Bắt đầu với câu trích trong sách "Thuật xử thế của người xưa" (Thu Giang, Nguyễn Duy Cần).
"Giữa chốn ba quân có thể đoạt được soái ấn nhưng không thể đoạt được cái chí của kẻ thất phu". Ta biết cho, ai cũng có cái lý của riêng họ, dầu là kẻ tầm thường nhất.
Những tư tưởng này, đã được chứng minh gần đây bởi khoa học Tây Phương, cho rằng khi nhận định một vấn đề đạo đức khó xử, ta ngay lập tức đã quyết định vấn đề đó là đúng hay sai, dựa vào Trực giác. Sau đó, Lý trí của ta mới tham gia vào, và dựng lên những lý lẽ để biện minh cho quyết định đó. Ngay cả khi ta không tìm ra được lý do nào để chứng minh quyết định của ta là đúng đắn, thì ta cũng không muốn tin, vì trực giác và "Thiên kiến xác nhận" chiếm trọn tâm trí ta.
"Đồng với ta, cho ta là phải. Không đồng với ta, cho ta là trái".
"Dùng cường lực, dùng uy thế mà bắt người phải nghe theo mình, không bao giờ được; mà dẫu có được, cũng chỉ là một biện pháp tạm thời mà thôi".
Điều này cũng đúng với tâm lý học hiện đại, khi Jonathan Haidt cho rằng Trực giác của con người giống một con voi, còn Lý lẽ giống người cưỡi voi. Khi trực giác của ta bắt đầu ngả về một hướng nào, lý lẽ liền bắt đầu tìm kiếm các dẫn chứng và lập luận để bổ sung cho trực giác đó, mà bỏ qua hết những tư tưởng trái chiều khác, ít nhất là với phần đông người đọc.
Chính bởi vì lý lẽ không phải là gốc rễ nên khi cả hai bên đều không từ bỏ nguyên tắc của mình, thì hy vọng logic sẽ làm họ hiểu ra và nghe theo lý lẽ chỉ là vô vọng.
"Lý lẽ là, và chỉ nên là, nô lệ của đam mê". (David Hume).
Nói như vậy, không có nghĩa là ta nên bỏ qua hết Lý trí, tất cả lý lẽ mà chỉ tập trung vào việc xác định Trực giác. Nó có nghĩa là, nếu ta muốn thuyết phục hoặc muốn trình bày một quan điểm nào mà ta muốn được người khác đón nhận, thì ta nên tiếp xúc với phần Trực giác của họ, thay vì dùng lý lẽ để lấn át họ.
Điều này liên quan rất lớn đến xu hướng, và
mục đích của những người viết:
Người viết có phải muốn viết để người đọc thay đổi, hoặc ít nhất là cho họ tiếp cận một tư tưởng mới cách hiệu quả? Nếu đúng nhue vậy, ta phải làm cách nào để chạm đến trực giác của người ta muốn thuyết phục trước, chứ không phải bằng lập luận hay đi kèm với công kích cá nhân hoặc tỏ ra người viết thật thượng đẳng. Tất nhiên, trừ khi bản thân người viết thuộc dạng Chí Phèo, tức là viết để thỏa cái tham dục của mình chứ không vì mục đích Nhân loại. Một mục đích viết hiệu quả, tức là truyền đạt cái ý tưởng của mình sang người khác cách dễ dàng.
Vậy, ta thực hiện bằng cách nào? Minh triết Đông Phương cho ta câu trả lời: Chữ "Lễ".
"Lễ, là nhún nhường, đem cái bản ngã của mình để sau kẻ khác, đâu phải vì giả dối du mỵ để mưu lợi cho mình. Lễ, là tránh cái đau khổ cho bản ngã kẻ khác bằng cách hy sinh bản ngã của mình. Lễ, là không chạm đến lòng tự ái của ai cả. Lễ, là che cái xấu, giấu cái dở và biểu dương cái hay cái đẹp của người ta. Phải là một người không ích kỷ, diệt được cái bản ngã của mình rồi mới làm nổi việc ấy, làm một cách thản nhiên, vô tư lợi..."
Khi viết, ta tránh làm cho người đọc cảm thấy mình đần. Khi con voi đang ở trong trạng thái chiến đấu, ta không thể thuyết phục bằng lý lẽ được. Những nghiên cứu hiện đại về Tâm lý học xã hội của Haidt gần đây đã xác nhận điều đó, trong khi minh triết Đông Phương đã có hướng giải quyết từ lâu.
Vì thế, những bài viết khêu gợi, kiểu một góc nhìn, tiếp cận nhẹ nhàng sẽ hiệu quả hơn nhiều, vì nó không đưa ra lý lẽ để bẻ gãy luận điểm, mà nó hướng thẳng vào trực giác và để ta tự phản biện các tư tưởng đó, thay vì vất vả lập luận dùm ta.