Trước khi xem phim

Tôi đi coi với tâm thế hầu như chưa biết gì, thật sự mang máng chỉ là poster phim đề tài xã hội, đạt giải ở LHP quốc tế. Hết!
Để cái đầu rỗng, luôn là vậy, để mà còn chỗ cho suy nghĩ cảm xúc mình, còn chỗ cho tinh khiết giác quan. Coi xong muốn về lục bao nhiêu review, mô tả, dư luận trăm chiều ý nghĩa gì đó thì để sau, chỉ mau lẹ để còn ghi hết cái mình nhớ, cái khiến mình phải chồm dậy khỏi ghế mà căng mắt nhìn trước đã.

Ròm

Thằng Ròm nào phải anh hùng gì đâu, chả ai nhìn hay tin nó thế, nhưng tôi thì tin, và nó cũng tin chính nó, và tôi cho nó là anh hùng, của đời nó và đời một ai đó bao gồm tôi.
Nó ngập tràn ước mơ, luôn kiếm tìm tấm vé cho giấc mơ nó, chờ đợi được đoàn tụ, tin tưởng vào vận ‘hên’, những may mắn dẫu tất cả bỏ nó, dí đánh, đạp đổ hoài vọng nhỏ nhoi kia thì nó cứ vững tin. Tin và chạy, nghị lực, kiên cường như anh hùng thực thụ mà không được công nhận.
Tôi nhớ thật nhiều lát cắt đời nó. Cái hồi nó nhỏ - dù bây giờ nó cũng chưa hẳn là lớn, lần mà nó đang ngoạm miếng bánh mì dơ mèm trong bọc ni lông xanh nhàu nhĩ thì bị rớt đất. Lúc trú mưa dưới hầm chui, nghe tiếng tụi nó tới, nó hốt lẹ nắm đất, đứng phắt dậy giơ tay định ném thì bọn kia chìa cho nó ổ bánh mì mới nguyên. Nhìn tụi trẻ kia chạy đi không chớp mắt, lúc đó tôi không rõ mặt thằng Ròm là đọng nước mưa hay mắt nó ướt nước. Là ngỡ ngàng, trước lòng tốt!
Sau này, lần nữa là khi thằng Phúc đạp nhẹ hều nó, ngồi cùng nó dù Phúc đã vò đầu bứt tóc định bỏ đi mấy bận. Phúc vòng lại, ngồi cạnh Ròm, cái cảnh chao nghiêng của máy quay dừng ngay ở mức bằng phẳng, một cảnh duy nhất, chứ lúc nó bị dựt hết tiền, nó cứ vòng qua lại hoài trên đoạn đường đó, đến khi ngồi phịch xuống cũng đã hết nghiêng đâu, máy quay mãi chao nghiêng như cái tình cảnh đời nó vậy.
Tôi nhớ khung hình đỏ rực, cái cảnh lặng thinh lúc chung cư tắm trong ngùn ngụt lửa. Khắp nơi người ta cố chạy thoát thân khỏi giang hồ đòi nợ và khỏi lửa, có cố dập cũng không thắng nổi sự hung hãn của lửa. Mặt Ròm kín bụi than và khói đen, mọi thứ tua chậm đi và tôi ám ảnh mãi. Lúc đó tai tôi nó bảo thôi im thin thít đi, nghẹn cứng, rồi tôi bật khóc ngay trong rạp. Tàn lụi lan dần. Tôi không ngờ nó là đứa duy nhất muốn dập lửa dù chính nó phóng hỏa, để có tiền, để chủ nợ xóa nợ cho nó. Nếu nó nổi lửa đốt hết nơi ở tạm bợ, nơi nuôi sống, miếng ăn mình thì mới may ra đủ tiền.
Đốt cho ra tro tất cả, để rồi tôi thấy nó mới là người mất, mới thiệt nhất, những gì nó dành dụm, đánh cược đã thua sạch vào chính tay người nó nhen nhóm tình người và niềm tin. Theo lửa mà đi. Tức giận, ức chế, phẫn nộ, uất hận, bất lực, hoang mang, mỏi mệt, đau đớn, quay cuồng, cảm xúc tuôn xối xả qua từng bước đi nó khắp thành phố, đập ầm ầm vào lô cốt, ào ạt bắn vào nó khi xe rác lội nước lũ, lại ròng ròng chảy từ miệng hồi nó cắn vai thằng Phúc... Nó không có gì, sát nút tình thế chẳng còn gì, những vẫn phải chạy tiếp hòng bắt đầu lại.
Lúc nó nhoẻn cười, cầm tô hủ tiếu bà Ghi đưa, tôi đã la trong lòng trời ơi đừng có tin vội, bị lọc lừa hoài mà nó vẫn không thôi đi với Phúc, để nó cướp trên tay miếng ăn, rượt đuổi, đánh nhau, bị ép cho chết, khản cổ trầy da giành lại, vội quá để nhận lòng tốt rớt từ trên trời xuống của một bà ghi đề, để bả cuỗm mất hết tiền. Tôi không nói nó đừng tin, mà là đừng vội tin, phải suy xét, dè chừng, cho thời gian chứng nhận lòng tốt ai đó, cẩn thận hơn trong chính địa vị, hoàn cảnh, xã hội mà ta đang đối mặc. Đó, người nó tin nhất lừa nó, người nó không tin nhất đã có lần ở bên nó. Sự đa nghi đôi khi rất hữu ích, cảnh giác không bao giờ thừa, nhưng tôi khâm phục nó, sống đời vậy nhưng luôn tin, vẫn mang nét trong sáng, ngây thơ dù cuộc sống đối xử thế nào, chính đó mới biến nó thành anh hùng.

Phúc

Nó cũng mang dáng dấp của vừa anh hùng vừa phản anh hùng, tùy lúc và tùy người ta cảm nhận.
Phúc đen, ốm- cũng ròm chẳng kém cạnh Ròm, tất đứa nào đời như nó mà không mang đặc điểm đó. Nó phong trần, lẹ và sỏi đời. Người ta thấy nó tinh ranh, nguy hiểm, xảo trá. Người ta đa phần khinh thường, giận dữ, chà đạp, gớm ghiếc cả ngoại hình lẫn cách nó sống. Người ta gán tiếng xấu xa, cho nó một vai ác. Nhưng thử nhìn xem, mấy ai không phải vào vai ác trong đời?
Nó không hề tìm cách giấu, nó phanh trần bản chất đó hết cả ra ngoài. Nó muốn có cái gì thì bằng mọi giá phải nắm được. Nó làm tất cả vì quyền lợi, vì ước mơ, cho ngày hôm nay và ngày mai. Nó hiểu rõ nó phải liều, dấn thân làm gì để duy trì sự sống. Và sao trách nó được khi chính đời là kẻ duy nhất cho nó bài học, có muôn ngàn cách sống nhưng đâu ai bảo nó cách nào đúng cách nào không.
Ngay cái tên cũng nó tự lấy cho mình, cái tên Phúc đó là từ câu chửi của ông khách tây, nó lèo lái sao cho thành một cái danh đẹp, nghe được tai mà dùng, ít ra tốn sức hơn cả tên Ròm. Tôi nhìn nó, mong ước thầm phải chi có ngày nó bỗng tin tên nó là một phần của hai chữ ‘Hạnh Phúc’, biến đó thành động lực sống mà chạy tiếp. Cái thằng đánh nhau với Ròm bán sống bán chết khắp nơi, tới cận kề cái chết khi vật nhau trên đường ray, tránh đầu tàu ngay kẽ tóc; cái thằng nợ đến bị dọa chết bằng một phát búa giữa đầu; cái thằng đi lừa và bị lừa đó, sao trách nó thiếu tình người, ác ma mà không nghĩ: đâu phải cả đời nó thế. Nó chính là người duy nhất khiến đời Ròm ‘ngay thẳng’ một chốc, chạy song song bên Ròm, nó nhiệt huyết, gan lì.
Đời tôi luyện, đúc nó ra như thế, và ai biết nó có thể đổi thay? Có rủa xả thì ít lại cho nó một chút, hiểu phần nào cho phận nó.

Những kiếp người mưu sinh

1. Tiền & tình
Sau rốt chung quy vẫn là vì tiền, rồi là tình. Ai cũng cần tiền, chạy theo nó mới mong có được tình. Tiền là tấm vé, là lưỡi dao một sống hai chết cho những kiếp người nọ, hay là tất cả chúng ta. Vì tiền mà liều đổi mạng, liều ngông, liều cá cược, dấn thân vô và buộc mình tin tưởng mình sẽ thắng trong ván cược đó. Đâu ai dám nghĩ mình thua, vốn dĩ không nhào vô cũng thua- nhớ cảnh hai tờ tiền năm ngàn với hai trăm ngàn trước mắt thằng Ròm, nhớ những tờ giấy nợ, ghi đề, những hồi hộp của dân chơi đề khi đập thình thịch vô cái cát xét yếu sóng.
Có tiền thì thằng Ròm mới tiến gần hơn với ước mơ tìm lại nhà nó, có tiền thì dân chung cư mới giữ được nhà, duy trì cái tình lẫn nhau, có tiền gần như là có tất cả, nhất là cơ hội- thứ đắt giá và xa xỉ, vời vợi với họ. Vì tình mà bất chấp đúng sai, bất chấp cái chết cái xui rủi, nợ nần, đau đớn.
Nghĩ lại thì tình đó có lúc cũng mang dáng hình bớt 'hiểm ác' hơn, nhớ cái tình đó đã giữ cho khung hình đời Ròm thoáng chốc được bằng phẳng, cái tình bự chảng với ước mơ cảnh nó và Phúc chễm chệ trên chuyến xe lam ké tựa hai ông hoàng, cái tình đó biến thành bệ đỡ nâng nhọc mệt lên, bắt con người ta gắng gượng, xoa dịu khắc nghiệt. Tình cảm cho ước mơ mình thật lắm lúc ngược đời. Một đứa mơ là vũ công, thật nó luôn nhảy, nhưng là từ ô cửa này qua ban công nọ, đu trên xà ngang kia trên đường đua cuộc đời. Đứa kia thì mê vẽ, nó vẽ xấu òm, chằng chịt mái tôn đến tường nhà người ta, đúng một bức hình gia đình nó. Nó ép bản thân nhớ dựa vào bức vẽ mịt mờ điểm chung với mặt người thật, khắc mãi họ- những người không bao giờ quay lại đón nó, giết mòn chữ chờ bằng lời hứa hẹn năm xưa.
Chuyến xe ké đó đủ cả tình, tiền, nhưng chúng vụt qua trong nắng gió, trong nghiêng ngả, chông chênh.
2. Chạy, hay là chết
Tất cả nhân vật, mọi khung hình đều chạy.
Ráo riết, hối hả.
Ròm chạy bán mạng từ lúc mới bị đẩy vào đời, bị cắt đứt gốc gác, nơi bám rễ; chạy vắt giò mỗi 16h30 chiều bắt chụp những tấm giấy dò và những đồng bạc lẻ nhàu nhĩ; chạy khỏi công an chực chờ vồ lấy, chạy len lỏi qua đám người lúc tin lúc không nó mà dí đập vì thua đề; chạy tranh giành lẫn nhau mỗi cơ hội; chạy vào hiện thực cháy khét trước mắt- nắng qua mắt nó sao mà nheo nheo gắt gỏng suốt đời, chạy cho quá khứ- để cứ vòng lại bức tường nơi nó bị bỏ lại, cho chi chít một hình ảnh gia đình có ba người đang cười; chạy cho tương lai- hòng nắm được tấm vé xe tìm nhà, cho giấc mơ đổi đời chuyển kiếp; chạy mải miết dù không có báo hiệu dừng hay tới nơi.
Người trong khu chung cư chạy tiền cho đời- từ bà Ghi, ông Khắc, bà Ba... người chạy để trả nợ, người chạy để giữ mái ấm, người khác chạy đuổi đánh những bóng trắng rình rập mang nhà mình đi, chạy khỏi lửa một đêm liếm đen, liếm ra tro mục nát họ cố gìn giữ. Xe cộ, dòng người dòng đời chạy điên cuồng khắp đường, không khi nào ngưng dừng, không phút nào chậm hay ngơi nghỉ. Người chạy, thời gian chảy, trời trôi, ngày rồi đêm, đêm rồi ngày, đời có vắt đến khánh kiệt con người ta tới đâu thì cũng vẫn phải chạy trước cái đã. Sống và chết, ánh sáng và bóng tối cứ luồn, tuồn trong phổi, sộc tương lai để réo gọi, thúc giục bước chân.
Chạy, bởi vì đó là lựa chọn duy nhất.

Cái kết

Theo tôi nghĩ, theo rõ ràng ý nghĩa phim, rằng đời là cuộc chạy không ngừng, vậy nên cảnh cuối thấy Ròm và Phúc chạy mãi đã là trọn vẹn, là cái kết đúng, hợp lý, đương nhiên cho phim.
Sao lại bảo phim 'cục' quá?
Ai biết đời chúng, đời ta có gì phía trước, có biết đời sẽ về đâu? Người ta trông đợi, ép buộc để coi cái kết thỏa mong muốn, tươi sáng và viên mãn hơn mà không nhớ rằng bản chất đời là thế, cứ bám lấy định nghĩa hoàn hảo. Mà phim là lát cắt cuộc sống, chẳng bao giờ phản ánh đủ trọn, vừa chi tiết cụ thể, rộng mở vừa rất cô đọng. Ai cũng có quyền ước, nhưng cũng đừng quá trách cứ cái kết, bỏ lửng ngẩn ngơ ra nhưng hãy nghĩ rộng hơn, để thấy và hiểu. Hay là mình tự viết tiếp nó theo ý riêng?

Cái góc máy riêng

Từng bị chê ở LHP Cannes và quyết tâm theo lý trí mình và toàn ekip đã đánh bật đi cái chữ 'lỗi' từng bị gán, như điếc không sợ súng. Cái góc máy nghiêng đó phá tan hoang cái chuẩn mực, bị chê tơi tả, người ta không công nhận hay không thấy nổi cái dụng ý tả thực những kiếp sống xiêu vẹo, chao đảo đó khắp nơi trong xã hội khi vừa xem phim. Đó giờ tôi có thói quen nhìn phim như đang cầm chính máy quay vậy, và lần đầu tiên tôi mừng, mừng húm cái thói khá kì cục này đã giúp mình mò ra chìa khóa, cái ý của anh Thanh Huy muốn truyền tải, nghe anh nói mà tôi thấy không tưởng. Tôi tự hỏi sao phim nghiêng quá dữ từ hồi mới vô phim, nhưng không hề khó chịu, thắc mắc cả lúc Ròm nó sụp ngồi xuống đường mà chưa chịu thẳng, à lên, vỡ òa khi Phúc xuất hiện, dần chỉnh cho mặt đất thẳng lại.

Lời cuối

Xin cảm ơn tất cả những ai đã góp công sức, tiền của, thời gian để mang bộ phim đến với tôi, với khán giả, để chúng tôi được xem, cảm nhận, chiêm nghiệm và 'mở mắt'. Điện ảnh Việt Nam đầy tự hào đến vậy, dù phim đã qua chỉnh sửa, qua bao cản trở mới được chiếu thì tôi cũng thực lòng cảm ơn!
/200310-200410/
Trong khi nghe: WOWY - MV CHẠY (version Phượng)
Chẳng phải tôi không thấy cái hiện thực có phần phi pháp đó, người ta bàn nhiều rồi nên tôi chọn cách nheo mắt lại để thấy cái muốn thấy, đẹp hơn, gợn lòng hơn.