Là bom tấn khan hiếm trong mùa phim hè, Bán Đảo Peninsula chưa thể lặp lại hiệu ứng đặc biệt mà Chuyến Tàu Sinh Tử từng sở hữu.
Lấy bối cảnh 4 năm kể từ sự kiện ở phần 1, Bán Đảo (Peninsula) theo chân cựu quân nhân Jung-seok (Gang Dong-won) và một nhóm người Hàn tha hương trở lại Hàn Quốc giờ đã hoàn toàn sụp đổ và bị chiếm đóng bởi những thây ma khát máu. Nhiệm vụ của họ là lấy lại một món tiền triệu đô bị kẹt ở đó cho một tên trùm xã hội đen, với lời hứa hẹn một cuộc sống giàu có.

Bán Đảo ra rạp với những kỳ vọng vô cùng lớn lao. Với hào quang của phần 1 Chuyến Tàu Sinh Tử (Train to Busan), phần 2 lần này được xem là kẻ mở đường hoàn hảo cho một giai đoạn phục hồi của điện ảnh toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.
Thế nhưng, dù có một kịch bản chỉnh chu và sự hậu thuẫn của người anh em đi trước, Bán Đảo bị mắc kẹt giữa những dòng ý kiến trái chiều, thay vì những lời có cánh Chuyến Tàu Sinh Tử chiếm được từ khi ra mắt. Bộ phim này là một bước lùi rõ rệt so với phần đầu. Bán Đảo có những trường đoạn ấn tượng và rõ ràng là một bộ phim có đầu tư. Nhưng nhìn tổng thể mà nói, bộ phim lần này là minh chứng cho việc phép màu thường không đến 2 lần.

Chủ đề quen thuộc

Chuyến Tàu Sinh Tử vận dụng một chủ đề kinh điển của phim ảnh thế giới: thây ma và dịch bệnh. Công thức của bộ phim thẳng thắng mà nói không có gì mới lạ. Phim còn phải cạnh tranh với những dự án lấy hình tượng tương tự.
Nhiều trong số này đã có tên tuổi nhất định, từ 28 Ngày Sau (28 Days Later) với những thây ma có nguồn gốc tương tự như Chuyến Tàu Sinh Tử đến Thế Chiến Z (World War Z) chia sẻ một bầy zombie có tốc độ đáng kinh ngạc và nhạy cảm với âm thanh.

Dĩ nhiên, đến cuối cùng, phản diện lớn nhất luôn là chính nhân loại. Điều làm nên cơn sốt Chuyến Tàu Sinh Tử trong hàng ngàn những bộ phim cùng thể loại cũng chính là gót chân Asin của Bán Đảo. Với một chủ đề kinh điển ai cũng biết, cốt lõi nằm ở chỗ cách thực hiện.

Lối mòn kịch bản

Kịch bản của Bán Đảo và Chuyến Tàu Sinh Tử chia sẻ nhiều điểm tương đồng, ví như cả 2 đều xoáy vào vấn đề sống sót giữa thảm họa, đề cao tình người nhưng cũng chạm vào vùng tối trong mỗi cá nhân khi sinh mạng bị đe dọa.
Nói cách khác, cả 2 đều sử dụng hình tượng thây ma làm xúc tác lột tả con người. Bên cạnh đó là những chi tiết khá tương đồng, như bệnh nhân số 0 phát bệnh ở một không gian kín, dẫn đến chuỗi sự việc tiếp theo đó. Thế nhưng, Chuyến Tàu Sinh Tử sở hữu phong cách tiếp cận đề tài tốt hơn hẳn.

Chuyến Tàu Sinh Tử mở màn với một khoảng lặng trước một cơn bão dữ, đi kèm với đó là sự bất an khi thảm họa được dự đoán trước kéo đến. Bán Đảo từ đầu đã bắt đầu với sự khẩn trương giành giật sự sống: cuộc chạy nạn của Đại Hàn Dân Quốc. Đó là chuyến đi mà con người phải dằn lòng để bỏ lại đồng bào nhằm đảm bảo an toàn cho người thân.
Dĩ nhiên, bi kịch đã xảy đến, kéo theo mọi điều tốt đẹp xuống mồ. Mọi việc diễn ra tiếp theo lẽ ra phải mang theo hơi thở của sự diệt vong khi nhân vật chính bị dồn vào thế đã rồi. Nhưng sự ớn lạnh ấy chỉ dừng lại ở phân đoạn đầu. Những chi tiết sau khi nhân vật chính bất tỉnh đều được trải dài dàn đều đặn một cách chán ngán đến khó tin. Mọi sự hào hứng hay nín thở về một phần hậu truyện kịch tính bay sạch.

Điều đáng nói là khán giả vẫn đoán trước được chi tiết của phim, nhưng phần 1 với sự kết hợp của âm thanh hợp tai hợp tình huống khiến sự kịch tính được đẩy lên cao khiến người xem phải hồi hộp từng phút giây, Bán Đảo lại không thể làm điều tương tự với phần âm thanh nhàm chán và hiệu ứng CGI giả tạo.

Lạm dụng kỹ xảo cháy nổ

Chuyến Tàu Sinh Tử xây dựng sự kịch tính bằng cách điều chỉnh sự lên xuống của nhịp phim. Xen giữa những đoạn sinh tồn là những khoảng trống nhằm để cốt truyện tiếp thêm oxy để bùng nổ. Những khoảng khắc này là dịp cho nhân cách thượng vàng hoặc hạ cám, cũng là lúc để khán giả sẵn sàng cho đoạn cao trào.
Tuy nhiên, ở Bán Đảo, các cảnh hành động diễn ra theo tần suất thường xuyên và mật độ phủ sóng dày đặt khiến việc xem phim có phần mỏi mệt. Hơn nữa, bộ phim chỉ chú trọng vào những cảnh cháy nổ xôi thịt khiến mạch cảm xúc cũng như logic bị bỏ rơi.

Mạch cảm xúc của Bán Đảo không có nét tự nhiên như phần phim tiền nhiệm. Chuyến Tàu Sinh Tử và Bán Đảo đều lấy tình cảm gia đình làm điểm sáng trong thời điểm tăm tối. Vấn đề của Bán Đảo là nhân vật của phim thiếu tính chân thật.
So với một Sang-hwa vừa nghiêm túc vừa vui tính, lại điềm tĩnh, hay Seok-woo hết lòng vì con gái và mang tấm lòng trầm ấm, hình tượng anh hùng bất đắc dĩ biết hy sinh của Jung-seok rất chung chung, nhất là với dòng phim như Bán Đảo.
Con người luôn là chủ thể chi phối sự việc ở cả 2 phần phim. Tuy nhiên, trong khi Chuyến Tàu Sinh Tử lấy logic làm nền tảng cho các hành động của nhân vật, buộc họ phải đi khẽ, cẩn trọng trong hành động, Bán Đảo lại thích ưu ái hình tượng anh hùng cân cả thế giới.
Bán Đảo có những phân đoạn khá buồn cười là cho những kẻ phản diện – những kẻ xuất thân quân nhân – lại đứng chờ Jung-seok nạp đạn rồi mới tấn công. Họ xem ra còn kém xa những thây ma ưa thích việc đi hội đồng nạn nhân, trong khi có lợi thế sân nhà và số lượng.

Nhìn chung, Chuyến Tàu Sinh Tử có thể tung hứng cảm xúc và hành động kịch tính một cách nhịp nhàng và phân bổ thời lượng hợp lý cho từng phần. Nhưng Bán Đảo lại không thể vận dụng điều này vào phim khi dành phần lớn thời lượng cho hành động máu lửa đôi lúc rất phi lý và không cần thiết và bỏ quên việc tạo nên những nhân vật chân thật và gần gũi với đợi thật.
Cho nên, dù có cùng một thông điệp ca ngợi lòng hy sinh và tình cảm gia đình, Bán Đảo không thể tạo nên một nốt trầm cần thiết để bộ phim này thêm phần sâu sắc, nhất là khi phần 2 là một phần phim độc lập với phần đầu – mang lại sự tự do sáng tác và không hẳn chịu hết áp lực Chuyến Tàu Sinh Tử lập ra.
Ghé thăm blog nhỏ về phim của mình ở đây bạn nhé: