Hôm nay mẹ gọi, và trong khi nhắc đến chuyện công việc của mình, mẹ lại nhắc đến câu chuyện cũ, câu chuyện mà mình suốt năm năm qua, mình chưa bao giờ tìm được câu trả lời cho nó cả, đó là "HAY LÀ VỀ QUÊ LÀM ĐI CON"...
Sau cuộc nói chuyện điện thoại với mẹ, bạn gái mình có nói cho mình rằng đó là do mẹ mình thương mình và lo lắng cho mình thôi. Ừ thì mình cũng hiểu được chuyện đó, nhưng cụ thể tình thương và sự lo lắng đó có hình thù như thế nào thì mình không biết. Đây không phải là lần đầu tiên, mà mẹ mình, hay những lần trước là ba mình, đề cập đến chuyện mình nên về quê làm việc để. Ba mẹ đưa ra nhiều lí do cho việc đó, rằng ba mẹ lo lắng cho mình phải tự xoay sở mọi thứ cho mình, rằng cuộc sống trên Sài Gòn phức tạp nhiều thứ, đến nỗi từ những việc nhỏ xíu như việc chuyển nhà, ba mẹ cũng đòi bắt chuyến xe đi 300km lên để giúp mình chuyển nhà, hay lí do khác sẽ là dưới quê cũng có thể tìm được công việc tốt mà. Nhưng còn có một lí do khác nữa, mà mình biết, hay mình nhận ra được qua những câu nói của ba mẹ, đó là ĐỂ ĐƯỢC Ở GẦN BA MẸ, và bản thân mình có cái suy nghĩ hơi bất hiếu rằng, đó là vì ba mẹ không muốn mất đứa con trai đã nuôi lớn trong từng ấy năm. Tuy nhiên, mình cho rằng đó là góc nhin của một người thứ ba nhìn vào lí do ba mẹ muốn mình về quê thay vì sống ở những thành phố khác, bởi vì sau mỗi cuộc nói chuyện với ba mẹ, mình lúc bật khóc sau khi giọng của ba mẹ lặng đi. 
Ừ thì mình khóc là vì mình biết mình có thương ba mẹ, và mình biết ba mẹ cũng vì thương đứa con trai mà ba mẹ đã bao bọc bấy nhiêu năm và không muốn ai làm trầy xước gì nó cả, mà ba mẹ mới có những đề nghị như vậy. Những giọt nước mắt đó là nước mắt của sự bất lực, rằng làm sao để ba mẹ hiểu được lí do mình được ở lại nơi đất khách quê người này, mặc dù cuộc sống có khó khăn...
Trước khi mình lên Sài Gòn để học đại học, 18 tuổi năm trước đó của mình là hoàn toàn ở trong sự bao bọc của cha mẹ. Gia đình mình không giàu, chỉ ở mức đủ ăn, đủ sống, nhưng ba mẹ chưa bao giờ để mình thiếu thứ gì hay chịu thiệt thòi với bạn bè. Mình sung sướng đến mức, đến tận năm 19 tuổi, tức là khi mình học năm nhất đại học, mình mới được lần đầu tiên làm được một chuyện mà khi kể ra chắc chẳng có gì đang tự hào, đó là "nấu cơm". Nó đúng là như vậy đó, vì 18 năm trước đó ba mẹ chưa bao giờ bắt mình phải "động móng tay móng chân" gì cả. Những ngày đầu tiên lên đại học, mình biết được một điều rằng, bây giờ chẳng có ai bên cạnh để nấu sẵn bữa cơm, còn mình chỉ việc đi chơi về rồi chạy vào ăn nữa cả. Là bây giờ nếu không tự giặt đồ thì chẳng có đồ đâu mà mặc. Là nếu có bị bệnh lúc đang ngồi trong trường thì cũng phải tự đi đến tận bãi xe, tự thân vác chiếc xe ra và đưa bản thân về nhà, chứ sẽ chẳng có chuyện chỉ cần một cuộc gọi là ba sẽ đến đón về đâu. Là từ bây giờ mọi chuyện đúng sai trên đời, đều phải do mình tự quyết định lấy, tự do bản thân học lấy, chứ sẽ chẳng có ai bên cạnh mà chịu trách nhiệm cho mình được nữa cả. Vì thế mà ngay từ năm đầu tiên đại học, mình đã đặt bản thân mình vào những áp lực, rằng phải tốt hơn ngày hôm qua, phải học được kĩ năng này kĩ năng kia, phải biết tự lo công chuyện này công chuyện kia. Cứ thế mà mình dần trở thành một con người muốn mình phải tự làm mọi thứ, tự học mọi thứ, tự kiếm tiền mà đi du lịch, tự làm mình vui những lúc không ai bên cạnh, và tự giải quyết những vấn đề mà mình tạo ra. Và cứ dần dần, mình cũng bỏ đi luôn thói quen chia sẽ những khó khăn với ba mẹ, vì mình biết nếu làm vậy thì ba mẹ, ở một nơi cách xa mình 7 tiếng đi xe, sẽ lo lắng. Nên những cuộc gọi của mình, mà gọi mẹ thì đa số chứ ba mình thì kiệm lời lắm, sẽ là để mẹ trút hết những mệt mõi của cuộc sống, những lời hỏi thăm của mẹ, hay chỉ đơn giản là ngồi đó nghe mẹ kể về chuyện trong xóm thôi. Cho nên, mình nghĩ đã từ lâu bên trong bản thân mình đã hình thành sự Tự Lập, về suy nghĩ và những thứ khác trong cuộc sống. Và cũng bởi vì vậy, dần dần mình nhận thức rõ hơn về việc mình muốn cuộc sống của mình diễn ra như thế nào, mình muốn làm công việc gì, sở thích của mình là gì. Nó sẽ không phải là "cuộc sống qua ngày", đi làm tàn tàn từ 8h sáng đến 5h chiều, rồi lấy lấy vợ, có con. Không không!!! Mình không muốn cuộc sống như vậy. Mình muốn làm nhiều thứ, đi nhiều nơi và tạo ra nhiều trải nghiệm cho cuộc sống, để mai này khi mình già đi, mình có thể tự hào kể với con trai của mình rằng, "Đó. Ngày xưa cuộc sống của ba thú vị như vậy đó." Và mình muốn mình sẽ là nguồn cảm hứng để con mình được sống một cuộc đời có ý nghĩa. 
Nhưng mà, ừ thì đó là cuộc sống mà mình muốn, và những suy nghĩ đó được xây dựng dựa trên những trải nghiệm của một người sống ở thời đại khác thời đại mà ba mẹ sống. Sẽ chẳng có xã hội nào tốt hơn xã hội nào cả, nhưng ở thời của ba mẹ, mọi thứ diễn ra khác cái cách mà cuộc sống của mình ở thời điểm hiện tại diễn ra. Những trải nghiệm khác nhau dẫn đến quan điểm khác nhau, và vì thế mà mình chưa bao giờ tìm ra câu trả lời cho bài toán "Làm sao để ba mẹ hiểu được tất cả những thứ mình đang làm, và làm sao để mình hiểu được hết tất cả những lo lắng của ba mẹ."