Chúng ta không ghét bỏ bản thân, chúng ta ghét bỏ một tưởng tượng về bản thân - một thứ hình tượng không đạt được những thành tựu mà xung quanh và chính bản thân mình kỳ vọng.
Trước tiên thì làm rõ về cái sự tưởng tượng đó từ đâu mà có.
Từ sự vượt trội của các cá nhân tiêu biểu kéo theo sự kỳ vọng của cả tập thể vào những cá nhân đang trong đà phát triển.
Từ sự ghen tị của chính bản thân với các cá nhân vượt trội hơn trong các yếu tố tâm lý đến cá tính hay vật chất. 
Rồi từ đấy là sự tự nhận thức về tính kém cỏi của chính mình.
Chúng ta nhìn vào người khác và lấy những gì họ đạt được, biến chúng thành những gì chúng ta cũng phải đạt được. Mục tiêu sống của chúng ta là để trở thành một người khác. Giấc mơ của chúng ta là để được như một người khác. Tất cả những gì chúng ta muốn làm trong tương lai chính là làm một người khác.
- tôi muốn được giàu có như họ
- tôi muốn có công việc này vì họ cũng làm chúng
- tôi muốn trông như họ
- tôi muốn trở thành một con người như họ
Vì sao?
Vì họ hạnh phúc hơn tôi.
Khi áp đặt người khác vào chính mình, chúng ta chỉ nhìn vào những gì vượt trội của họ, những gì mà họ muốn thể hiện ra cho thế giới thấy - nhằm thỏa mãn tính khoe khoang mãn tính mà bất kỳ con người nào cũng có nhu cầu phải thể hiện. Rồi khi cầm lấy những ưu điểm vượt trội đó trên tay để so sánh, chúng ta nhận ra mình kém cỏi hơn nhiều. Và từ đấy, chúng ta cho rằng mình không hạnh phúc - hoặc không đủ hạnh phúc - với những gì đang có.
Một người trông giàu có hơn có nghĩa là họ sẽ có đủ điều kiện để mua được những gì mà chúng ta đang muốn mua.
Một người trông xinh đẹp hơn có nghĩa là họ có đủ nhân duyên để làm những việc mình muốn làm, yêu những người mình muốn yêu.
Một người trông tài năng hơn có nghĩa là họ đủ sức đạt được những gì mình muốn đạt lấy.
Một người trông hạnh phúc hơn có nghĩa là họ đủ niềm vui để sống một cuộc đời đúng nghĩa hơn mình.
Nên chúng ta tự ghét bỏ bản thân, vì những gì mình muốn đều nằm trong khả năng của mọi người - trừ chính mình.
Thế nhưng, tuyệt nhiên ta không nghĩ đến, những người có những "cái" hơn đó, họ cũng có những "cái ghét bỏ" hơn. 
Họ cũng không đủ khả năng để mua được những gì họ muốn, làm những gì họ muốn làm, để yêu những người họ muốn yêu, đạt được những gì họ muốn có, và để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn. Và đồng thời, cũng có những con người khác mà họ cho rằng đã làm được những điều đó thay họ.
Và thế là, ai cũng ghét bỏ chính bản thân mình.
Tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ sự suy tưởng không có thật.
Tưởng tượng về thế giới của người khác, tưởng tượng về một bản thân mình khi ở trong thế giới đó, và tưởng tượng về một bản thân mình khi ở trong hiện tại. Rồi thù ghét sự tưởng tượng đó về chính mình.
Nhưng thực sự chúng ta có đáng bị ghét bỏ đến thế không?
Bạn có thực sự không hạnh phúc đến vậy không? 
Đâu là định nghĩa về hạnh phúc, đâu là cực hạn hạnh phúc mà một con người có thể đạt lấy?
Cậu có thể đang không hạnh phúc, nhưng không phải là bất hạnh đến mức căm thù sự tồn tại của bản thân.
Một con cá hạnh phúc, chỉ khi nó còn ở trong nước.
Một con chim thì không, nó hạnh phúc chỉ khi có thể cất cánh bay lên.
Một cái cây thì không, nó hạnh phúc chỉ khi có thể nảy mầm và bén rễ vào đất.
Một con người thì không, chúng ta hạnh phúc khi chúng ta muốn mình được hạnh phúc.
Nếu con cá sinh ra là con cá và con cá muốn trở thành một con chim, đương nhiên nó thấy mình bất hạnh.
Và con chim hay cái cây thì cũng thế thôi. Chúng chỉ hạnh phúc khi chúng muốn được hạnh phúc vì là chính chúng.
Nếu cậu chỉ muốn trở thành một người khác để hạnh phúc hơn, cậu sẽ chỉ càng ghét bỏ chính bản thân mình hơn.
.
.
.
.
Vì sao chúng ta ghét bỏ bản thân mình, vì chúng ta đang chưa muốn mình được hạnh phúc.