Cách đây ba năm, hồi còn là một cô sinh viên với đam mê dành cho Esport, mình rất hăng hái với những công việc trực tiếp và gián tiếp với ngành này – từ làm trọng tài giải đấu cho đến tổ chức clb thể thao điện tử sinh viên. Công việc mình làm lâu và gắn bó nhất hồi đó có lẽ là nhân viên tại một tiệm net gần khu làng Đại học của mình.
Công việc của mình bao gồm: phục vụ đồ ăn thức uống, xử lý thanh toán nạp tiền vào tài khoản cho khách, giới thiệu menu mới và cả làm các công việc truyền thông cho tiệm. Với vị trí là nhân viên tại tiệm, chúng mình luôn phải tuân thủ quy định trang phục rõ ràng: nhân viên nữ mặc áo đồng phục với chân váy, đồng nghiệp nam mặc cùng loại áo nhưng với quần dài. Quy định này không là vấn đề gì với mình cả vì mình thực sự thích mặc váy và cũng cảm thấy vô cùng thoải mái trong trang phục đó.

Cho đến khi không còn như vậy nữa.

Thời đó, có một khách hàng nam thường xuyên bắt đầu tới tiệm thường xuyên. Ban đầu mình thấy vui vì việc một người khách trở nên gắn bó với tiệm là niềm vui của mình. Chuyện sẽ không có gì nếu mỗi lần mình đi ngang qua chỗ ngồi của anh khách quen đó, anh ta đều luôn hướng ánh mắt vào đùi mình theo cách khiến mình vô cùng khó chịu. Là khách quen, anh hay trò chuyện với các bạn nhân viên nam ở tiệm. Nhờ lời kể lại của đồng nghiệp, mình biết được rằng anh ta đã công khai nhận xét mình "ngon" trong những cuộc trò chuyện này. Anh khách quen này thậm chí còn tìm thấy tài khoản Facebook của mình, gửi các tin nhắn như "Hôm nay em có đi làm không?" vào những hôm không thấy mình ở tiệm.
Từ đó, mình thấy sợ. Nỗi sợ hãi len lỏi vào cuộc sống làm việc hàng ngày của mình. Ngày nào đi làm, mình đều thầm hy vọng anh ta sẽ không đến tiệm. Mình mất tự tin khi diện bộ đồng phục của mình. Mình xin chuyển ca vào làm thu ngân – chỉ ngồi ở quầy tính tiền thay vì phải di chuyển nhiều ở trong tiệm như trước.
Cuối cùng, mình quyết định chia sẻ trải nghiệm này với quản lý. Và câu trả lời của anh, thật bất ngờ, là một “lời khen”:
"Tích cực là Huệ Anh xinh nên người ta mới muốn nhìn em như thế".
Mình biết anh không có ý xấu và có lẽ anh cũng chỉ muốn an ủi mình với sự hài hước kèm “lời khen” như thế để làm mình thoải mái hơn.
img_0

Câu chuyện lớn hơn đằng sau

Gần ba năm sau khi rời khỏi công việc ở tiệm net đó, mình có vô tình lướt thấy các bài đăng trên mạng xã hội của quán.
Với một đôi mắt đã trưởng thành hơn, mình nhận ra đa số content ở Tiệm đó sẽ là kiểu:
Content "phát người yêu" với hình ảnh các bạn nhân viên nữ
Content "phát người yêu" với hình ảnh các bạn nhân viên nữ
Gọi nhân viên là "Emi Fukuda"
Gọi nhân viên là "Emi Fukuda"
Gọi nhân viên nữ đội nơ là "quà siu to"
Gọi nhân viên nữ đội nơ là "quà siu to"
Ồ, đó là lúc mình nhận ra, việc được yêu cầu mặc váy hay lời khen ngày xưa bắt đầu trở thành một câu chuyện có hệ thống – câu chuyện về cách cơ thể phụ nữ chúng mình đã bị thương mại hóa như nào trong ngành dịch vụ.

Thương mại hóa người lao động nữ

Ranh giới mỏng manh giữa “nhân viên” và “sản phẩm” này không xảy ra một cách ngẫu nhiên mà là kết quả của một hệ thống kinh tế biến mọi thứ thành hàng hóa, bao gồm cả những khía cạnh phi vật chất như vẻ đẹp, sự thân thiện và cảm xúc.
Nhà nghiên cứu Arlie Hochschild mô tả hiện tượng này như một quá trình "thương mại hóa cảm xúc" (commercialization of feeling) nơi không chỉ kỹ năng mà cả tính cách, kĩ năng quản lý cảm xúc và khả năng làm người khác thoải mái cũng trở thành hàng hóa. Đối với lao động nữ, quá trình này mang thêm một lớp phức tạp khi cơ thể họ được đặt vào vị trí của "sản phẩm" để khách hàng thưởng thức (commodification of women’s bodies) (xin hiểu rằng thuật ngữ này không bao gồm những người nữ lao động tình dục dựa trên sự đồng thuật của họ).
Khi một tiệm net sử dụng hình ảnh nhân viên nữ như một chiến lược tiếp thị, họ đang tạo ra một “hợp đồng”, một thông điệp ngầm với khách hàng của mình – rằng việc ngắm nhìn các nhân viên nữ sẽ là một phần của trải nghiệm dịch vụ. Điều này tạo ra những hệ quả sâu sắc cho những người phụ nữ buộc phải làm việc trong không gian đó, nơi họ không chỉ phục vụ bằng lao động mà còn bằng chính hình ảnh của mình.

Nội tâm hóa nhãn quan nam giới

Có lẽ điều tinh vi nhất là cách hệ thống này đã dạy phụ nữ (bao gồm cả mình hồi đó) nội tâm hóa việc thương mại/vật thể hóa chính mình, hay nói cách khác, nội tâm hóa nhãn quan nam giới (internalised male gaze).
Khái niệm "male gaze" (nhãn quan nam giới/ánh nhìn đàn ông) được nhà phê bình điện ảnh Laura Mulvey giới thiệu vào năm 1975 để mô tả cách thức điện ảnh đại chúng định vị người xem ở vị trí của một người đàn ông dị tính, biến nhân vật nữ thành đối tượng của sự thèm muốn và ngắm nhìn.
Trong câu chuyện này, cách phản hồi của quản lý, các bài viết trên fanpage, cách những comment tỏ ra thích thú dưới các bài viết kia và sự chú ý của khách hàng nam, từ lúc nào không hay, đã trở thành tiêu chuẩn khiến người nữ liên tục phải nhận thức về diện mạo của bản thân, sao cho phù hợp và thu hút nhất với tệp khách hàng của tiệm.
Mình gọi nó là “lời khen” tinh vi, bước đầu cho quá trình nội tâm sự thương mại hóa cơ thể của phụ nữ.
Dù mình không còn là cô nhân viên tiệm net ngày nào, nhưng mình tin rằng câu chuyện tương tự về vật thể hóa phụ nữ, thương mại hóa phụ nữ (và có thể cả nam giới) vẫn đang tiếp diễn trong vô số không gian.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, mình muốn gửi lời chúc đặc biệt đến tất cả những người phụ nữ trên thế giới này. Mong rằng bạn có thể từ chối định nghĩa bản thân qua nhãn quan người khác, bất kể đó là ai và bắt đầu “era” tin tưởng vào giá trị của chính mình.
Hỡi các doanh nghiệp, hỡi các nhà quản lý có đọc được bài viết này, hi vọng thông điệp này đến được với bạn. Hãy cùng nhau cam kết xây dựng những không gian - cả trong cuộc sống cá nhân lẫn môi trường kinh doanh - nơi mỗi người phụ nữ có thể tự tin định nghĩa và khẳng định giá trị của chính mình, không phải qua lăng kính của người khác, mà qua sự trọn vẹn của chính họ. Sự tôn trọng và trao quyền cho nhân viên nữ của bạn sẽ thu hút được những tài năng tốt hơn, xây dựng được văn hóa làm việc tích cực hơn, và cuối cùng là tạo ra những giá trị bền vững hơn.