• Ừm, nhà nó bán hàng, nên cái bàn ăn nhà nó chình ình giữa quầy hàng. Sáng, trưa, tối gì cũng vậy, mỗi lần soạn mâm cơm ra ăn là đều có người vào mua hàng. Có hề gì, nhà bán hàng mà. Nhưng hỡi ôi, làm ơn đừng có nhìn chằm hăm vào cái bàn ăn của nhà nó được không, mất lịch sự lắm. Nhìn chán chê rồi, đừng bàn luận hôm nay ăn gì được không, nhà nó ăn chay hay ăn mặn gì kệ nhà nó, nhà nó ăn thịnh soạn hay ăn qua bữa gì cũng kệ nhà nó, làm ơn đừng chĩa vào bàn ăn nhà nó nữa. Nó vẫn ấm ức lắm, nhà nó ăn sớm hay muộn gì cũng kệ đi, cứ hỏi hôm nay sao ăn sớm thế, sao bữa nay ăn trễ thế. Nhà bán hàng mà, chịu vậy đi.
  • Ừm, nhà nó bán hàng mà, nên mỗi lần gia đình xum họp hay chiêu đãi khách, nhà nó toàn soạn mâm cơm lên tầng trên, ăn cho nó riêng tư, vui vẻ. Nhưng lần nào cũng thiếu 1 người, là má nó, má nó tất bật chạy tới lui làm đồ ăn, đồ nhậu, xong nhập tiệc, má nó bới một tô cơm, xuống dưới nhà coi hàng bán hàng, để cha con nhà nó tiếp khách hay ăn nhậu. Nó lớn hơn một chút thì biết nghĩ, nó nằng nặc không chịu ăn, đòi coi hàng cho má nó lên ăn, mà đâu có được, nó đâu biết giá bán, mà người mua hàng đâu tin nó, chỉ đòi má nó bán mới chịu mua, nên nó đành chịu. Rồi ăn xong, nó biết nghĩ thì nó phụ má nó dọn dẹp, lau dọn bãi chiến trường, và 1 núi chén bát xoong nồi, má nó bảo để đó má rửa cho, đôi lần dành rửa chén được thì nó đỡ áy náy, đỡ cho má nó đôi lần. Nhà bán hàng mà, chịu vậy đi.

  • Cũng bởi nhà nó bán hàng, cũng trên mâm cơm nhà nó đang ăn, người ta vào mua hàng, nhiều lần nó giành đứng lên bán, để má nó được ngồi ăn cho trọn chén, có đôi khi má nó đứng dậy sớm hơn, bà giành bán, và cũng có nhiều người má biết tính mà bán cho họ. Nhưng làm ơn, đừng có vào mua hàng rồi để hàng muốn mua lên bàn ăn nhà nó được không? Mua áo mưa, xé bỏ cái vỏ, cũng để lên bàn ăn, nhà nó đâu có ăn được cái bao đó đâu. Mua băng vệ sinh, cũng để lên bàn ăn nhà nó, ôi chao là chán. Đưa tiền, đừng có đưa ngang qua bàn ăn, đưa ngang qua mặt người ta chớ. Nhà bán hàng thì đành chịu thôi.
  • Ờ, nhà bán hàng mà. Người ta đến mua giờ nào thì lo mà bán, nhăn nhó gì. Giưa trưa đang ngủ à, dậy bán đồ cần thiết, cấp bách cho người ta mau, bán cái móc phơi đồ, bán cái dao cạo râu, bán gói dầu gội ngàn rưỡi chị. Mấy món đồ đó phải mua lúc người ta nghỉ ngơi nó mới đúng bài, mua sớm hơn hay muộn hơn, nó không hiệu nghiệm. Má nó dạy bầy con rồi, nên từ nhỏ, trưa nắng nó không mua hàng hay thấy người ta ngủ là nó lặng lẽ cầm tiền về. “Nhà bán hàng, dậy mà bán cho người ta chớ ngủ nghỉ chi”- nó nghe người ta réo vầy mãi.
  • Ừm, nhà bán hàng mà, ngày nào cũng bán, lễ người ta đóng cửa đi chơi, nó cũng muốn đóng cửa, ít nhất cũng cho má nó nghỉ ngơi dù không đi đâu chơi, mà người ta vẫn tấp nập vào mua đồ, cũng vui mà. Thôi kệ. Nhưng nó vẫn ấm ức mỗi năm gần tết, bà con nhộn nhịp mua sắm, dọn nhà xong đi xem chợ hoa, nó biết má nó thích hoa lắm, nhưng có đi được đâu, ở nhà bán hàng như điên, tới lúc họ hết mua cũng gần hết ngày, mệt phờ, đi đâu nữa, đóng cửa ngủ chớ hoa cỏ gì giờ đó nữa. Năm nào cũng vậy, từ khi nhà nó bán hàng, đêm 30 nào, nhà nó cũng đóng cửa trễ hơn mấy nhà xung quanh. Toàn là mua đồ cúng ông bà tổ tiên, thứ đáng lẽ ra phải sắm đầu tiên từ những ngày chuẩn bị đón tết rồi, chớ không phải là còn vài tiếng nữa bắn pháo bông mới lật đật đi mua. Nó bực mình hết sức, mấy cái đó nó phải có món này món kia mới đủ cúng, mới đúng bài, thành ra người đứng bán thì không có, mà má nó cứ nhặt nhạnh cho đủ lễ bán cho họ. Nó điên lên, nó bảo “năm sau đừng bán nữa, giờ nói bán hết rồi, để cho mấy bả biết năm sau lo mà mua sớm”, má nó tặc lưỡi “thà mình không có, có mà không bán, tội nghiệp họ”. Nó thở dài, đành vậy chớ biết sao giờ, nhà buôn bán mà, nên gần như năm nào, má nó mới có thời gian gội đầu tắm rửa sau khi giao thừa xong.


Và cũng vì nhà nó bán hàng, nó ngộ ra đôi điều ... (còn nữa)