Vì sao công nghệ sẽ không tạo nên một cuộc cách mạng giáo dục?
Công nghệ đã làm biến đổi toàn diện rất nhiều lĩnh vực trong xã hội loại người. Tuy nhiên, có một lĩnh vực lại nằm ngoài quy luật này, chính là giáo dục.
Trong một khảo sát nhanh mà tôi thực hiện trên facebook, có đến 97.3% trong số 373 người trả lời tin rằng công nghệ sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong giáo dục thế kỷ 21.

Công nghệ liệu có tạo nên một cuộc cách mạng trong giáo dục?
Khi nhìn vào quá khứ, quả thật chúng ta thấy rằng rất nhiều lần sự xuất hiện của công nghệ mới đã dẫn đến cả một cuộc cách mạng trong các lĩnh vực. Có thể nhắc đến động cơ đốt ngoài của James Watt. Nó đã mở đầu cho Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đưa nước Anh vươn lên trở thành siêu cường số 1 thế giới. Hoặc phát minh máy bay của anh em nhà Wright đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành vận tải và chiến tranh trên thế giới. Tuy nhiên, có 1 lĩnh vực vẫn gần như không thay đổi bất chấp vô số những cải tiến về công nghệ suốt hàng nghìn năm qua. Chính là giáo dục.
Chúng ta hãy cùng điểm lại những biến đổi lớn nhất trong lịch sử ngành giáo dục để biết vì sao công nghệ chỉ có tác động rất hạn chế lên lĩnh vực này.
Cuộc cách mạng đầu tiên trong giáo dục là sự xuất hiện của chữ viết. Trước đó, giáo dục chỉ đơn giản là những bài học được các cộng đồng người truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hình thức truyền miệng này có 2 hạn chế lớn. Thứ nhất, nó không đảm bảo được tính nguyên vẹn của tri thức, khi mà tình trạng tam sao thất bản luôn luôn xảy ra. Thứ hai, tri thức không thể lan tỏa một cách rộng rãi bởi rào cản ngôn ngữ cũng như tình trạng thù địch giữa các cộng đồng người.
Nhờ có chữ viết, 2 vấn đề đó đã được giải quyết. Kiến thức dễ dàng lan tỏa rộng rãi hơn và giữ được tính nguyên vẹn của nó. Có thể nói, chữ viết đã tạo nên một sự nhảy vọt trong giáo dục về mặt lượng, khi mà lời giảng của các nhà thông thái có thể đến với nhiều người hơn mà không cần phải gặp mặt trực tiếp. Nhờ có chữ viết, lần đầu tiên trong lịch sử, một người dân ở Ai Cập có thể biết đến thành quả tri thức mà Archimedes tạo ra từ bên kia bờ biển Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, xét về cách thức truyền đạt thì giáo dục không có thay đổi gì đáng kể. Để lĩnh hội một cách sâu sắc trí tuệ của các nhà bậc trí giả, học trò vẫn phải đến học trực tiếp. Plato trưởng thành dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Socrates, Mạnh Tử trưởng thành dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Khổng Cấp, chính là cháu nội của Khổng Tử. Không một trường hợp nào trong thời kỳ này được ghi nhận là có thể đạt đến tầm hiểu biết sâu sắc chỉ bằng cách tự đọc và nghiên cứu.
Chữ viết có thể giúp người ta biết, nhưng không giúp họ hiểu. Giữa biết và hiểu là một khoảng cách rất lớn. Suốt hàng nghìn năm tiếp theo, cách thức tổ chức các lớp học vẫn không có gì thay đổi. Người ta có thể ghi chép nhiều hơn, đọc nhiều hơn, nhưng sự tương tác giữa thầy và trò vẫn là cốt lõi của giáo dục.

Cuộc cách mạng mang tên "chữ viết"
Cuộc cách mạng tiếp theo diễn ra vào năm 1450, khi nhà phát minh người Đức Johannes Gutenberg tạo ra chiếc máy in thương mại đầu tiên trên thế giới. Cần phải mở ngoặc thêm rằng cuốn sách in đầu tiên được biết đến trong lịch sử đã xuất hiện từ trước đó 582 năm. Chính là Kinh Kim Cương, một cuốn sách Phật Giáo dưới thời Nhà Đường của Trung Hoa. Tuy nhiên Gutenberg là người đầu tiên thành công trong việc tạo ra một sản phẩm thương mại, khiến cho sách trở nên phổ biến một cách nhanh chóng. Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta có thể tạo ra hàng ngàn bản sao giống hệt nhau từ một nội dung ban đầu, thay vì phải sao chép thủ công.
Phát minh này nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt của nền giáo dục châu Âu. Chưa bao giờ con người được tiếp cận với sách dễ dàng đến thế. Tuy nhiên, cũng giống như chữ viết, nó không làm thay đổi cách tổ chức các lớp học. Sự phổ biến của sách không làm suy giảm vai trò của người dạy. Học trò vẫn cần đến những giờ giảng trực tiếp để có thể lĩnh hội tri thức.

Máy in công nghiệp Gutenberg
Cuộc cách mạng tiếp theo diễn ra vào cuối thế kỷ 19, với sự ra đời của hình ảnh động, tiền thân của video ngày nay. Những sản phẩm đầu tiên có tốc độ 12 hình một giây, bằng một nửa so với tiêu chuẩn điện ảnh hiện đại. Rất nhanh chóng sau đó, những bức hình động phát triển thành những đoạn phim mượt mà được trình chiếu trong rạp. Năm 1922, Thomas Edison khẳng định rằng:
Hình ảnh động chính là định mệnh cho một cuộc cách mạng trong giáo dục chỉ trong vài năm tới. Nó sẽ thay thế phần lớn, nếu không muốn nói là hoàn toàn sách giáo khoa.
Well! Ông ấy đã nhầm.
Tuy nhiên, những nhà cải cách giáo dục không phải đợi lâu để tìm kiếm một hy vọng mới, chính là truyền hình. Bằng công nghệ vô tuyến, bạn có thể đào tạo nhiều học sinh hơn với ít giáo viên hơn. Tất cả những gì phải làm là ghi lại bài giảng của những giáo viên giỏi nhất và phát lại chúng trên sóng truyền hình. Nhiều người sẽ được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao hơn với chi phí rẻ hơn. Nhưng đó tiếp tục là một sự lạc quan thái quá khác. Truyền hình vẫn không thể thay thế được các lớp học được tổ chức theo kiểu truyền thống suốt hàng nghìn năm trước đó.
Đến thập niên 1980, sự phổ biến của máy tính một lần nữa hứa hẹn cuộc cách mạng lớn đối với giáo dục. Nếu như truyền hình chỉ có sự truyền đạt kiến thức một chiều thì máy tính cho phép người học tương tác theo cách chủ động. Tương ứng với mỗi hành động của họ sẽ là một phản hồi từ máy tính, giúp họ tìm ra và giải quyết lỗi sai, đồng thời củng cố những kiến thức đúng. Máy tính cũng có thể được lập trình để tạo ra những bài học và bài tập phù hợp cho từng mục đích, từng đối tượng người học. Thật khó để những người sống trong thời kỳ này hình dung ra một kịch bản mà những tính năng tuyệt vời đó lại chẳng tạo nên được điều gì to tát trong giáo dục. Vậy mà đúng là như vậy. Các lớp học truyền thống với vai trò cực kỳ quan trọng của giáo viên vẫn tiếp tục là hình thức giáo dục chủ đạo.

Máy tính cũng không thể thay đổi những hoạt động cốt lỗi của việc dạy và học
Nhưng xem ra chúng ta rất kém trong việc học hỏi từ thất bại. Năm 1994, hai nhà giáo dục Penelope Semrau và Barbara A. Boyer xuất bản cuốn sách có tên là Using Interactive Video in Education. Tạm dịch là “Sử dụng video tương tác trong giáo dục”. Họ viết rằng: “Việc sử dụng video tương tác trong lớp học tăng dần qua từng năm và hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng giáo dục trong tương lai”. Nếu mọi việc ở Trái Đất xảy ra đúng như họ dự đoán thì có lẽ tôi đang ở nhầm hành tinh rồi.
Trở về hiện tại. Ngày nay, không ít người cho rằng một cuộc cách mạng trong giáo dục đang hoặc sắp diễn ra. Chỉ với một chiếc điện thoại, bạn có thể tiếp cận các khóa học online, app học tập được thiết kế trực quan và thân thiện, các website chia sẻ kiến thức, và cả kênh Youtube Ham Học. Một đại dương kiến thức khổng lồ được gói gọn trong thiết bị nhỏ bé này.
Well. Những bài học trong quá khứ nói với chúng ta rằng sẽ chẳng có cuộc cách mạng nào trong giáo dục diễn ra đâu. Không một cách thức truyền đạt tri thức nào có thể thay thể được lớp học truyền thống. Không một máy móc hay công nghệ nào có thể thay thế vai trò của người giáo viên. Để tôi phân tích cho bạn biết vì sao.
Chúng ta có thể phân chia các nội dung truyền tải trong giáo dục thành 3 cấp bậc như sau:

Ba cấp bậc truyền tải nội dung trong giáo dục
Sách vở và internet chỉ cung cấp được cho người học thông tin – kiến thức, thứ nằm ở bậc thấp nhất. Chúng không thể mang đến cho bạn kỹ năng và tư duy. Đọc sách nấu ăn có thể giúp chúng ta biết được thành phần dinh dưỡng của từng loại thực phẩm, biết được những cặp thực phẩm nào nên và không nên kết hợp với nhau. Nhưng sách nấu ăn không thể giúp chúng ta trở thành đầu bếp. Để có được kỹ năng nấu ăn, người học phải thực hành dưới sự hướng dẫn của một người đi trước.
Sách kinh doanh có thể giúp độc giả nắm được các khái niệm kinh tế, hoặc trình tự xây dựng một doanh nghiệp. Nhưng sách kinh doanh không thể giúp người ta trở thành doanh nhân, càng không thể giúp họ có được tư duy của một người làm kinh tế. Tư duy phải được hình thành thông qua trải nghiệm, chứ không phải thông qua sách vở.
Tri thức không phải là kiến thức mà người học tiếp nhận từ thế giới bên ngoài. Mà nó là sản phẩm do người học tự tạo ra thông qua quá trình làm việc với kiến thức. Trong quá trình này, vai trò của người thầy là vô cùng lớn. Có thể so sánh kiến thức như thực phẩm, tri thức là món ăn. Đón nhận thực phẩm là một chuyện, còn tạo ra món ăn lại là chuyện khác. Một người thầy giỏi sẽ biết cách hướng dẫn, khuyến khích học trò của mình tạo ra được món ăn ngon. Đó là lý do mà lớp học truyền thống không bao giờ biến mất.
Ngoài ra, dạy và học là một hoạt động xã hội. Tức là hoạt động tương tác giữa người với người. Học sinh phát triển tư duy và nhân cách không chỉ dựa vào những gì sách vở cung cấp, mà con dựa vào những cuộc trò chuyện với bạn bè, dựa vào những sự khích lệ từ giáo viên, dựa vào niềm cảm hứng và tình yêu với công việc mà họ cảm nhận được từ người thầy của mình. Vai trò của giáo viên không đơn thuần là truyền tải kiến thức. Mà là truyền cảm hứng, thách thức, khích lệ để học sinh cảm thấy yêu việc học. Để họ cảm thấy bản thân có giá trị và có khả năng chinh phục thử thách. Còn nhớ trong một lớp nghiệp vụ sư phạm, một người thầy của tôi đã từng nói thế này:
Nếu bạn nghĩ rằng nhiệm vụ của mình chỉ là truyền tải kiến thức thì tốt hơn đừng làm giáo viên. Bởi kiến thức đầy rẫy trong sách báo, internet. Học sinh không cần đến bạn để trang bị kiến thức. Họ cần bạn giúp họ rèn luyện kỹ năng và xây dựng tình yêu với việc học.
Lớp học online tước đi tất cả những yếu tố xã hội kia. Nó đặt người học vào một không gian cô lập giữa 4 bức tường. Ai đó có thể phản biện rằng họ vẫn được tương tác thông qua màn hình điện tử. Nhưng nếu bạn từng trải qua bầu không khí ở 1 sân vận động chật kín khán giả, hoặc biển người cuồng nhiệt trong một live show âm nhạc, thì bạn sẽ hiểu rằng màn hình điện tử không bao giờ thay thế được những hoạt động xã hội thực tế.
Đúc kết lại.
Không phải vô cớ mà đến tận năm 2021 này, hình thức giáo dục chủ đạo vẫn là các lớp học truyền thống, điều mà Đức Phật, Khổng Tử, Socrates đã áp dụng từ 2500 năm trước. Công nghệ, dù có hiện đại đến đâu vẫn không thể thay thế được lớp học truyền thống. Bởi vì công nghệ chỉ truyền tải được kiến thức – thông tin, chứ không thể truyền tải được kỹ năng, tư duy. Nó cũng không thể tạo môi trường giao tiếp xã hội giữa người với người, vốn là một phần quan trọng trong hoạt động dạy và học. Không phần mềm hay máy móc nào có thể tốt hơn một người giáo viên dành tình yêu cho học sinh và dành tâm huyết cho giáo dục. Rốt cuộc thì câu nói của cha ông ta ngày xưa vẫn đúng:
Không thầy đố mày làm nên.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất