Bên dưới là bản dịch On the Shortness of Life của Seneca – một trong những bài luận triết học ảnh hưởng rất lớn tới cách mình nhìn nhận về thời gian và cuộc đời – của mình và tri kỷ sonder97 (bọn mình chỉ là amateur, và dịch lại từ bản dịch tiếng Anh nên sẽ có nhiều sai sót, mong mọi người thông cảm):

Dịch từ bản dịch tiếng anh của C.D.N. Costa
Nhóm dịch: The Skeptics

Đa số mọi người, Paulinus[*] ạ, đều oán trách sự phũ phàng của tự nhiên, bởi ta được sinh ra với một cuộc đời ngắn ngủi, và bởi khoảng thời gian được trao cho ta vụt qua nhanh đến mức, ngoài một vài ngoại lệ, cuộc sống kết thúc đúng lúc ta vừa sẵn sàng cho nó. Than khóc về chuyện này không chỉ lũ người ngoài phố hay đám đông toàn những kẻ không biết nghĩ; ta có thể bắt gặp cảm giác ấy trong những lời than phiền của cả những bậc cao nhân. Bởi vậy các vị y sĩ vĩ đại mới có câu: ‘cuộc đời ngắn ngủi, nghệ thuật dài lâu’. Cũng vì thế Aristotle mới phẫn uất, dù không đúng với phong thái của một bậc hiền triết, rằng tự nhiên ưu ái cho nhiều loài động vật sống lâu gấp năm mười lần đời người, trong khi một giới hạn ngắn hơn rất nhiều lại bó buộc bao người sinh ra với những sứ mạng to lớn. Tuy nhiên không phải ta có ít thời gian để sống, mà bởi ta đã phung phí hầu hết quãng thời gian ấy. Đời đủ dài, và thoải mái để ta có thể đạt được những thành tựu lớn lao nhất nếu được dùng đúng cách. Nhưng khi ta dành quãng đời ấy cho những thứ xa hoa và những trò vô bổ, sau cùng ta sẽ bị dồn đến điểm đến cuối cùng – cái chết, chỉ để ngỡ ra rằng đời đã trôi qua trước cả khi ta nhận ra là đời đang trôi. Vậy đấy: cuộc đời ta được trao không hề ngắn mà chính ta làm cho nó ngắn, thời gian ta được trao không hề thiếu nhưng lại bị ta hoang phí. Giống như hàng tấn của cải sẽ bị phung phí chỉ trong chốc lát trong tay một kẻ ăn tàn phá hại, và tải sản dù có ít ỏi đến đâu cũng sẽ gia tăng nếu được gửi gắm cho một người biết gìn giữ và tích cóp, thời gian sẽ kéo dài đến mức dư dả nếu ta biết dùng đúng cách.

Sao ta lại phàn nàn về mẹ tự nhiên? Người đã rất tử tế: đời là dài nếu ta biết cách sống (life is long if you know how to use it). Vậy mà kẻ thì bị cuốn đi bởi lòng tham vô đáy, kẻ thì bị bó buộc bởi những công việc vô bổ. Kẻ ngập đầu trong rượu chè, kẻ lờ đờ trong nhàn rỗi. Có kẻ kiệt sức vì tham vọng nơi chính trường, nơi luôn phải phụ thuộc vào ý kiến của kẻ khác, có kẻ lại hi vọng vào chút lợi lộc từ việc buôn bán mà lao đi khắp năm châu bốn bể. Kẻ này bị đày đọa bởi ham muốn chiến tranh và vũ lực, luôn tính hại người và lo bị người hại, kẻ khác tự đày đọa mình qua việc phục vụ không công cho những người vĩ đại. Nhiều kẻ bận rộn với việc theo đuổi tiền của của người khác hoặc kêu than về tài sản của mình. Nhiều kẻ chạy theo hết thứ này đến thứ khác, bị đưa đẩy trong một thế giới thay đổi, biến thiên không ngừng nghỉ. Nhiều kẻ lại chẳng có lấy nổi một mục tiêu trong đời, rồi bị cái chết lôi đi khi đang ngáp ngắn ngáp dài – số này nhiều đến nỗi tôi không thể nghi ngờ sự thật trong lời tiên tri của những thi nhân vĩ đại: ‘Cái khoảng mà ta thực sự sống chỉ là một phần nhỏ của đời người’. Quả thực, hầu hết khoảng còn lại không phải là cuộc sống mà chỉ là thời giờ. Vô vàn thói xấu bao vây và tấn công con người từ mọi phía, không cho họ vực dậy và chống mắt lên mà nhìn vào sự thật, áp đảo họ với những ham muốn cắm rễ đã sâu. Không khi nào họ có thể tìm lại được bản thân mình. Nếu tình cờ họ tìm thấy chút bình yên, thì chỉ như làn sóng vẫn ở tít khơi xa dù gió đã lặng, họ tiếp tục chòng chành và không bao giờ tìm thấy sự thanh thản từ những dục vọng. Anh nghĩ là tôi chỉ đang nói về những kẻ mà sự suy đồi ai ai cũng biết? Hãy nhìn những kẻ mà của cải nhiều đến nỗi người người bu đến xem: họ chết ngạt trong chính đống của cải của mình. Biết bao người coi của cải là gánh nặng! Biết bao người vỡ mạch máu vì ngày ngày nỗ lực hùng biện và cố gắng khoe tài. Biết bao người xanh xao vàng vọt trong khoái lạc triền miên. Biết bao người mất hết tự do khi bị bao quanh bởi đám đông khách hàng! Trong một câu, có thể điểm hết những khách hàng này, từ thấp hèn đến cao quý nhất: kẻ cần hỗ trợ về mặt pháp lý, kẻ cần được bảo vệ trước tòa – không ai đòi hỏi quyền lợi cho chính mình, mà toàn bị kẻ khác lợi dụng. Cứ thử đi hỏi về những người mà tên ai ai cũng thuộc, anh sẽ thấy họ có những điểm chung đặc biệt này: X dạy bảo Y và Y dạy bảo Z, chẳng ai đoái hoài đến bản thân mình. Hơn thế, nhiều kẻ còn bộc lộ nỗi căm phẫn cực kỳ ngu xuẩn: oán trách sự ngạo mạn của bề trên bởi họ không có thời gian để tâm đến mình. Nhưng kẻ nào dám phàn nàn về sự ngạo mạn của người khác khi mà đến chính mình còn không biết dành thời gian cho bản thân? Dù thế, bất kể là ai, bậc cao nhân cũng thỉnh thoảng liếc mắt nhìn tới, kể cả khi ánh nhìn ấy kẻ cả, họ vẫn lắng tai nghe và cho phép người đó sánh bước bên cạnh. Những kẻ không bao giờ hạ cố nhìn nhận lại bản thân và lắng nghe tiếng nói bên trong mình thì đừng bao giờ đòi hỏi người khác để tâm đến mình, bởi những kẻ đó tìm kiếm người bầu bạn cốt chỉ vì không chịu đựng được chính bản thân mình.

Kể cả khi tất cả những nhà trí thức của mọi thời đại quyết định nghiền ngẫm về vấn đề này, họ cũng sẽ không thể nào diễn tả hết sự kinh ngạc trước sự u tối dày đặc này trong tâm trí con người. Con người ta không cho bất kỳ ai tranh giành lãnh thổ, và chỉ cần chút bất đồng về ranh giới, họ lập tức chuẩn bị khí giới; vậy mà họ lại cho phép người khác xâm phạm đời sống của mình – tại sao, họ thạm chí còn tự mình mời người khác đến chiếm lấy cuộc đời mình? Anh sẽ không tìm thấy ai sẵn lòng chia sẻ tiền tài; vậy mà biết bao nhiêu mảnh cuộc đời ta chia nhỏ! Người ta tằn tiện khi động đến đồng tiền; thế nhưng khi tiêu xài thời gian, thứ duy nhất đáng để tiết kiệm, họ lại cực kỳ phung phí. Thế nên, tôi chỉ muốn chộp lấy một người thuộc thế hệ trước mà nói với ông ta rằng: ‘Tôi thấy ông đã đến đoạn cuối của đời người; ông đã gần trăm tuổi, có thể còn sống lâu hơn thế: bây giờ, hãy kiểm kê lại cuộc đời mình. Tính xem bao nhiêu thời gian đã bị lấy đi bởi chủ nợ, bao nhiêu bởi một tình nhân, một người chủ, một khách hàng, bao nhiêu dành cho việc cãi nhau với vợ, trừng phạt nô lệ, lao đi khắp thành phố vì những nghĩa vụ với cộng đồng. Hãy tính cả những bệnh tật tự rước vào thân, và cả quãng thời gian đó cũng không được sử dụng. Ông sẽ thấy là ông có ít năm tháng hơn là ông nghĩ. Nhớ xem khi nào ông có một mục tiêu rõ ràng; bao nhiêu ngày trôi qua đúng như kế hoạch; khi nào ông thực sự tự do tự tại; khi nào ông mang một biểu cảm tự nhiên trên khuôn mặt; khi nào tâm trí ông không chứa chút muộn phiền; những gì ông đã gặt hái được trong cái cuộc sống dài lâu này; bao nhiêu kẻ đã cướp đoạt chút đời ông khi ông không để ý; bao nhiêu thời gian ông đánh mất vì những đau buồn vô cớ, những mừng vui ngớ ngẩn, những tham lam vô đáy, những cám dỗ của xã hội; thật ít ỏi biết bao những gì còn lại cho chính ông. Ông sẽ nhận ra là ông đang chết khi còn quá trẻ.’
Vậy lý do gì dẫn đến việc đó? Ta đang sống như là định mệnh sẽ cho ta sống mãi; sự yếu đuối của ta không bao giờ phơi bày trước mắt ta; ta không nhận ra bao nhiêu thời gian đã trôi qua, mà cứ lãng phí nó cứ như ta có một nguồn vô tận – trong khi cái ngày mà ta đang dành cho một người khác hay một thứ nào khác có thể là ngày cuối cùng của ta. Ta hành động như người trần mắt thịt trước tất cả những thứ mà ta sợ, và như vị thần bất tử trước tất cả những thứ mà ta thèm muốn. Anh sẽ thấy nhiều người rằng: ‘Khi tôi năm mươi tôi sẽ nghỉ ngơi trong nhàn hạ[†]; khi tôi sáu mươi tôi sẽ từ bỏ nghĩa vụ với cộng đồng.’ Và cái gì đảm bảo là ta sẽ sống lâu hơn thế? Ai sẽ cho phép đời ta diễn ra như ta thu xếp? Sao ta không thấy xấu hổ khi chỉ giữ cho bản thân mình chút tàn dư của đời mình, và chỉ dành cho tri thức lượng thời gian không thể sử dụng vào việc nào khác? Muộn màng biết bao, bắt đầu sống khi cuộc đời đã tới hồi kết! Ngu dại biết bao, quên đi mình có thể chết bất cứ khi nào, và lên một kế hoạch cụ thể, định sẽ bắt đầu cuộc đời ở cái điểm mà hiếm người từng tới!

Ta sẽ để ý thấy những người quyền thế với địa vị vững chắc để lại những lời bình mà trong đó họ cầu xin lấy thời gian nhàn hạ, tôn thờ nó, và coi trọng nó hơn tất cả những gì họ có. Có những thời điểm họ mong mỏi thoát khỏi đỉnh cao danh vọng một cách an toàn; bởi kể cả khi không có thế lực bên ngoài tấn công hay làm lay chuyển, cơ đồ cũng tự sụp đổ.

Augustus, người mà được tôn thờ, người mà thần linh ban cho nhiều hơn tất cả những người khác, không khi nào ngừng cầu mong lấy chút thảnh thơi và luôn tìm cách thoát khỏi công vụ. Tất cả những gì ông từng nói đều xoay quanh chủ đề này – mong mỏi được an nhàn. Ông luôn tự nhủ khi đang làm việc vất vả, rằng một ngày ông sẽ sống cho chính mình. Trong một bức thư ông gửi đến thượng nghị viện, sau khi hứa rằng việc ông nghỉ ngơi vẫn sẽ bảo toàn phẩm giá cũng như không đi ngược lại những vinh quang trước đó, tôi thấy những lời này: ‘Nhưng thực sự làm được điều ấy sẽ ấn tượng hơn là chỉ hứa hẹn. Tuy nhiên, vì cái thực tế thú vị ấy vẫn còn cách cả một quãng đường dài, việc tôi ước mong đến cái quãng thời gian ấy cũng đủ để tôi thấy chút dễ chịu trong ngôn từ.’ Giá trị biết nhường nào chút thời gian rỗi đối với ông, đến mức dù trong thực tế ông không thể tận hưởng, ông làm vậy trong tâm tưởng. Ông, người đã nhận ra rằng mọi việc đều phụ thuộc vào mình – người định đoạt vận mệnh của con người cũng như đất nước, cũng là người hạnh phúc nhất khi nghĩ về cái ngày mà ông đặt qua một bên sự vĩ đại của mình. Qua trải nghiệm, ông biết từng thửa đất khiến ông phải đổ bao mồ hôi, gây cho ông bao muộn phiền. Ông bắt buộc phải chiến đấu, đầu tiên là với đồng bào, sau là với chiến hữu, và cuối cùng là với người thân, máu đổ từ đất liền ra tới biển. Bị kéo vào cuộc chiến ở Macedonia, Sicily, Egypt, Syria, Asia – gần như tất cả các nước – ông chỉ huy quân đội chống lại quân địch ngoại lai khi mà chúng đã mệt mỏi với việc khiến người La Mã đổ máu. Khi mà ông bình định dãy Alps và dẹp những kẻ chống phá trong nội bộ đế chế; khi ông đang mở rộng lãnh thổ qua Rhine, Euphrates và Danube, ở ngay tại Rome, Murena, Caepio, Lepidus, Egnatius và những kẻ khác đang giương kiếm chống lại ông. Ông chưa thoát khỏi âm mưu của chúng khi con gái ông dan díu với những người trẻ tuổi, như thể có một lời nguyền đeo bám ông cả khi già yếu. Ông loại bỏ đi ung nhọt, cả chân tay chính mình, nhưng những việc khác lại tiếp tục xảy đến: như một cơ thể thừa máu sẽ luôn xuất huyết ở một vài chỗ. Vì thế ông khao khát chút thời gian rảnh, và khi những hi vọng và suy tưởng của ông đắm chìm trong đó cũng là khi ông thấy được giải thoát khỏi nghĩa vụ của mình: đó chính là lời cầu nguyện của một người có thể đáp lại lời cầu nguyện của nhân loại.

Khi xung quanh Marcus Cicero là những người như Catiline, Clodius, Pompey và Crassus – trong số đó có cả kẻ thù và cả những bằng hữu không đáng tin cậy – khi ông bị xoáy vào cơn bão đang tấn công đất nước, ông cố gắng giữ cho quốc gia đứng vững trong lúc nó dần dần lụi tàn; dù vậy cuối cùng ông đã bị cuốn trôi đi. Ông chưa từng thấy thanh thản trong giàu sang cũng như nhẫn nại trong nghịch cảnh, và biết bao lần ông nguyền rủa chức vụ cố vấn của mình, dù ông vẫn tiếp tục vì một mục đích tốt đẹp! Thống khổ biết bao những từ ông dùng trong một bức thư gửi cho Atticus khi mà Pompey đã bị đánh bại, và con trai ông ta vẫn đang cố gắng phục hồi lực lượng ở Tây Ban Nha! ‘Anh có muốn biết không’, ông nói, ‘những gì tôi đang làm nơi đây? Tôi là một tù nhân bị giam lỏng trong biệt thự Tusculan của chính mình.’ Rồi ông đau buồn về cuộc sống trước đây, kêu than về hiện tại, và tuyệt vọng với tương lai. Cicero tự gọi mình là một tù nhân, nhưng thực sự người hiền minh như ông sẽ không bao giờ sử dụng một từ thảm hại như thế. Ông không bao giờ là một tù nhân, mà luôn tận hưởng tự do một cách toàn vẹn, tự do là chủ nhân của ông và tự do ở trên tất cả những thứ khác. Bởi điều gì có thể đứng trên người khinh thường sự giàu sang?

Livius Drusus, một người mạnh mẽ và táo bạo, đã trình lên bộ luật thay thế cho chính sách khủng khiếp của Gracchi, và được ủng hộ bởi rất nhiều người trên khắp nước Ý. Tuy vậy ông không thấy kết quả tốt đẹp nào cho chính sách của mình, chính sách mà ông không thể tiếp tục cũng như không thể từ bỏ một khi đã bắt đầu; và ông được cho là đã nguyền rủa cái cuộc sống hỗn loạn mà ông đã luôn sống, cho rằng mình chưa từng có một ngày nghỉ ngay cả khi còn là một đứa trẻ. Bởi khi còn là người giám hộ trẻ, ông liều mình bảo vệ cho một người bị buộc tội trước hội đồng xét xử, rồi dần nâng cao uy thế trước tòa, đến mức vài phán quyết có lợi cho thân chủ của ông đã được đưa ra. Làm gì có điểm dừng cho một tham vọng hình thành từ sớm như vậy? Anh chắc cũng biết sự cả gan khi còn trẻ thường sẽ dẫn đến những kết quả tệ hại với cả đời tư và sự nghiệp. Cuối cùng đã quá trễ cho ông để phàn nàn rằng ông chưa từng có một ngày nghỉ, vì từ khi còn thanh niên ông đã gây nên nhiều rắc rối ở Forum. Không rõ cái chết do vết thương bất ngờ ở háng là do ông tự gây ra hay không, nhưng không ai nghi ngờ rằng nó là đúng lúc.
Sẽ là thừa thãi khi tiếp tục kể thêm vài người nữa, những người mà người ngoài nhìn vào thì tưởng là hạnh phúc nhất thế gian, nhưng chính là minh chứng sống cho sự căm ghét tất cả những thứ mình làm. Dù vậy, họ không thay đổi bản thân mình hay bất cứ ai bằng những lời than phiền đó, bởi sau những lần ngôn từ bộc phát, cảm xúc trong họ trở lại như thường.
Chắc chắn là đời ta, kể cả khi dài tới ngàn năm, cũng sẽ co lại chỉ bằng một khoảnh khắc: những thói xấu sẽ nuốt chửng bất cứ khoảng thời gian nào. Thời gian mà ta thực sự có – cái khoảng mà lý trí có thể kéo dài ra dù bình thường trôi qua rất nhanh – chắc chắn sẽ vuột khỏi tầm tay ta: bởi ta không nắm lấy nó, níu giữ nó hay cố gắng trì hoãn nó mà để nó trôi đi như thể đó là một thứ thừa thãi và có thể thay thế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng những kẻ báng bổ nhất là những kẻ dùng toàn bộ thời gian cho rượu chè và nhục dục, bởi đây là nỗi ám ảnh tệ hại nhất. Những người khác, dù có bị mê hoặc bởi vẻ hào nhoáng hão huyền của vinh quang, thì chí ít cũng mang một ảo tưởng đáng nể phục. Anh có thể liệt ra một loạt những kẻ tằn tiện, hoặc những kẻ nóng nảy mà dấy nên căm hờn hay xung đột: nhưng ít ra họ còn phạm tội như một đấng nam nhi. Những kẻ mà ngập đầu trong ăn uống rượu chè và tình dục mới là những kẻ đê hèn. Xem xét cách mà đám đó sử dụng thời gian – bao nhiêu thời gian làm việc với sổ sách kế toán, hãm hại người khác hoặc lo sợ bị người khác hãm hại, nịnh bợ người đời hoặc nghe người đời nịnh bợ, bảo lãnh hoặc được bảo lãnh, và tiệc tùng (mà hiện tại còn được coi là công việc đúng nghĩa): anh sẽ thấy những hoạt động đó, dù tốt hay xấu, cũng không cho họ cả thời gian để thở.
Xét cho cùng, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng một người bị phân tâm[‡] không thể theo đuổi thành công bất cứ việc gì – từ hùng biện đến nghiên cứu tổng quan – bởi tâm trí khi bị sao lãng không thể tiếp thu một cách sâu sắc bất kì thứ gì, thay vào đó loại bỏ tất cả những gì được “nhồi” vào. Sống là hoạt động ít quan trọng nhất đối với người bị phân tâm; tuy nhiên không gì khó hơn là học cách sống. Bậc thầy ở nhiều môn nghệ thuật khác có thể bắt gặp ở bất cứ đâu: quả thực, vài trong số các môn nghệ thuật đó đến cả bọn trẻ con cũng đã nắm vững đến mức có thể dạy người khác. Nhưng học cách để sống cần đến cả đời người, và, điều này có thể làm anh ngạc nhiên hơn, cần cả một đời người để học cách chết. Rất nhiều những con người ưu tú đã đặt gánh nặng sang một bên, từ bỏ sự giàu sang, công việc và sự thoải mái, và đề ra một mục tiêu cho tới cuối đời là học được cách sống. Dù vậy đa số họ phải thú nhận trước khi chết rằng họ vẫn chưa biết – và biết ít hơn nhiều người khác. Hãy tin tôi, dấu hiệu của một cao nhân, người mà vượt lên khỏi những sai lầm của loài người, là việc không cho phép thời gian của họ bị phung phí. Người đó có cuộc sống lâu dài nhất đơn giản là vì người đó dành toàn bộ thời gian sẵn có cho bản thân mình. Không một chút bị bỏ phí, không một chút bị người khác kiểm soát; bởi, là một người canh gác vô cùng tiết kiệm, người đó sẽ thấy không có bất kỳ thứ gì xứng đáng để đổi lấy thời gian. Vì vậy mà người đó có đủ thời giờ; thứ mà những người với cuộc đời bị người đời xâm phạm chắc chắn có rất ít.

Anh cũng đừng nghĩ rằng những người đó không khi nào nhận ra những gì mình đánh mất. Quả vậy, anh sẽ thấy nhiều người mà tài sản là gánh nặng đôi khi than khóc giữa đám khách hàng, trong khi hầu tòa hoặc giữa những bất hạnh danh giá khác (honourable miseries). ‘Không thể nào sống nổi’. Rõ ràng là không thể. Tất cả những ai gọi ta đến với họ đều kéo ta khỏi bản thân mình. Bao nhiêu ngày của ta bị tên bị cáo lấy mất? Hay tay ứng cử viên? Hay cái quý bà già nua kiệt sức vì chôn cất con cháu? Hay cái kẻ giả bộ đau ốm để kích động lòng tham của những kẻ săn tài sản? Hay cái người bạn quyền thế, người mà kiếm bằng hữu cốt để phô trương chứ không vì tình bạn? Hãy rạch ròi ra, và xem lại những ngày tháng của cuộc đời mình: ta sẽ thấy là rất ít – những tàn dư vô dụng – còn lại cho ta. Có người, sau khi đạt được chức vụ mình thèm muốn, mong mỏi gạt cái vị trí đó qua một bên, và luôn miệng nói rằng, ‘Phải chăng cái năm này không bao giờ kết thúc?’ Có người nghĩ rằng biểu diễn các trò chơi là một thành tích hiếm có, nhưng đến khi biểu diễn rồi, người đó lại tự hỏi, ‘Tôi có nên dừng lại không?’ Có nhà hoạt động nổi tiếng khắp Forum, và lấp kín nó với một đám đông dài đến độ tiếng người đó không thể vọng tới: nhưng lại nói rằng, ‘Khi nào thì đến lúc được nghỉ?’ Ta tự xô đẩy đời mình ngược xuôi, rồi phiền muộn vì nỗi mong mỏi đến tương lai và sự mệt mỏi của hiện tại. Trong khi đó, người mà dành tất cả thời gian cho mình, người mà sắp xếp từng ngày như thể đó là ngày cuối cùng được sống, không hề mong ngóng hay sợ hãi ngày mai. Bởi còn gì mới mẻ trong từng giờ phút nữa? Người đó đã thử tất cả, đã tận hưởng chán chê tất cả mọi thứ rồi. Tất cả những thứ còn lại, Fortune[§] có thể tùy ý định đoạt: cuộc sống của người đó đã đầy đủ rồi. Không gì có thể bị lấy đi khỏi cuộc đời đó, ta chỉ có thể thêm vào đó, như khi ta cho một người đã no nê và không muốn ăn nhưng vẫn có thể nhận lấy. Do đó anh đừng nghĩ rằng một người đã sống lâu vì người đó có tóc bạc và những nếp nhăn: người đó không sống lâu, chỉ tồn tại lâu. Bởi vì đâu anh nghĩ là một người đã có một chuyến đi xa khi mà vừa rời bến đã vướng vào một cơn bão dữ dội, bị kéo đi tứ phía và bị cuốn đi vòng quanh bởi những cơn gió cuồng nộ? Người đó không có một cuộc hành trình dài, chỉ bị hất qua hất lại một quãng dài thôi.

Tôi luôn bất ngờ khi thấy một số người đòi hỏi thời gian của người khác và người kia thì sốt sắng đáp lại. Cả hai bên đều tập trung vào lý do mà thời gian bị đòi hỏi chứ không chú ý vào chính khoảng thời gian bị tiêu tốn – cứ như không gì bị hỏi mượn và không gì phải cho đi. Họ đang coi nhẹ thứ tài sản quý giá nhất của cuộc đời, bị che mắt bởi nó là một thứ mơ hồ, không thể nhìn thấy và do đó bị coi là rẻ mạt – trên thực tế, là gần như không có giá trị. Người ta vui vẻ nhận tiền công và tiền thưởng cho công sức họ bỏ ra, sự hỗ trợ hoặc sự phục vụ của họ. Nhưng không ai tính đến giá trị của thời gian: người ta phung phí thời gian như một thứ vô giá trị. Vậy mà khi tính mạng của họ bị đe dọa, anh sẽ thấy cũng chính những người đó khẩn cầu y sĩ của họ; còn khi họ khiếp sợ án tử hình, anh sẽ thấy họ sẵn sàng trả tất cả mọi thứ mà họ có để có thể thoát chết. Mâu thuẫn quá thể, những cảm xúc bên trong họ. Nếu như mỗi chúng ta đều có trước mắt ta bản kiểm kê của những năm tháng phía trước, giống như chúng ta đang có với những năm tháng đã qua, những người chỉ còn vài năm để sống sẽ hoảng hốt biết nhường nào, và họ sẽ cẩn trọng biết bao khi dùng những năm tháng ấy! Dù vậy, việc sắp xếp một khoảng thời gian, dù ít ỏi đến đâu, nhưng đã nắm chắc trong tay, là khá dễ dàng; ta phải cẩn thận hơn nữa khi gìn giữ thứ mà có thể kết thúc bất cứ khi nào.

Nhưng anh đừng vội nghĩ là những người kể trên không biết thời gian quý giá đến nhường nào. Họ thường nói với những người mà họ đặc biệt yêu quý rằng họ sẵn sàng trao đi vài năm cuộc đời mình. Và đúng là họ đã trao đi trong khi không nhận thấy; nhưng cái cách mà họ trao đi là: mình thì mất còn người kia thì chẳng nhận được gì. Tuy nhiên họ thực sự không biết là họ có đang đánh mất hay không; do đó họ có thể chịu đựng sự mất mát. Không ai có thể mang những năm tháng trở lại; không ai có thể làm ta hoàn nguyên như trước. Cuộc đời sẽ xuôi theo dòng chảy ban đầu, và sẽ không đảo ngược hay đổi hướng. Nó sẽ không gây ồn ào để nhắc nhở ta về sự mau lẹ của nó, mà trôi đi một cách lặng lẽ. Nó sẽ không kéo dài ra bởi mệnh lệnh của nhà vua hay thỉnh cầu của người khác. Như cách mà nó bắt đầu, nó sẽ tiếp tục, không khi nào vòng ngược hay chỉnh hướng. Kết cục sẽ là gì? Ta đã bị phân tâm trong khi đời vội qua. Cùng lúc đó cái chết sẽ đến, và ta không còn sự lựa chọn nào ngoài việc sẵn sàng cho nó.

Còn gì ngu ngốc hơn đám người khoe khoang về khả năng nhìn xa trông rộng của mình? Họ bận rộn, sốt sắng cố gắng cải thiện cuộc sống của mình; họ dành cả đời để thu xếp đời mình. Họ hướng các mục tiêu đến một tương lai xa vời. Nhưng việc trì hoãn là cách kinh khủng nhất để phí phạm cuộc đời: nó tước đi từng ngày đến với ta, và không cho ta hiện tại bằng cách hứa hẹn tương lai. Trở ngại lớn nhất của cuộc sống là kỳ vọng vào tương lai, nó khiến ta mong ngóng ngày mai và đánh mất ngày hôm nay. Ta đang thu xếp những thứ nằm trong tay Fortune, và vứt bỏ những thứ mà ta có. Ta đang trông chờ điều gì vậy? Ta đang căng thẳng vì mục tiêu gì? Toàn bộ tương lai đều không chắc chắn: hãy sống ngay từ bây giờ đi. Hãy lắng nghe lời than khóc của vị thi sĩ vĩ đại nhất, người mà như thể nghe được những lời nhắn nhủ của thần linh, đã ca nên những vần thơ sau:
Những ngày tuyệt vời nhất dành cho những người phàm bất hạnh
Luôn là thứ vuột mất trước tiên

‘Cớ sao ta chần chừ?’, ông ám chỉ. ‘Vì sao ta không hành động? Nếu ta không nắm lấy nó trước, nó sẽ vuột đi.’ Và cả khi ta nắm được nó, nó sẽ vẫn tuột khỏi tay ta. Thế nên ta phải sử dụng thời gian với cái tốc độ tương xứng với sự mau lẹ của nó, và ta phải uống thật nhanh từ cái dòng mà không phải lúc nào cũng chảy. Qua việc phê phán thói trì hoãn vô thời hạn, nhà thơ còn sử dụng một cách tinh tế cụm từ ‘những ngày tuyệt vời nhất’ chứ không phải ‘những năm tháng tuyệt vời nhất’. Dù ta có tham lam của cải đến mức nào, sao ta không chút để tâm, sao ta quá chậm chạp (khi mà thời gian lướt đi như bay), sao ta tập trung vào những tháng năm dài còn chưa tới? Nhà thơ đang nói về ngày này – chính cái ngày hôm nay mà đang vuột mất. Liệu còn gì đáng nghi ngờ rằng, với những người phàm bất hạnh – những người bị phân tâm – những ngày tuyệt vời nhất luôn là thứ vuột mất trước tiên? Tuổi già bắt kịp họ khi tâm trí còn chưa chín chắn, và họ phải đối đầu với nó, chưa hề sẵn sàng và không chút khí giới. Bởi họ không hề dự trù nó, tình cờ chạm trán nó một cách bất ngờ, bởi không nhận ra rằng nó đã tiến đến ngày qua ngày. Giống như những hành khách bị cuốn vào một cuốn sách, một cuộc trò chuyện hay một suy tưởng sâu xa, rồi thấy là mình đã tới đích trước khi nhận ra mình đang tiến gần tới đó; hành trình nhanh chóng và không ngừng nghỉ của đời người cũng vậy, chuyến hành trình dù thức hay ngủ ta cũng vẫn giữ nguyên tốc độ - và chỉ khi nó kết thúc, những kẻ với tâm trí bị phân tâm mới ý thức được.

Nếu tôi muốn chia đề tài của mình ra thành những đề mục khác nhau và đưa ra minh chứng, tôi sẽ tìm thấy rất nhiều luận cứ để chứng tỏ rằng những người bị phân tâm thấy đời vô cùng ngắn ngủi. Tuy nhiên Fabianus, người không nằm trong số những nhà triết học hàn lâm ngày nay mà thuộc phong cách cổ điển, từng nói rằng ta phải tấn công những si mê với toàn lực chứ không phải bằng lý luận; rằng hàng ngũ quân địch phải bị lay chuyển với một đòn mãnh liệt chứ không phải bằng những cú đánh nhẹ nhàng; do đó những thói xấu phải bị đập tan chứ không nên co kéo. Dù vậy, để những người đang băn khoăn có thể sửa chữa những lỗi lầm, ta phải chỉ dạy họ chứ không nên bỏ mặc họ tiếp tục lầm lỡ.

Cuộc đời được chia làm ba giai đoạn, quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong đó, hiện tại thì ngắn ngủi, tương lai thì không rõ ràng, quá khứ thì chắc chắn. Bởi quá khứ chính là thứ mà Fortune không thể động tới, là thứ không thể quay ngược lại cho bất kỳ ai nắm giữ. Nhưng đó cũng chính là thứ mà những người bị phân tâm đánh mất: bởi họ không có thời gian để nhìn lại quá khứ của chính mình, và cả khi họ có, cũng không hề dễ chịu chút nào khi nhớ lại những việc làm khiến họ phải hổ thẹn. Vì thế họ không muốn đưa tâm trí trở lại những khoảng thời gian được sử dụng không đúng cách, những khoảng thời gian mà họ không dám hồi tưởng khi mà sự trụy lạc đã quá rõ ràng – bao gồm cả những việc làm xấu xa ngụy trang dưới vẻ hấp dẫn của những khoái cảm nhất thời. Không ai sẵn lòng quay trở lại quá khứ trừ khi tất cả những hành động của mình đã được tự kiểm duyệt một cách trung thực. Kẻ mà sợ hãi ký ức của chính mình là kẻ đã từng vô đáy khi nổi lòng tham, ngông cuồng khi bất chấp, thiếu kiềm chế khi thắng lợi, xảo trá khi dối lừa, tham lam khi cướp bóc và hoang phí khi tiêu xài. Dù vậy quá khứ vẫn là quãng thời gian thiêng liêng, thứ mà không thể bị tổn hại bởi con người hay xoay chuyển bởi Fortune, không thể bị tấn công bởi ham muốn, sợ hãi và bệnh tật. Quá khứ không thể bị tác động hoặc bị lấy đi: nó là một tài sản toàn vẹn và vĩnh viễn. Ở hiện tại, ta chỉ được ban cho từng ngày một, mỗi ngày lại cho ta từng phút một. Nhưng tất cả những ngày trong quá khứ đều nghe theo mệnh lệnh của ta, ta muốn nắm lấy và soi xét bao lâu tùy ý – việc mà kẻ bị phân tâm không có thời gian để làm. Chỉ một tâm trí tĩnh lặng và không chút muộn phiền mới có thể dạo bước qua tất cả những giai đoạn của cuộc đời: tâm trí của kẻ bị phân tâm, như thể bị ghìm chặt bởi gông cùm, không thể ngoảnh ra sau mà nhìn lại. Vì thế mà đời họ tan biến vào cõi hư vô; và giống như đổ bao nhiêu nước vào một bình không đáy cũng là vô nghĩa, dù cho ta bao nhiêu thời gian mà không có nơi để đọng lại thì cũng chẳng có tác dụng gì; nó sẽ chảy ra qua những vết nứt và lỗ hổng của tâm trí. Hiện tại vô cùng ngắn ngủi, đến mức nhiều người hề hay biết. Bởi nó luôn luôn chuyển động và trôi đi vội vã; nó kết thúc trước cả khi nó đến nơi, và không thể bị trì hoãn giống như sự luân chuyển không ngừng nghỉ của những vì sao trên trời. Do vậy kẻ bị phân tâm chỉ lo lắng cho mỗi hiện tại, trong khi nó ngắn ngủi đến mức không thể nắm giữ, rồi ngay cả hiện tại cũng bị đánh cắp trong lúc họ lún sâu vào những trò tiêu khiển.

Tóm lại, anh có muốn biết tại sao họ không sống lâu không? Hãy xem họ muốn sống lâu đến mức nào. Những kẻ già nua yếu ớt cầu nguyện thêm vài năm cuộc đời; họ ra vẻ là mình còn trẻ; họ tự an ủi bằng cách lừa dối chính mình, lừa dối một cách hăng hái như thể họ có thể đánh lừa số phận. Nhưng đến cuối cùng khi bệnh tật nhắc nhở rằng họ chỉ là một con người, hoảng sợ biết nhường nào cái cách mà họ chết, như thể họ không từ từ chết đi mà bị lôi xềnh xệch ra khỏi cuộc đời. Họ gào lên rằng mình thật ngu ngốc khi chưa từng sống cho đúng nghĩa, rằng nếu như có thể bình phục khỏi cơn tử bệnh họ sẽ sống trong an nhàn. Sau đó họ sẽ ngẫm lại rằng, vô nghĩa đến nhường nào việc kiếm những thứ mình chẳng bao giờ tận hưởng, rằng tất cả công sức họ bỏ ra đều đổ xuống sống xuống bể. Nhưng với những người đã rút lui khỏi tất cả công chuyện, đời chắc hẳn rất dài. Không chút nào bị phung phí, không chút nào bị vương vãi đó đây, không chút nào bị đổi lấy tiền tài, không chút nào bị thất lạc do bất cẩn, không chút nào bị mang đi bố thí, và không chút nào là thừa thãi: toàn bộ cuộc đời đã được “đầu tư” một cách hợp lý. Vì thế, dù có ngắn ngủi đến đâu, đời vẫn là đủ, và bởi vậy dù ngày cuối của cuộc đời có đến bất cứ khi nào, con người hiền minh ấy sẽ không chút do dự mà hiên ngang đương đầu với cái chết.

Chắc anh sẽ muốn biết những kẻ nào thì tôi gọi là những kẻ bị phân tâm? Anh đừng tưởng là tôi chỉ nói đến những kẻ bị lôi đi xét xử bởi những người giám sát; hay những kẻ mà anh thấy bị đè bẹp hoặc một cách vinh quang bởi chính đám đông ủng hộ mình, hoặc một cách nhục nhã bởi phe đối lập; hay những kẻ bị bổn phận xã hội kéo ra khỏi nhà mình rồi ném vào cửa nhà kẻ khác; [...][**]. Nhiều kẻ bị phân tâm cả khi đang rảnh rỗi: trong ngôi nhà ở miền quê, trên chiếc trường kỷ, giữa sự tĩnh mịch, và cả khi đang ở một mình, bản thân họ chính là thứ tồi tệ nhất ở cạnh họ. Không thể nói rằng cuộc sống của những kẻ đó là an nhàn, mà là phân tâm trong bất động (idle preoccupation). Làm sao có thể gọi là an nhàn, những kẻ tỉ mẩn sắp đặt mấy thứ đồ đồng Corinthian – cái thứ đồ bị đội giá lên bởi sự ham mê của mấy tay thích sưu tập, rồi dành cả ngày cho mấy cục kim loại hoen gỉ đó; những kẻ ngồi trong vũ đài mải mê xem trai tráng vật lộn (thật đáng hổ thẹn! Chúng ta bị lây cả những thói xấu không phải của người Lã Mã); những kẻ phân loại đàn gia súc thành từng cặp dựa theo tuổi và màu sắc; những kẻ trả tiền để chăm chút cho mấy vận động viên mới nổi? Hơn thế, làm sao có thể gọi là an nhàn, những kẻ ở tiệm cắt tóc hàng giờ đồng hồ chỉ để cắt bất kỳ thứ gì mới mọc ra đêm hôm trước, để tranh luận nghiêm túc về mọi kiểu tóc khác nhau, để sửa mấy chỗ bị xoắn vào nhau hoặc để vuốt mấy sợi mỏng từ hai bên che lên trán? Những kẻ đó sẽ giận dữ đến thế nào khi người thợ cắt tóc bất cẩn dù chỉ một giây – cứ như thể chúng đang bị tùng xẻo! Những kẻ đó sẽ nổi trận lôi đình ghê gớm đến thế nào khi cái bờm bị cắt hỏng, bị đặt sai vị trí hoặc không chui qua đúng chỗ xoắn của mấy sợi tóc xoăn! Bao nhiêu kẻ trong số đó thà để đất nước loạn lạc thay vì mấy sợi tóc trên đầu? Bao nhiêu kẻ lo cho sự duyên dáng của mớ tóc hơn cả sự an toàn của cái đầu? Bao nhiêu kẻ muốn được cắt xẻo hơn cả được vinh danh? Làm sao có thể gọi là an nhàn, những kẻ dành tất cả thời gian giữa gương với lược? Và cả những kẻ bận rộn với việc soạn, nghe hoặc học mấy bài hát, rồi bóp méo giọng mình, từ cái âm thanh dễ nghe nhất là chất giọng tự nhiên, thành những hợp âm cực kỳ giả tạo; những kẻ mà lúc nào cũng gõ gõ ngón tay theo mấy giai điệu tưởng tượng, trong cả những sự kiện trang nghiêm và đau buồn? Những kẻ đó không phải an nhàn mà là biếng nhác. Và, thần linh hỡi, khi những kẻ đó tiệc tùng, tôi không thể nói rằng những kẻ đó đang nhàn hạ, khi mà trông thấy cách mà chúng lo lắng sắp xếp vàng bạc, cách mà chúng cẩn thận thắt đai cho cậu bé người hầu, cách mà chúng bồn chồn nhìn người đầu bếp xử lý con lợn lòi, cách mà những gia nhân hớt hải ngược xuôi, cách mà từng con chim được khéo léo chia cho mỗi khẩu phần, cách mà những người nô lệ cẩn trọng lau dãi cho mấy kẻ say. Qua những cách đó chúng gây dựng tiếng tăm về sự tao nhã và khiếu thẩm mỹ, và cái tiếng tăm đó bám lấy chúng đến mọi ngóc ngách của đời sống riêng tư đến mức chúng không thể ăn hoặc uống mà không phô trương.

Tôi cũng sẽ không tính là an nhàn những kẻ được khênh khắp nơi trên kiệu, và luôn xuất hiện đúng lúc để bước lên như thể bỏ nó đi là điều cấm kỵ; những kẻ phải được nhắc nhở khi nào đi tắm, đi bơi hoặc đi ăn: chúng hoàn toàn kiệt sức bởi sự lờ đờ của một tâm trí luôn được nuông chiều, đến nỗi chúng không thể tự biết khi nào thì mình đói. Tôi nghe nói rằng một trong số những kẻ sống buông thả đó – nếu như buông thả là từ chính xác để chỉ việc quên đi những thói quen cơ bản của cuộc sống con người – sau khi được khiêng ra khỏi bồn tắm và đặt lên kiệu, liền hỏi, ‘Có phải ta đang ngồi rồi không?’ Anh có nghĩ rằng kẻ đó – kẻ mà không biết mình đang ngồi hay đang đứng, có khả năng nhận biết được mình có tồn tại hay không, mình đang nhìn thấy cái gì, và phải chăng mình đang an nhàn? Không rõ là tôi sẽ thấy thương hại cho hắn hơn khi hắn thực sự không biết hay khi hắn giả vờ không biết. Những kẻ như thế thực sự quên mất rất nhiều thứ, nhưng chúng cũng giả bộ quên đi nhiều thứ. Chúng tận hưởng những thói xấu và coi đó là bằng chứng của sự giàu có: dường như những người thấp kém và bị coi rẻ lại là những người thực sự biết mình đang làm gì. Nhìn cảnh đó, làm sao ta có thể chê trách những vở kịch câm chuyên bày ra những tiểu tiết chỉ trích sự xa hoa! Thật ra, đa phần những trò trụy lạc của chúng được truyền lại thay vì được nghĩ ra, và rất nhiều vẫn còn tiếp diễn tới thế hệ này, chứng tỏ rằng chúng cũng có chút năng khiếu trong việc đó; vậy nên giờ ta có thể phê phán những vở kịch câm rằng đã bỏ qua cái năng khiếu này. Cứ nghĩ đến việc có kẻ lạc lối trong xa hoa tới mức không rõ là mình đang đứng hay đang ngồi! Kẻ đó không phải đang an nhàn, và ta phải nghĩ tới một cách miêu tả khác – hắn đang bị bệnh, hoặc đúng hơn, là hắn đã chết rồi: bởi người mà thực sự an nhàn là người ý thức được sự an nhàn ấy. Ngược lại, cái kẻ mà nửa còn sống nửa chết rồi, và cần được cho biết thân xác mình đang ở đâu – làm sao có thể kiểm soát được thời gian của mình?

Sẽ là dài dòng nếu tiếp tục kể đến những người dành cả đời chơi cờ hoặc chơi bóng, hoặc cẩn thận nướng mình dưới ánh nắng mặt trời. Họ không hề an nhàn khi những thú vui đều đòi hỏi một sự cam kết nghiêm túc. Chẳng hạn, không thể bàn cãi rằng, những người dành thời gian nghiên cứu những thứ văn chương vô bổ không hề bận rộn chút nào: cả trong số người La Mã chúng ta cũng có một đám đông những kẻ đó. Đó đã từng là nhược điểm của người Hy Lạp – muốn biết có bao nhiêu thủy thủ trong Ulysses; Iliad với Odyssey bài thơ nào được viết trước, và có phải bởi cùng một tác giả hay không; và những thắc mắc kiểu này – những thắc mắc mà nếu cứ giữ trong lòng ta sẽ không thể nào nâng cao tri thức, và việc công bố nó sẽ khiến ta giống một kẻ quá rảnh rỗi hơn là một học giả. Vậy mà giờ cả người La Mã cũng bị lây cái sự nhiệt thành vô nghĩa cho những tri thức vô dụng. Gần đây tôi nghe được có kẻ tuyên bố rằng ai là vị tướng La Mã làm việc này việc nọ: Duilius là người đầu tiên thắng trận trên biển; Curius Dentatus là người đầu tiên dùng voi để ăn mừng chiến thắng. Những thông tin đó, kể cả không làm tăng phần vẻ vang, thì cũng có thể đóng góp làm những thông tin ngoài lề về đất nước: tri thức kiểu đó, dù chẳng mang lại cái gì, nhưng lại hấp dẫn với những sự kiện vô nghĩa. [...] Biết để làm gì việc Pompey là người đầu tiên cho biểu diễn trên khán đài Circus trận đấu giữa mười tám con voi và những người vô tội. Là người lãnh đạo đất nước, và như ta được kể, người có lòng bao dung lớn lao nhất trong số những nhà lãnh đạo thời xưa, ông ta nghĩ rằng tàn sát con người theo một phương thức mới sẽ là một cảnh tượng đáng nhớ. ‘Để họ đánh nhau tới chết? Chưa đủ hay. Để họ bị xé xác thành từng mảnh? Chưa đủ thú vị. Hãy để họ bị nghiền nát bởi những loài vật khổng lồ.’ Tốt hơn hết hãy để những sự thật đó rơi vào quên lãng, kẻo sau này một kẻ cầm quyền có thể học được và muốn vượt qua cả mức độ vô nhân đạo ấy. Và kìa, đó chính là thứ bóng tối che phủ tâm trí ta bởi sự phồn thịnh. Pompey nghĩ rằng mình đứng trên quy luật của tự nhiên đến mức ném hàng tá những người khốn khổ vào những sinh vật hoang dã ngoại lai, và khi ông ta cho những con vật ấy đối đầu với nhau, ông ta khiến biết bao nhiêu máu phải đổ trước mắt người La Mã, những người mà sớm thôi cũng bị ông ta bắt phải đổ máu. Nhưng rồi chính ông ta, bị phản bội bởi Alexandrian và bị đâm chết bởi một nô lệ thấp hèn, chỉ để nhận ra rằng cái chữ “Great” trong họ của mình chỉ là một lời khoe khoang trống rỗng.

Nhưng để trở lại chủ đề ban nãy, và để minh chứng cho cái cách mà nhiều người tốn công vô ích vào những đề tài tương tự, tôi sẽ đề cập tới tin báo rằng Metellus, trong lúc ăn mừng thắng lợi, sau khi chế ngự được người Carthaginian ở Sicily, là người La Mã duy nhất sử dụng 120 con voi trong cuộc diễu hành chiến thắng [...]. Kể cả khi ta thừa nhận rằng họ nói những điều này với thiện ý, và kể cả khi những họ đảm bảo sự chính xác của những phát ngôn ấy, thì sai lầm của ai có thể được giảm nhẹ? Đam mê của ai có thể bị kiềm chế? Người nào có thể thêm hào phóng, thêm anh minh, thêm cao thượng? Fabianus của chúng ta từng nói rằng đôi khi ông tự hỏi: có khi không tìm hiểu bất kỳ thứ gì còn hơn bị vướng vào mấy thứ trên.
Trong tất cả, chỉ những người dành thời gian cho triết học mới là những người biết hưởng thú an nhàn, chỉ những người đó mới thực sự đang sống. Bởi họ không chỉ canh giữ thời gian của đời mình, mà còn sáp nhập nó với tất cả mọi thời đại. Tất cả những năm tháng đã trôi qua trước đó được thêm vào những năm tháng mà họ có. Trừ khi ta cực kỳ vô ơn, tất cả những nhà sáng lập xuất chúng của mọi trường phái được sinh ra để dạy ta cách sống. Nhờ sự vất vả của người khác, ta được dẫn lối tới hiện tại, thời điểm mà mọi thứ đã được mang ra ánh sáng từ chỗ tối tăm. Không gì cấm ta tiếp cận bất kỳ thời đại nào, mà ngược lại, ta có đến với tất cả; và một khi ta sẵn lòng để sự cao quý trong tâm hồn vượt lên trên tất cả những gò bó và yếu đuối của con người, một khoảng rộng của thời gian sẽ mở ra để ta dạo bước. Ta có thể tranh luận với Socrates, trình bày khúc mắc với Carneades, học cách nghỉ ngơi với Epicurus, vượt qua bản chất tự nhiên của loài người với những người Stoic, và bứt phá giới hạn của con người với những người Cynic. Tự nhiên cho phép ta gắn bó với mọi thời kỳ, vậy vì lẽ gì mà ta không từ bỏ cái khoảng ngắn ngủi và thoáng qua này và đắm mình hoàn toàn trong quá khứ - cái chốn vô hạn và vĩnh hằng với những người giỏi hơn hơn ta?
Những kẻ hối hả vì phận sự với cộng đồng – làm phiền cả bản thân lẫn người khác – sau khi hoàn thành trọn vẹn một vòng đảo điên và bước qua ngưỡng cửa tất cả mọi nhà, sau khi mang những lời chào đầy tư lợi đến những ngôi nhà cách nhau hàng dặm, ít ỏi đến nhường nào số người mà kẻ đó có thể gặp ở một thành phố rộng lớn và rối bời trong những khát khao. Bao nhiêu người đuổi chúng đi trong cơn buồn ngủ, trong lúc đang buông thả hay trong sự khinh thường? Bao nhiêu người, sau để chúng khốn khổ đợi chờ, giả bộ đang vội rồi nhanh chóng bỏ đi? Bao nhiêu người tránh đi qua cái tiền sảnh đầy những kẻ lệ thuộc, rồi trốn đi qua một cánh cửa bí mật – như thể việc lừa dối người đến thăm ít khiếm nhã hơn việc đuổi họ? Bao nhiêu người, nửa tỉnh nửa mơ sau buổi nhậu hôm trước, uể oải ngáp một cách bất lịch sự và phải được nhắc hàng nghìn lần trước khi mở được miệng một cách khó khăn để cất lời chào cái kẻ tự phá hoại giấc ngủ của chính mình chỉ để đợi kẻ khác tỉnh giấc?

Nên cho rằng những người mang trọng trách là những người mong mỏi được ngày ngày làm tri kỷ với Zeno, Pythagoras, Democritus và những học sĩ cấp cao chuyên nghiên cứu tổng quan, cùng với Aristole và Theophratus. Không ai trong số họ bận rộn đến mức không thể tiếp ta, không ai trong số họ để những vị khách trở về khi chưa thêm hạnh phúc và thêm yêu bản thân mình, không ai trong số họ để ta ra về tay không. Họ luôn ở nhà để tiếp đón tất cả người trần cả ngày lẫn đêm.

Không ai trong số họ ép ta vào chỗ chết, mà sẽ dạy ta cách chết. Không ai trong số họ hút kiệt những năm tháng của đời ta, mà sẽ góp thêm những năm tháng của họ vào đời ta. Không ai trong số họ khiến ta gặp hiểm nguy khi trò chuyện, gặp tai họa khi bầu bạn, hay khiến ta tốn tiền của để lắng nghe. Từ họ, ta có thể lấy đi bất kỳ thứ gì ta muốn, và sẽ không phải lỗi của họ nếu như ta không thể lấp đầy những thiếu sót trong ta. Tuyệt vời và hạnh phúc biết bao cái thời kỳ hoàng kim trong quá khứ đang chờ đón vị khách của họ! Ta sẽ có những người bạn với những lời khuyên trải dài từ những điều quan trọng nhất đến điều tầm thường nhất, những người mà ta có thể tham khảo ý kiến mỗi ngày, những người nói cho ta sự thật mà không xúc phạm ta và khen ngợi ta mà không hề nịnh nọt, những người cho ta một hình mẫu để tự soi xét bản thân.

Ta thường nói rằng ta không có quyền chọn đấng sinh thành, rằng cha mẹ được ban cho ta một cách ngẫu nhiên. Nhưng ta có thể quyết định mình muốn được làm con của ai. Trong số những gia đình cao quý và hiểu biết nhất: chọn gia đình nào mình muốn được nhận nuôi, và ta sẽ thừa hưởng không chỉ danh tiếng mà cả tài sản của họ – thứ tài sản không cần canh giữ một cách bủn xỉn hay miễn cưỡng: ta càng chia sẻ, nó càng gia tăng. Những gia đình đó sẽ chỉ cho ta con đường đến với sự bất tử và nuôi dạy ta đến khi ta thực sự hài lòng. Đó là cách duy nhất để kéo dài sự hữu hạn của đời người – thậm chí còn biến nó thành bất tử. Những danh hiệu, những công trình, cùng tất cả những thứ mà kẻ tham vọng xây lên bằng những mệnh lệnh hay gây dựng tại chốn đông người sẽ sớm sụp đổ: không gì dòng chảy của thời gian không thể phá hủy và xóa nhòa. Nhưng dòng chảy đó không thể gây tổn hại đến những tác phẩm đã được triết học công nhận: không thời đại nào có thể xóa sạch, không thời đại nào có thể làm giảm giá trị của những tác phẩm đó. Thời đại tiếp theo và này sẽ chỉ làm tăng thêm sự kính trọng với những công trình đó, bởi lòng đố kỵ chỉ sinh ra với những thứ trong tầm với, còn những thứ xa xôi ta có thể tha hồ ngưỡng mộ. Bởi vậy mà cuộc đời của nhà triết học trải rộng: người đó không bị giam cầm bởi ranh giới như những kẻ khác. Duy nhất người đó không bị trói buộc bởi những luật lệ giới hạn loài người, và tất cả mọi thời đại đều phụng sự người đó như một vị thánh. Thời gian đã qua: người đó nắm lấy trong hồi tưởng. Thời gian hiện tại: người đó tận dụng. Thời gian đang tới: người đó lường trước. Sự hợp nhất của mọi khoảng thời gian giúp cho người đó có một cuộc sống dài lâu.
Nhưng đời là vô cùng ngắn và đầy âu lo với những kẻ quên mất quá khứ, bỏ qua hiện tại, và lo sợ tương lai. Khi tới điểm cuối của cuộc đời, những kẻ bất hạnh đó nhận ra khi đã quá muộn rằng trong suốt thời gian qua mình đã bị phân tâm mà chẳng làm được việc gì. Việc thỉnh thoảng họ cầu mong được chết không có nghĩa là đời họ dài. Sự dại dột của họ làm họ khổ sở với những cảm xúc không nguôi, thứ đẩy họ vào điều mà họ vô cùng sợ hãi: họ thường mong mỏi cái chết bởi họ sợ nó. Cũng không phải là minh chứng cho việc họ sống lâu, việc ngày dường như luôn dài đối với họ, hay việc họ than rằng sao thời giờ trôi đi quá chậm, mãi chưa đến được giờ ăn tối. Bởi ngay khi những mối bận tâm của họ rời bỏ họ, họ sốt ruột khi không có việc gì làm, không biết làm thế nào để thoát khỏi sự rảnh rỗi hoặc làm sao để thời gian trôi. Và vì thế mà họ bồn chồn kiếm việc gì đó để làm, và tất cả những khoảng thời gian ở giữa trở nên buồn tẻ: thực ra, nó cũng giống như khi một trận đấu được thông báo, hoặc trong khi họ chờ đợi một chương trình biểu diễn hoặc giải trí – họ muốn nhảy qua những ngày nằm giữa. Bất kỳ khoảng thời gian nào trước cái sự kiện họ hằng mong mỏi đều buồn tẻ đối với họ. Thế nhưng cái khoảng mà họ thực sự tận hưởng lại vô cùng ngắn ngủi và chóng vánh, và càng ngắn hơn bởi sai lầm của họ. Bởi họ lao vào hết thú vui này đến thú vui nọ và không thể yên vị với một ham muốn. Ngày của họ không dài mà vô cùng kinh khủng: không chỉ vậy, đêm của họ ngắn ngủi biết bao khi họ rượu chè và gái gú! Từ đó mà có sự điên rồ của lũ nhà thơ, những kẻ khuyến khích sự bạc nhược của loài người qua câu chuyện về Jupiter, cám dỗ bởi khoái lạc trong việc làm tình, có thể khiến đêm dài ra gấp đôi. Thứ đó có tác dụng gì ngoài việc làm bùng lên ngọn lửa của sự trụy lạc trong ta, khi trích dẫn cả những vị thần để khuyến khích; và để bắt đầu những việc làm sai trái, họ nêu ra – và lấy làm lý do – sự phóng đãng của những vị thần? Những đêm đắt đỏ mà họ mua còn chưa đủ ngắn đối với họ hay sao? Họ đánh mất ban ngày để đợi đến ban đêm, rồi đánh mất ban đêm vì sợ bình minh tới.
Cả những thú vui của họ cũng chẳng hề dễ chịu và đầy muộn phiền bởi vô vàn nỗi sợ, rồi khi đang trên đỉnh của nỗi hân hoan, sự lo lắng chiếm lấy họ: ‘Cảm giác này sẽ kéo dài bao lâu?’ Chính cảm giác ấy khiến những vị vua than khóc quyền lực mình nắm trong tay, và niềm vui sướng trong cơ ngơi đồ sộ không thể vượt qua nổi nỗi sợ hãi khi nghĩ về cái kết không thể tránh khỏi của cơ đồ ấy. Khi vị vua ngạo mạn nhất của Ba Tư triển khai quân trên một vùng đất rộng lớn, và không thể đếm số lượng mà phải đo chiều dài đội quân ấy, ông ta khóc vì một trăm năm sau đội quân khổng lồ ấy sẽ không người nào còn sống. Thế nhưng người đã khóc thương đó cũng chính là kẻ sẽ đẩy họ vào chỗ chết, một số ở biển, một số ở đất liền, một số trên chiến trường, một số khi bỏ chạy, và trong một thoáng sẽ xóa sổ tất cả những gì mà mình lo nghĩ ở tận trăm năm sau.

Thế còn về việc những niềm vui của họ cũng không hề dễ chịu? Đó là do những niềm vui đó không dựa vào những căn nguyên vững chắc, mà thay đổi không có cơ sở như cách mà chúng phát sinh. Anh nghĩ xem những quãng thời gian đó còn có thể là gì, khi mà chính họ cũng thừa nhận là khốn khổ, khi mà những niềm vui khiến họ cảm thấy được nâng tầm và vươn lên trên nhân loại cũng mục rữa? Tất cả những hạnh phúc lớn lao nhất đều gây phiền muộn, và Fortune không khi nào đáng ngờ hơn lúc người tỏ ra công bằng nhất. Để gìn giữ tài sản ta cần thêm tài sản, và để củng cố những lời thỉnh cầu đã được đáp lại ta cần tiếp tục thỉnh cầu. Bất cứ thứ gì tình cờ đến với ta đều không bền vững, và càng vươn lên cao, nó càng dễ sụp đổ. Hơn thế, thứ gì chắc chắn sẽ sụp đổ sẽ chẳng làm ai vui. Vì thế, chắc hẳn đời không chỉ rất ngắn mà còn rất khốn khổ với những kẻ bỏ ra bao mồ hôi nước mắt để giành lấy những thứ phải giữ bằng mồ hôi nước mắt. Họ vất vả để đạt được những thứ mà họ muốn; họ lo lắng sở hữu những thứ mà họ đạt được; và trong khi đó họ không hề để tâm tới thời gian – thứ sẽ không bao giờ quay trở lại. Những bận bịu mới thế chỗ cái cũ, ước mong và tham vọng khơi dậy thêm ước mong và tham vọng. Họ không tìm kiếm một điểm dừng cho sự khổ sở của họ, mà họ chỉ đơn thuần thay đổi lý do gây nên nó. Ta coi danh tiếng là một nỗi khổ, rồi ta dùng nhiều thời gian cho danh tiếng của kẻ khác. Ta ngừng làm người ứng cử, rồi ta chuyển qua vận động cho kẻ khác. Ta từ bỏ những rắc rối của bên bị khởi tố, để nhận lấy những vấn đề của người thẩm phán. Có người ngừng làm thẩm phán để làm chủ tịch phiên tòa. Có người già đi khi quản lý tài sản của người khác để kiếm chút tiền công, rồi dành tất cả thời gian còn lại trông coi tài sản của mình. Marius được giải thoát khỏi quân ngũ chỉ để bận bịu với việc tham mưu. Quintius vội vàng thoát khỏi chức vị quân chủ, nhưng lại bị triệu tập trở lại khi đang làm đồng. Scipio sẽ chống lại người Carthaginian đến khi ông ta nếm đủ. Đánh bại Hannibal, đánh bại Antiochus, xuất chúng với tài tham mưu và là người đỡ đầu cho em trai, chắc ông ta đã được đặt cạnh Jupiter nếu như không tự mình cấm việc đó. Nhưng mối bất hòa trong đất nước sẽ quấy rầy chính người đã cứu rỗi nó, và sau khi một người trẻ tuổi coi khinh vinh dự dành cho những vị thần, khi đã già ông phải vui vẻ lưu đày một cách đầy phô trương. Sẽ luôn luôn có nguyên do cho những nỗi muộn phiền, dù bởi giàu sang hay do bất hạnh. Đời sẽ bị đẩy đi qua những chuỗi bận rộn: ta sẽ luôn mong mỏi sự an nhàn, nhưng không bao giờ tận hưởng nó.

Vậy nên, Paulinus thân mến, hãy tách mình khỏi đám đông, và bởi anh đã bị cuốn đi bởi bão giông cuộc đời nhiều hơn những người ở tuổi anh đáng phải chịu, sau cùng anh cũng phải lui về một bến đỗ an toàn. Nghĩ xem bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu bão giông anh đã đương đầu – một vài trong số đó anh chịu đựng trong đời tư và một vài anh tự mang vào thân trong đời công. Phẩm chất của anh đã được thể hiện đủ lâu rồi, anh đã là một hình mẫu của sự chăm chỉ và cần cù: xem những phẩm chất ấy thể hiện như thế nào khi an nhàn. Cái nửa lớn hơn của cuộc đời anh, và chắc chắn là cái nửa tốt hơn, đã được hiến dâng cho đất nước: hãy giữ lấy chút thời gian cho bản thân mình. Tôi không mời anh đến với sự lười biếng – bất động và không mục đích, hay nhấn chìm tất cả những năng lượng tự nhiên của anh bằng giấc ngủ hay những thú vui thân thuộc với số đông. Đó không phải là nghỉ ngơi. Sau khi từ bỏ công việc và tận hưởng sự thư thái của tâm hồn, để giữ cho mình bận rộn, anh hãy tìm những hoạt động quan trọng hơn những việc anh đã làm một cách hăng hái từ trước tới nay. Quả thực, anh đã quản lý sổ sách của thế gian một cách tỉ mỉ như của một người, một cách cẩn thận như của chính mình, một cách tận tâm như của đất nước. Anh được tin cẩn trong một công việc rất khó tránh những ý định xấu xa; nhưng hãy nghe tôi, tốt hơn là hãy thấu hiểu sổ sách của đời mình thay vì của nghề buôn ngũ cốc. Anh phải lấy lại cái trí tuệ hoạt bát, sẵn sàng đương đầu với những trách nhiệm lớn lao, từ cái nhiệm vụ chắc chắn là danh giá nhưng rõ ràng không phù hợp cho một cuộc đời hạnh phúc; và anh phải nhận ra rằng những thứ anh từng được học lúc còn trẻ về nghiên cứu tổng quan không hướng đến mục đích này – việc hàng nghìn những tính toán về ngũ cốc được an tâm giao phó cho anh. Anh đã hứa hẹn với bản thân những thứ cao đẹp và to lớn hơn. Chúng ta không có đủ những người vừa xứng đáng lại vừa chăm chỉ. Những con vật chậm chạp chuyên thồ hàng hóa thích hợp với việc mang vật nặng hơn nhiều những con ngựa thuần chủng: ai lại đi kìm hãm tốc độ ưu tú của chúng bằng một gánh nặng? Và hãy nghĩ xem bao nhiêu lo lắng anh gặp phải khi gánh vác một trách nhiệm nặng nề đến vậy: anh phải đối phó với bao tử của con người. Một kẻ đói không nghe lý lẽ, không xoa dịu được qua sự đối đãi công bằng và cũng không lay chuyển được bằng những thỉnh cầu. Gần đây, trong vòng vài ngày sau khi Gaius Caesar chết đi, chắc hẳn ông ta sẽ thấy thất vọng (nếu như người chết vẫn còn cảm giác) khi thấy người La Mã vẫn sống sót, với nguồn lương thực đủ để dùng trong bảy hoặc tối đa là tám ngày, trong lúc ông ta xây dựng cầu thuyền và chơi đùa với tài nguyên của đế chế - ta phải đối mặt với thứ tệ nhất trong số những tai họa, kể cả với những nơi bị vây hãm: thiếu thực phẩm dự trữ. Việc ông ta bắt chước một vị vua điên dại nước ngoài đã hủy hoại niềm kiêu hãnh của ông ta, suýt chút nữa dẫn đến sự hủy diệt của thành phố, nạn đói và sự sụp đổ hoàn toàn theo sau. Vậy những người chịu trách nhiệm cho nguồn cung ngũ cốc sẽ cảm thấy thế nào, khi họ bị đe dọa bởi gạch đá, khí giới, hỏa hoạn, và Gaius? Họ thành công trong việc giả vờ, xoay xở để che giấu những thứ xấu xa ẩn nấp trong nội bộ đất nước – và chắc chắn có lý do tốt đẹp đằng sau hành động đó. Bởi một số bệnh phải được trị khi bệnh nhân không nhận thức được chúng: việc biết về những căn bệnh đó đã gây nên cái chết của nhiều người.

Anh phải lui về với những hoạt động bình lặng hơn, an toàn hơn và quan trọng hơn. Làm sao anh có thể nghĩ rằng hai thứ này giống nhau: việc anh giám sát quá trình vận chuyển ngũ cốc vào kho, đảm bảo toàn vẹn trước những gian dối và bất cẩn của người vận chuyển, và cẩn thận để nó không bị ẩm ướt rồi hỏng bởi nhiệt độ, và để nó đủ cả về kích thước lẫn khối lượng; so với việc anh đến với những nghiên cứu thiêng liêng và cao quý, mà từ đó anh sẽ học được: sự thật về những vị thần, và ý muốn của họ, lối sống của họ, dáng hình của họ; vận mệnh nào đang chờ đợi anh; tự nhiên sẽ để ta yên nghỉ ở chốn nào sau khi rời bỏ thân xác con người; lực nào duy trì tất cả những nguyên tố nặng nhất ở trung tâm của trái đất này, giữ những nguyên tố nhẹ lơ lửng trên không, mang lửa tới những đỉnh cao vời vợi, khiến những vì sao chuyển động tương hỗ với nhau – và học những thứ theo sau, những thứ bao la và tuyệt diệu. Anh thực sự nên rời bỏ mặt đất và chuyển suy nghĩ qua những nghiên cứu đó. Bây giờ, khi máu vẫn còn nóng, anh hãy mạnh dạn tìm tới những thứ tốt đẹp hơn. Với cách sống đó anh sẽ thấy rất nhiều thứ đáng để anh nghiên cứu: tình yêu và cách rèn luyện phẩm hạnh, cách quên đi những ham muốn, hiểu biết về cách sống và cách chết, và một cuộc đời thực sự thanh bình.

Hẳn là tất cả những kẻ bị phân tâm đều bất hạnh, nhưng bất hạnh nhất là những kẻ cực nhọc không phải vì những việc của mình, mà phải ngủ theo giấc ngủ của kẻ khác, bước theo nhịp của kẻ khác, và phải tuân lệnh cả trong những thứ tự nguyện nhất, yêu và ghét. Nếu những kẻ đó muốn biết đời mình ngắn đến đâu, hãy để chúng ngẫm xem mảnh đời mà chúng nắm trong tay ít ỏi đến nhường nào.

Bởi vậy, khi anh thấy một người liên tục vận quan phục, hay một người có tên thường được nhắc tới ở Forum, đừng ghen tị với người đó: những thứ đó phải đánh đổi bằng cái giá của cuộc đời. Để một năm có thể mang tên mình, họ phải phung phí tất cả những năm mình có. Đời đã để một số người chật vật ở bước đầu của sự nghiệp trước khi họ có thể dấn bước tới đỉnh cao của tham vọng. Một số người, sau khi luồn cúi qua hàng nghìn những điều nhục nhã để đạt được phẩm giá tối cao, bị tấn công dồn dập bởi suy nghĩ u ám rằng tất cả công sức của họ chẳng để làm gì ngoài việc đổi lấy một cái văn bia. Một số cố gắng điều chỉnh sự già nua cực độ để vươn tới những tia hi vọng mới như thể vẫn còn sung sức, để rồi nhận ra sự yếu đuối đã làm họ thất vọng trong một nỗ lực quá sức. Thật đáng hổ thẹn cái cảnh một ông già hụt hơi trong lúc đang bào chữa cho những đương sự hoàn toàn xa lạ với ông ta, cố gắng giành lấy một tràng pháo tay của những kẻ ngu dốt ngoài cuộc. Thật không thể chấp nhận cái cảnh cảnh một người ngã quỵ trong khi thực hiện nghĩa vụ của mình, kiệt sức vì lối sống hơn là vì vất vả. Càng thêm hổ thẹn khi một người chết trong khi đang kiểm tra sổ sách, và kẻ thừa kế, chờ đợi đã lâu, mỉm cười nhẹ nhõm. Tôi không thể ngăn mình kể với anh một trường hợp mà tôi biết. Sextus Turannius là một ông già được biết đến là người tỉ mỉ và cần cù, người mà, ở tuổi chín mươi, sau khi thỉnh cầu đã được Gaius Caesar cho phép lui khỏi cơ quan. Ông ta sau đó nằm trên giường rồi tập hợp người nhà tới khóc than như thể ông ta đã chết. Cả nhà khóc thương sự an nhàn của vị chủ nhân cũ, và chỉ ngừng lại khi chức vụ cũ của ông ta được khôi phục. Thực sự thoải mái đến vậy sao, việc chết trong khi đang làm việc? Đó chính là cảm giác của nhiều người: ham muốn làm việc tồn tại lâu hơn cả khả năng làm việc đó. Họ chiến đấu chống lại sự yếu đuối của thân thể, và việc họ coi tuổi già là một trở ngại không có lý do nào khác ngoài việc nó khiến họ không thể làm việc. Luật không bắt một người phải làm lính khi quá năm mươi hay làm nghị sĩ sau khi qua sáu mươi: người ta giành lấy sự an nhàn từ tay mình còn khó hơn cả từ những điều luật. Trong khi đó, khi mà họ cướp đoạt và bị cướp, trong khi họ khuấy động sự thanh thản của kẻ khác, trong khi họ làm khổ nhau, đời họ trôi đi, không chút mãn nguyện, không chút sướng vui, không chút mở mang về trí tuệ. Không kẻ nào để mắt tới cái chết, không kẻ nào dằn lòng khỏi những ước muốn xa xôi; thật vậy, nhiều người còn sắp đặt những thứ phía sau cuộc đời - những lăng mộ khổng lồ, những lễ vinh danh ở những công trình công cộng, những màn trình diễn ở đám tang, và lễ an táng đầy phô trương. Nhưng sự thật là, đám tang của những kẻ đó nên được tổ chức dưới đuốc và nến, như thể họ đã sống cuộc đời ngắn ngủi nhất thế gian.

Chú thích:
[*] Bài luận được viết dưới dạng thư gửi cho một người bạn – người viết xưng “tôi”, gọi người nhận là “anh”.

[†] Nguyên văn: “leisure”. Tạm dịch là “nhàn hạ”, “thời gian rỗi”, “thời gian rảnh”. Tuy nhiên những cụm từ này khi xuất hiện trong bài nên được hiểu là: thời gian làm việc mình thích khi không phải học tập và làm việc.

[‡] Nguyên văn: “preoccupied”. Do rất khó tìm được cách diễn đạt ngắn gọn và sát nghĩa, người dịch dùng cụm từ “bị phân tâm”. Tuy nhiên những cụm từ “bị phân tâm” xuất hiện trong bài nên được hiểu là: mải suy nghĩ, lo lắng về một vấn đề nên không thể để tâm đến thứ gì khác.

[§] Fortuna, vị thần nắm giữ vận may và những điều ngẫu nhiên của số phận.

[**] Trong những đoạn [...], Seneca tiếp tục lấy thêm những ví dụ tương tự, với những sự kiện lịch sử có phần xa lạ đối với người đọc. Do đó những đoạn trên đã được lược đi.