Ai cũng nói chị tôi số sướng vì chị có một mẹ chồng rất yêu thương và biết 'hy sinh' cho con cái.
Mẹ chồng chị là một mẫu phụ nữ thôn quê chuẩn truyền thống. Dù ở thành phố cùng các con, mỗi ngày bà dậy từ 5 giờ sáng, nấu cơm sáng và chuẩn bị cơm trưa cho các con đi làm lúc 6 giờ. Sau đó bà quét nhà lau nhà, giặt giũ trước khi cho hai đứa cháu dậy lúc 8h giờ, rửa ráy vệ sinh, nấu ăn sáng khẩu phần riêng cho hai đứa, rồi để các cháu cho ông trông. Trong lúc đó, bà đi sắp xếp nhà cửa, chuẩn bị nấu bữa trưa. Ăn trưa xong thì rửa bát và đi nghỉ.
Buổi chiều lại một vòng lặp cho cháu ăn cơm, uống sữa, đưa cháu ra ngoài thể dục trước khi về tắm rửa, nấu cơm đợi các con 7 giờ tối về cùng ăn. Khi ăn bà cũng có thói quen ăn thật nhanh trước cả nhà rồi ra trông cháu cho các con ăn cơm. Sau đó là dọn dẹp và gập cất quần áo cuối ngày. Hai đứa cháu nghịch ngợm nên bà phải đợi dỗ cho chúng ngủ đến khoảng 11 giờ đêm. Thế là hết một ngày. Mỗi lần sang chơi, tôi đều phải khâm phục vì bà có một sức bền phi thường có thể làm việc quần quật không ngơi từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
Vậy trong khi bà tất bật như thế, những người khác làm gì? Ông thường sẽ giúp trông cháu lúc bà dọn nhà, nếu không thì nằm đọc báo, xem tivi, nghe radio. Thậm chí trong bữa ăn, nếu thiếu cái đũa cái thìa, ông chẳng thèm đứng lên mà chỉ cần bảo bà thì bà sẽ đứng bật dậy đi lấy cho ông. Anh chị tôi thì đi làm từ sáng tới tối mới về, nhiều khi còn ở lại bệnh viện trực. Những lúc hiếm hoi ở nhà, anh chị không cần làm gì nhiều, chủ yếu là nghỉ ngơi và chơi với con. Thỉnh thoảng cuối tuần chị tôi mới nấu ăn đổi món cho cả nhà. Dù có hai con nhỏ nhưng chị tôi vẫn có thể ra ngoài đi học thêm các lớp kỹ năng buổi tối, gặp gỡ bạn bè vì ngay từ lúc hai đứa mới sinh bà nội đã nhận chăm cháu để tránh chúng quá bám mẹ để mẹ đi làm.
Đúng là không ai trên đời may mắn hơn anh chị tôi được. Tình yêu thương và sự hy sinh của một người phụ nữ, một người mẹ khiến bà sẵn sàng làm hết tất cả mọi việc, dành lấy phần vất vả cho mình, để lại cho chồng con phần sung sướng. Bà "hy sinh" tới mức trong tủ quần áo chỉ vài bộ mặc nhiều năm, mua mới bà cũng không thích dùng. Bà từng thổ lộ với mẹ tôi cả đời bà chưa bao giờ được chồng bóp đầu cho hay săn sóc khi ốm và bà không dám yêu cầu ông làm vậy.
Bà cũng chẳng có thời gian cho chính mình. Một lần các bà trong xóm rủ nhau đi xem ca nhạc cuối tuần, bà cũng muốn đi mà không dám nói với con. Lúc sau anh chị biết hỏi sao bà không nói để anh chị sắp lịch trông con cho bà đi chơi, bà bảo không cần thiết. Bà chỉ ra ngoài vào một số ngày rằm ngày lễ để đi chùa, ăn chay lễ Phật, nấu cơm cho các sư thầy, nhưng cũng là để cầu xin cho chồng con và cả gia đình bình an. Nếu có giải thưởng trao huy chương cho người mẹ 'hy sinh' vì con nhất Việt Nam, thậm chí nhất thế giới, tôi cảm thấy không có ai xứng đáng hơn bà.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Nhưng bà chưa bao giờ được nhận được bất cứ một huy chương nào. Tôi luôn tự hỏi bà hy sinh nhiều như vậy, bà nhận lại được gì? Bà có hạnh phúc với cuộc sống của mình không? Tôi đoán là chắc là có. Vì bà đã gắn hạnh phúc của mình với sự hy sinh, với hạnh phúc của gia đình, nên chắc sự hy sinh của bà càng lớn thì bà càng cảm thấy hạnh phúc chăng?
Tôi cũng không biết nữa, nhưng chỉ có một điều tôi dám chắc, đó là thế hệ tôi, chị tôi và con gái bà không thể làm được như bà, và cũng không đời nào chọn làm như bà. Nếu bà sống vì chồng con THAY VÌ bản thân, chúng tôi sẽ chọn sống vì bản thân VÀ chồng con hoặc ngược lại - vì chồng con VÀ vì bản thân. Công thức ở đây là cộng thêm vào, chứ không phải trừ bớt đi, càng không có chuyện trừ bớt yếu tố "bản thân mình".
Có thể tôi là người 'ích kỷ', nhưng tôi sẽ không bao giờ quên đi bản thân, nhận hết thiệt thòi về mình để người bên cạnh được sung sướng. Đơn giản vì tôi không tin vào chữ "hy sinh", càng không nghe những lời lừa dối kiểu "phụ nữ là phải hy sinh", "hy sinh là đức tính cao đẹp của phụ nữ." Tôi xin theo phe đạo diễn Lê Hoàng trong chuyện này.
Theo lời ông "Tại sao những người phụ nữ cứ phải hi sinh mới là tốt? Tại sao họ cứ nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn vui chơi, nhịn đủ thứ cho chồng, cho con thì mới được đề cao? Phụ nữ cũng có 1 cuộc đời như đàn ông, đã thế, do giới tính, họ còn gặp khó khăn hơn đàn ông rất nhiều trong mọi mặt. Họ phải có quyền sung sướng, quyền hưởng thụ, quyền vui chơi hơn tất cả chúng ta thì mới đúng. Tại sao họ cứ “bị” phải hi sinh? Tôi thấy đã tới lúc không nên lạm dụng mãi điều đó, và càng không nên coi đức tính hi sinh là 1 cái gì bất biến, cần phát huy và bảo tồn trong người phụ nữ."
Tôi biết đạo diễn Lê Hoàng là người có nhiều phát ngôn gây sốc đối với công chúng. Nhưng là một người phụ nữ, khi đọc những chia sẻ này của ông, tôi cảm thấy được an ủi. Tôi thấy ông thực sự suy nghĩ cho phụ nữ chúng tôi và mong muốn chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi cũng tin rằng nếu phụ nữ có cuộc sống của riêng mình, có những giá trị do chính mình tạo ra, họ sẽ toả sáng rực rỡ. Khi đó, họ không chỉ mang lại cho con cái mình tình yêu thương và sự hy sinh, họ sẽ mang cho con một hình mẫu. Họ sẽ cho con thấy phải sống cuộc đời mình như thế nào, phải nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn ra sao, biết cách tận hưởng cuộc sống như thế nào.
Quan trọng hơn, khi phụ nữ biết sống cho chính mình, họ không phải đem cuộc đời mình ra đánh cược rằng nếu mình hy sinh tất cả cho chồng con, đổi lại chồng con sẽ có nghĩa vụ tận tuỵ với mình tương đương như vậy. Hãy nhìn thẳng vào thực tế, đó là một canh bạc mà phần thua chắc hơn phần thắng.
Khi phụ nữ sống cho chính mình, con cái họ cũng không phải mang gánh nặng rằng "mẹ đã hy sinh cả đời cho mình, mình mang nợ mẹ không bao giờ trả hết nên mình không thể trái lời mẹ." Tôi luôn nói với mẹ tôi: mẹ hy sinh cho con đủ rồi, bây giờ mẹ đã 50 tuổi rồi, mẹ sống cho mẹ đi! Mẹ thích ăn cái gì thì ăn, thích mua cái gì thì mua, thích đi du lịch đâu thì đi, không đủ tiền thì chúng con hỗ trợ. Nếu mẹ vui vẻ hạnh phúc, bọn con cũng vui vẻ hạnh phúc. Bọn con ở xa không thể yên tâm nếu mẹ cứ suốt ngày chắt bóp chi tiêu, không dám ăn không dám mặc vì bọn con. Nếu mẹ yêu con thì mẹ sống vì mẹ trước đi. Con cần mẹ làm như thế.
Không biết người khác thế nào, nhưng đó là suy nghĩ thật của tôi. Bản thân tôi sau này có con cũng không muốn con mình phải sống với mặc cảm và ràng buộc tôi đã hy sinh quá nhiều cho chúng và chúng mắc nợ tôi suốt đời. Tôi muốn hình ảnh tôi để lại trong các con sau khi ra đi không chỉ là sự hy sinh mà hơn thế, là sự tự tại và truyền cảm hứng. Tôi vẫn sẽ yêu các con hết mình, chăm sóc cho chúng nhưng tôi cũng sẽ không quên yêu thương và sống cho bản thân. Đó là cách tôi tôn trọng chính tôi và các con tôi về sau.