Vì sao có người đề xuất bỏ Tết nguyên đán?
Cuộn tròn trong cái ổ của mình. Nhiều người khi bước qua giao thừa, đã thốt lên rằng: "Vậy là hết Tết!". Tết đối với họ, thực tình, cũng chỉ là những ngày nghỉ, dài hơn một chút.
Có phải bạn đã không còn thích Tết như hồi còn nhỏ không?
Hồi bé, chúng ta đều mong ngóng đến Tết, để được mặc áo đẹp, được ăn bánh ngon, được uống đủ thứ nước giải khát mà không bị ai ngăn cấm, được vui chơi thỏa thích, lại còn được tiền!
Giờ thì nhắc đến Tết, có lẽ sự hào hứng chẳng còn được như trước. Vì sao lại vậy? Có phải vì Tết đã "nhạt" đi trong chính góc nhìn của chúng ta không? Vì lớn lên, ta đã trải qua biết bao lần "số" Tết, vẫn vậy mà! Hay là vì, những áp lực vô hình từ cả bên ngoài lẫn bên trong, làm ta cảm thấy Tết không còn là thời điểm để thoải mái, vui vẻ nữa.
Rõ ràng, Tết với người lớn, là trách nhiệm, là lo toan nội ngoại, hai bên, chứ chẳng còn ngửa tay là tự động có được một khoản tiền như hồi còn nhỏ. Đó là áp lực.
Rõ ràng, Tết với người lớn, là cơm nước, là đồ cúng, là chỉnh chu đã truyền từ bao thế hệ để tiếp nối. Ngày nay, con cháu cần phải kế thừa. Người có thị hiếu hiện đại hơn một chút, thì sẽ hỏi tại sao không thế này, tại sao lại thế kia. Một cuộc xung đột về tư tưởng giữa các thế hệ xảy ra giữa những thứ đã cũ sờn, và những thứ mới bóng bẩy. Đó là áp lực.
Rõ ràng, Tết với người lớn, là căng thẳng chi tiêu, ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp cho người thân. Nhưng sẽ ra sao nếu thu nhập của mình trong năm qua chỉ vừa đủ bám trụ. Mà sau Tết, còn phải chi tiêu nữa chứ, tương lai vốn bất định. Muốn vui vẻ lắm, mà vui không nổi. Đó là áp lực.
Rõ ràng, Tết với người lớn, còn là phong tục, còn là đối nhân xử thế. Ta nhận thấy, những tục lệ như chúc Tết đã dần phai mờ trong đa phần người con Việt. Ta có đi chúc Tết không? Có chứ! Nhưng đã giảm đi rất nhiều. Loanh quanh chỉ còn là họ hàng gần gũi. Vì sao người ta ngại đi? Vì ngại, đơn giản vậy thôi!? Rõ ràng, đi chúc Tết ngày nay, đám trẻ con chỉ còn quan tâm đến việc tiền lì xì là bao nhiêu.
"Có 5 chục thôi à?!"
Người lớn thì chỉ còn quan tâm:
"Bao giờ lấy chồng, bao giờ lấy vợ, bao giờ sinh con...?"
Toàn là những việc bao đồng, và chẳng thấy có lợi lạc gì cả. Đi làm gì! Đó là áp lực.
Mấy ngày Tết, với nhiều người trẻ, là lúc để nghỉ ngơi đúng nghĩa. Lau lau, dọn dọn, hình ảnh Tết chỉ là lúc chuẩn bị cho những giây phút nghỉ ngơi an nhàn. Cuộn tròn trong cái ổ của mình. Nhiều người khi bước qua giao thừa, đã thốt lên rằng: "Vậy là hết Tết!". Tết đối với họ, thực tình, cũng chỉ là những ngày nghỉ, có điều, dài hơn một chút.
Không phải!
Tết, trong lớp nghĩa biểu tượng của nó, ngoài sự gắn kết về tình thân, còn là sự lan tỏa. Người Việt Nam có câu: "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ!" hay "Bán anh em xa, mua láng giềng gần!"... Tất cả, tựu chung lại, đều là những sự chia sẻ về mặt tình cảm. Ngày Tết, là ngày vui vẻ, là ngày lan tỏa yêu thương, thông qua những câu hỏi thăm, động viên, hàn gắn... Chẳng thế mà, nhiều người đi bao lâu, sợ bị quở trách khi quay về, lại thường chọn ngày Tết để mà hàn gắn.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta dễ bị chạy theo hình ảnh lấp lánh của kim tiền, mà phá bỏ những luật lệ, phong tục tồn tại cả ngàn đời. Phá bỏ cả những giá trị, mà thực chất đó là biểu tượng của tình cảm giữa con người với nhau, để mà thể hiện cái Tôi, rằng thế này mới là tốt, thế kia mới là sành điệu.
Tết, không sinh ra vì mục đích đó!
Nếu Tết sinh ra để khoe khoang thì nó đã không tồn tại cả ngàn đời như vậy. Lúc đó, nó chỉ là thứ trend ngắn hạn, giống như ngày hôm nay là tòa lâu đài, biệt phủ to đẹp thế này, ngày kia là siêu xe hạng nhất. Mà lâu đài, biệt phủ, qua thời gian, độ cỡ chừng chưa đến vài chục năm, là hư hoại. Biệt phủ, xe sang, cũng chỉ là của cá nhân vài người, chứ đâu phải của cả xã hội! Mà hư hoại rồi, thì có làm được gì nữa đâu!
Còn lâu đài nguy nga của vua chúa, ngày nay, người ta làm gì? Tham quan! Tức là đứng từ xa trông vào. Có người hiểu, có người không hiểu. Nhưng, đến để cho biết. Một vài lần rồi thôi.
Tết, chính vì thế không sinh ra từ mục đích đó! Nó là hình ảnh biểu tượng, sống cùng dân tộc Việt, từ thủa hình thành dân tộc cho đến tận bây giờ.
Càng đứng trước phù hoa sáo rỗng của thời đại, nên ngày nay, người ta càng muốn trở về những giá trị nguyên bản của Tết hơn. Về với những cảm xúc, của nồi bánh chưng, bánh tét của gia đình, về với những tiếng cười trong veo của thủa nhỏ, về với những tràng pháo đùng đoàng của ngày mùng 1 tết, về với những sự yêu thương chan hòa. Để được hòa vào tất cả. Đi xa là để trở về, còn ý nghĩa nào đẹp hơn, nếu trở về vào đúng dịp Tết.
Tết đẹp, là vì tôi và bạn, vốn hai người xa lạ, nhưng nhờ Tết, mà ta có thể hòa lại với nhau, cười nói.
Nếu Tết lại làm người ta chỉ muốn đứng xa mà tham quan, còn gì là Tết!
Bạn nghĩ có phải không?
Jung Indi
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất