Khi biết mình là một người nghe nhạc Cổ điển, nhiều bạn đã có phần bất ngờ. Trong vòng bạn bè của mình, cũng từng rất ít những bạn có cùng sở thích nghe và ngâm dòng nhạc này. Thế nhưng Cổ điển đối với mình luôn mang một vẻ đẹp đặc biệt, không ngừng thôi thúc mình chia sẻ và nói về nó. Trong bài viết này, mình chỉ đơn giản là đi tìm hiểu một lần nữa về nó, để hiểu hơn sức hút của Cổ điển đối với mình. Và, một lần nữa, chia sẻ điều ấy.

Hành trình Yêu Cổ điển 
Mình đã nuôi dưỡng một cảm nhận đặc biệt với dòng nhạc Cổ điển từ khá lâu rồi. Còn nhớ lần đầu tiên khẳng định thành lời cảm nhận này là khi mình học trong lớp Anh Văn. Câu hỏi trong sách lúc đấy là: "What is your favourite kind of music?" - "Thể loại nhạc bạn yêu thích là gì?". Ba tiếng Nhạc cổ điển đã tự nhiên bật ra trong đầu mình trước khi mình thậm chí thắc mắc: Có cả thẩy bao nhiêu loại nhạc trên đời! Năm ấy, mình mới lớp Một.
Phần vì tật sĩ diện, cho nên ngay sau cái buổi tự-tuyên-bố-sở-thích có tính lịch sử ấy, mình bắt đầu tìm hiểu về âm nhạc. Tất thảy! Mình lội ngược dòng về với cội nguồn và lịch sử của âm nhạc, đọc về các tác giả và tác phẩm, đọc về các thời kỳ âm nhạc và các bài phẩm bình âm nhạc. Đó là lúc nhạc Cổ điển thực sự chảy vào cuộc sống của mình. 
Phần hậu chuyện, có lẽ nhiều bạn bè của mình cũng đã rõ: Mình bắt đầu nghe, xem phim, và học chơi Cổ điển. Dù cho đến tận bây giờ, sau gần 15 năm, thành tích của mình trong môn nhạc vẫn tính là lẹt đẹt; mình có thể khẳng định rất chắc chắn rằng bản thân mình yêu thích Cổ điển. Lòng yêu và cảm nhận đặc biệt trong lòng mình dành cho nó là có thật.

Lạm bàn Cổ điển 

Biết và yêu thích Cổ điển rồi, mình bắt đầu thấy buồn bởi vì dòng nhạc của mình chẳng được phổ biến cho lắm. Bạn cũng biết đó, khi yêu thích một điều gì, bạn sẽ rất mong muốn có thể chia sẻ và cùng đồng cảm với người khác về nó. Cho nên lúc ấy, có thời điểm mình buồn đến mức chạy đi năn nỉ bọn bạn bè của mình nghe thử nhạc cổ điển đi. Năn nỉ mãi rồi, mình quay sang tham gia hoạt động truyền bá. Ngoài việc tham gia mấy tổ chức tình nguyện truyền bá nhạc Cổ điển, mình còn dày mặt đem chút miếng vĩ cầm mèo quào đi kéo đông, diễn tây. Tất thảy, chỉ là muốn lôi kéo bạn bè đồng lứa cùng chia sẻ sở thích của mình.
Kết quả thì sao? Bất chấp mọi nỗ lực! Rất nhiều bạn bè của mình sau khi được giới thiệu và thử qua nhạc cổ điển đều nhận xét nhạc hay, rất thích hợp làm... nhạc nền thư giãn lúc học bài. Chẳng biết bạn nghĩ thế nào, chứ với mình thì đấy là thất bại. 
Vì mình biết Cổ điển hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn thế. Cổ điển, như mọi tạo tác tự xa xưa của nhân loại, đều hàm chứa những ý niệm và tư tưởng được tích luỹ suốt một thời đại. Giống như bức tượng David, kiến trúc Kim tự tháp, vườn treo Babylon, những thiên sử thi và thần thoại các nước... bản thân Cổ điển không chỉ được sinh ra để là một vài khắc giải trí, mà còn là một chiếc hộp lưu trữ những thông điệp và tinh hoa của thời đại. Bên cạnh cái cốt lõi là cảm xúc và suy tưởng người soạn nhạc gửi gắm đến công chúng, bản thân chiếc vỏ chứa - chủ đề, nhạc cụ, phối khí... - cũng mang trong mình vô số những mật mã mà, nếu được hoá giải, sẽ trở thành sự hiểu biết đồ sộ về tính thẩm mỹ, đời sống, và thành tựu của hàng trăm năm nghiên cứu, tích luỹ trong nghệ thuật sáng tạo âm nhạc và tạo tác nhạc cụ.
Tất cả những thành tố đó, tự tiểu vi đại, đã góp phần hình thành nên cái tổng hoà chung là giá trị của Cổ điển. Đó không chỉ là giai điệu - âm điệu hay. Đó là tầng tầng lớp lớp kiến thức và ý nghĩa được tích luỹ bởi nhân loại suốt trăm nghìn năm. Cũng hệt như những tuyệt tác văn học, chúng sẽ càng lúc càng hay hơn một khi người thưởng thức hiểu biết rộng hơn, và thấu hiểu nó tượng tận hơn, một cách chủ động hơn. Đó, âu, cũng chính là sự Hàn Lâm ẩn trong bản thân âm nhạc Cổ điển.
Mình đã từng phủ nhận, nhưng giờ thì xin thừa nhận! Nhạc Cổ điển đích thị là một thứ âm nhạc Hàn Lâm. Như sử thi Đăm Săn, nếu không khảo cứu và tìm tòi, ắt sẽ khó lòng mà cảm nhận, nhưng bức tranh Mona Lisa, thoạt nhìn chẳng hiểu được tài nghệ của vị thiên tài kia,... chân giá trị của nhạc Cổ điển chỉ có thể được cảm nhận trọn vẹn khi người tiếp nhận có sự nghiên cứu và sở hữu những tri thức đủ để thấu hiểu được nó.
Cổ điển mang vẻ bí ẩn của những gì đã thuộc về quá khứ. Nó đại biểu cho một xu hướng thể hiện cảm xúc và tư tưởng thông qua những biểu hiện hơn là ngôn từ, một xu hướng mà e là đã quá cũ. Nhưng chính vì vậy mà Cổ điển sở hữu một màu sắc riêng biệt, đồng thời sở hữu tính ứng dụng tuyệt vời. 
Song, cũng chính vì vậy mà nhạc Cổ điển quả rất khó để được thấu hiểu và yêu thích, khó có thể bước vào lòng người hiện đại - đặc biệt là người trẻ. Chúng ta đơn giản là chưa, hay tạm thời không sẵn sàng để tiếp nhận những thứ Hàn Lâm. Hoặc giả, xu hướng xã hội chúng ta hiện đang là như vậy.

Đối diện Hàn Lâm 

Nghe như là mình đã từ bỏ việc truyền bá loại nhạc mình thích rồi ấy nhỉ? Đừng vội mừng! Bởi lẽ càng hiểu rõ về bản chất hàn lâm của Cổ điển, mình lại càng không thể từ bỏ ý định đem nó đi truyền bá rộng khắp. Cố chấp, có lẽ. Nhưng mình tin rằng: Sự mở lòng đối với tính Hàn Lâm với Hành động tiếp nhận những thứ Hàn Lâm tương tự câu chuyện Con Gà và Quả Trứng - không nhất thiết phải xuất hiện theo một trình tự nhất định, mà mỗi ý đều có thể kích hoạt ý kia. Nói cách khác, bạn không nhất thiết phải là người chủ động tìm hiểu sự hàn lâm để bắt đầu thưởng thức nhạc Cổ điển.
Hơn nữa, mình tin việc đem nhạc Cổ điển đến với công chúng là một đóng góp lơn cho sự phát triển chung của xã hội. Bởi vì bản thân Cổ điển đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực để thấu hiểu, nên nó rèn giũa cho người thưởng thức một tư duy cởi mở, chủ động, và linh hoạt. Bằng kết cấu đa tằng, nhạc Cổ điển sẽ góp phần kiến tạo chiều sâu trong tri thức và tâm hồn của những ai đến với nó và tiếp nhận nó. Thông qua việc phổ biến hoá nhạc Cổ điển, chúng ta góp phần làm giàu thêm nền tảng tinh thần của cộng đồng.
Một luận cứ khác khẳng định tính khả thi của ước mơ phổ biến hoá nhạc Cổ điển: Bản chất của Cổ điển vẫn là âm nhạc. Nói cách khác, bản chất Âm nhạc và Hàn lâm là hai bản chất cùng tồn tại trong chủ thể Cổ điển. (Giống bản chất Sóng và Hạt của ánh sáng. Nhưng thôi, ai quan tâm!). Mà, âm nhạc là một thứ có thể được tiếp nhận rất dễ dàng thông qua cảm thụ cơ bản nhất - lắng nghe. Mặc dù lắng nghe không giúp bạn hiểu và trầm trồ trước tất cả những chiều sâu của tác phẩm, hay giúp bạn hiểu rõ vì sao người ta suy tôn Mozart là thần đồng, và nhạc piano của Chopin đặc sắc tới mức nào; nhưng bằng việc lắng nghe, bạn cho phép tâm tư mình cởi mở trước những giá trị tinh tuý của nhân loại. Đó chính là những bước đầu tiên trên còn đường thấu hiểu những ý nghĩa hàn lâm hàm chứa trong thể loại âm nhạc này - bước đầu đơn giản nhất.

Một lời mời từ người trót Say Cổ điển 

Vậy, tiếp theo là gì? Có lẽ, mọi điều mình muốn nhắn nhủ với bạn chính là: Hãy mở lòng với Cổ điển. Bạn có thể tạm quên đi những tầng lớp ý tưởng phức tạp kia đi, và dành ra chút thời gian ghé đến để ngồi trong một nhà hát. Chìm vào bóng tối trong hàng lớp lớp dãy ghế, hãy phong bế những giác quan khác và đóng tạm những liên hệ với bên ngoài. Cho phép mình đơn thuần lắng nghe Cổ điển trong không gian thính phòng được thiết kế riêng cho nó, và thả lỏng trí tưởng tượng của mình chơi đùa cùng các giai điệu và kết cấu phức tạp.
Hoặc, hãy đến với một bản nhạc Cổ điển theo một cách khác hẳn: hãy lắng nghe và đọc những câu chuyện về nó. Cho phép bản chất Hàn lâm được tự thể hiện mình và khiến bạn ngạc nhiên. Và rồi, hãy từ từ cảm nhận - hàng trăm năm văn hoá nhân loại sẽ trôi qua tâm tưởng của bạn với một chút dư vị nhẹ nhàng. Hãy thử, và bắt đầu trải nghiệm Cổ điển, như thế. 
16.01.2018