Một cuộc đổi thay

Cách đây độ chục năm, khi mà những ứng dụng gọi xe như Grab, Uber và sau đó là làn sóng của các ứng dụng đặt đồ ăn như Now.vn, Shopee Food,... có những màn chào sân ấn tượng tại thị trường Việt Nam. Kể từ đó những công việc kinh doanh và mưu sinh truyền thống bị thách thức dữ dội trước làng sóng số hóa và cuộc chơi của những ông lớn.
Xe ôm truyền thống có vẻ như là một ví dụ điển hình nhất của cuộc thay đổi này. Những chú chạy xe ôm lớn tuổi không đủ điều kiện để gia nhập cuộc chơi smart phone này đã, đang và có vẻ là sẽ tiếp tục bị bỏ lại như một hệ quả tất yếu. Họ bị đẩy văng ra khỏi thị trường một cách không thương tiếc, khiến cho cái nghề mưu sinh vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Giờ đây, một làn sóng mới đang dần thay đổi thói quen người tiêu dùng và có lẽ sẽ có thêm không ít một cơ số ngành, nghề sẽ bị buộc phải thay đổi theo nếu không muốn bị "cho ra chuồng gà" như cách mà giới trẻ chúng tôi vẫn hay dùng. Làn sóng ấy mang tên ví điện tử.

Nguyên nhân

Có vẻ tất cả những người trẻ chúng ta điều đã không quá xa lạ gì với những ứng dụng thanh toán online như Momo, VN Pay, Zalo Pay,... Với vô vàng những tiện ích và khuyến mãi.
Sức hút không thể chối từ đến từ những khuyến mãi ấy, cộng với sự tiện dụng của thanh toán online đã thay đổi mạnh mẽ thói quen của người tiêu dùng. Cộng với smart phone giờ đây gần như là vật bất ly thân của hầu hết người trẻ.
Việc gạt ra khỏi đầu được những nỗi lo trong việc chi tiêu tiền mặt như rơi ví, dùng nhầm (điển hình là việc nhầm giữa tờ hai mươi nghìn và năm trăm nghìn), tiền giả,... cũng là một trong những lý do lớn khiến người tiêu dùng hiện nay chuyển dần sang thanh toán online.
Cú hích lớn để đẩy việc thanh toán online chiếm lĩnh thị trường một cách đầy thuyết phục chính là đại dịch vừa qua. Khi mà chúng ta còn không dám trò chuyện gần nhau thì việc không cầm tiền của người khác là một lựa chọn không thể tuyệt vời hơn.

Hệ quả

Trước tiên hãy nói về lợi ích.

Dịch bệnh: Đại dịch đã chứng minh một trong những sức mạnh của thanh toán không tiền mặt đó là hạn chế tiếp xúc gần. Làm sao chúng ta biết được, sau đại dịch Covid-19 sẽ không có thêm một đại dịch khác cơ chứ?
Khuyến mãi: Các ví điện tử và các nền tảng tương tự đang chạy đua nhau để chiếm lĩnh thị phần bằng cách liên tục tung ra các khuyến mãi, voucher,... để thu hút người dùng đăng ký mới và ở lại với nền tảng. Điều này một cách trực tiếp đã tác động đến tâm lý tiêu dùng của mọi người, rằng họ đang "có lợi" khi thực hiện thanh toán qua các nền tảng này. Còn việc các khuyến mãi này có giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm hơn hay không thì có lẽ còn cần phải xem xét nhiều điều kiện khác.
Dùng trước trả sau: Bằng việc phát triển như vũ bão của các phương pháp thanh toán không tiền mặt, mở ra một cơ hội tốt đẹp cho các đơn vị tín dụng. Và tất nhiên, họ không bỏ lỡ nó. Cho phép tích hợp thẻ tín dụng, thậm chí là cho phép người dùng chi tiêu tín dụng ngay trên nền tảng của mình mà không cần ra ngân hàng mở thẻ. Một cuộc thay đổi mang tính cách mạng của chi tiêu tín dụng đã mở ra. Người dùng có thể thoải mái chi tiêu trước chỉ bằng những con số "nhún nhảy" trên màn hình mà không bị "nỗi đau mất tiền" như khi chi tiêu tiền mặt. Điều này kích thích người dùng ra nhiều quyết định mua hàng hơn và có xu hướng tăng giá trị hóa đơn của họ hơn. Tất nhiên, cũng như ở trên, việc này có lợi hay hại cho người dùng có lẽ chúng ta cần bàn sâu hơn trong một bài viết khác.
Không tiền lẻ - không có gói đường: Câu chuyện gói đường của chuỗi X có lẽ không còn quá xa lạ với người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn. Giờ đây, chúng ta có thể thở phào vì không cần phải dành một chỗ riêng trên gian bếp để "tích trữ" những gói đường "tiền lẻ" ấy nữa. Tương tự với nỗi đau "gói đường" của người tiêu dùng, thì "tiền lẻ" là một nỗi ám ảnh với những người kinh doanh các mặt hàng có giá trị nhỏ. Giờ đây, tất cả đã được giải quyết chính xác đến từng xu thông qua thanh toán không tiền mặt.

Sau đó là những chuyện buồn

Cũng như cách mà các ứng dụng đặt xe đã đem đến khó khăn chồng chất khó khăn cho các chú xe ôm truyền thống. Giờ đây, ví điện tử cũng đã và đang làm điều tương tự với các chủ cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ mà chủ của nó đa phần là các cô chú lớn tuổi, xa lạ với công nghệ.
Là một người tiêu dùng, tôi cũng không nằm ngoài cuộc đổi thay ấy. Bản thân tôi khi phải chọn giữa hai cửa hàng thì gần như chắc chắn, tôi sẽ ưu tiên cho cửa hàng nào chấp nhận thanh toán không tiền mặt. Vì không chỉ tôi mà rất nhiều người xung quanh tôi, ít khi nào mang theo nhiều tiền mặt trong người.
Dần dà, tôi chợt nhận ra rằng, quy luật thị trường trông có vẻ như là tất yếu ấy. Đang dần dần đẩy những con người vốn đã khó khăn và vị trí khó khăn hơn nữa trong việc mưu sinh. Ngoài việc câu nói "trăm người bán, vạn người mua" không còn đúng nữa. Đến việc nếu không thay đổi thì sớm muộn cũng chẳng có ai đến mua hàng của mình. Các cô chú đã phải rất khó khăn trong việc làm quen với sự đổi thay ấy.
Tuy nếu so sánh với ví dụ xe ôm truyền thông ở trên thì các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn còn dễ dàng hơn trong việc thích nghi với thị trường. Nhưng tôi đã nghe không ít câu chuyện về việc lợi dụng việc chưa quen với công nghệ ấy, nhiều người đã trục lợi bằng cách lừa những người kinh doanh này bằng việc giả vờ thanh toán. Những người mà có lẽ là quá dày dặn trong nghề, giờ đây lại phải chật vật để làm sao không bị gạt đi bởi sự khắc nghiệt của thị trường.

Chút chuyện ngoài lề và cũng là kết bài

Cách đây mấy tuần, tôi có đến mua khóm (thơm) ở xe đẩy của một cô chú lớn tuổi. Hỏi giá xong thì tôi mới phát hiện rằng mình không mang đủ tiền mặt. Tôi ngại ngùng hỏi:
- Cô ơi! Con có thanh toán chuyển khoản hay gì đó khác được không ạ? Vì con không mang đủ tiền mặt...
Đáp lại tôi là một nụ cười đôn hậu, cô cho tay vào túi lấy ra một mẩu giấy nhỏ đã nhàu:
- Con chuyển khoản vào số này nghe con!
Sau khi chuyển xong, tôi đưa màn hình thanh toán cho cô xem. Đôi mắt cô nheo lại, cố nhìn cái dòng chữ nhỏ xíu trong màn hình điện thoại tôi. Nhưng có vẻ như nổ lực của cô không hiệu quả. Cô chờ đợi tin nhắn đến điện thoại mình với một vẻ mặt lo lắng. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, nhưng vẫn chưa thấy tin nhắn đến sau năm phút. Tôi đề nghị được giúp cô vào hộp thư để kiểm tra vì tôi nghĩ điện thoại cô đang bật im lặng nên không nhận được thông báo.
Vào hộp thư thì thấy tin nhắn chuyển khoản, với những con chữ to bằng ngón tay. Tôi thấy sự vui mừng lóe lên trong mắt cô như vừa giải được một bài toán khó. Tôi từ biệt cô với bịch khóm trong tay mà lòng có nhiều cảm giác khó tả và những suy nghĩ vẩn vơ về đời sống con người...