Về vấn nạn "Bắt nạt học đường" - "Hãy tìm cách, đừng chỉ tìm lý do!"
Khi tìm hiểu về tâm lý học, có một lý thuyết mà mình luôn luôn tin tưởng, đại khái là: những chuyện xảy ra với bản thân trong suốt...
Khi tìm hiểu về tâm lý học, có một lý thuyết mà mình luôn luôn tin tưởng, đại khái là: những chuyện xảy ra với bản thân trong suốt quá trình từ bé đến lớn đều ít nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và tâm lý của một người, và đi theo người đó trong suốt quãng đời còn lại.
Thời đi học, mình cũng từng là nạn nhân của nạn bắt nạt học đường, nhưng thật may mắn, những ký ức buồn ngày ấy dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến mình của sau này (nhân cách và tâm lý của mình thì chịu tác động bởi những biến cố khác). Nhớ hồi lớp 4, lớp 5, có một nhóm bạn bè trong lớp thường trêu chọc và gọi mình với cái tên rất khó chịu: virus (??) Cái tên này không chỉ gây khó chịu mà còn khó hiểu nữa, nhỉ (nếu như bạn đang muốn hỏi mình cái tên kia có ý nghĩa gì)? Không chỉ bị gọi tên như thế, mình còn thường bị phản bác, trì chiết mỗi lần đưa ra ý kiến, hay tệ hơn nữa là bị xa lánh, cô lập. Trẻ con mà, nên chúng nó rất dễ a dua theo đám đông để cùng hùa vào bắt nạt một đứa (là mình).
Đúng sai như nào, nguyên nhân do ai, đến giờ mình không nhớ nổi. Chỉ nhớ được những cảm giác tủi thân, bất lực, bực bội, ghen tức,... của một đứa trẻ mới lên 9 hồi đó. Vì sau cùng, điều mà người ta dễ ghi nhớ nhất lại chỉ là cảm xúc mà thôi, đúng không?
Nhưng những cảm xúc ấy chỉ hiện về khi mình cố gắng nhớ lại thôi, như hôm nay chẳng hạn. Thực ra mình không hề quên, nhưng mình không bị ám ảnh hay ghi nhớ thường xuyên về cái chuyện thời bé tí ấy nữa. Vì thứ nhất là, ngoài nhóm bạn không tốt kia ra thì mình vẫn có một vài người bạn tuyệt vời (chơi với mình đến tận bây giờ), nên bên cạnh những ký ức buồn thì cũng có những kỷ niệm khá vui, và mình thường chỉ nhớ đến những điều vui vẻ đó. Thứ hai là, về sau mình và một vài người bạn từng ghét nhau hồi đó cũng có làm lành, xin lỗi nhau, rồi cùng cười với nhau vì chả hiểu sao hồi đó lại ghét nhau đến thế, vậy nên mình cũng chẳng còn thù hằn gì trong lòng nữa cả. Với mình thì hai lý do trên vẫn chưa đủ thuyết phục để giải thích, nên mình có thêm lý do thứ ba: là do ... mình may mắn (mình biết lập luận này là mông lung vô cùng, nhưng trong khi đợi mình tìm hiểu được lý do thực sự - nếu mình còn suy nghĩ về vấn đề này - thì cứ tạm coi là đúng đi vậy).
Vấn đề là, không phải ai cũng "may mắn" như thế. Mình có một đứa bạn bị trầm cảm. Gần đây khi thấy tình trạng của nó ngày càng tệ hơn, mình đã suy nghĩ khá nhiều và cố gắng tìm ra nguyên nhân cho những tổn thương tâm lý của nó. Vì mình biết rằng nguyên nhân của trầm cảm không chỉ đến từ những vấn đề ở hiện tại, mà còn có thể đến từ những chuyện không vui trong quá khứ, mà có thể chính người trầm cảm cũng không hề nhận ra những chuyện đó. Ngoài những vấn đề ở hiện tại mà bản thân nó cũng tự nhận thức được (đến từ gia đình và chuyện tình cảm), thì mình nhận ra cả những tổn thương từ thời đi học. Hồi đó nó cũng bị coi là cái gai trong mắt bạn bè cùng lớp, và do đó cũng bị bạn bè đối xử bất công, chơi đểu, xa lánh, và "tao có bị bắt nạt" - nó trả lời khi mình hỏi. Chơi cùng nó nhiều năm rồi nên mình hiểu, ngay từ thời đi học nó đã có một vài suy nghĩ khó hiểu, đôi khi là kỳ quặc, và theo thời gian, những suy nghĩ cứ sai lệch dần khi nó chịu thêm cả những tổn thương khác nữa. Rồi đến một thời điểm, bác sĩ xác nhận rằng nó trầm cảm rồi!
Đưa ra dẫn chứng của mình và của bạn mình trong việc trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường, không phải để mình phân bua hay tố cáo ai đúng ai sai, cũng không phải để nhận lòng thương của mọi người, mà để thấy rằng nạn nhân của vấn nạn ấy hiện hữu ở khắp mọi nơi, có thể là chính những người thân thiết xung quanh chúng ta. Và dù có những người ít bị ảnh hưởng như mình, hay như bạn, thì cũng có những người sẽ vô thức đem theo những tổn thương đó trong suốt những năm tháng sau này, như bạn mình, và rất nhiều người khác nữa. Bắt nạt học đường đã xảy ra thường xuyên đến nỗi mà mọi người đều coi nó là chuyện bình thường, rồi tặc lưỡi cho qua bằng một câu lý giải: "Trẻ con mà..."
Nhưng mọi người ơi, thường xuyên đâu có nghĩa là bình thường đâu! Chỉ là do chúng ta đã quá dung túng với sự ngô nghê của trẻ con mà thôi. Đúng, trẻ con thì chúng nó chưa biết, chưa hiểu chuyện. Và đúng, quan điểm của mình là không biết thì không có tội. Nhưng còn người lớn chúng ta thì sao? Chúng ta đủ lớn để hiểu những chuyện lớn lao nhưng lại không hiểu được những chuyển tưởng chừng nhỏ nhặt ấy phải không? Khi thấy những hành động sai lệch từ con trẻ thì phải giảng cho tụi nó hiểu chứ. Và đáng ra là nên giáo dục trước khi những hành động đó xảy ra, tức là ngay từ khi chúng mới bước chân vào môi trường có giao tiếp xã hội (mẫu giác hoặc lớp 1), để chúng có thể có nhận thức đúng đắn về hành động tưởng chừng vô hại của mình chứ!
Nói thì dễ vậy chứ mình cũng hiểu vấn đề của người lớn trong chuyện này. Là bởi người lớn đôi khi không thể biết được cách cư xử của con/em mình với bạn bè xung quanh như thế nào, nên không thể biết được hành động của chúng đang là sai hay đúng. Là bởi người lớn thường xem nhẹ những vấn đề to lớn trong mắt bọn trẻ con, nên thường bỏ qua những xích mích, bất đồng, hay những tâm lý tiêu cực của chúng trong các mối quan hệ xung quanh. Hoặc là bởi người lớn thương không biết cách trò chuyện với trẻ con, chứ chưa nói đến việc giáo dục chúng sao cho đúng cách. Và là rất rất nhiều vấn đề của người lớn khác nữa ... Nhưng mà hãy tìm cách, đừng chỉ tìm lý do!
Thú thực, mình cũng thấy việc trò chuyện với trẻ con, cụ thể là em gái mình (kém mình 10 tuổi), khá là khó. Nhưng khó thì vẫn phải kiên trì mà làm. Bài học về sự bắt nạt kia, mình cũng đã từng tìm cách nói cho nó hiểu một vài lần rồi. Mình cố gắng tìm cách diễn đạt đơn giản nhất, lấy những ví dụ đơn giản nhất, thực tế nhất để nó hiểu. Mình thường hay kể (thật ra là bịa) chuyện của mình trước, chẳng hạn: "Ở lớp chị có bạn cư xử lạ cực", rồi mới lân la hỏi: "Ở lớp em có bạn nào thế không? Em có khó chịu với bạn đấy không? Em có ghét bạn đấy không? Có blah blah không....?", cốt là để nó có thể tin tưởng mình mà chia sẻ thật. Rồi mới dần dần bẻ lái: "Nếu chị là em, thì chị sẽ....", để nó có thể tiếp bài học một cách tự nhiên nhất. Nói chung là có rất rất nhiều cách để trò chuyện cùng trẻ con. (Nói thế chứ 10 lần cố gắng để nói chuyện kiểu này thì mình cũng thất bại đến 5 lần, nản cực kỳ, nhưng mà vẫn phải làm thôi!)
Vậy thôi, bài viết hơi dài do mình cũng có nhiều suy nghĩ về chủ đề này, và nhân sự việc liên quan đến bắt nạt học đường đang nổi gần đây, mình mới có động lựa để viết chúng ra. Tóm cái váy lại, mình mong rằng mỗi chúng ta sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc giảm vấn nạn bắt nạt học đường chứ không chỉ dừng lại ở việc phân tích người đúng kẻ sai!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất