Về một truyện ngắn trong “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư.
Một truyện ngắn trích từ tập truyện "Đảo" của Nguyễn Ngọc Tư. Một áng truyện buồn gieo vào lòng người những ngổn ngang trong tầng bậc xúc cảm...
1. “Tro tàn rực rỡ” – Truyện ngắn cuối cùng trong tập truyện không thể ngắn hơn.
Rực rỡ cho phút vinh quang cuối cùng trước khi lụi tàn, cho những le lói, lay lắt của một kiếp người. Tro tàn có chăng chỉ loé sáng trong phút chốc hiếm hoi nhưng lại chói loà đến rực rỡ. Phải chăng nó cũng giống như thứ sinh lực tràn trề đằng sau những phản kháng yếu ớt, sau cái ngặt nghèo, tù túng của những mảnh đời côi cút, quạnh hiu? Biết rằng, sức mạnh từ những khát vọng, những đấu tranh trong tâm thức của con người bị dồn vào bí bách là mạnh mẽ đến diệu kỳ. Song, đôi khi ta vẫn quá đỗi ngạc nhiên trước cái bùng cháy mãnh liệt của họ. Đó là tiếng kêu ai oán thấu trời, là những thức tỉnh của lương tri, là tiếng đồng vọng của muôn vạn tấm lòng.
Không hề có những diễn biến tâm lý kịch tính, câu chuyện nhẹ nhàng như kể về một cuộc dạo chơi của lữ khách đến một vùng nước non xa xôi nào đó. Câu chuyện được kể lại từ người phụ nữ hàng xóm – một mảnh đời cũng bâng quơ đờ đẫn trong cái xóm quê nghèo. Chuyện kể êm đềm tựa một dòng chảy nhưng lại âm ỉ những ai oán và khát khao mưu cầu hạnh phúc của một kiếp lênh đênh. Khát vọng đó cứ bập bùng như những ngọn lửa gặm nhấm tâm can. Dẫu vậy, cái lạnh lẽo và u uất, trầm buồn vẫn từng chút len lỏi vào lồng ngực những người đứng bên lề câu chuyện, khiến ta bỗng chốc tựa hồ rơi vào cái nốt lặng của vùng hỗn mang ấy.
Viết về số phận người phụ nữ, không bao giờ ta kể hết được những bất công, những cay đắng, bẽ bàng. “Tro tàn rực rỡ” kể về một người phụ nữ tên Nhàn mà thân tâm lại chẳng nhàn. Người phụ nữ cặm cụi, lặng lẽ trong xó nhà, chết dần chết mòn trong cái oái oăm của cuộc đời. Cô Nhàn sống để xây nhà cho chồng đốt. Người chồng cứ mỗi khi phật ý lại đốt nhà, như một cách để giải thoát cho sự u uất của mình. Ngôi nhà cháy to, đó là một sự việc lớn ở vùng quê nghèo. Cứ xây rồi lại đốt, dần dần, mái nhà vốn kiên cố trở thành một chốn tạm bợ, nương nhờ vì chẳng biết khi nào sẽ hoá thành những muội than đen xì, xơ xác. Nhàn, cùng với tâm can đã chết của mình, ngẩn ngơ nhìn ngọn lửa hừng hực chói mắt trong đêm đen, điềm nhiên đến vô cảm.
Nhàn bao lần lách mình khỏi đám lửa, ngồi nhìn chồng, giống như một khán giả nhỏ tuổi ngơ ngẩn trước một buổi biểu diễn mà mình chẳng thể hiểu. Nhưng trong mắt chồng chỉ có ánh lửa, không có Nhàn. Chồng Nhàn say mê cái rực rỡ của lửa. Ánh lửa nóng bỏng đã cứu rỗi linh hồn của một người đàn ông có lẽ cũng đang mắc kẹt trong những ảo ảnh đan cài không lối thoát. Dường như trong cái xó quê nghèo tăm tối, ai cũng mong nhặt nhạnh một giọt ánh lửa để nhìn thấy con đường bước tiếp trong cuộc đời quạnh hiu của mình. Bóng tối bao quanh khoác một màu hoang lạnh, khiến lòng người cũng tan hoang. Khi không thể có cuộc đời rực rỡ như ngọn lửa, họ chọn cách phá huỷ đời mình. Có lẽ, đó là cách duy nhất để họ biết rằng mình đang sống, để được say sưa, mê đắm trong cái quyền năng được phá hoại, định đoạt. Giống như chồng Nhàn, khi buồn tủi, anh ta đốt nhà.
2. Khao khát được nhìn thấy của một cõi lòng đã chết.
Những người đàn ông ở xóm quê ấy, cưới một cô vợ hiền nhưng vài tháng sau lại không còn nhìn thấy vợ mình nữa giữa những hao mòn của cuộc đời. Họ không nhìn. Họ chỉ nhìn thấy một cái bóng vật vờ qua lại trong xó nhà, cặm cụi trong bếp. Những người vợ đã lâu không còn được nhìn đến bằng đôi mắt ngọt ngào như thời nàng và chàng còn trẻ. Họ đâu còn thấy mình trong cái nhìn của người hằng đêm vẫn đầu ấp tay gối. Họ sống dật dờ, thui thủi dọn dẹp, quét tước, thổi bếp lửa, thổi luôn những phai tàn chóng chánh của thanh xuân. Người phụ nữ trong ngày bước theo chồng, có lẽ với thật nhiều những dự cảm chẳng lành, đã định trước sau đó là những năm tháng sẽ không còn được tan trong đôi mắt tình si…
Đằng sau cái vẻ trầm buồn dửng dưng trước đám cháy, cô Nhàn có bao nhiêu những đau đớn, buồn tủi. Trong ánh mắt thẳm sâu hứng lấy thứ ánh sáng lập loè của ánh lửa, có lẽ có nhiều hơn những khao khát được chồng một lần nhìn đến. Trái tim nào chẳng mong mỏi được yêu thương khi nó còn thổn thức từng nhịp đập. Dẫu có ở tận cùng của sự tuyệt vọng, con người ta, những người phụ nữ vẫn chờ đợi một sự thức tỉnh lương tâm từ người đàn ông đã làm mình đau. Và hẳn cũng nhiều lần, họ đã tìm kiếm nơi người chồng một cử chỉ ấm áp hay một chút để tâm nhỏ nhặt. Trên tất cả, họ cố lục tìm hình bóng mình trong đôi đồng tử từ lâu đã chẳng còn biểu lộ điều chi, mong cầu được thấy lại những mê mẩn đắm say từng dành cho mình.
“…đêm đó bóng em in mắt anh, trọn vẹn. […] Nhưng cái nhìn đó không bao giờ em còn thấy lại. Cả khi em nói anh ơi con Tí lại có em rồi, đạp mạnh lắm, chắc con trai. Mắt chồng vẫn tối, lạnh, sâu.”
Cô Nhàn chưa từng oán trách chồng, cũng chưa từng có ý muốn rời đi. Ta chỉ thấy, xuyên suốt câu chuyện, một sự nhẫn nhịn, cam chịu và đợi chờ trong vô vọng. Cô vợ ấy, một hôm đã không chạy ra khỏi đám cháy như mọi lần, mỉm cười mãn nguyện tan trong khói lửa. Lửa nuốt lấy thân thể gầy mòn, thiêu đốt tâm can người đã chết từ thuở đôi mươi. Không biết, là do Nhàn đã mệt mỏi muốn buông xuôi, hay vì Nhàn nghĩ, chỉ ở giữa đám cháy, chồng mới nhìn thấy cô.
3. Khi hôn nhân trở thành mồ chôn của tình yêu.
Không phải tự nhiên, người ta lại luôn so sánh vẻ đẹp phụ nữ với những bông hoa tươi thắm. Hoa đẹp, mơn mởn xinh tươi, chỉ là có bao giờ hoa lại không tàn. Hoa bất tử dù khi tàn vẫn giữ nguyên màu sắc vốn có, nhưng cánh hoa đã khô héo và chẳng thể mềm mại như nó đã từng. Đôi má hồng nào mà không thành nhăn nheo, vẻ mỹ miều nào đến tuổi xế chiều còn nồng đượm? Phụ nữ chỉ có một khoảng thời thanh xuân để khoe hương sắc rực rỡ của mình.
Phụ nữ đẹp nhất ở tuổi đôi mươi, tình yêu đẹp nhất khi còn dang dở. Dang dở với những anh, những em lung linh trong mắt nhau. Dang dở với những viễn cảnh và dự định tươi đẹp cùng lời hứa vẫn chưa thực hiện được. Bởi vì nó dang dở, nó buộc mình phải nghĩ, phải say mê trong những hình dung đẹp nhất. Nếu dang dở, chàng sẽ vẫn luôn nhìn thấy nàng, không chỉ qua đôi mắt, mà là qua trái tim vẫn khe khẽ bồi hồi những khi nhớ về. Và bằng nhịp thở, bằng say mê đến nao lòng, bằng tiếc nuối cho những dở dang thời non dại.
Người ta thường nói, hôn nhân là mồ chôn của tình yêu. Hôn nhân bào mòn đi những mơ mộng và lãng mạn của tình yêu bằng những thực tế, chật vật và những xa xôi cách trở của hai lối sống đã định hình từ lâu đâu dễ đổi thay. Hôn nhân vùi lấp tình yêu, bởi chàng không còn nhìn thấy vẻ yêu kiều, lung linh của nàng, không còn đôi má hồng nào trong đôi mắt kẻ cuồng si. Khi tình yêu trở thành tình thân, chàng thấy nàng như một người sẽ luôn ở đó, bị trói buộc trong một điểm cố định mà nàng đành phải an phận thủ thường. Hôn nhân quả là một chốn trở về an toàn cho chàng, nhưng lại là những mảng lạnh lẽo bao trùm lấy tâm can nàng. Cái chết từ từ của trái tim bởi những ánh nhìn đã chẳng còn những xao động, nồng thắm. Đôi mắt chàng tối tăm và sâu hoắm, nàng không nhìn thấy mình, không nhìn thấy yêu thương, không thấy những trọn vẹn trăm năm như lời từng nguyện ước.
Đâu đó, giữa mơ hồ tuyệt vọng, trong gương mặt bình thản nhưng chất chứa u sầu, trong trái tim đã lạnh nhưng vẫn thèm được yêu, nàng cất lên tiếng hét đến xé lòng: “Hãy nhìn em. Hãy nhìn vào đôi mắt, bờ môi, nhìn ngắm thân thể em như những ngày đầu anh được có em trong đời."
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất