Về sách Hồi ký của một Geisha
Xin chào, đây là lần đầu tiên mình viết bài post public thế này. Đây là bài review về sách . Không biết làm sau nhưng đến khúc sau...
Xin chào, đây là lần đầu tiên mình viết bài post public thế này. Đây là bài review về sách . Không biết làm sau nhưng đến khúc sau thì có vẻ không còn là một bài review nữa. Hihi. Nhưng mong rằng mọi người sẽ đọc và đóng góp cho mình nhiều ý kiến.
Cuốn truyện này trước tiên là mình được một người bạn đề cập đến trong một buổi thuyết trình về nước Nhật ở lớp Giao tiếp xuyên văn hóa. Và mình có nhớ bạn ấy nói rằng chỉ cần quyến rũ được môt người đàn ông bằng một ánh mắt thì người con gái ấy đã có thể trở thành một Geisha. Mình chỉ cảm thấy điều này khá thú vị và sẵn đang trong thời gian rảnh rỗi nên...
Hồi ức của bà Sayuri (tên thật Chaiyo) bắt đầu từ lúc bà còn khá nhỏ, hình như khoảng tám tuổi, là trước lúc bà gặp một nhân vật mà đã khiến cuộc đời bà thay đổi hoàn toàn. Cuộc đời của bà khi ấy chẳng có gì ngoài chuyện nhà bà rất nghèo, buồn tẻ nhưng bà có những suy nghĩ khá thú vị mà bà tự mường tượng ra cho mình để cuộc sống bớt tẻ nhạt. Rồi có những người đến và đi khỏi cuộc đời bà, những sự việc xảy đến đẩy bà ra khỏi vòng đời tầm thường, vô vị ấy và đến với nghề kỹ nữ. Từ những lúc bà bắt đầu tự bước đi, đến những va vấp suýt khiến bà đánh đổi cả thân phận, những khó khăn, cô đơn cùng cực, tất cả đều được kể lại rất chi tiết và chân thật.
Nhìn chung, Hồi ức của một geisha được viết với khá nhiều diễn biến, gay cấn có, vui vẻ có, u sầu có. Điều mình ấn tượng ở cuốn sách này là giọng kể luôn rất lạc quan và tích cực, dẫu người kể đã trải qua biết bao gian khổ, bị chà đạp và chịu đựng nhiều bất công (mà khi nhìn lại ở thời đại này thì phải nói là "quá" bất công). Chắc có lẽ tinh thần của bà đã được tôi rèn từ nhỏ hay bởi bản tính gan lỳ, dễ chấp nhận hay sao đó, mình không biết, nhưng dường như trong giọng kể ấy, bà có lẽ là người luôn tìm được bình yêu trong tâm hồn mình. Và mình thấy vui vì điều ấy. Trong lòng có đôi chút cảm mến những con người luôn nhẹ nhàng và dịu dàng dẫu đã qua bao điều xấu xa như vậy.
"Geisha" nôm na có thể nói là nghề kỹ nữ. Đọc xong cuốn truyện này, mình mới thật sự hiểu và có cái nhìn toàn cảnh về một nền "công nghiệp" geisha, sẽ có những "nhà đầu tư" là các "mẹ", bỏ tiền cho geisha học đàn, múa. Sẽ có thứ bậc của geisha, geish tập sự, geisha chính thức và sự phân biệt trong đối xử là rất lớn. Có cách thức tính lương cho geisha theo từng loại. Có những khách mời, đối tác quen thuộc, rồi còn là các nhà "bảo trợ" muôn đời nữa. Rồi còn có những cách thức kiếm tiền rất quy củ như đấu giá lần đầu tiên của các geisha và nhiều nhiều chuyện khác nữa. Qua từng trang viết, mình đều "Ồ!", "À!" với những câu chuyện của người kể. Hóa ra, nghề kỹ nữ của ngày xưa cũng "quy mô" phết.
Và hơn cả những điều ấy, mình cảm thấy "khó chịu" đôi chút khi những người phụ nữ thời xưa, dù có một tâm hồn đẹp và cao quý đến đâu, lại chỉ được nhìn nhận qua những giá trị mà người khác gán cho. Một khi đã bị đẩy vào làm nghề geisha, thì cô gái nào cũng sẽ tự xác định vị thế của mình luôn ở dưới trướng của thứ nhất là "mẹ", thứ hai là đàn ông. Điều đó nếu ở thời đại này thì thật quá kinh khủng phải không? Bạn sẽ không được lựa chọn cho cuộc đời mình, bạn sẽ phải luôn vâng lời, phải luôn làm việc cật lực cho những thứ mà thậm chí bạn còn không muốn có, sẽ buộc phải mua vui cho đàn ông. Trong trường hợp bạn đẹp và chưa ai động đến, bạn còn phải cắn răng chịu "bán mình" cho một người đàn ông bạn không hề cảm mến, bằng hình thức đấu giá, cứ như bạn là một thứ đồ vật gì ấy. Tệ hơn nữa, trong cái vòng xoáy ấy, bạn không biết mình là con người và xứng đáng được hưởng những quyền tự do. Và đó là lý do mà các cô geisha luôn tự mặc định việc tìm và có được một người đàn ông "bảo trợ" đến cuối đời như là mục tiêu cuối cùng. Từ dưới sự kiểm soát của "mẹ", đến khi tự tìm được người đàn ông "bảo trợ" cho cuộc đời mình và mãi cho đến cuối đời, các cô ấy chưa bao giờ có một giây phút tự do.
Có lẽ bạn nghe về vấn đề này nhiều rồi, đến nỗi phát chán ấy nhỉ. Nhưng mình nghĩ về hiện tại, vẫn còn nhiều cô gái chưa biết mình có quyền tự do lắm chứ. Hay đôi khi họ chỉ thấy việc mình dựa dẫm được vào ai đó có nền tảng tài chính tốt là còn hơn cả quyền tự do của mình nhỉ? Mình không biết nhưng mình thấy buồn.
Đôi lúc gặp những em gái nhỏ tuổi hơn, mình vẫn luôn cố nói với tụi nó rằng. Em đừng nghĩ mình là con gái. Mà trước hết em là con người, em có thể làm tất cả những gì em thích và em muốn. Đừng để giới tính và những áp đặt giới tính mà xã hội đặt ra cho em làm em quên mất em là con người và em có quyền làm những gì em muốn. Đâu đó trong đời mình vẫn thấy hình dáng những người con gái tìm kiến tự do cho mình trong hình hài những người bạn (theo phong cách) tomboy. Mình biết rằng mình không thể nói về lý do cho sự lựa chọn của ai đó (cũng như giới tính của họ) nhưng mình luôn có thể lờ mờ đoán rằng một trong số họ chọn như vậy là vì họ muốn được tự do, khỏi những áp đặt xã hội.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất