(Suy tưởng về vụ của cô giáo M.T, hot girl dạy môn Vật Lý).

1. Đám đông hỗn loạn.

Nguồn gốc của việc cô trở nên nổi tiếng, có lẽ vì hình ảnh cô xây dựng trong một khoảng thời gian nhất định: Năng động - xinh đẹp - tài giỏi. Có ai mà không thích một người nữ như vậy?
Đám đông cũng vậy, họ lao vào "Xâu xé" cô, bằng những comment thô tục, dâm đãng. Họ như con đực muốn thỏa mãn khao khát tình dục, và bất chợt nhìn thấy một Hình mẫu hoàn hảo trên mạng. Trong trường hợp này, đám đông, hoàn toàn theo bản năng, tận dụng được lợi thế của mạng xã hội, thỏa mãn được dục tính của mình, khi xem những comment trên mạng như một phương pháp giải tỏa ức chế tình dục, là thứ mà đám đông không thể có.
Rõ ràng, đám đông sai hoàn toàn trong chuyện này, phần lớn (Theo người viết) là do giáo dục.
Tuy nhiên, chỉ xét một mặt này thì không đủ, ta phải thảo luận về việc có hay không, trách nhiệm của cô M.T trong trường hợp này, khi cô M.T không quyết liệt trong việc ngăn chặn (Một số clip khi các học sinh hỏi cô "Cho bố cháu học cùng, cả họ nhà cháu học được không?"), người viết nghĩ một cá nhân xinh đẹp giỏi giang, và tinh tế như cô hẳn phải ngầm hiểu các thông tin ẩn trong câu hỏi đó. Nhưng thay vì kiên quyết thể hiện lập trường nghiêm túc, cô lại có vẻ "hờ hững" với những câu đùa dung tục đó. Thái độ đó gây tranh cãi, một bên cho rằng cô M.T hoàn toàn chẳng có nghĩa vụ gì với một đám đông tục tĩu:
"Ai thích xem cứ xem, ai bình luận cứ bình luận, tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì với thái độ của họ".
Một bên cho rằng cô M.T nên áp dụng "Nguyên tắc khôn ngoan": Nếu cô cư xử đúng mực với tư cách nhà giáo, ở đây là quan hệ Cô - Trò, đồng thời nói rõ lập trường về việc này (mà không nhất thiết phải công khai các mối quan hệ hiện tại), cô M.T có thể kiềm chế đám đông.

2. Cơ sở lập luận, và những tư tưởng đối lập

"Con người tự nguyện"

Một số nhà triết học cố gắng tách các quan điểm về đạo đức và lối sống tốt đẹp ra khỏi quyền tự do, bằng cách cố gắng trung lập trên nhiều khía cạnh. Các tư tưởng này cho rằng con người độc lập, hoàn toàn tự do khi tự tạo cho mình các quy tắc và không chịu bất cứ trách nhiệm nào khi chưa hoàn toàn ưng thuận hoặc ngầm ưng thuận.
Với Immanuel Kant, và John Rawls, "Tôi" là một con người độc lập, tham gia trong cái người ta gọi là "Lý trí thực tiễn thuần túy", là tự tạo cho tôi các quy tắc và cố gắng tuân theo nó, bất kể các quyết tâm ngoại trị của tôi.
Cụ thể ở đây, Tư tưởng "Con người tự nguyện", trong trường hợp này, cho rằng cô M.T không có trách nhiệm gì đối với đám đông hỗn loạn vì cô chẳng tác động gì đến họ, chẳng có trách nhiệm gì trong việc giáo dục đám đông, và nếu như đám đông gây tổn hại gì cho cô, thì lỗi hoàn toàn thuộc về họ, vì chúng ta là những con người độc lập, tự do khỏi mọi ràng buộc.
Tuy nhiên, những tư tưởng trên thiếu sót trong việc giải thích những mối quan hệ gần gũi như Tình yêu tổ quốc, tình cảm gia đình. Nếu chúng ta độc lập, thì giải thích thế nào về việc một người Việt Nam luôn cảm thấy trách nhiệm đối với một người Việt Nam hơn đối với một người Mĩ, một người cha phải có trách nhiệm với gia đình mình hơn gia đình ông hàng xóm? Chúng ta không thế biết được một điều là đúng đắn, nếu không đặt lên bàn cân những mối quan hệ gia đình, xã hội cá nhân. Khi thừa nhận những mối quan hệ đó, chúng ta gánh lấy một phần trách nhiệm từ nguồn gốc của chúng ta.

"Con người kể chuyện"

Tư tưởng trên gọi là tư tưởng “Con người kể chuyện”. Bởi vì tôi sinh ra trong gia đình đó, ngôi làng đó, quốc gia đó, nên tôi mang câu chuyện và gắn liền với thực tại đó, từ đó tôi phải có trách nhiệm với nó, một trách nhiệm liên đới tôi không thể tự do lựa chọn. Đâu có ai tự chọn cho mình gia đình?
Khi tách khỏi thành bang, tôi vô nghĩa
Aristoteles
Bởi vì tôi mang những đặc tính của cộng đồng,xã hội của tôi, nên tôi cũng mang lấy những lịch sử và trách nhiệm của nó, là thứ mà tôi không thể tự do lựa chọn.
Cụ thể ở đây, hoàn toàn có thể quy một phần trách nhiệm cho cô M.T trong việc không kiên quyết thể hiện lập trường, nó là “Trách nhiệm”, một cách khách quan, không do cô tự lựa chọn, mà do cô là một Nhà giáo. Trách nhiệm của nhà giáo trong trường hợp này là hướng dẫn học sinh học, và trong việc điều chỉnh thái độ không đúng mực của học viên, là thứ mà cô không thể tự lựa chọn. Đó là trách nhiệm của cô.

3. Tưởng nhớ đến Martin Luther King

“Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt”.
Vì vậy, việc đúng nên làm ở đây, và trách nhiệm định hướng tư tưởng đám đông, phụ thuộc vào những người có “Quyền” trên đám đông hỗn loạn như cô M.T, thay vì những người viết ở đây. Cô có quyền uy lớn nhất trên họ, và hoàn toàn cò thể định hướng đám đông theo một cách khôn khéo và nhân văn hơn.
Thật đáng tiếc vì cô không chọn như vậy, có lẽ vì cảm giác “Được người khác tôn vinh” luôn hấp dẫn và đáng thèm muốn.