Về sự xảo ngôn
Hôm nay đọc được bài viết phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh từ một cựu thủ khoa đại học, mình bỗng nhớ về bài luận phân tích bức...
Hôm nay đọc được bài viết phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh từ một cựu thủ khoa đại học, mình bỗng nhớ về bài luận phân tích bức tranh “Trường học Athens” của một nam sinh 18 tuổi trường Ams. Nếu chỉ nhìn qua, cả hai bài đều rất cao siêu trừu tượng, nhưng khi thực sự đọc mới thấy rõ ràng một bài chỉ toàn là xảo ngôn, và bài còn lại triển khai tư tưởng hết sức mạch lạc khúc triết.
Cá nhân mình không tự nhận là đọc nhiều, nhưng được cái rất chịu khó đọc những thứ khó đọc. Mình từng đọc sách triết học và một số bài viêt khoa học thuộc diện hàn lâm, nên mình phân biệt được xảo ngôn và ngôn ngữ học thuật, và tại sao một số người vẫn còn nhầm lẫn giữa hai thể loại này.
Về mặt học thuật, một người có tri thức trước khi đưa ra bất cứ lập luận hay ý kiến nào, đều sẽ phải tự trả lời trước những câu hỏi sau: “tôi thực sự có đang nghĩ không?”, “trong bối cảnh nào điều tôi nghĩ có ý nghĩa?”, “điều gì khiến cho những suy nghĩ này được nghĩ tới?”. 3 câu hỏi này giống như quá trình tự phản biện nhằm nhận ra những giới hạn trong kiến thức và tư duy của chính mình. Trả lời được 3 câu hỏi trên, anh ta sẽ thực hành được một thái độ viết cẩn trọng, khiêm nhường cùng với lối lập luận chặt chẽ, được củng cố bằng dữ liệu vững chắc.
Chính sự cẩn trọng trong ngôn ngữ và cách thể hiện hơi dông dài này khiến cho những ai không quen đọc sẽ thấy hoa mĩ, khó hiểu. Đơn giản vì trong bài viết hàn lâm, không được phép có sự thiên kiến và đa nghĩa. Bất cứ câu văn nào cũng phải được viết để chỉ được hiểu theo đúng một cách, bởi bất cứ ai đọc. Đọc những văn bản này nếu vượt qua được những rào cản về ngôn ngữ, sẽ nhìn ra những lập luận được trình bày rất gọn gàng, giống như một đô thị được quy hoạch đường xá cẩn thận mà ngôn ngữ chính là những cái cây trồng bên vệ đường.
Ngược lại, xảo ngôn thì không có lập luận, cũng chẳng có lý lẽ. Chỉ là một mớ từ ngữ cố tỏ ra nguy hiểm được xếp cạnh nhau theo một trình tự mà mình cũng không rõ là có ý đồ hay chỉ vì nghe có vẻ xuôi tai. Đọc lần đầu thì không hiểu gì, đọc lần tiếp theo thì phải bật cười vì lập luận vô nghĩa.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao xảo ngôn vẫn tồn tại được và thậm chí, được tôn vinh như cái bài của bạn cựu thủ khoa kia?
Một bài viết được viết ra và đến với khán giả chắc chắn phải đi qua nhiều giai đoạn, và ở mỗi giai đoạn mình đều thấy có vấn đề phát sinh: từ lúc giáo viên định hướng tư duy của bạn viết bài, lúc bản thân bạn viết ra bài viết, lúc một hội đồng giám khảo duyệt bài của bạn, và lúc độc giả trên mạng khen ngợi bài của bạn. Nó là vấn đề của cả một hệ thống giáo dục văn học, với những tiêu chí đánh giá cảm tính và phi logic, là vấn đề của truyền thống dạy một chiều và học vẹt, là vấn đề của một bộ phận đám đông ưa chuộng cái mã ngoài (thủ khoa, sự sắp xếp khéo léo của ngôn từ) mà không hiểu gì về giá trị bên trong lớp vỏ ấy.
Mình viết bài này không mong những xảo ngôn kia biến mất, mà mong rằng những người hẵng còn dè dặt trước biển lớn ngôn từ hãy mạnh dạn dấn thân, hãy lội xuống và ngụp lặn trong đó để biết sự khác nhau giữa những hành văn chân chính và văn chương giả tạo, để lấy đó làm “nền tảng” phát triển những lối tư duy của riêng mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất