Đám cưới theo đúng nghĩa là một ngày vui của cô dâu và chú rể. Vào ngày hôm đó, cả hai bên gia đình sẽ tổ chức một buổi tiệc, nhỏ to tuỳ ý, và mời bạn bè, người thân đến chung vui, mục đích là để chúc phúc cho cô dâu và chú rể trăm năm hạnh phúc, sống với nhau đến đầu bạc răng long. Và tất nhiên, những người được mời đến đám cưới cũng sẽ có một chút quà dành tặng cô dâu, chú rể, ít hay nhiều chứ ít ai đi người không, trừ những trường hợp hết sức đặc biệt.
Ở phương Tây, khách mời đến đám cưới thường không mừng tiền như ở Việt Nam mà sẽ tặng cô dâu, chú rể những vật dụng trong nhà như bát, đĩa,... hoặc cô dâu, chú rể sẽ khéo léo thông báo món quà mình muốn tặng, thậm chí là cả địa chỉ để khách đi mua. Nhìn chung, ở phương Tây, họ không câu nệ chuyện quà cáp, đám cưới phần lớn cũng gọn nhẹ hơn, chủ yếu mời bạn bè và những người thực sự thân thiết đến tham dự.
Ở Việt Nam thì khác, cũng do văn hoá nên đám cưới linh đình hơn, mời nhiều người hơn, một đám cưới có khi lên đến một hai trăm người là còn ít. Tất nhiên, đám cưới đông người cũng không sao, nhưng điều đáng bàn nhất ở đây là việc đi đám cưới và mừng đám cưới. Một số gia đình biến đám cưới trở thành cái nơi để hoà hảo các mối quan hệ của bố mẹ chứ chẳng phải của con cái. Có những bố mẹ mời đến đám cưới của con mình không chỉ người thân mà còn cả những người mới gặp mặt một, hai lần, với mục đích để xây dựng mối quan hệ tốt, sau này còn nhờ việc này việc kia. Ở phương Tây nếu không đi đám cưới bạn chỉ cần báo trước cho cô dâu chú rể và có thể gửi quà mừng cũng được, nhưng ở Việt Nam, không đi được đám cưới bạn vẫn có thể làm như thế nhưng kéo theo là không biết bao nhiêu suy nghĩ ngờ vực như: Hay là nó không thích mình nên mới không đi đám cưới nhỉ? Hay tệ hơn nữa là nó không đi đám cưới con mình thì đám cưới con nó mình cũng chẳng việc gì phải đi. Hơn nữa, người Việt Nam thường có thói quen mừng tiền đám cưới, chứ ít ai tặng cô dâu chú rể đồ gia dụng như ở phương Tây. Và vô hình chung, việc này khiến đám cưới như một cái chợ trao đổi. Trước khi đi đám cưới phải cân nhắc xem người này có thân thiết với mình không, hay thậm chí là người này có làm to không để sau này còn nhờ vả. Và nếu câu trả lời là có thì người đi sẽ mừng số tiền thật lớn, ý muốn để gia đình khi về kiểm tra tiền mừng thì còn lưu tâm và chú ý đến mình. Và gia đình có đám cưới thấy người ta mừng tiền nhiều như thế cũng tự biết đến đám cưới của con khách mời, mình “chắc chắn” sẽ phải đi, và số tiền mừng ít nhất là tương đương, thậm chí là nhiều hơn, không bao giờ được ít hơn, nếu không sẽ bị coi là không biết điều và ki bo.
Cứ thế, một số người Việt biến đám cưới của con cái thành một cuộc trao đổi tiền bạc, mối quan hệ. Ở cái thời buổi mà người ta nhìn vào độ dày của phong bì để xây dựng mối quan hệ thì việc đi đám cưới và mừng số tiền xứng đáng là điều cần phải làm nếu muốn duy trì mối quan hệ hoà hảo và thuận buồm xuôi gió sau này. Và thế là đám cưới vô hình chung trở nên gượng ép, mệt mỏi khi đi đám cưới của người khác thì phải biết “liệu người mà mừng”, còn đám cưới của mình hay con mình thì phải xem xét lại các mối quan hệ thông qua độ dày của phong bì. Đám cưới mất đi cái tính chất ban đầu của nó, không là ngày vui, ngày đại hỷ nữa, mà trở thành cuộc cân đong đo đếm tiền bạc, vật chất, và mối quan hệ không phải của con cái (chắc cũng có nhưng ít hơn) mà đa phần là của các bậc cha mẹ.