Sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô những năm cuối 8x đầu 9x, tôi được hưởng "đặc quyền" của kẻ được hít thở mùi không khí của sự giao thoa giữa chút tàn dư của nền kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường, của tuổi thơ thoảng mùi lúa chín và những ánh đèn neon nhấp nhoáng đủ màu.
"Từ đấy mình tôi cỏ mọc đầy / Dọc lòng hoa dại ngát hương lây" - Tế Hanh.
"Từ đấy mình tôi cỏ mọc đầy / Dọc lòng hoa dại ngát hương lây" - Tế Hanh.
Nhớ thời còn bé, trường tôi học là một ngôi trường làng đúng nghĩa với dãy nhà cấp 4 lụp xụp và khoảng sân chơi bằng đất nện phía sau dãy nhà chính. Con đường đến trường khi đó vẫn còn là con đường đất ngoằn nghèo chạy xuyên giữa đồng, hai bên đường là những ruộng lúa, vài thửa trống chuối, lá xào xạc khi có cơn gió mồ côi thổi qua, lác đác những bia mộ của những gia đình thổ cư trong làng. Ngày hè, khi lúa đã gặt, nền ruộng trơ ra những gốc rạ và đất nền nứt nẻ, bọn trẻ chúng tôi lại òa ra đồng để đá bóng. Mùi rơm rạ khô thơm nắng cháy, mùi tầng đất giữa còn ẩm ướt, mùi của cỏ tươi bị giẫm đạp, hòa với nhau lẩn khuất trong đám trẻ đang đuổi trái bóng tròn trong ánh chiều tà.
Giữa cánh đồng khi đó có 1 ngã ba đường, mà 1 nhánh trong đó là dẫn thẳng vào bãi tha ma của xã. Tôi vẫn nhớ như in, khúc ngã ba đó là một cái cống dẫn nước tưới tiêu mà mỗi độ nước lên, cả cái mương đầy xâm xấp. Cái cống đã hoen gỉ nhiều, là loại cửa cống tay xoay mà lũ trẻ chúng tôi hay đu lên rồi giả vờ như đang lái oto. Ngay đó là 1 gốc đề, xum xuê cành lá, đứng giữa đồng. Đi đâu về, chỉ cần nhìn thấy tán cây đấy là biết mình sắp về tới nhà rồi. Chẳng rõ có phải là một cách để ngăn cản bọn trẻ tôi bè tụ ở mương nước không mà người lớn trong khu đều bảo cây đề đó như là một "vị" cai quản bãi tha ma bên trong, đám ma nào đưa người qua đều phải dừng lại thắp một nén nhang dưới gốc cây rồi mới đi tiếp. Về tôi, xung quanh dưới gốc đề đó là cái vị chua chua nhằng nhặng của lá me đất cắn dập và những cái lá bé xíu xiu xinh xinh, e lệ khép lại khi có người chạm vào của cây xấu hổ.
Còn một điều nữa mà giờ ngẫm lại tôi mới thấy trẻ con bây giờ thiệt thòi so với hồi tôi thật, là thú vui nhảy rơm và rồng rắn nhau đi đổ dế trưa hè. Này nhé, không gì bằng cái trò nhảy rơm, những ụ rơm chất cao quá đầu người lớn, im lìm đứng giữa khoảng đất trống, vàng óng lên dưới nắng. Rơm khô giòn tan, êm êm, lớp ngoài khô cóng nhưng trong vẫn chưa kiệt nên còn nguyên mùi ngái ngái, vơ lên mũi hít vội còn thoang thoảng mùi lúa chín, sợi rơm vung vãi ra khắp một khoảnh ruộng. Nhảy cao mà không sợ ngã đau vì có đệm rơm đỡ, cười thỏa thuê thích thú mà tối về nhà chân tay xước dăm hết cả, bụi rơm bám lên quần áo da thịt thì ngứa không chịu nổi, cứ lâm râm chinh chích. Còn cái trò đổ dế, túm năm tụm bảy tha lôi nhau giữa buổi trưa nắng gắt, hò nhau vục cái chai xuống mương thật sâu, thật mau để đổ liên tiếp vào lỗ dế đùn mục. Những con dế nâu đen sẫm, bọn chúng tôi khoái chí bắt bỏ vào những cái chai, đem về nhà tha thẩn nuôi, thả vài cái lá làm thức ăn rồi mang đi chọi, cũng được đôi ba hôm vui đáo để.
Băng qua cánh đồng là đến ngôi trường tiểu học. Đúng nghĩa trường làng, trường tôi khi đó chưa được lên chuẩn Quốc gia như bây giờ, cũng chưa được cải tạo khang trang xứng với cái "vị thế" mới, vẫn là vọn vẹn mấy dãy nhà cấp 4 mái ngói lụp xụp và một căn nhà 2 tầng nơi có treo bức ảnh Bác cỡ đại và phòng làm việc của ban giám hiệu. Mỗi buổi sớm lên, nắng thủng thẳng chiếu xuống sân qua kẽ lá, ướp lên lá Quốc kì giữa sân, len lõi vào trong lớp không kịp tỏ tường chiếc bảng đen, trải dài trên những chiếc bàn gỗ học sinh ọp ẹp với mặt bàn chi chít vết compa và loang lổ vết mực đổ.
"Đến bây giờ khi là một người thích các mùi hương, tôi vẫn chưa tìm được thứ mùi tương tự như vệt mực loang năm nào. Cái mùi lành lạnh, hơi hăng hắc, có chút đắng lẫn trong mùi ấm ẩm của mặt gỗ thấm mồ hôi"
"Đến bây giờ khi là một người thích các mùi hương, tôi vẫn chưa tìm được thứ mùi tương tự như vệt mực loang năm nào. Cái mùi lành lạnh, hơi hăng hắc, có chút đắng lẫn trong mùi ấm ẩm của mặt gỗ thấm mồ hôi"
Từ trong lớp, bây giờ tôi vẫn mường tượng được cái khoảng sân đất phía sau trường ấy, nơi tường bao ôm trọn cả 2 gốc đa cổ thụ vào khuôn viên. Chếch góc sân là nhà vệ sinh của trường, một bức tường quây độc lập được dẫn tới bằng con đường gạch vụn và che phủ một góc bởi khóm tre xơ xác lởm chởm lá vàng thưa. Trên cái sân đất đầy cát và lác đác cỏ dại ấy, chúng tôi bày ra đủ các trò nghịch ngợm: nhảy ngựa, bắn bi, cõng nhau, đá cầu,... Thi thoảng, có mấy ông anh tham gia lớp võ của trường, lộn vòng không cần chống tay chạm đất trong ánh mắt ái ngại của mấy đứa nhỏ chúng tôi, đầu thì thầm nghĩ ngầu thật nhưng tốt nhất không nên gây họa kẻo lại bị gọi ra cổng trường sau giờ tan lớp.
Vui nhất phải là trò nhảy dây qua, bàn cao nhất phải là quá ngón tay duỗi thẳng của thằng chịu phạt đứng kiễng gót. Cả hội chỉ chăm chăm chờ một thằng nhảy siêu nhất, tung người lên làm cái cắt kéo ngọt thoăn thoắt, ghìm cái dây thấp xuống chạm đất, là túa xua chạy qua cho kịp để qua bàn.
Lũ trẻ chúng tôi đã mải miết chạy nhảy trên nền đất trong trường như thế, hồn nhiên như thế, dưới cái bóng mát của 2 cây đa cổ thụ. Chả biết từ bao giờ, 2 cây đa cứ lừng lững như 2 vị thần gác cửa, đến giờ vẫn tựa như một lằn ranh mơ hồ ngăn cách giữa khu tôi ở và nơi tôi đi làm đều đặn hàng sáng. Như một cột mốc bao năm mà mỗi khi đi qua, "À, nhà mình đây rồi", cảm tưởng không khí cũng nhẹ hơn, bóng tối cũng sậm hơn mà ánh nắng cũng nhẹ nhàng yên ả hơn bình thường. Như một lằn ranh mờ ảo, lờ mờ vạch một đường chia cắt giữa lo toan tất bật chuyện công danh với những điều vốn dĩ thuộc về gia đình và bản thân sơ khai. Lá đa to hơn bàn tay người lớn một chút, thô ráp, hơi gai gai lông tơ mịn. Kẽ lá gân guốc, xanh thẫm lên, những đường gân lá cứng cáp, gốc lá rụng còn nhằng nhặng mùi nhựa thâm đen...
(Còn tiếp)