỷ. Có nghĩa là, tại thời điểm cuộc chiến tranh nổ ra, nhà nước Xích Quỷ đã tan rã từ rất lâu. Cuộc chiến không nổ ra trên nền tảng của một nhà nước sẵn có nên không thể gọi là nội chiến.
Thứ hai, nhà nước Xích Quỷ sau khi tan rã đã hình thành nên một loạt các quốc gia nhỏ hơn. Trong các nhà nước ấy, thì đâu là nhà nước hậu duệ chính danh của Xích Quỷ? Chúng ta không biết. Nhưng chúng ta biết một điều. Cả hai nhà nước Âu Lạc và Nam Việt đều không tự nhận là hậu duệ chính thống của Xích Quỷ. Đồng thời cũng không giơ cao ngọn cờ nhân danh Xích Quỷ để thống nhất đất đai lãnh thổ. Vậy thì làm sao có thể coi là nội chiến cho được.
Nói thêm về việc phân loại nội chiến với xâm lược. Các cuộc chiến Âu Việt - Văn Lang và Âu Lạc - Nam Việt, xét theo tiêu chuẩn hiện nay đều phải coi là xâm lược. Duy chỉ có cuộc chiến Âu Việt - Văn Lang là có những đặc trưng khiến tính chất xâm lược bị giảm nhẹ. Đó là:
Thứ nhất, tại thời điểm cuộc chiến nổ ra, ranh giới giữa hai quốc gia cổ này không rõ ràng, nhiều vùng chồng lấn, xen kẽ lẫn nhau. Dân cư cũng sinh sống xen kẽ nhau nhiều đời. Bằng chứng là các di chỉ khảo cổ cho thấy người Lạc Việt và Âu Việt đã sống cạnh nhau từ rất lâu. Thậm chí cố đô của Âu Việt còn nằm ở tỉnh Cao Bằng nước ta ngày nay.
Thứ hai, nền văn hoá của hai quốc gia này có nhiều điểm tương đồng, nhất là về tổ chức bộ máy nhà nước và nền văn hoá đồng thau phát triển rực rỡ.
Thứ ba là tính kế tục. Âu Lạc kế thừa toàn bộ nét văn hoá của Văn Lang, thậm chí còn chuyển đô về Cổ Loa, nơi vốn thuộc lãnh thổ của Văn Lang cũ. Như vậy, tinh hoa văn hoá mà Âu Lạc phát triển được đều được truyền lại cho dân cư ở đây. Tiêu biểu là kiến trúc thành Cổ loa, truyền thống chống giặc, truyền thuyết nỏ thần, vân vân, tràn ngập trong văn hoá dân gian của tộc Lạc Việt.
Thứ tư, trong cuộc chiến này, theo nhiều tài liệu sử học, một phần cư dân Lạc Việt đã ủng hộ và giúp sức cho Thục Phán chiếm ngôi của Hùng Vương. Đây là nơi học thuyết Dân làm gốc lên tiếng. Dữ kiện lịch sử này khiến cho cuộc chiến Âu Việt - Lạc Việt giống như một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trên một nền văn hoá tương đồng, dân cư hoà thuận, triều đại sau kế thừa lại triều đại bị lật đổ, nên tính xâm
lược bị mất đi.
Điều quan trọng nhất, trong xã hội Việt Nam hiện tại, cộng đồng dân tộc Tày, Nùng vốn là hậu duệ của dân tộc Âu Việt xưa, có số lượng đáng kể, chỉ đứng sau hai dân tộc Kinh, Mường vốn là hậu duệ của Lạc Việt.
Hỏi:
Có rất nhiều kênh về lịch sử yêu nước có trích dẫn bài thơ Lịch sử nước ta của chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có hai câu thơ nói về Triệu Đà là:
“Triệu Đà là đấng hiền quân.
Có công dựng nước trị dân năm đời”
Chẳng phải Bác Hồ cũng công nhận Nam Việt là nhà nước chính thống của nước ta hay sao? Tại sao giới sử học hiện nay lại làm trái ý Bác?
Trả lời:
Vấn đề này không khó và có chút bịp bợp ở đây.
Thứ nhất, phải khẳng định là một áng thơ, một bài văn hay ý kiến phát biểu của một ai đó, dù là người nổi tiếng cũng chỉ có thể coi là quan điểm cá nhân của riêng người đó, không phải là quan điểm của nhà nước hay một tổ chức mà người đó tham gia. Do đó bài thơ Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù có nội dung gì cũng không thể hiện quan điểm của Nhà nước ta.
Thứ hai, sự nhập nhèm về thông tin. Người nêu ra câu hỏi đã đưa sót thông tin dẫn tới hiểu sai về quan điểm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể như sau:
Bài thơ Lịch sử nước ta được Bác Hồ viết năm 1941, xuất bản lần đầu năm 1942 với đầy đủ nội dung. Sau năm 1945, bài thơ được in lại nhiều lần và bị lược bỏ hai câu thơ nói về Triệu Đà. Bây giờ hãy phân tích một chút.
Lúc Bác Hồ sáng tác bài thơ này, nước ta vẫn chưa giành được độc lập. Trên danh nghĩa, nước ta vẫn ở dưới triều đại phong kiến của nhà Nguyễn, và Bác Hồ khi đó cũng chỉ là một người dân áo vải bình thường mà thôi. Như phần trước đã đề cập, nhà Nguyễn công nhận Nam Việt là một triều đại chính thống. Nên khi Bác Hồ viết bài thơ này để cổ vũ tinh thần yêu nước, thì việc phải viết theo quan điểm lịch sử của nhà Nguyễn là điều bắt buộc.
Sau năm 1945, nước ta đã giành được độc lập, hệ thống tư tưởng của thời đại mới bắt đầu được xây dựng. Bài thơ bắt đầu bị cắt bỏ hai câu thơ nêu trên ở thời kỳ này. Đáng chú ý, lúc đó, Bác vẫn còn sống và đang là chủ tịch nước.
Ở đây, bạn nào làm trong ngành xuất bản chắc điều biết. Một bài thơ, một bản văn khi đã đến với nhà xuất bản thì họ chỉ có hai lựa chọn là: in, hoặc không in. Mọi sửa đổi về nội dung đều phải được tác giả đồng ý mới được phép thực hiện. Chưa kể đến việc lúc đó Bác đang là người quyền lực nhất nước ta. Cho nên không bao giờ có chuyện một ai đó dám tự ý sửa thơ của Bác. Việc bài thơ bị cắt bỏ hai câu thơ phải được hiểu rằng đó chính là ý của Bác, tác giả của bài thơ. Còn việc Bác cắt bỏ đi để làm gì thì như ở bài viết thứ hai cũng đã giải thích. Đó là để phù hợp với hệ thống tư tưởng mới của đất nước mà Bác đã dày công xây dựng.
Đây chính là sự bịp bợp. Hãy tưởng tượng, việc này giống như bạn bị bạn bè mang một sai lầm trong quá khứ từ rất xa xưa để lấy làm đại diện cho bạn ở hiện tại.
Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Một nửa cái bánh mì thì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không bao giờ là sự thật”. Tôi không biết diễn đàn lịch sử nào lại dẫn bài thơ này làm dẫn chứng để chứng minh Bác Hồ công nhận nhà nước Nam Việt nhưng việc cung cấp chỉ một phần nhỏ sự thật hòng lợi dụng Bác để chia rẽ người xem với nhà nước thì không thể gọi là yêu nước được. Các bạn nên cảnh giác với những kênh như vậy. Riêng cá nhân tác giả thấy mấy diễn đàn như vậy có hơi hướm bị phản động giật dây.
Nói thêm một chút ngoài lề. Cái dấu mốc mùng 2 tháng 9 năm 1945 không chỉ là cái khẩu hiệu suông, được tô vẽ cho đẹp. Đó là dấu mốc sang trang mới của cả dân tộc ta theo đúng nghĩa đen của nó. Từ thời điểm đó, chúng ta đã thực sự "rũ bùn đứng dậy sáng loà". Thoát khỏi xiềng xích kìm kẹp thân xác là ở bên ngoài. Còn thoát khỏi cái xiềng xích kìm kẹp bên trong tâm hồn, nhận thức mới thật sự là vĩ đại. Sau mấy nghìn năm, chúng ta mới thực sự được giải phóng trong đầu óc, tâm hồn, không còn phải chịu ảnh hưởng hay nghe theo những hệ tư tưởng của người Trung Quốc. Chúng ta tự xây dựng nên một hệ thống tư tưởng lý luận của riêng mình. Không còn coi nguồn gốc dân tộc là từ người phương Bắc, không còn dùng thứ chữ của họ như là quốc văn. Và nhất là, không còn gọi Triệu Đà là vua. Đối với nền khoa học lịch sử hiện nay, việc công nhận Triệu Đà trước kia là tàn dư của việc chưa gột sạch hết ảnh hưởng của Hán hoá. Việc bác bỏ Nam Việt khỏi dòng chảy chính thống là sửa sai cho tiền nhân, để trở về đúng với gốc gác, bản ngã dân tộc.
Hỏi:
Có quan điểm cho rằng: Việc không công nhận tính chính thống của nhà nước Nam Việt chẳng qua là muốn làm vừa lòng Trung Quốc.
Họ sợ chúng ta dựa vào Nam Việt để đòi lại đất ở vùng lưỡng Quảng của họ. Việc đề ra các tiêu chí chỉ là tấm bình phong che đậy sự yếu kém của Nhà nước ta hiện tại mà thôi. Nên bình luận thế nào về quan điểm này?
Trả lời:
Quan điểm này sai cơ bản về mặt nhận thức và có thể dễ dàng bác bỏ như sau.
Năm 1990, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về vấn đề phân định biên giới trên bộ. Trong quá trình đàm phán, hai bên đã nhất trí lấy Công ước Pháp - Thanh 1887 và Công ước Pháp - Thanh 1895 làm căn cứ chính để tiến hành phân định. Đây là hai văn bản pháp lý duy nhất có kèm bản đồ được quốc tế công nhận lúc bấy giờ.
Như vậy, có thể thấy quan điểm nêu trên sai ở hai điểm:
Thứ nhất, việc phân định biên giới đã có một bản Công ước kèm bản đồ làm chuẩn. Việc công nhận hay không công nhận nhà nước Nam Việt không làm thay đổi việc phân định này. Chúng ta có thể công nhận bất cứ nhà nước nào mà chúng ta muốn, với lãnh thổ bao trùm đến đâu cũng được. Nhưng một khi đã đặt lên bàn đàm phán, mọi thứ đó đều vô giá trị vì chúng ta đã xác định được căn cứ để đàm phán từ đầu. Đã không dựa vào bản đồ nhà nước Nam Việt để phân định, thì có công nhận hay không cũng không hề ảnh hưởng.
Thứ hai, nói rằng nhà nước hiện tại chỉ vì lãnh thổ Nam Việt chồng lấn với lãnh thổ Trung Quốc ngày nay mà bác bỏ là không biết gì về lịch sử. Các bạn chỉ cần lên google và tìm kiếm bản đồ của nước ta qua các thời kỳ sẽ thấy. Dù lãnh thổ đất đai nhiều lúc biến động rộng hẹp khác nhau, nhưng lúc nào cũng có những vùng lãnh thổ chồng lấn với các quốc gia xung quanh. Đặc biệt là với Trung Quốc, từ thời nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, tới thời Nguyễn, lãnh thổ nước ta đều vượt ra ngoài biên giới hiện nay mà lẻm vào lãnh thổ Trung Quốc, Lào hay Căm Pu chia. Nếu theo quan điểm trên, thì còn các triều đại khác chúng ta vẫn đang công nhận sẽ phải hiểu thế nào cho đúng đây?
Sau cùng, tôi muốn kết lại vấn đề bằng nhận xét. Luận điểm trên thực chất chỉ là suy nghĩ nông cạn của những người bất mãn với chế độ, hay cho rằng nhà nước ta không giữ được đất của cha ông, phải bán đất, bán biển cho Trung Quốc.
Người Việt Nam ta vốn thực thà, có sao nói vậy. Cái gì của mình thì bằng mọi giá phải bảo vệ. Còn cái gì không phải của mình thì tuyệt đối không dòm ngó. Vùng đất bên lưỡng Quảng cũng từng một thời được ghi vào bản đồ cổ của nước ta. Song, đó chỉ được coi là vùng chịu ảnh hưởng. Chủ nhân thực sự của vùng đất đó là nhân dân lưỡng Quảng. Họ cũng sở hữu một nền văn minh rực rỡ không kém gì người Hoa Hạ và người Lạc Việt. Trong suốt quá trình lịch sử của Việt Nam, người Lạc Việt luôn giữ vị thế là dân tộc chủ đạo trong mọi biến cố. Hệ quy chiếu lịch sử luôn phải lấy điểm nhìn là tộc Lạc Việt để đánh giá mọi việc. Các dân tộc ở lưỡng Quảng vốn không đồng cam cộng khổ với chúng ta trong phần lớn thời gian bốn ngàn năm qua. Làm sao có thể coi họ là con dân của ta được.
Hỏi:
Tại sao lại phải mất công đập đi xây lại hệ tư tưởng làm gì? Cứ lấy tư tưởng của cha ông ta thời phong kiến truyền lại làm chuẩn mực có phải hơn không? Như trong Bình Ngô đại cáo có viết:
“Từ: Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập.
Cùng: Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.”
Rõ ràng, nhà Triệu nước Nam Việt từng được cha ông ta vào những thời kỳ huy hoàng nhất công nhận. Nay lại bác bỏ thì khác gì chửi thẳng vào mặt tổ tiên? Tại sao không làm như thế này: công nhận mọi triều đại đã được công nhận trong sách chính sử đời trước, sau đó luận công tội mà công nhận thêm các triều đại khác không có trong chính sử?
Trả lời:
Trước hết phải nói rằng, quan điểm này được khá nhiều người Việt hiện nay đồng tình một phần vì nó dễ dàng thực hiện lại không bị mang tiếng là cãi lời tổ tiên. Nay xin phân tích đôi điều để mọi thứ được rõ ràng.
Thứ nhất, như bài viết đầu tiên trong chuỗi bài viết này đã đề cập. Việc xây dựng một hệ thống tư tưởng của thời đại mới là cần thiết, thậm chí là cấp thiết ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, bởi các yếu tố sau:
Một là, hệ tư tưởng của cha ông ta đời trước đã lạc hậu với thời cuộc, trở thành vật cản đối với sự phát triển đi lên của dân tộc, đất nước. Đó là hệ tư tưởng đề cao và tôn sùng nho giáo đã kéo nước nhà tụt hậu, trở thành miếng mồi ngon của các thế lực thực dân, và thực tế nước ta đã phải trở thành thuộc địa, hậu quả sâu xa là do sự trì trệ của nho giáo gây nên.
Hai là, đó là một nền tư tưởng vay mượn, luôn luôn chịu sự phụ thuộc vào người Trung Hoa, lấy các triều đại bên thiên triều làm chuẩn mực. Điều này một mặt không phù hợp với thực tế tâm lý xã hội của dân tộc ta, mặt khác về lâu dài sẽ là mầm họa gây mất nước.
Bà là, hệ tư tưởng đó đầy rẫy những mâu thuẫn. Mỗi triều đại phong kiến lại có chút khác biệt, chính các sự quan đời sau cũng hay phê phán các sự quan đời trước. Như giữa Ngô Sỹ Liên với Lê Văn Hưu hay giữa Ngô Thì Sỹ với cả hai vị tiền bối kia. Bây giờ, nếu bảo lấy một hệ tư tưởng làm chuẩn để học theo thì lấy của thời nào? Lấy kiểu gì cũng bị chê trách. Lấy ở đâu cũng không hoàn toàn phù hợp với nhận thức của xã hội lúc bấy giờ. Chớ quên, việc loại bỏ nhà Triệu khỏi dòng chính đã manh nha xuất hiện từ thời hậu Lê với Việt Sử Tiêu Án. Đến cuối thời Nguyễn, với việc phong trào dân tộc độc lập nên cao, sự ủng hộ đối với việc loại bỏ nhà Triệu còn lớn hơn nhiều. Một ví dụ khác, nếu như lấy trọn vẹn hệ thống phân loại của triều đại phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn, triều đại được coi là mang những giá trị tiến bộ văn minh hơn cả, thì cũng sẽ phát sinh các vấn đề lịch sử sau: khi đó các triều đại như nhà Hồ, nhà Mạc và nhà Tây Sơn sẽ phải coi là giặc, hoàn toàn bay màu khỏi dòng chính thống. Công lao của họ đối với đất nước sẽ không được ghi nhận, khiến cho nền tảng văn hóa, lịch sử dân tộc xuất hiện những vết đứt gãy lớn.
Như vậy, chúng ta không thể bê nguyên si hệ thống tư tưởng nhận thức của bất kỳ một triều đại phong kiến nào vào thời hiện đại bởi sự lạc hậu, mâu thuẫn lẫn nhau của các hệ tư tưởng đó.
Lật lại vấn đề, hãy đặt giả sử chúng ta làm theo cách mà câu hỏi đã đặt ra. Chúng ta sẽ công nhận mọi triều đại mà tổ tiên đã thừa nhận. Sau đó sẽ luận công tội của các triều đại Hồ, Mạc, Tây Sơn để công nhận họ hay sao? Vấn đề là, nếu làm như thế thì chúng ta dựa vào cơ sở nào để luận công định tội họ? Dùng hệ tư tưởng nho giáo thì họ có mà mang tội tày đình, nghìn năm không gột sạch. Chả nhẽ lại dùng cách hiểu của xã hội thời nay để đánh giá? Không thể được. Đó là việc làm đầy cảm tính, sẽ dẫn đến một hệ tư tưởng đầy mâu thuẫn và rối như mớ bòng bong. Sau này, chúng ta sẽ không thể trả lời được câu hỏi của hậu thế, vì sao nhà Nguyễn bác bỏ nhà Tây Sơn mà chúng ta lại công nhận họ? Vì nhà Tây Sơn có công thống nhất đất nước ư? Thế vì sao nhà Hán lại không được công nhận? Vì họ là người Trung Quốc ư? Nhưng
họ cũng có công thống nhất đất đai cơ mà?
Một vòng luẩn quẩn sẽ khiến tư duy chúng ta không còn mạch lạc. Và theo tôi, đó là một cách làm cực kỳ phản khoa học. Lịch sử là một bộ môn khoa học. Nó cũng cần có những nền móng vững chắc và phải được xây dựng bằng những tư duy mạch lạc. Từ đó cho thấy việc xây dựng hệ thống nhận thức tư tưởng mới của nhà nước hiện nay là hoàn toàn đúng.
Vấn đề thứ hai, việc không công nhận nhà nước Nam Việt như vậy có làm nhà nước ta mang tiếng là không nghe theo tổ tiên hay nặng hơn là vả thẳng vào mặt tổ tiên hãy không? Theo người viết thì không. Dựa vào các nguyên nhân sau đây.
Thứ nhất, nhà nước hiện tại không dùng tới hệ lý luận nhận thức của các triều đại trước chứ không hề vứt bỏ. Chúng ta coi đó là quá khứ, và trân trọng nó, biểu hiện là việc chúng ta trân trọng các giá trị nhân văn tốt đẹp mà các triều đại trước để lại.
Bình Ngô đại cáo viết ra không phải để nhằm công nhận nhà nước Nam Việt. Chính cái tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” của nó mới là thứ khiến tác phẩm này được người đời sau ca tụng. Là câu đề mục ăn tiền, ăn giải của cả tác phẩm. Cái câu trích về nhà Triệu trên chỉ là dẫn chứng cho một mệnh đề khác mà thôi. Tương tự như vậy,
ở thời Trần, Hưng Đạo đại Vương từng nói một câu để đời, đó là: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước." Có thể thấy, nhà nước hiện nay đang kế thừa cái căn cốt gốc rễ của truyền thống dân tộc là lấy dân làm gốc. Việc công nhận hay không công nhận nhà nước Nam Việt chẳng qua chỉ là phần ngọn của cả một nền văn hóa. Người không hiểu gì mới lấy đó làm cái cớ để bôi xấu nhà nước.
Thứ hai, theo quan điểm lịch sử của giới sử học hiện nay, việc các triều đại phong kiến trước kia công nhận nhà nước Nam Việt chính là hệ quả tàn dư của quá trình Hán hóa dân tộc ta chưa được gột sạch hết. Các học thuyết được sử dụng để công nhận Nam Việt đều từ người phương Bắc truyền tới, một vài đặc tính tâm lý cũng do họ ảnh hưởng mà ra. Nếu quay ngược lịch sử mà nhìn nhận, tổ tiên xa hơn của chúng ta không hề coi Triệu Đà là vua. Như Trưng Trắc từng muốn "dựng lại nghiệp xưa họ Hùng", chứ không phải họ Triệu, dù rằng đất đai lãnh thổ dưới thời Nam Việt rộng lớn hơn thời Văn Lang khá nhiều. Còn hiện nay, các đền thờ Triều Đà ở Việt Nam đều có niên đại còn khá mới, tất cả đều chỉ mới được xây dựng dưới những thời kỳ chịu ảnh hưởng sâu của Hán hóa. Các thời kỳ trước quá trình Hán hóa thì không hề có. Nói một cách hình tượng, chính giới sử gia hiện tại đang sửa lỗi cho các vị tiền nhân đã chót công nhận Nam Việt.
Hỏi:
Có thuyết cho rằng, Triệu Đà vốn dòng dõi Hùng Vương, lưu lạc đất Bắc, sau về đòi lại đất của tổ tiên. Nếu thuyết này là đúng thì công nhận Nam Việt là hợp lẽ vì đã có công giành lại đất từ tộc Âu Việt. Cho nên, vấn đề này nên hiểu là đang tranh cãi chứ không nên loại bỏ thẳng thừng như hiện nay.
Trả lời:
Câu hỏi này đặt ra một vấn đề hết sức cơ bản của bộ môn nghiên cứu lịch sử. Đó là việc minh định sử liệu.
Trước hết phải nói rằng, người viết cũng đã từng đọc qua rất nhiều tài liệu có đề cập tới giả thuyết này. Khi đi tra ngược để tìm nguồn sử liệu thì mọi tài liệu đó dù dẫn trực tiếp hay gián tiếp đều đưa đến một tài liệu duy nhất. Đó là cuốn Cổ Lôi Ngọc Phả truyền thư. Đây vốn là cuốn ngọc phả của một dòng họ Nguyễn ở làng Cổ Lôi, Đông Anh, Hà Nội.
Điều đáng nói là mặc dù cuốn ngọc phả này đã bị bác bỏ tính sử liệu, coi là ngụy thư, đồng thời các sách sử dụng nội dung của nó làm sử liệu đều đã bị thu hồi và tiêu hủy. Song, sức ảnh hưởng của nó vẫn rất lớn, và nhiều người vẫn tin vào những gì được viết trong cuốn ngọc phả này. Đây là một sự kiện có thật, đã làm chấn động giới sử học nước nhà cách đây chỉ chục năm. Khi mà một loạt các tựa sách lịch sử đã bị thu hồi và tiêu hủy. Các bạn có thể lên mạng tra cứu để có thêm thông tin.
[1]
Trở lại vấn đề chính, nước Việt Nam ta có một dòng chảy lịch sử trên bốn ngàn năm. Tuy nhiên, những tài liệu chính sử chỉ bao quát được một phẩn rất nhỏ của quá trình lịch sử lâu dài đó. Chủ yếu là do thất thoát qua chiến tranh, loạn lạc.
Từ đó, các nhà sử học nước ta từ xưa đã phải tìm thêm các nguồn ghi chép khác ngoài chính sử để bổ sung thêm cho các khoảng trống lịch sử. Tuy nhiên, các nguồn sử liệu ngoài chính sử lại có nhược điểm là tính chính xác không cao, rời rạc và nhuốm màu thần thoại lẫn định kiến cá nhân. Việc minh định sử liệu trở thành việc đầu tiên trong nghiên cứu lịch sử, và là bài học vỡ lòng của bất kỳ sử gia nào muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu.
Nguồn tư liệu ngoài chính sử ở nước ta vốn rất phong phú, như các truyện truyền thuyết dân gian của các dân tộc; bút ký, thơ, văn của những tao nhân mặc khách, quan lại, lái buôn, vân vân. Ngoài ra, các cuốn ngọc phả của các dòng họ lớn cũng có nhiều dữ liệu lịch sử có giá trị.
Này xin cung cấp một số thông tin về việc này. Việc phân định sử liệu được diễn ra theo quy trình: lấy chính sử làm cột trụ, các tài liệu khác sẽ bổ khuyết cho những phần mà chính sử còn thiếu. Các tài liệu lịch sử ngoài chính sử, được mổ xẻ phân tích để triết lấy các yếu tố lịch sử theo các tiêu chí rất cụ thể, có thể kể đến như:
Một là niên đại, một tài liệu đề cập đến sự kiện lịch sử càng gần thời gian nó được viết nên thì càng chính xác. Ví như một cuốn sách thời Lê viết về tình hình nước ta thời Trần hẳn sẽ đáng tin cậy hơn một cuốn sách ở thời Nguyễn viết về cùng nội dung đó.
Hai là tính đối chiếu chéo. Các tài liệu sẽ được đối chiếu chéo lẫn nhau ở từng sự kiện. Ở đây việc đối chiếu với chính sử là quan trọng nhất. Sự kiện nào được ghi chép đồng nhất ở nhiều tài liệu sẽ coi như sự thật lịch sử hiển nhiên, không cần phải tranh cãi.
Ba là, dựa vào những dữ kiện đã được minh định để đánh giá một tài liệu lịch sử. Một tài liệu lịch sử thường chứa trong nó nhiều dữ kiện lịch sử. Khi càng nhiều dữ kiện được xác minh là đúng thì tài liệu đó cũng tăng tính tin cậy của nó. Từ đó mà các dữ kiện khác có trong tài liệu, dù chưa được xác minh, cũng được tăng độ tin cậy phần nào.
Bốn là độ phổ quát của tài liệu lịch sử. Theo đó, một tài liệu lịch sử càng được phổ biến rộng rãi, được nhiều người biết đến thì càng đáng tin cậy. Nguyên do là bởi, càng có nhiều người biết tới thì càng có nhiều sự giám định nội dung bên trong, nhận được nhiều sự phản biện. Từ đó mà tin cậy hơn. Mặt trái của việc này là sự xuất hiện của các dị bản, tiêu biểu là các truyền thuyết dân gian.
Năm là về quan điểm, mục đích cá nhân của người viết, mỗi tài liệu lịch sử đều hàm chứa góc nhìn của riêng cá nhân người viết ra nó. Do góc nhìn, cảm nhận của mỗi người khác nhau, có thể không đồng nhất với góc nhìn, quan điểm của cả cộng đồng, cả dân tộc nên dễ xảy ra trường hợp một số dữ kiện lịch sử bị thêm bớt, sửa đổi cho phù hợp với quan điểm cá nhân. Khi minh định phải luôn chú ý tới điểm này để tránh dẫn sử một cách tùy tiện. Minh chứng rõ ràng nhất là trong các bộ chính sử, các sự kiện luôn được viết theo thiên kiến củng cố sự tốt đẹp của triều đại, trong khi các sự kiện như binh biến, giặc cướp, thiên tai thường chỉ được viết giản lược đến mức qua loa.
Bây giờ, nếu đặt cuốn Cổ Lôi ngọc phả truyền thư vào để minh định tính sử liệu, có thể thấy một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, về niên đại, cuốn ngọc phả này được viết vào khoảng thế kỷ 15 đến 16, vào thời hậu Lê. Tức là khá xa thời Triệu Đà, còn so với thời Hùng Vương thì còn xa hơn nữa. Trước cuốn ngọc phả này, đã có rất nhiều tài liệu lịch sử của các thời kỳ trước viết về Nam Việt với nội dung khá thống nhất nhau và khác xa nội dung trong ngọc phả.
Thứ hai, nội dung bên trong cuốn ngọc phả không chỉ có giả thuyết nêu trên. Có nhiều giả thuyết khác cũng được đề cập đến, như tên họ, gốc gác của các anh hùng trong lịch sử nước ta. Khi đối chiếu chéo với các tài liệu lịch sử khác, các thông tin này có một độ vênh rất lớn. Còn đối với một số dữ kiện lịch sử có thể minh định bằng khai quật khảo cổ như mộ chí của một vài nhân vật lịch sử, các dữ kiện lịch sử bên trong cuốn ngọc phả được xác định là sai sự thật. Từ đó làm giảm tính tin cậy của các dữ kiện còn lại.
Thứ ba, cuốn ngọc phả này từ khi ra đời vốn chỉ được lưu truyền trong dòng tộc, gần như không được phổ biến ra bên ngoài. Nó không được nhiều người biết đến, cũng vì vậy mà trong suốt thời gian tồn tại nó gần như không được xã hội giám định lại các nội dung được viết bên trong. Từ đó mà giảm tính tin cậy. Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến nó bị bác bỏ. Xin nói thêm rằng, chính sử thời xưa hay như sách giáo khoa thời nay, được công nhận là đúng không phải vì có nhiều người công nhận mà là do có nhiều người giám sát, thẩm định. Chúng dù chỉ được một nhóm rất ít người viết lên nhưng chính vì chúng được công khai, chịu sự giám sát của cộng đồng, hằng năm luôn được chỉnh lý nên luôn là tài liệu có độ tin cậy cao nhất.
Thứ tư, là do bản chất sử liệu của các cuốn ngọc phả từ lâu đã nhuốm màu thiên kiến. Đó đều là những tài liệu nhằm tôn vinh chính dòng họ của mình, việc tự nâng cao nguồn gốc lịch sử hay truyền thống hào hùng của dòng tộc trong các cuốn ngọc phả là điều dễ hiểu. Có thể thấy điều này qua các cuốn ngọc phả của các dòng họ khác ở Việt Nam.
Chốt lại, thuyết nêu ra vốn đã bị bác bỏ vì không có nguồn sử liệu đáng tin cậy để chứng minh. Từ đó mà vấn đề tính chính thống của nhà nước Nam Việt không cần phải bàn cãi.
Đọc đến đây, chắc nhiều bạn cũng chưa thoả mãn. Vậy người viết xin mở rộng vấn đề thêm một chút để làm sáng tỏ. Sau này, nếu đặt giả sử rằng thuyết lịch sử kia được chứng minh là đúng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Xin thưa với các bạn rằng, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Nhà nước Nam Việt vẫn bị gạt khỏi dòng chảy chính thống của lịch sử nước ta như thường. Bởi các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, dù Triệu Đà có là dòng dõi Vua Hùng thì bản chất ngoại lai của nhà nước Nam Việt đối với người dân Lạc Việt vẫn không thấy đổi. Một mình Triệu Vũ Đế không thể đại diện cho cả giới tinh hoa cầm quyền của Nam Việt. Khi đó, bộ máy lãnh đạo của Nam Việt vẫn gồm đa số là dân phương bắc từ xa tới. Cả văn hoá lẫn mô hình nhà nước là học theo mô hình bên ngoài, không phải từ nội tại phát triển nên, và nhất là, người dân Lạc Việt vẫn phải đứng ngoài cuộc trong việc trị nước của Nam Việt vì kinh đô của nhà nước này nằm ngoài địa bàn sinh sống của dân tộc này.
Thứ hai là tính kế thừa, nhà nước Nam Việt không hề thể hiện một sự kế thừa nào đối với nhà nước Văn Lang. Minh chứng là trong cuộc chiến với An Dương Vương, Triệu Đà không hề giơ cao ngọn cờ phục hưng Văn Lang để lấy tính chính danh. Đến khi đã bình định xong, Triệu Đà cũng chưa từng một lần tiến vào đất cũ, cũng chẳng lấy văn minh Lạc Việt làm căn bản để xây dựng lên nhà nước mới. Trong ngọc phả dòng dõi Hùng Vương cũng không hề nhắc tên Triệu Đà, và trong phả hệ họ Triệu cũng không hề có vị tổ tiên nào ở đất Phong Châu. Thay vào đó là ngọn cờ của đế quốc đại Tần đã được Triệu Đà triệt để sử dụng trong cuộc chiến với Âu Lạc. Một danh nghĩa của ngoại bang.
Nói cách khác, nếu Triệu Đà thực là con dân của Lạc Việt thì ông ta cũng là kẻ đã mất gốc và hành động có thể xem như cõng rắn cắn gà nhà. Không khác gì Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống sau này. Vì vậy vẫn bị bác bỏ là điều có thể hiểu được.
Hỏi:
Nên công nhận Nam Việt vì phần đông dân cư Nam Việt là người Bách Việt, chỉ có thiểu số những kẻ cầm quyền là người phương bắc, sau này cũng dần bị Việt hoá cả. Phản biện ra sao với quan điểm này?
Trả lời:
Quan điểm này sai ở hai điều rất cơ bản.
Thứ nhất, đó là nhận thức nhà nước thuộc về ai. Phải nói rằng cái quan niệm nhà nước là của dân, do dân và vì dân chỉ mới là tiền đề xây dựng đất nước của nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám. Dù rằng tư tưởng dựa vào dân để giữ nước đã manh nha từ thời phong kiến, song nó không phải tư tưởng chủ đạo. Qua các thời kỳ lịch sử, một quốc gia luôn được quan niệm rằng nó thuộc về giai tầng thống trị. Đến ngày nay vẫn còn hiện hữu. Ví dụ để minh chứng như hai đế quốc Đại Nguyên và Đại Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Đó vốn đều là các nhà nước của các bộ tộc chiếm thiểu số trong dân cư xuất đế quốc mà nó cai trị. Nhưng dưới góc nhìn của thời đại, nhà Nguyên vẫn là nhà nước của các bộ tộc Thát, nhà Thanh vẫn là nhà nước của người Mãn Châu. Gần hơn, có thể lấy chính cục diện nước ta dưới thời thực dân Pháp. Những người Pháp ở nước ta chiếm bao nhiêu phần so với dân Việt Nam, mà chính chúng ta lại không thể bằng lòng với thời cuộc. Tới thời hiện đại, tư tưởng này vẫn còn, vẫn giữ sự chi phối trong tư duy của các nhà lãnh đạo ngày nay. Chẳng thế mà Liên bang Mã Lai đã phải đá đít Singapore ra khỏi liên bang vì sợ sự nắm quyền của cộng đồng thiểu số người gốc Hoa.
Nói tóm lại, chính thế lực cầm quyền mới quyết định tính dân tộc của một nhà nước. Nhà nước Nam Việt có giới tính hoa là ngoại bang phương bắc, nên là nhà nước của người phương bắc. Và thực tế nó đã phát triển theo mô hình như vậy.
Thứ hai, nước ta là nước Việt Nam, dòng chảy lịch sử của nước ta luôn gắn với dân tộc Lạc Việt, mọi thăng trầm lịch sử đều gắn với dân tộc này. Cho nên, mọi vấn đề lịch sử đều phải dùng hệ quy chiếu lấy dân tộc Lạc Việt làm gốc để xem xét, đánh giá. Nước Nam Việt xưa, dân cư thuộc ba bộ tộc lớn là Âu Việt, Lạc Việt và Đông Việt. Trong quá trình tồn tại của nhà nước Nam Việt, dấu ấn của cả ba bộ tộc này đều rất mờ nhạt. Dấu ấn của tộc Lạc Việt thậm chí còn mờ nhạt hơn. Tạo ra một vết đứt gãy lớn trong văn hoá dân tộc ta. Trong thời kỳ này, dân tộc ta vừa mất sự tự chủ, vừa dần dần đánh mất bản sắc văn hoá. Nên không thể nhận là nhà nước của tộc Lạc Việt, hay của bất kỳ dân tộc nào trong ba dân tộc kể trên được. Có lẽ đây là quan niệm sai lầm của đa số người hiện nay.
Ở đây xin nói thêm một chút về chủ đề bách Việt. Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn rằng nước ta thời cổ rộng tới miền đồng bằng Hoa Nam, bách Việt chính là dân ta, là trăm dòng Việt nở ra từ trăm trứng.
Xin thưa đây là nhận thức sai lầm và cực kỳ tai hại, có nguy cơ làm sói mòn nhận thức dân tộc, và tiềm tàng nguy cơ mất nước sau này. Xin nói thêm để làm rõ.
Thứ nhất, khái niệm Việt tộc là một khái niệm tù mù trong cổ sử. Trong khi đó danh xưng bách Việt vốn là tên gọi của người phương bắc dùng để gọi các dân tộc ở phía nam của họ. Trong các thư tịch cổ, bách Việt được dùng để chỉ gần năm trăm bộ tộc khác nhau sống ở đồng bằng Hoa Nam và miền Bắc nước ta ngày nay. Thời kỳ này rơi vào khoảng trước và trong thời kỳ Hùng Vương ở nước ta. Trong gần năm trăm dân tộc này, đã có khoảng hai mươi dân tộc đã xây dựng được những nhà nước sơ khai. Phần lớn đều có chữ Việt trong tên gọi, như: Điền Việt, Mân Việt, Dương Việt, Âu Việt, Lạc Việt, vân vân. Đây chính là yếu tố gây hiểu nhầm. Chữ Việt vốn là triết tự hình cái rìu mà thành, sau được dùng để chỉ các bộ tộc dùng rìu làm công cụ lao động chính.
Khi người Hoa Hạ tiến xuống phương nam, vì lười biếng mà họ gọi gộp tất cả các dân tộc trên là bách Việt. Coi tất cả là giống Nam man tăm tối. Gọi nhiều thành quen, dẫn tới lầm tưởng như trên.
Sự thật là trong gần năm trăm bộ tộc đó, mỗi bộ tộc là một dân tộc riêng, có bản sắc văn hoá riêng vô cùng đặc sắc, không thể trộn lẫn, đánh đồng với nhau được. Họ có tiếng nói riêng, một số có chữ viết riêng, và hệ thống tín ngưỡng đặc thù, và nhất là danh xưng bách Việt này không hề xuất hiện trong bất cứ truyền thuyết cổ nào của các dân tộc trong Bách Việt, cho thấy các dân tộc trong bách Việt vốn đã không coi tất cả là một cộng đồng đồng nhất. Bách Việt chỉ là tên gọi của người ngoài gọi họ mà thôi, tự họ không tự nhận như vậy. Minh chứng rõ nhất chính là truyền thuyết Con rồng cháu Tiên chỉ duy nhất người Lạc Việt có. Các dân tộc khác trong bách Việt, mỗi dân tộc đều có một truyền thuyết dựng tộc của riêng mình. Sự tương đồng giữa một vài dân tộc như Âu Việt với Lạc Việt, hay một vài dân tộc khác là điều hết sức bình thường. Điều này xảy ra khi hai dân tộc có địa bàn sinh sống giáp nhau, từ đó nảy sinh sự giao lưu văn hoá và vốn gien. Và khác biệt lớn dần đối với các dân tộc ở cách xa. Điều này có thể thấy ở mọi nơi trên thế giới, nơi có các dân tộc khác nhau nhưng sống cạnh nhau một thời gian dài.
Người Lạc Việt mình là cốt lõi dân tộc của lịch sử đất nước với nhà nước đầu tiên là Văn Lang. Nền lịch sử và nghiên cứu văn hoá nước ta cũng luôn lấy văn minh Lạc Việt là trụ cột của việc nghiên cứu hay phát triển nền tảng văn hoá. Đó mới là nhận thức đúng.
Còn nói, việc nhận thức sai như trên là tiềm ẩn nguy cơ mất nước là bởi hiện nay có rất nhiều kênh youtube và diễn đàn tuyên truyền quan điểm này với mục đích bài Tàu, hạ thấp nền văn minh Trung Hoa, nhưng lại không biết rằng quan điểm lịch sử này lại chính là quan điểm lịch sử mà giới sử học Trung Quốc đang tích cực sử dụng trong nghiên cứu và tuyên truyền, được thao túng đằng sau bởi một động cơ chính trị không mấy tốt đẹp. Đó là muốn nước ta từ việc thừa nhận nguồn gốc bách Việt mà trở lại với đại gia đình bách Việt với họ. Tức là sáp nhập, trở lại thành một tỉnh của Trung Hoa. Các bạn có thể lên mạng và tìm kiếm từ khoá Trung Quốc nghiên cứu lịch sử phục vụ mục đích chính trị hoặc Trung Quốc khuyên Việt Nam lãng tử hồi
đầu thì sẽ rõ. [2]
Kết lại, quan điểm nêu trên sai về nhiều mặt. Nó được nhiều kênh mạng và diễn đàn lịch sử sử dụng như một bức bình phong để che đậy mưu đồ chính trị đằng sau.
Chú thích:
[1] https://phanduykha.wordpress.com/2013/09/15/cau-chuyen-lum-xum-ve-mot-cuon-nguy-thu-sach-dom/
[2] https://hrc.org.vn/bac-bo-luan-dieu-trung-quoc-khuyen-viet-nam-lang-tu-hoi-dau/
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất