https://www.artstation.com/artwork/k4lw3n
https://www.artstation.com/artwork/k4lw3n
Dạo này mọi người nói nhiều về chia sẻ, nhưng mình vẫn thấy quanh đi quần lại vẫn chỉ nói về một vài vấn đề căn bản, như không có ai lắng nghe, không được dạy để biết cách chia sẻ, hoặc bị cô lập cô đơn đến lạ thường. Vấn đề là, nếu như mọi người vẫn chỉ nghĩ rằng đó là lý do duy nhất và lớn nhất ngăn cản văn hoá chia sẻ, thì sớm thôi, những người tốt nói lên điều đó rồi cũng sẽ lại bị đẩy vào đường cụt của việc ngừng chia sẻ, cũng như lòng tốt của họ ngày nào đó cũng sẽ lại cản trở sự sẻ chia ở người khác.
Rất nhiều khi chúng ta quyết định không chia sẻ không phải vì sợ nhận được phản ứng tiêu cực hoặc tồi tệ, mà vì những phản ứng thông thường có thể đoán được.
Ta ngại không chia sẻ về tình trạng sức khoẻ không phải vì nói ra bị gạt đi, mà vì sợ gây ra sự lo lắng ở người khác. Bố mẹ xa nhà nghe tin con bị ốm lo lắng bồn chồn như thể sắp mất con đến nơi, người yêu ở xa cũng sốt sắng hết dặn dò cũng tranh thủ nói rằng “anh/em lo cho em/anh lắm lắm”. Chính sự lo lắng bản năng này phần nào đã khiến người ta ngại muốn phát hiện, hoặc ngại muốn xác nhận tình trạng sức khoẻ của chính mình. Người ta sẽ có xu hướng chia sẻ các vấn đề này với những người bình tĩnh, chuyên nghiệp và có khả năng hướng dẫn giải quyết vấn đề từng bước một cách rõ ràng. Ta không cần những khuôn mặt thất thểu lo lắng hiện lên video call hỏi “có sao không”, ta cần một người đủ bình tĩnh để ngay cả khi đứng trước vũng máu cũng lạnh lùng biết rằng cần phải băng bó ở đâu để cầm máu ngay lập tức, và tiếp theo sẽ làm gì. Chia sẻ lúc này là vấn đề sống còn, và sự giúp đỡ một cách có hiểu biết - chứ không phải cảm thông hay thấu cảm - mới là thứ đảm bảo rằng việc chia sẻ ấy sẽ diễn ra.
Ta cũng không ngại chia sẻ chuyện buồn trong quá khứ vì sợ người khác cười vào mặt, mà vì những phản ứng “xin lỗi”, “tôi rất tiếc” và một loạt các phản ứng xã hội kiểu chia buồn bối rối thường xuyên hiện lên ở người xung quanh. Bạn có thể lần đầu nghe, nhưng họ không phải lần đầu kể. Có những chuyện buồn người ta đã vượt qua rồi và không còn thực sự cảm thấy buồn đến thế, phản ứng buồn bã của người nghe mới là thứ khiến họ cảm thấy buồn. Bố mẹ mất vì tai nạn thì câu chuyện đẹp đẽ thời thơ ấu mình từng trải qua kể ra cũng chẳng ai cười hay chia vui. Mối tình đã kết thúc được người nghe kỳ vọng là không hay ho và chưa đủ tốt đẹp, nên toàn bộ mọi kỷ niệm hay ho từng xảy ra cũng bị ám cùng loại cảm xúc với cái kết của chuyện tình ấy. Ta không thể dối lừa bản thân rằng ngoài những ngày buồn thì có rất nhiều ngày vui, nhưng người khác không muốn ta cảm thấy vui khi kết thúc của chuỗi ngày ấy là một câu chuyện buồn. Thế nên, ta nói về 1% câu chuyện nhưng giữ kín 99% còn lại vì chẳng còn ai thực sự bình thản lắng nghe mà không bias cảm xúc do biết trước cái kết. Cuộc đời lúc này như một bộ phim đã bị spoil: cái kết đã có, diễn biến trước đó chẳng còn quan trọng. Sự an ủi, vì thế cũng cản trở người ta chia sẻ và kiểm duyệt cách câu chuyện đã diễn ra.
Ta cũng không ngại kể chuyện đời mình bởi nó không thú vị hay đáng nghe, mà bởi nó quá thú vị. Vấn đề của những người lắng nghe là họ không thực sự còn khả năng bình tĩnh lắng nghe ở những chuyện họ chưa từng nghe bao giờ. Như việc bạn không thể nghe được mọi thể loại nhạc, không thể xem mọi kiểu kịch bản phim, hay đọc mọi câu chuyện… mà không cảm thấy khó hiểu, khó chấp nhận; bạn cũng không thể lắng nghe chia sẻ nhiều kiểu tâm sự như bạn nghĩ. Thế nên, rốt cuộc cái việc được cho là nên được làm một cách thoải mái không kiểm duyệt, vốn luôn bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt gắt gao nhất. Người ta được kỳ vọng sẽ chia sẻ về những áp lực thông thường liên quan đến công việc học hành hay các mối quan hệ, những vấn đề thông thường, và những trăn trở thông thường. Vì vậy, nghịch lý là khi bạn gặp những chuyện cần chia sẻ nhất (tức khó có thể tự giải quyết được vì nó quá mới và lạ), thì bạn lại càng khó chia sẻ, và càng có ít hơn người lắng nghe phù hợp. Tất cả mọi người đều nghĩ họ có thể lắng nghe tất cả mọi thứ, cho đến khi họ thực sự lắng nghe một số thứ rồi thay đổi suy nghĩ.
Hoặc đôi lúc ta không chia sẻ không phải vì không có bạn, ta chỉ sợ chia sẻ xong thì mất bạn. Mất ở đây có thể là mất luôn một người bạn, hoặc đơn giản là bạn vẫn ở đó, nhưng tình bạn thì đã khác đi.
Và còn rất rất nhiều vấn đề khác. Có nhiều chuyện buồn cười theo kiểu, ta đã ngừng tiếc và ngừng buồn vài năm rồi, nhưng khi kể nó ra, ta lại thấy mọi người tiếc và buồn. Sự chia sẻ lúc này kéo người ta về với vấn đề cũ nhiều hơn là giải phóng họ khỏi đó. Hoặc đôi lúc người lớn khi ngồi chia sẻ với nhau bỗng dưng trở thành một đám trẻ con: đứa thì bối rối, đứa thì chỉ chăm chăm dỗ dành "không sao đâu". Người yêu của bạn sẽ dặn dò bạn như thể IQ của bạn chỉ có 40, bố mẹ của bạn sẽ dặn dò bạn như thể bạn đang ở tuổi mặc bỉm, và bạn bè của bạn không còn nhìn bạn như một người trưởng thành đủ khả năng nhận thức nữa. Ví dụ vậy.
Hoặc người ta sẽ không còn xem bạn như một cá nhân đủ khả năng thay đổi bất kỳ điều gì nữa, mà nói như thể bạn là nạn nhân của thời đại, của xã hội và vấn đề của bạn chính là một kiểu số phận đã bị áp đặt. Wow, thật có ích, khi giết chết một người khi họ vẫn đang còn sống bằng cách nói cho họ nghe một mớ triết lý rởm đời mà chính người nói cũng chẳng hiểu toàn bộ - và người nói nghĩ rằng đây là một cách để "an ủi". Hoặc đơn giản là ta không muốn nói ra cùng một vấn đề đau đầu với mười người khác nhau, để rồi nhận lại kết quả là mười một đứa ôm đầu than đau quá, mà chẳng ai tìm ra được cách giải quyết. Làm vậy cũng chẳng để làm gì, ta nghĩ, và ta không chia sẻ không phải vì muốn mà không có cơ hội làm, mà vì ta chủ động không muốn làm thế vì tự cảm thấy giữ yên lặng sẽ tốt hơn. Lòng tốt, chính nó, tất nhiên không thực sự giúp thế giới trở nên tốt đẹp. Như các ví dụ phía trên, ngay cả khi mọi người dường như đều có lòng tốt, kết quả sinh ra từ lòng tốt ấy xem chừng không thực sự tốt lắm.
Chia sẻ và lắng nghe không chỉ là bản năng hay hành vi đạo đức, đó là một thực hành xã hội cần nhiều kỹ năng. Bạn không thể cứ đẻ ra với bộ não và đôi tai, cùng trái tim nhân hậu, thì có thể trở thành một người lắng nghe. Trở thành người tốt, thực sự tốt, cần nhiều nỗ lực hơn là chỉ làm những việc ta cảm thấy tiện lợi và phù hợp với bản thân. Ta cần học để biết cách lo lắng cho các vấn đề sức khoẻ người thân, cần quan sát để biết nên phản ứng như thế nào khi nghe người lạ kể chuyện, và cần sự hiểu biết cực rộng để đảm bảo có thể lắng nghe được đủ thứ chuyện kỳ lạ trên đời mà không bị sốc hoặc bối rối. Hành xử một cách bản năng, sớm hay muộn, ta cũng sẽ đánh rơi khả năng giao tiếp mà ta từng nghĩ mình rất giỏi. Ta sẽ thấy người yêu của mình vốn từng yêu nhau nhờ vào việc chia sẻ tâm sự cho nhau nghe, lại bắt đầu giấu diếm hết chuyện này đến chuyện khác.
Suy cho cùng, diễn ngôn về chia sẻ phần nào cản trở chính việc chia sẻ. Đôi lúc người ta kỳ vọng quá nhiều vào việc chia sẻ, để rồi đen đủi một lần thất vọng và từ đó về sau chỉ còn giữ im lặng. Hiển nhiên là ở bên trong thế giới này, người phù hợp thì ít hơn người không phù hợp. Việc chia sẻ vô tội vạ cũng như đi đêm, ngày gặp ma chỉ là sự kiện không đến sớm cũng đến muộn. Chia sẻ vấn đề lúc này không chỉ không giúp giải quyết vấn đề, thậm chí còn phát sinh vấn đề mới. Rồi mỗi người lại thu về với chính mình, giữa họ và người xung quanh luôn luôn là mối quan hệ rạch ròi: họ, và người xung quanh.
Chúng ta luôn phải tự đi tiếp với phần lịch sử hoàn toàn thuộc về mình. Những chuyện đã xảy ra không bao giờ biến mất, mà chỉ nhiều hơn mỗi ngày. Quá khứ là một thứ gì đó nặng nề và luôn ở đó. Nó không phải thứ ta sở hữu, mà nó chính là ta. Bạn không nắm giữ quá khứ như thể đó là thứ gì thuộc về sở hữu giống một chiếc xe đạp cũ, mà bạn chính là thứ đã được tạo ra bởi toàn bộ những gì gọi là quá khứ. Những người đi qua đời ta rồi sẽ vĩnh viễn biến mất trong tầm mắt, có thể mãi không bao giờ gặp lại, nhưng ta có thể ngay lập tức hình dung ra và kể xem trong đời mình ai là những người như vậy, bởi gì họ sẽ không bao giờ thực sự biến mất. Trên thực tế, họ luôn hiện diện mãi cho đến khi bạn biến mất.
Và rồi các bạn trẻ cũng sẽ nhận ra rằng tới một lúc nào đó, việc chia sẻ sẽ dần trở nên quá khó khăn, bởi vì có quá nhiều thứ đã xảy ra và chẳng còn biết phải bắt đầu từ đâu nữa. Bạn cũng sẽ tự hỏi xem liệu việc đó có còn quan trọng hay không, lặp đi lặp lại sự chia sẻ ấy với những người mà vốn cũng sẽ biến mất vào một ngày nào đó.
Đó là lý do người ta sẽ tìm đến một nhà trị liệu chuyên nghiệp. Và họ nên làm vậy.