Lần đầu tiên đọc sách của chị Phan Việt có lẽ cũng là tầm này năm trước, khi Hà Nội bắt đầu trở lạnh, hiu hắt. Bạn mình bảo rằng, không hiểu sao cứ có ấn tượng rằng chỉ khi người ta cô đơn mới có thể đọc được sách của Phan Việt. Mình gật đầu, chẳng biết đúng hay sai. Thực ra, đến bây giờ mình đã không còn nhớ mình đã từng đọc cả 2 quyển đầu trong bộ sách là Một mình ở Châu Âu và Xuyên Mỹ, hay chỉ đọc một trong hai, nhưng lần đầu mình tìm đến sách của chị cũng là lúc mình thấy cô đơn thật. Không phải cô đơn vì không thể tìm thấy ai để yêu, cũng không phải cô đơn vì không có bạn bè thân thiết, không ai đủ tin tưởng để sẻ chia. Cảm giác cô đơn của những ngày đông năm ấy là cô đơn vì đến chính mình cũng không thấy hạnh phúc khi ở bên cạnh mình, đến chình mình cũng không hiểu con đường mình đang đi, những điều mình đã chọn.
Hôm nay, trong lúc tán gẫu, mình có kể với anh mình rằng lúc buồn em hay xem phim buồn, đọc tiểu thuyết buồn.
- Khi buồn thì phải xem phim vui chứ em, buồn mà lại còn xem mấy cái thứ buồn kia thì… tự tử mất.
Nhưng lúc buồn mà còn xem những đoạn phim kể về một cuộc đời đẹp đẽ, một số phận thành công, thì chắc mình sẽ cô đơn và ghen tỵ chết mất. (Mình xấu tính mà :().

Lại kể về câu chuyện của chị Phan Việt, lần đầu biết đến chị và đọc sách của chị là 1 năm trước. Nhưng đến tận năm nay mình mới đọc Về nhà - quyển sách cuối cùng trong Bất hạnh là một tài sản. Để nói rằng Về nhà cho bạn cảm giác được về nhà, được giải thoát, được tìm thấy chính mình là ai, thì với mình là không. Về nhà chỉ mở ra một thế giới với một góc nhìn mới của một Tiến sĩ khoa học tại Mỹ, do gặp một vài biến cố trong cuộc đời mà bén duyên với đạo Phật. Về nhà chỉ mở ra một thế giới văn hoá rất Việt Nam mà ít người Việt Nam, hay ít nhất là những người trẻ như mình ít khi chú ý. Nói thật, mình đã từng đi chùa ở Việt nam vài buổi và không thể chịu được cái cách người ta đang dạy Đạo Phật ở Việt Nam vì cách truyền đạt quy chụp quá và đã không còn nguyên thuỷ nữa, dù nếu bỏ qua những thứ bề ngoài, những ngôn từ hay cách diễn đạt thì cốt tuý của nó vẫn hay. Đọc Về nhà, mình có được những trải nghiệm đúng như mong muốn. Về nhà mở ra một Không gian văn hoá của dân tộc mà ở đó mình thấy có văn minh và mê tín đan xen.
Suy cho cùng thì, văn minh hay mê tín, đúng hay sai, chính hay tà, thật hay mơ đâu có quan trọng bằng việc chúng ta được sống hạnh phúc và an lạc trong cuộc đời này. Câu chuyện của chị Phan VIệt đã truyền đạt xuất sắc tinh thần ấy.
Còn với mình, Về nhà vẫn là một câu chuyện hay và trọn vẹn, đủ ý nghĩa để bạn đọc khi cô đơn (hoặc không :3), để thấy rằng hoá ra không phải chỉ có mỗi bạn, ở đâu đó cũng có những con người đang tìm về chính mình, đang phải đối mặt với những cơn trầm cảm hay rối loạn thần kinh từ nhẹ đến nặng, có khi hoang hoải chùn bước, có lúc lại vui mừng hân hoan, như chính chúng ta khi trải nghiệm cuộc đời này.