Ở bài trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về hệ thống phân loại chính thống - ngoại thuộc dưới thời phong kiến. Bài này sẽ nói về hệ thống phân loại của nền sử học của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay và giải thích cho câu hỏi chủ đề của bài này. Nào chúng ta cùng bắt đầu.
Như đã đề cập đến ở bài trước, việc phân định chính thống hay ngoại thuộc nhằm chọn lựa ra yếu tố muốn kế thừa từ một triều đại. Điều này liên quan mật thiết đến các yếu tố mà nhà nước hiện tại muốn đề cao, cũng như muốn trở thành đặc tính của cả dân tộc mà phát triển lên.
Cũng như các thời kỳ trước, chúng ta lại phải bám sát vào các đặc tính của dân tộc mà nhà nước hiện nay muốn gìn giữ và phát triển để đi sâu phân tích thì mới ra được vấn đề. Trong nhiều đặc tính của dân tộc, những đặc tính quan trọng nhất có thể kể đến là yêu nước, tự lực tự cường, hoà hiếu, bất khuất và chăm chỉ lao động. Hệ thống phân loại phải luôn bám sát vào các đặc tính dân tộc đó xây dựng lên các tiêu chí để làm chuẩn.
Hệ thống phân loại hiện nay kể lể thì dài dòng nhưng nếu tóm gọn lại thì chỉ còn có ba chữ: Dân Làm Gốc. Nó trở thành nền tảng và là kim chỉ nam cho mọi sự phát triển văn hoá mà nhà nước hiện nay muốn định hướng. Và người đặt nền tảng cho hệ thống nhận thức văn hoá này không ai khác, chính là chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Theo đó một triều đại muốn được công nhận là chính thống thì triều đại đó phải có:
Thứ nhất, nền tảng văn hoá phải lấy nền văn hoá dân tộc ta để phát triển. Khi suy tàn thì dân tộc ta cũng phải là người được thừa kế di sản văn hoá đó. Nói cách khác, đây là sự tự chủ về văn hoá. Nhưng nó thường gắn liền với sự tự chủ của giới cầm quyền. Nghĩa là tầng lớp vua quan của ta phải có nguồn gốc từ chính dân tộc ta.
Thứ hai, tầng lớp lãnh đạo phải gắn bó với lợi ích dân tộc, lấy dân làm trọng tâm cho mọi hành động.
Thứ ba, phải để lại cho hậu thế những bài học truyền thống hoặc đức tính quý báu dần trở thành đặc trưng của dân tộc.
Có thể thấy, hệ thống tiêu chí này bao quát hơn. Nó chú trọng vào yếu tố văn hóa và kế thừa truyền thống tốt đẹp. Các yếu tố như đất đai lãnh thổ hay hệ thống tư tưởng dần mờ nhạt và được cài cắm vào những tiêu chí rộng lớn hơn. Nó bám sát vào tinh thần chủ đạo lấy Dân Làm Gốc.
Giờ chúng ta cùng phân tích để thấy rõ vì sao nhà nước Nam Việt của nhà Triệu bị bác bỏ khỏi dòng chính thống.
Nguyên nhân đầu tiên dễ nhận thấy nhất chính là nền văn hóa mà triều đại này mang đến cho nước ta là một nền văn hóa ngoại lai hoàn toàn đến từ phương Bắc. Từ phong tục tập quán đến mô hình nhà nước đều khác xa hoàn toàn nếu so với hai nhà nước tiền nhiệm là Văn Lang và Âu Lạc. Đáng chú ý nhất, dù đây có coi là sự phát triển nhưng không phải từ nội tại dân tộc ta phát triển nên mà là du nhập từ bên ngoài vào.
Thứ hai, là tính kế thừa. Điều này có dính dáng một chút tới vấn đề lãnh thổ. Như ta đã biết, kinh đô của Nam Việt nằm tại thành Phiên Ngung tận bên đất Quảng Đông. Không nằm trong địa giới nước ta hiện nay và cũng tất nhiên không nằm trong vùng đất của hai dân tộc Âu Việt và Lạc Việt xưa. Trong khi kinh đô của một quốc gia luôn là nơi tập trung tầng lớp lãnh đạo của một quốc gia hay còn gọi là giới tinh hoa. Là nơi kết tụ những gì tinh túy nhất về mọi mặt. Mọi sự phát triển đều khởi đầu từ đây. Điều này dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất, vì không nằm trong đất của dân tộc ta nên trong thời kỳ tồn tại của Nam Việt, sự can thiệp của dân ta vào nội trị của triều đại này rất hạn chế. Điều này vi phạm về tính tự chủ của dân tộc. Thứ hai là về sự kế thừa văn hóa. Cũng giống như tinh hoa con người, tính hoa văn hóa cũng sẽ ngưng tụ tại kinh đô. Việc kinh đô Phiên Ngung nằm ngoài địa hạt của tộc Lạc Việt vừa cho thấy văn hóa triều đại này không phải được phát triển trực tiếp từ văn hóa Lạc Việt. Mặt khác, mọi tinh hoa văn hóa mà trong chín mươi ba năm mà nhà nước này phát triển được, đến khi suy tàn thì cũng không phải được tộc Lạc Việt trở thành những người kế thừa. Người thừa kế nền văn minh Nam Việt nói rộng thì là nhân dân vùng Quảng Đông, hẹp thì là dân cư kinh đô Phiên Ngung thời đó. Hãy thử tưởng tượng thế này. Nếu như công nhận Nam Việt, thì trong lịch sử văn hoá của nước ta sẽ xuất hiện một vết đứt gãy lớn. Có một triều đại tồn tại nhưng lại không thể tìm được vết tích văn hóa. Ngược lại, nếu bác bỏ Nam Việt, coi như ngoại thuộc, mạch văn hóa coi như liền mạch nối từ Âu Lạc tới Trưng nữ Vương. Điều này vô cùng hợp lý.
Nguyên nhân thứ ba là về các truyền thống tốt đẹp lưu lại cho hậu thế. Phải thừa nhận là tất cả các triều đại, dù là tự chủ hay ngoại thuộc, đều ít nhiều có những truyền thống tốt đẹp đáng để lưu truyền. Song, nhà nước Nam Việt trong suốt quá trình tồn tại của nó lại để lại một vài đặc tính không tốt, từ đó làm vị thế chính thống của nó bị lung lay.
Một là tính phản trắc. Nguồn gốc của Nam Việt, vốn được dựng lên từ một bộ tướng nhà Tần, đi chính phạt mà tự lập nước xưng vương. Trong khi nhà Tần đang trong cơn hoạn nạn, chính quyền Nam Việt không những không cứu giá mà còn lợi dụng thời cơ để tăng cường ảnh hưởng, chiếm thêm đất đai lãnh thổ. Hơn thế, khi tiến hành các cuộc chính phạt lại luôn lấy danh nghĩa nhà Tần để tiến quân. (Triệu Đà lập Nam Việt trước sau mới đánh Âu Lạc. Dù đã tự lập là Nam Việt Vương nhưng khi đánh Âu Lạc vẫn dùng cờ xí nhà Tần). Xét theo tiêu chuẩn nho giáo xưa, đây là tội lớn. Còn như ngày nay, điều này cũng là không tốt, không nên học theo. Các sự kiện ly khai đang là mối họa bất ổn trên thế giới mà nhà nước ta luôn kịch liệt phản đối.
Tính hiếu chiến, tham lam, gian giảo. Trong thời kỳ đầu tồn tại, dưới sự lãnh đạo của Triệu Đà, quân Nam Việt không ít lần chủ động phát động tiến đánh vùng đất của nhà Hán. Khi đó nhà Hán mới lập, thế đứng còn chưa vững. Sau này, nhận ra không đủ lực đối chọi, bèn quay ra xin thần phục. Điều này không hợp với đạo nghĩa hoà hiếu của dân tộc ta và cùng có chút thủ đoạn, ma giáo.
Tính bất tín. Nam Việt cho kết thông gia với Âu Lạc nhằm liên minh chống Hán, Sở. Rồi lại cất quân diệt Âu Lạc. Đó là điều bất tín. Ngày này giới sử học cho rằng, cuộc hôn nhân chính trị này nằm trong toan tính của Triệu Đà. Khiến cho An Dương Vương lơi lỏng mặt đông, đưa quân trấn thủ mặt bắc rồi bị đánh úp mà bại trận.
Tính bất nhất, thiếu trung thực, dùng người lại không tin người. Triệu Đà khi mới lập nước Nam Việt, thân tín đi cùng vốn cũng xuất thân từ phương Bắc, theo Triệu Đà đi chinh phạt. Sau vì Triệu Đà có hành động phản trắc, tự ý xưng vương, đánh mất lòng trung. Quan quân dưới quyền luôn tỏ ra bất mãn. Triệu Đà nhận ra, sợ bị họ nổi dậy giành binh quyền mà dần dần thay thế họ bằng các tộc trưởng địa phương. Ông đề ra chính sách Hòa Tập Bách Việt để thu phục lòng dân sở tại. Tuy nhiên, Triệu Đà lại tỏ rõ thái độ khinh miệt đối với nhân dân các bộ tộc này. Trong sử ký của Tư Mã Thiên có trích lại lá thư Triệu Đà gửi cho Lã Hậu. Trong đó, ông đã tỏ rõ sự miệt thị, gọi dân xứ đó là man di và xin Lữ Hậu cho dân phương Bắc di cư xuống để đồng hóa. Chính bằng chứng này là nguyên nhân căn bản nhất khiến Nam Việt không thể được công nhận. Bởi nó đi ngược lại hoàn toàn cái cốt văn hóa Dân Làm Gốc mà nhà nước hiện nay muốn xây dựng.
Phân tích đến đây, người viết nhận thấy, với những đặc tính kể trên, thật khó để một quốc gia nào hiện nay có thể công nhận Nam Việt như là một nhà nước chính thống của mình. Bởi không một nhà nước nào muốn nhân dân của mình dựa vào những dấu ấn đó làm tiêu chuẩn của hành động.
Như vậy. Nguyên nhân khiến Nam Việt bị bác bỏ khỏi dòng chảy chính thống của Việt Nam bao gồm: có nguồn gốc ngoại lai, không kế thừa được văn hóa và sở hữu những đặc tính mà thời đại hiện nay không muốn noi theo.
Con người Việt Nam luôn trân trọng quá khứ. Nhưng để đưa lên bàn cân thì dân ta vẫn luôn coi trọng tương lai hơn là những dĩ vãng xa xôi. Việc phân định hiện nay có lợi cho sự phát triển của đất nước trong cả hiện tại và tương lai.
Bài viết này đến đây xin được khép lại. Ở bài sau tôi sẽ trả lời các câu hỏi và phân tích một vài quan điểm liên quan đến chủ đề này. Mong các bạn chú ý đón đọc.